Bài được viết bởi Tiến sĩ, Bác sĩ Phạm Quốc Thành - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng
Chụp X quang khớp thường quy là một khảo sát chuyên sâu, sử dụng chất cản quang (cản quang chứa iốt hoặc khí) đưa trực tiếp vào các khớp dưới sự theo dõi và chụp ảnh của máy X quang có màn huỳnh quang tăng sáng.
1. Chụp X quang khớp thường quy là gì?
Chụp X quang là một kỹ thuật hình ảnh giúp bác sĩ chẩn đoán một số trường hợp bệnh lý. Máy X quang phát ra tia X xuyên qua các bộ phận (những mô dày đặc trong cơ thể như xương,... hay các mô ít dày đặc như cơ bắp,...) với liều vừa đủ và tạo nên hình ảnh rõ nét các cơ quan bên trong cơ thể. Đây là một phương pháp tiến bộ của nền y học, thường xuyên được chỉ định thực hiện, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến xương, khớp.
Chụp X quang khớp thường quy là một khảo sát chuyên sâu, sử dụng chất cản quang (cản quang chứa iốt hoặc khí) đưa trực tiếp vào các khớp dưới sự theo dõi và chụp ảnh của máy X quang có màn huỳnh quang tăng sáng.
Chiếu X quang với màn huỳnh quang tăng sáng giúp Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh có thể nhìn thấy chuyển động của cơ quan bên trong. Chất cản quang iốt khi được tiêm vào trong khớp sẽ phủ đều lên mặt trong các cấu trúc khớp, hiện lên sáng trắng giúp Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh nắm được các cấu trúc giải phẫu và hoạt động của khớp.
Hiện nay, hình ảnh đều được lưu trữ dưới dạng số, có thể xử lý, xem lại dễ dàng và nhất là so sánh với nhau để chẩn đoán và xử trí điều trị.
2. Khi nào thực hiện chụp X quang khớp thường quy?
Hình ảnh chụp X - quang khớp giúp bác sĩ đánh giá những thay đổi trong cấu trúc, hoạt động của khớp và giúp xác định phương pháp điều trị: nội khoa, phẫu thuật hoặc thay khớp.
Chỉ định chụp khớp trong các bệnh lý đau và khó chịu dai dẳng ở khớp mà không giải thích được.
Khảo sát này thường được sử dụng để phát hiện các bất thường đối với các khớp:
- Vai
- Cổ tay
- Háng
- Gối
- Cổ chân
3. Quy trình chụp X quang khớp thường quy diễn ra như thế nào?
3.1 Chuẩn bị
Bệnh nhân không cần thiết phải nhập viện, không cần phải nhịn ăn hoặc nhịn uống.
Bệnh nhân sẽ điền vào bảng câu hỏi và phiếu chấp thuận trước khi làm thủ thuật:
- Thuốc đang sử dụng (danh sách liệt kê các thuốc), tình trạng dị ứng nếu có nhất là đối với chất cản quang iốt nếu như trước đây đã sử dụng.
- Bệnh nhân cũng nên thông báo về tình trạng sức khỏe gần đây nhất.
- Thay trang phục bằng một áo choàng và gỡ bỏ các nữ trang, vật dụng kim loại mang theo.
- Bệnh nhân nữ cần thông báo cho Bác sĩ hoặc kỹ thuật viên nếu nghi ngờ đang mang thai. Một số xét nghiệm hình ảnh không được thực hiện khi mang thai vì tia bức xạ có thể ảnh hưởng đến bào thai. Trong trường hợp bắt buộc phải tiến hành, phải thực hiện một số biện pháp bảo vệ an toàn, giảm thiểu tối đa bức xạ nhiễm đến thai nhi.
3.2 Thực hiện
Bước 1: Kỹ thuật viên chuẩn bị vật tư, dụng cụ tiêm, máy chụp.
Bước 2: Bệnh nhân được nằm lên bàn chụp X quang. Chụp một số chiều, tư thế của khớp trước tiêm (để so sánh với hình ảnh sau khi đã tiêm chất cản quang).
Bước 3: Tiến hành kỹ thuật:
- Sát trùng vùng da quanh khớp nhiều lần.
- Có thể tiêm gây tê tại chỗ (nếu cần)
- Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh sẽ dùng một kim tiêm mảnh, với độ dài cần thiết, đâm kim qua mặt da và đi thẳng vào trong khe khớp.
- Tiến hành bơm chất cản quang (hoặc khí) vào bên trong khớp. Bệnh nhân có thể cảm thấy khớp căng lên khi chất tương phản được tiêm vào.
- Sau khi rút kim ra, yêu cầu bệnh nhân cử động khớp một cách nhẹ nhàng để chất cản quang trám đều trong khớp.
- Tiến hành chụp tương tự như bước 2. Khảo sát kéo dài khoảng 20 - 30 phút.
Lưu ý: Chụp CLVT khớp hoặc Cộng hưởng từ khớp có thể được thực hiện ngay sau các tư thế chụp X quang để đánh giá chính xác hơn về các cấu trúc bên trong khớp.
Bước 4: Kết thúc thủ thuật, băng ép vị trí chọc kim, bệnh nhân theo dõi, chờ kết quả.
4. Biến chứng có thể xảy ra khi chụp X quang khớp thường quy
Bất cứ một can thiệp nào tiến hành trên cơ thể người, dù được thực hiện dưới những điều kiện an toàn tối đa, đều có thể mang nguy cơ biến chứng:
- Do chất cản quang được tiêm trực tiếp vào trong khớp nên phản ứng do dị ứng rất hiếm (nhẹ có thể buồn nôn, nặng vẫn có thể biến chứng tim mạch).
- Nguy cơ nhiễm trùng khi đưa kim vào trong khớp. Những người thực hiện thủ thuật luôn thận trọng tối đa kiểm soát nhiễm khuẩn nhằm tránh nguy cơ này.
- Sau thủ thuật, khớp có thể đau và sưng nhẹ. Bệnh nhân có thể chườm đá lạnh lên vùng khớp để làm giảm sưng, giảm đau.
- Thuốc giảm đau thông thường có thể giúp cải thiện đau. Các triệu chứng trên sẽ biến mất sau 48 giờ. Nếu kéo dài hơn, bệnh nhân nên báo ngay cho Bác sĩ để chọn cách điều trị khác. Nên hạn chế vận động khớp trong vòng 24 đến 48 giờ sau khi chụp.
Để được tư vấn chi tiết, quý khách vui lòng đến trực tiếp hệ thống y tế Vinmec hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.