Khuyến cáo bệnh dịch hạch từ Bộ Y Tế

Bệnh dịch hạch là bệnh truyền nhiễm tối nguy hiểm, bệnh tiến triển cấp tính, có khả năng lây lan mạnh với tỷ lệ tử vong cao. Cần làm gì để phòng bệnh dịch hạch?

1. Bệnh dịch hạch là gì?

  • Bệnh dịch hạch là bệnh gây ra bởi trực khuẩn Yersinia pestis gây ra tình trạng viêm hạch ( hạch bẹn, hạch nách hay gặp). Bệnh có khả năng lây lan nhanh có thể phát triển thành dịch, đại dịch.
  • Bệnh lây truyền từ loài gặm nhấm sang người qua trung gian bọ chét mang bệnh hoặc tiếp xúc trực tiếp qua da với động vật mang nguồn bệnh, hoặc bệnh lây từ người sang người qua đường hô hấp qua khi ho.
  • Bệnh dịch hạch có 3 thể lâm sàng chính: thể hạch, thể nhiễm khuẩn huyết, thể phổi. Trong đó tỷ lệ tử vong ở thể phổi và thể nhiễm khuẩn huyết cao.

Trực khuẩn Yersinia pestis gây bệnh dịch hạch
Trực khuẩn Yersinia pestis gây bệnh dịch hạch

2. Bệnh dịch hạch lây truyền như thế nào?

  • Bọ chét là vật chủ trung gian hút máu con chuột mang bệnh lây truyền sang con chuột khác bằng cách đốt con chuột, vi khuẩn sẽ theo vết đốt vào cơ thể và lan truyền bệnh.
  • Lây lan trực tiếp từ người sang người do hít phải vi khuẩn dịch hạch trong không khí khi tiếp xúc với bệnh nhân bị dịch hạch thể phổi.
  • Lây truyền qua da. Vi khuẩn dịch hạch xâm nhập trực tiếp qua da lành hoặc da bị trầy xước như tiếp xúc tay trực tiếp vào động vật nuôi bị bệnh hay mèo cắn hoặc cào.

3. Triệu chứng lâm sàng của bệnh dịch hạch

  • Bệnh nhân có đặc điểm dịch tễ là dấu hiệu quan trọng cần khai thác kỹ. Dịch tễ bệnh nhân sống du lịch đến vùng có lưu hành dịch, có tiếp xúc gần với người bệnh dịch hạch thể phổi hoặc tiếp xúc với chất dịch của người bệnh dịch hạch.
  • Ủ bệnh: 2 ngày - 6 ngày không có triệu chứng lâm sàng.
  • Giai đoạn khởi phát với các triệu chứng đột ngột, sốt, ớn lạnh, mệt mỏi, đau cơ, đau bụng, buồn nôn và đau đầu.
  • Giai đoạn toàn phát với các triệu chứng: nhiễm khuẩn, nhiễm độc và sưng hạch.
  • Đặc điểm của viêm hạch trong bệnh dịch hạch

+ Vị trí: gần vị trí bọ chét đốt, hay gặp ở vùng bẹn, nách...

+ Đặc điểm: hạch sưng to, nóng, đỏ, rất đau, có thể 1 hạch hay 1 nhóm hạch sưng. Da vùng xung quanh xung huyết, phù nề. Khi hạch hóa mủ, vỡ, chảy dịch, máu, chất hoại tử, tạo lỗ rò sau đó hình thành sẹo. Sau đó hạch viêm xơ hóa thành cục rắn chắc.


Bọ chét là trung tâm lây truyền bệnh dịch hạch
Bọ chét là trung tâm lây truyền bệnh dịch hạch

  • Bệnh nhân nếu không được điều trị sớm, hạch có thể tiến triển đột ngột thành nhiễm khuẩn tối cấp với biểu hiện: sốt cao 40- 41 độ C sau đó có biểu hiện sốc như huyết áp giảm, mạch nhanh, nhỏ, bệnh nhân bị vật vã, hôn mê, thường tử vong trong vòng 3 - 5 ngày.
  • Dịch hạch thể phổi có triệu chứng muộn như ho đờm loãng, có bọt dính máu, tràn dịch màng phổi, có tỷ lệ tử vong cao. Thể này rất nguy hiểm do khả năng lây lan lớn.
  • Các xét nghiệm khẳng định chẩn đoán như sau:
  • Cấy bệnh phẩm (máu, đờm, dịch hạch, dịch não tủy) dương tính với Y. Pestis.
  • PCR dương tính với trực khuẩn dịch hạch.
  • Huyết thanh chẩn đoán: Tìm kháng nguyên F1 bằng phản ứng miễn dịch huỳnh quang hay hiệu giá kháng thể làm ELISA 2 lần.

4. Điều trị bệnh dịch hạch

Nguyên tắc điều trị

  • Tất cả các người bệnh được chẩn đoán xác định phải được nhập viện điều trị và cách ly
  • Dùng kháng sinh đặc hiệu
  • Điều trị triệu chứng, nâng cao sức đề kháng

Điều trị cụ thể

  • Điều trị bằng kháng sinh đặc hiệu trong 7-10 ngày. Thể hạch chỉ cần dùng 1 loại kháng sinh. Thể nhiễm khuẩn huyết hoặc thể phổi: cần phối hợp 2 kháng sinh.
  • Điều trị triệu chứng bằng thuốc hạ sốt, giảm đau, bù dịch,...

Bệnh nhân mắc dịch hạch được điều trị bằng kháng sinh theo đơn của bác sĩ
Bệnh nhân mắc dịch hạch được điều trị bằng kháng sinh theo đơn của bác sĩ

5. Khuyến cáo phòng bệnh dịch hạch từ bộ y tế

  • Khi phát hiện người nghi ngờ nhiễm dịch hạch như sốt, nổi hạch, sống trong vùng dịch lưu hành cần phải được đưa đến khám tại các cơ sở y tế và cách ly kịp thời.
  • Cần xử lý quần áo, đồ dùng của người mắc bệnh bệnh theo nguyên tắc khử khuẩn. Sử dụng trang bị phòng hộ cá nhân đúng để hạn chế lây truyền bệnh khi tiếp xúc với người bệnh.
  • Tăng cường kiểm tra, giám sát dịch hạch trên động vật hoang dã, tập trung giám sát vật chủ trung gian truyền bệnh (chuột, bọ chét) tại vùng có nguy cơ.
  • Thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, đảm bảo thực phẩm ăn, uống được che, đậy an toàn không để chuột, bọ chét tiếp xúc.
  • Vệ sinh môi trường. Tăng cường diệt bọ chét, chuột bằng bẫy chuột hoặc nuôi mèo.
  • Phòng chống lây nhiễm tại các cơ sở điều trị bằng cách thực hiện nghiêm ngặt việc cách ly và điều trị người bệnh, các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng hộ cho nhân viên y tế, người chăm sóc theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
  • Uống thuốc kháng sinh dự phòng trong trường hợp có nguy cơ cao.
  • Vắc-xin được chỉ định cho người đi vào vùng dịch lưu hành và cho nhân viên chăm sóc động vật

Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe