Bài viết được viết bởi Bác sĩ Mai Viễn Phương - Khoa Khám bệnh & Nội Khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park
Túi thừa đại tràng là bệnh lý thường gặp ở người lớn tuổi, thường không biểu hiện triệu chứng, trừ khi những túi thừa này bị viêm hay còn gọi là viêm túi thừa đại tràng. Trong bài này sẽ đề cập đến những khó khăn trong chẩn đoán bệnh lý này.
1. Làm thế nào được chẩn đoán viêm túi thừa?
Nếu bạn đang gặp các triệu chứng của viêm túi thừa, điều quan trọng là phải đi khám bác sĩ.
Bác sĩ sẽ đặt câu hỏi về lịch sử y tế của bạn (như thói quen đại tiện, triệu chứng, chế độ ăn uống và thuốc hiện tại) và thực hiện kiểm tra thể chất, có thể bao gồm khám trực tràng và nội soi đại tràng.
Một hoặc nhiều xét nghiệm chẩn đoán có thể được thực hiện. Các xét nghiệm thường bao gồm xét nghiệm máu để kiểm tra các dấu hiệu nhiễm trùng, xét nghiệm phân để kiểm tra sự hiện diện của máu trong phân hoặc sự hiện diện của nhiễm trùng và chụp CT scan hoặc MRI ổ bụng.
Ở những người bị chảy máu trực tràng nhanh, nặng, bác sĩ có thể thực hiện một thủ tục gọi là chụp động mạch để xác định nguồn gốc của chảy máu.
2. Chẩn đoán phân biệt viêm túi thừa đại tràng với các bệnh lý khác
Vì đau bụng có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý khác nhau nên bác sĩ sẽ phải chẩn đoán phân biệt với các nguyên nhân khác gây ra cơn đau của bạn như:
● Viêm đại tràng thiếu máu cục bộ
● Bệnh viêm ruột
Túi thừa đại tràng có thể bị nhầm lẫn với nhiều bệnh lý khác của đường tiêu hóa có triệu chứng tương tự. Vì vậy, cần phát hiện bệnh viêm túi thừa đại tràng sớm bằng các xét nghiệm tầm soát hoặc bằng các xét nghiệm chẩn đoán trong giai đoạn viêm cấp để việc điều trị được hiệu quả hơn.
3. Những khó khăn trong chẩn đoán viêm túi thừa đại tràng
Theo số liệu của vài tác giả nước ngoài, tỉ lệ chẩn đoán đúng trước mổ chỉ đạt 26,8%. Trong đó chẩn đoán đúng VTTĐT trái là 60% trong khi túi thừa ĐT phải chỉ chẩn đoán đúng 22,2%. Theo nhận định, có hai nguyên nhân làm kết quả chẩn đoán đúng trước mổ thấp.
Thứ nhất, bệnh VTTĐT vẫn được xem là một bệnh hiếm, do đó bệnh nhân được nghĩ đến một chẩn đoán khác thường gặp hơn là chẩn đoán viêm túi thừa đại tràng. Thứ hai, như các nước châu Á khác, viêm túi thừa đại tràng trong vài nghiên cứu, chỉ tập trung ở đại tràng phải, nên dễ chẩn đoán nhầm với viêm ruột thừa (VRT) cấp.
Một điểm đáng chú ý là rất nhiều bệnh nhân viêm túi thừa đại tràng phải được phẫu thuật với chẩn đoán trước mổ là viêm ruột thừa cấp. Theo một vài nghiên cứu, tỉ lệ này là 77,8%. Điều này được giải thích vì triệu chứng lâm sàng của viêm túi thừa đại tràng phải rất giống với viêm ruột thừa cấp. Do đó chẩn đoán phân biệt hai bệnh trên nếu chỉ dựa trên lâm sàng là rất khó khăn. Số liệu này ở một số nghiên cứu của tác giả Leung, Markham, Yang là, 93,2%, 97,2% và 91%. Lý do các nghiên cứu trên có tỉ lệ cao có thể là vì chẩn đoán hình ảnh chưa được áp dụng rộng rãi và hiểu biết về bệnh viêm túi thừa đại tràng vẫn còn hạn chế.
Những nghiên cứu gần đây cho thấy tỷ lệ chẩn đoán lầm tuy vẫn còn cao nhưng đã có cải thiện đáng kể, tỷ lệ chẩn đoán lầm viêm ruột thừa cấp ở bệnh nhân viêm túi thừa đại tràng phải của Hilderbrand, Tan, Matsushima lần lượt là 31%, 25% và 9,1%.
Một lí do khác làm tỉ lệ chẩn đoán lầm cao là chỉ định mổ viêm ruột thừa cấp ở một số cơ sở y tế đưa ra chủ yếu dựa vào lâm sàng và hình ảnh siêu âm, ít sử dụng các phương tiện chẩn đoán hình ảnh có độ chính xác cao như CT.
