Không biết có thai uống thuốc viêm đường tiết niệu có sao không?

Phụ nữ khi mang thai thường có nguy cơ cao mắc phải các bệnh lý ở đường tiết niệu, đặc biệt tỉ lệ gặp phải viêm tiết niệu khá cao. Tuy nhiên một số phụ nữ điều trị viêm đường tiết niệu nhưng không hề biết về việc mang thai. Vậy không biết có thai uống thuốc viêm đường tiết niệu có sao không?

1. Viêm đường tiết niệu khi mang thai

Viêm đường tiết niệu xuất hiện khi hệ tiết niệu chịu sự xâm nhập của vi khuẩn. Bất kỳ bộ phận nào thuộc hệ tiết niệu đều có thể bị viêm như bàng quang, niệu quản, ống niệu đạo... Đặc biệt nguy cơ mắc bệnh viêm đường tiết niệu càng cao hơn khi phụ nữ mang thai do khi mang thai, tử cung của người phụ nữ có xu hướng nghiêng sang phải và chèn ép vào niệu quản, thận phải gây ứ nước tại thận. Thai kỳ cũng làm việc kiểm soát nước tiểu trở nên khó khăn hơn, đây chính là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển dẫn đến nhiễm khuẩn đường tiết niệu.

Viêm đường tiết niệu không có biểu hiện lâm sàng để nhận biết một cách rõ rệt. Có khoảng 10% người bệnh nhân mang thai mắc chứng viêm đường tiết niệu mà không xuất hiện bất kỳ biểu hiện lâm sàng nào. Vì thế ngay từ lần khám thai đầu tiên, thai phụ buộc phải cấy nước tiểu. Bên cạnh đó từ tuần 12 – 16 thai kỳ cần phải lặp lại để tìm vi khuẩn. Tuy nhiên, đa số phụ nữ mang thai ở tuyến dưới thường bỏ qua các bước này. Trên thực tế nếu không điều trị viêm đường tiết niệu sẽ dẫn đến viêm bàng quang (30%), viêm đài – bể thận cấp (50%). Vậy người lại, nếu thai phụ không biết có thai uống thuốc viêm đường tiết niệu có sao không?

2. Uống thuốc viêm đường tiết niệu khi mang thai

Khi tìm thấy vi khuẩn ở đường tiết niệu, thai phụ thường sẽ được điều trị bằng kháng sinh cho đến khi tình trạng nhiễm khuẩn được giải quyết hết. Kháng sinh thường dùng là: ampicillin, erythromycin, Nitrofurantoin. Thuốc này được sử dụng để điều trị viêm đường tiết niệu mẹ bầu. Trường hợp bệnh nhân có kết quả kháng thuốc (khoảng 30% E.Coli kháng thuốc) thì có thể chỉ định dùng Amoxicilin + Acid Clavulanic hay kháng sinh Cephalexin, Nitrofurantoin. Tuy nhiên chỉ định uống thuốc viêm đường tiết niệu khi mang thai thường dùng nhất là Ampicilin.

Một số thuốc kháng sinh sau đây cũng được sử dụng cho bệnh nhân viêm đường tiết niệu như: tetracyclin, nhóm fluoroquinolon... Tuy nhiên có khuyến cáo không nên dùng những thuốc kháng sinh này cho bệnh nhân đang mang thai do tác dụng không mong muốn có thể gây nên như:

  • Tetracyclin gây hại xương và mầm răng của thai, dị tật ngón chân, ngón tay;
  • Fluoroquinolon gây thoái hóa sụn khớp chịu lực;
  • Bactrim (trimethoprim + sulfamethoxazole) gây tổn thương nặng đến công thức máu, thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ, hoại tử – ly giải tế bào thượng bì (tuy rất ít gặp nhưng nguy hiểm) gây suy thận, suy gan nặng...

Tất cả những ảnh hưởng trên của việc uống thuốc viêm đường tiết niệu khi mang thai đều rất bất lợi cho sự phát triển của thai nhi (nhất là 3 tháng đầu thai kỳ), thậm chí có thể gây khuyết tật thai (do gây thiếu acid folic). Vì vậy nếu không biết có thai uống thuốc viêm đường tiết niệu thì cần ngừng thuốc ngay, thai phụ nên đến khám bác sĩ để được kê đơn phù hợp và tiếp tục theo dõi tình trạng thai nhi.

