Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Nam Phong - Bác sĩ Nhi - Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc
Nội soi tai mũi họng là phương pháp giúp chẩn đoán và điều trị các bệnh lý về tai mũi họng. Việc phát hiện sớm, điều trị kịp thời sẽ cải thiện triệt để tình trạng bệnh, đảm bảo chất lượng sống cho trẻ.
1. Nội soi tai mũi họng là gì?
Nội soi tai mũi họng là kỹ thuật được sử dụng nhằm kiểm tra tai, mũi, xoang và họng. Trong quy trình nội soi tai mũi họng, bác sĩ sẽ sử dụng một ống nội soi mỏng, mềm dẻo có kèm với một máy quay nhỏ và đèn ở phía đầu ống.
Trong quá trình thực hiện, bác sĩ sẽ đưa ống nội soi vào tai mũi họng và quan sát tình trạng sức khoẻ của các vị trí này thông qua màn hình điện tử.
2. Khi nào thì chỉ định nội soi tai mũi họng cho bé?
Nội soi tai mũi họng là 1 kỹ thuật không xâm lấn, không gây ảnh hưởng gì cho trẻ nên việc chỉ định khá rộng rãi. Tất cả các trường hợp khi cha mẹ muốn có nhu cầu kiểm tra về tai mũi họng cho bé đều có thể chỉ định nội soi được. Tuy nhiên cần lưu ý về sự khó chịu khi tiến hành và cần sự phối hợp hợp tác của gia đình để việc nội soi có thể diễn ra thuận lợi. Một số chỉ định cụ thể:
2.1 Nội soi mũi
Chỉ định nội soi mũi được thực hiện khi:
- Trẻ có các triệu chứng của bệnh về xoang như: đau mặt, giảm khứu giác hoặc nghẹt mũi hoặc tắc nghẽn.
- Đánh giá đáp ứng điều trị nội khoa ở những trẻ có các triệu chứng như: dịch tiết có mủ, viêm và phù niêm mạc hoặc điều trị polyp bằng thuốc kháng sinh, thuốc kháng histamin, steroid đường uống hoặc steroid tại chỗ.
- Đánh giá trẻ có nguy cơ biến chứng hoặc đã xảy ra biến chứng do viêm xoang.
- Bóc tách và loại bỏ chất nhầy, lớp vỏ và fibrin từ xoang bị tắc và khoang mũi sau phẫu thuật nội soi mũi xoang (FESS - Functional Endoscopic Sinus Surgery).
- Đánh giá khả năng tái phát bệnh sau phẫu thuật nội soi mũi xoang (FESS - Functional Endoscopic Sinus Surgery).
- Đánh giá vòm họng khi gặp các vấn đề về ống Eustachian, tăng sản bạch huyết và tắc nghẽn mũi.
- Đánh giá và lấy sinh thiết các tổn thương hoặc khối u ở mũi.
- Đánh giá mất khứu giác hoặc giảm oxy máu.
- Đánh giá rò rỉ dịch não tủy (CSF).
- Đánh giá và điều trị chảy máu mũi.
2.2 Nội soi tai
Sau đây là những lý do khiến trẻ phải đến khám tai và có thể sẽ cần nội soi tai:
- Nhiễm trùng tai ở trẻ chậm nói
- Chất lỏng dai dẳng trong tai (hơn 3 tháng)
- Vỡ trống tai trong khi bị nhiễm trùng
- Nhiễm trùng tai cần nhiều loại kháng sinh
2.3 Nội soi họng
- Nghỉ học thường xuyên do viêm họng hoặc nhiễm trùng xoang.
- Khàn tiếng, ho kéo dài không dứt, hay hụt hơi.
- Các đối tượng có tiền sử mắc các bệnh lý về tai - mũi - họng hay bị dị tật ở tai, mũi hoặc ở các hốc xương.
3. Lưu ý để phòng ngừa, hạn chế tai biến khi nội soi
Đối với trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi, càng cần phải có sự phối hợp và hợp tác giữa người nhà của trẻ (bố, mẹ, người thân...). Bố mẹ hoặc người nhà đi cùng em bé, cần giải thích đầy đủ và rõ ràng để các em chuẩn bị tâm lý và động viên để bé yên tâm hợp tác với bác sĩ hơn trong quá trình thực hiện nội soi.
4. Quy trình nội soi tai mũi họng
4.1 Nội soi tai
Tư thế: Bệnh nhân ngồi thẳng lưng. Từ từ bác sĩ đưa ống nội soi dọc theo trục ống tai ngoài để quan sát màng nhĩ, ống tai ngoài và các bộ phận khác của tai.
4.2 Nội soi mũi
Tư thế: Bệnh nhân ngả đầu ra sau một góc 15 độ. Bác sĩ sẽ đặt một que gòn có tẩm thuốc co mạch và thuốc tê vào mũi bệnh nhân trong khoảng 5 phút.
4.3 Nội soi họng
Tư thế: Bệnh nhân ngồi thẳng lưng, hai chân thả lỏng buông thẳng. Bác sĩ sẽ đưa ống nội soi vào họng, trên bề mặt lưỡi, theo hướng từ ngoài vào trong nhằm quan sát các vị trí trên bề mặt lưỡi, quan sát lưỡi gà, eo họng, 2 amidan, đáy lưỡi, xoang lê 2 bên, thanh môn, sụn phễu và dây thanh âm.
Thời gian nội soi tai mũi họng thường chỉ khoảng 5 đến 10 phút, rất ít xảy ra tai biến nghiêm trọng khi thực hiện. Đây được coi là phương pháp chẩn đoán hình ảnh hiện đại, đem lại hình ảnh rõ nét giúp các bác sĩ đánh giá được bệnh lý cũng như tổn thương vùng tai mũi họng.