Giảm tỷ lệ chẩn đoán lầm rất có ý nghĩa vì đa số viêm túi thừa đại tràng ở nhóm chẩn đoán lầm này chỉ ở mức độ nhẹ và có thể điều trị bảo tồn với khả năng thành công là 80-90%.
Nhằm giảm tỉ lệ này, một số tác giả như Leung và Markham có đưa ra những gợi ý giúp chẩn đoán phân biệt viêm túi thừa đại tràng với viêm ruột thừa cấp như viêm túi thừa đại tràng có thời gian đau lâu hơn trong khi triệu chứng nhiễm trùng ít rầm rộ hơn, ít nôn ói hơn, bạch cầu ít cao hơn.
Tuy nhiên cho đến nay, những so sánh trên vẫn chưa có bằng chứng có độ tin cậy cao. Tác giả Lee còn xây dựng bảng điểm để nâng cao khả năng chẩn đoán VTTĐT phải trên lâm sàng với độ nhạy là 85%.
Kinh nghiệm của tác giả Matsushima (tỉ lệ chẩn đoán lầm là 9,1%) là thực hiện siêu âm kĩ để nâng độ nhạy của siêu âm lên và thực hiện CT khi có nghi ngờ. Nếu theo nghiên cứu của một số tác giả, siêu âm được áp dụng rộng rãi nhưng độ nhạy còn thấp, CT có độ nhạy cao hơn nhưng hiện nay vẫn chưa thể áp dụng rộng rãi vì giá thành còn cao, tỉ lệ chẩn đoán lầm dự đoán sẽ tiếp tục tăng cao khi tần suất mắc bệnh ngày càng tăng.
Về chẩn đoán trước mổ ở nhóm viêm túi thừa đại tràng trái trong nghiên cứu của một số tác giả, có 40% bệnh nhân được chẩn đoán là u đại tràng. U đại tràng là một chẩn đoán phân biệt thường gặp ở bệnh nhân viêm túi thừa đại tràng trái. Ở hai bệnh nhân này, CT và siêu âm đều có hình ảnh dày thành đại tràng. Ở các nước phương Tây, nơi có nhiều viêm túi thừa đại tràng trái, chẩn đoán lầm với u đại tràng là thường gặp nhất dù tỉ lệ không cao. Sử dụng các phương tiện khác như nội soi, chụp đại tràng cản quang có thể làm giảm tỉ lệ này.
4. Phân biệt giữa viêm túi thừa đại tràng phải và viêm ruột thừa dựa vào các triệu chứng sau
4.1 Các dấu hiệu và triệu chứng của đau ruột thừa
- Cơn đau đột ngột bắt đầu từ bên dưới phải bụng
- Cơn đau đột ngột bắt đầu quanh rốn và thường chuyển sang vùng bụng dưới bên phải
- Cơn đau trở nên tồi tệ hơn khi người bệnh ho, đi lại
- Buồn nôn và ói mửa
- Ăn mất ngon
- Sốt nhẹ có thể trở nên nặng hơn khi bệnh tiến triển
- Táo bón hoặc tiêu chảy
- Bụng đầy hơi
- Trung tiện
- Vị trí đau của bạn có thể thay đổi, tùy thuộc vào độ tuổi và vị trí của ruột thừa. Khi mang thai, cơn đau đến từ bụng trên vì ruột thừa bị đẩy lên cao hơn trong khi mang thai.
4.2 Các dấu hiệu và triệu chứng của viêm túi thừa
- Đau, có thể liên tục và kéo dài trong vài ngày. Phía dưới bên trái của bụng là vị trí đau thường gặp. Tuy nhiên, đôi khi, bên phải của bụng cũng đau, đặc biệt là ở những người gốc Á
- Buồn nôn và ói mửa
- Sốt
- Bụng nhạy cảm với đau (abdominal tenderness)
- Táo bón hoặc tiêu chảy nhưng ít phổ biến hơn
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Tài liệu tham khảo:
- Lê Huy Lưu, Nguyễn Văn Hải (2010), "Kết quả phẫu thuật túi thừa đại tràng phải bằng phẫu thuật nội soi", Y học Thành phố Hồ Chí Minh, tập 14 (phụ bản của số 4), p.12-15.
- Lý Minh tùng, Nguyễn Văn Hài (2011), Đặc điểm lâm sàng, hình ảnh, và kết quả phẫu thuật viêm túi thừa đại tràng.
- Aldoori W.H., Giovannucci E.L., Rockett H.R., et al. (1998), "A prospective study of dietary fiber types and symptomatic diverticular disease in men", J Nutr, Vol.128 (4), p.714-719.
- Ambrosetti P., Robert J.H., Witzig J.A., et al. (1994), "Acute left colonic diverticulitis: a prospective analysis of 226 consecutive cases", Surgery, Vol.115 (5), p.546-550.