3. Các dạng nhiễm trùng tiết niệu thường gặp ở bà bầu

Có 3 loại nhiễm trùng đường tiết niệu các thai phụ cần lưu ý như:

  • Nhiễm trùng đường tiết niệu không biểu hiện triệu chứng: Khi mắc phải loại này sẽ không xuất hiện triệu chứng tuy nhiên kết quả xét nghiệm vẫn dương tính với vi khuẩn. Bệnh rất nguy hiểm bởi chúng phát triển từ từ, âm thầm, khi phát hiện những triệu chứng thì đã ở giai đoạn nặng;
  • Nhiễm trùng bàng quang: thai phụ sẽ cảm thấy rất khó chịu, luôn có cảm giác buồn tiểu, đi tiểu đau rát và có dấu hiệu sốt. Nếu không kiểm soát tốt và điều trị kịp thời nhiễm trùng bàng quang sẽ dẫn đến viêm mạn tính rất khó điều trị.
  • Nhiễm trùng thận: giai đoạn bệnh đã tiến triển rất nặng, thậm chí nếu để lâu có thể phát triển thành nhiễm trùng huyết rất nguy hiểm, có thể dẫn tới tử vong. Không chỉ thế, tình trạng này còn có thể gây đẻ non, lưu thai...

Tùy vào thể trạng mỗi người, viêm đường tiết niệu sẽ xuất hiện những triệu chứng khác nhau nhưng đa số thường không xuất hiện triệu chứng và dấu hiệu bất thường nào. Chỉ phát hiện được viêm đường tiết niệu khi tiến hành xét nghiệm nước tiểu và thực hiện các biện pháp sàng lọc trước sinh. Tuy nhiên, ở một số người, họ vẫn xuất hiện triệu chứng viêm đường tiết niệu như:

  • Cảm giác căng tức bụng dưới, đi tiểu nhiều hơn so với mức bình thường;
  • Màu sắc nước tiểu khác thường, đôi khi còn xuất hiện máu;
  • Thường xuyên có cảm giác đi tiểu chưa hết, tiểu buốt, rắt...;
  • Sốt cao, người ớn lạnh, đôi khi kèm theo nôn nhiều.
  • Đau ở vị trí thắt lưng hoặc đau ở bên dưới xương sườn của một hoặc hai bên, có khi đau cả vùng bụng.

4. Viêm đường tiết niệu khi mang thai có thể gây ra những biến chứng gì?

Nếu không điều trị kịp thời và đúng cách, viêm đường tiết niệu khi mang thai có thể để lại một số biến chứng như:

  • Gây nhiễm độc thai;
  • Huyết áp cao;
  • Tiền sản giật;
  • Suy thận cấp;
  • Viêm thận cấp;
  • Viêm bàng quang cấp;
  • Không chỉ thế, nếu không điều trị sớm, viêm đường tiết niệu sẽ làm tăng nguy cơ sảy thai và sinh non.

5. Lời khuyên cho chị em mắc viêm đường tiết niệu khi mang thai

Viêm đường tiết niệu trong thai kỳ nên được chú ý sớm để có những biện pháp phòng ngừa tốt nhất. Để giữ sức khỏe cho bản thân và của thai nhi, thai phụ nên chú ý đến một số biện pháp phòng bệnh viêm đường tiết niệu như:

  • Kiểm soát và cung cấp đủ nước cho cơ thể để làm loãng nước tiểu. Theo đó nước tiểu cùng vi khuẩn gây bệnh sẽ nhanh chóng được đưa ra khỏi ngoài cơ thể;
  • Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, bổ sung sữa chua chứa probiotic để tăng sức đề kháng, sử dụng một số loại hoa quả chứa nhiều vitamin C;
  • Hạn chế tiêu thụ các loại thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ;
  • Không nên mặc đồ ôm sát người hoặc trang phục bó sát, cần mặc quần áo rộng rãi để giữ thoáng cho cơ thể;
  • Không nên nhịn tiểu và nên vệ sinh vùng kín thật sạch sẽ để tránh tình trạng viêm nhiễm. Sau khi đi vệ sinh lau từ trước ra sau để tránh vi khuẩn từ hậu môn đi ngược trở lại.

Tóm lại, để tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra, thai phụ cần thăm khám thường xuyên để phát hiện những dấu hiệu bất thường của viêm đường tiết niệu, từ đó có phác đồ điều trị kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe