Sỏi tiết niệu là một bệnh lý phổ biến ở Việt Nam, trong số này sỏi thận chiếm đến 50%. Sỏi thận kích thước lớn có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm. Vậy kích thước sỏi thận bao nhiêu thì phải tán? Câu hỏi sẽ được giải đáp trong bài viết sau.
1. Biến chứng của sỏi thận
Sỏi thận kích thước lớn hoặc một số sỏi thận có hình thái, tính chất đặc biệt có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. Các biến chứng sỏi thận bao gồm:
- Tắc đường tiểu: Sỏi thận chèn ép làm tắc đường tiểu dẫn đến ứ đọng và cản trở bài xuất nước tiểu.
- Nhiễm trùng tiết niệu: Sỏi di chuyển gây cọ xát, phù nề đường niệu, là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn xâm nhập, gây ra tình trạng nhiễm trùng tiết niệu.
- Thận ứ nước: Tình trạng tắc đường tiểu do sỏi thận khiến cho thận ứ nước, có thể gây suy thận cấp, lâu dần thành suy thận mạn.
- Suy thận: Sỏi thận có thể gây suy thận do thận ứ nước, nhiễm trùng đường tiểu nặng,...
- Vỡ thận: Thận ứ nước mức độ nặng do sỏi có thể khiến thận bị vỡ, tuy nhiên biến chứng này rất hiếm gặp.
2. Sỏi thận có thể tự đào thải?
Một số sỏi thận có thể tự đào thải ra khỏi cơ thể tùy thuộc vào kích thước và vị trí của viên sỏi:
- Kích thước sỏi thận: Đây là yếu tố chính quyết định việc tự đào thải của sỏi. Sỏi thận kích thước nhỏ có thể tự đào thải ra ngoài qua đường tiểu với tỷ lệ lên đến 70-80% bệnh nhân bị sỏi thận, thường là sỏi có đường kính ≤ 5mm. Sỏi thận có đường kính > 5mm có nguy cơ bị mắc kẹt. Một nghiên cứu cho thấy 80% sỏi có kích thước <4mm được đẩy ra ngoài sau 31 ngày di chuyển từ thận qua hết đường tiết niệu để ra ngoài, 60% sỏi có kích thước 4-6mm tự đào thải sau khoảng thời gian trung bình 45 ngày và chỉ khoảng 20% sỏi có kích thước >6mm tự bài xuất ra ngoài nhưng cần thời gian rất dài, có khi lên đến 1 năm.
- Vị trí viên sỏi: Nếu sỏi thận rơi vào niệu quản, xuống gần sát bàng quang thì có khả năng tự bài xuất ra khỏi cơ thể khi đi tiểu với tỷ lệ 48%.
3. Những phương pháp điều trị sỏi thận
Với sự phát triển của y học hiện đại, nhiều phương pháp điều trị sỏi thận đã được ra đời phù hợp với đặc điểm cụ thể của từng bệnh nhân. Các phương pháp điều trị sỏi thận bao gồm:
- Tán sỏi bằng sóng ngoài cơ thể (ESWL): Đây là phương pháp điều trị ít xâm lấn, an toàn và hiệu quả nếu được chỉ định đúng. Kỹ thuật được thực hiện nhờ kích hoạt sóng xuyên qua da nhằm mục đích phá vỡ viên sỏi thành các mảnh nhỏ để chúng có thể theo nước tiểu bài xuất ra ngoài.
- Phẫu thuật nội soi tán sỏi thận qua da: Bác sĩ xuyên kim nhỏ qua da tại vùng hông lưng để vào thận dưới sự hướng dẫn của siêu âm hoặc X-quang, sau đó tiến hành tán vỡ sỏi thận bằng tia laser, sóng siêu âm,...
- Nội soi tán sỏi thận ngược dòng bằng ống soi mềm: Tiến hành đưa ống soi mềm qua đường tiểu đến niệu quản, đi tiếp lên đến bể thận, từ đó vào các đài thận, sau đó tán vụn sỏi thận bằng tia laser và lấy ra ngoài.
- Nội soi tán sỏi bằng ống soi cứng: Tiến hành đưa máy soi vào bàng quang đến lỗ niệu quản, sau đó dùng dây dẫn luồn qua niệu quản, tiếp cận sỏi và thực hiện tán sỏi.
4. Kích thước sỏi thận bao nhiêu thì phải tán?
cứ vào đặc điểm cụ thể của sỏi thận ở từng bệnh nhân cũng như các biến chứng do sỏi gây ra, cụ thể:
- Sỏi thận mới hình thành thường có kích thước nhỏ (<7mm) và chưa gây ra triệu chứng hay biến chứng, nếu được phát hiện ở thời điểm này có thể điều trị với các phương pháp bảo tồn, bệnh nhân có thể được điều trị nội khoa (uống thuốc), tuy nhiên thuốc chỉ hỗ trợ kìm hãm sỏi phát triển và đôi khi có thể gây ra một số tác dụng phụ nhất định.
- Sỏi thận kích thước lớn trên 20mm thường bắt đầu gây ra các triệu chứng hay biến chứng cho bệnh nhân như thận ứ nước, nhiễm trùng tiết niệu,... Do đó, chỉ định can thiệp ngoại khoa như tán sỏi, mổ sỏi thận được đặt ra trong trường hợp này nếu không sẽ để lại biến chứng nguy hiểm. Sỏi kích thước lớn nhưng chưa ảnh hưởng chức năng thận, chưa gây ra bất cứ biến chứng nào thì có thể cân nhắc việc điều trị ngoại khoa hay không.
- Sỏi thận kích thước nhỏ nhưng đã xuất hiện triệu chứng hay gây ra các biến chứng như thận ứ nước, nhiễm trùng tiết niệu,... thì vẫn nên can thiệp điều trị bằng các phương pháp ngoại khoa như tán sỏi hay phẫu thuật. Ví dụ, đặt câu hỏi “sỏi thận 8mm có phải mổ không”, thì cần xem xét các triệu chứng, biến chứng do sỏi gây ra mới quyết định phương pháp điều trị phù hợp, nếu viên sỏi thận 8mm nhưng có cạnh sắc nhọn, làm tổn thương niêm mạc thận, khiến bệnh nhân đau đớn, khó chịu, chảy máu đường niệu,... thì nên cân nhắc tán sỏi hoặc phẫu thuật điều trị. Việc chần chừ, trì hoãn can thiệp ngoại khoa sẽ không giải quyết triệt để vấn đề mà còn có thể để lại nhiều hệ lụy nghiêm trọng.
Tóm lại, sỏi thận là bệnh lý nguy hiểm vì có thể gây ra nhiều biến chứng đối với sức khỏe con người. Kích thước sỏi thận càng lớn thì sẽ càng gây nguy hiểm với bệnh nhân. Do đó, tùy theo kích thước và triệu chứng mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị sỏi thận phù hợp với người bệnh.
Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán sỏi thận
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.