Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ Chuyên khoa II - Nguyễn Thị Minh Tuyết - Trưởng Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Thai ngoài tử cung có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của phụ nữ nếu không được điều trị kịp thời. Tuy nhiên, có khoảng 50% bệnh nhân mang thai không xác định được yếu tố nguy cơ. Nhận biết những dấu hiệu sớm của thai ngoài tử cung đóng vai trò quan trọng trong cứu chữa, điều trị kịp thời cho người bệnh.
1. Thai ngoài tử cung là gì?
Thai ngoài tử cung là khi trứng thụ tinh làm tổ và phát triển ở bên ngoài tử cung. Hơn 90% trường hợp thai ngoài tử cung xảy ra ở ống dẫn trứng. Khi thai phát triển, thai ngoài tử cung ở ống dẫn trứng có thể làm ống vỡ - nguyên nhân chủ yếu làm chảy máu trong, gây nguy hiểm đến tính mạng và có thể cần phẫu thuật cấp cứu ngay lập tức.
2. Những yếu tố nguy cơ mang thai ngoài tử cung?
Những yếu tố nguy cơ mang thai ngoài tử cung bao gồm:
- Tiền căn thai ngoài tử cung.
- Tiền căn phẫu thuật ống dẫn trứng, phẫu thuật vùng bụng, chậu trước đó.
- Mẹ bị bệnh lý viêm vùng chậu, bệnh lây qua đường tình dục (STIs).
- Lạc nội mạc tử cung.
Ngoài ra, các yếu tố có thể tăng nguy cơ mang thai ngoài tử cung ở phụ nữ:
- Hút thuốc.
- Trong độ tuổi ngoài 35.
- Có tiền sử vô sinh.
- Sử dụng công nghệ hỗ trợ sinh sản như thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).
Có khoảng 50% bệnh nhân mang thai ngoài tử cung không xác định được yếu tố nguy cơ. Phụ nữ có sinh hoạt tình dục nên lưu tâm đến bất kỳ thay đổi nào của cơ thể, đặc biệt khi có những triệu chứng của thai ngoài tử cung.
3. Các triệu chứng mang thai ngoài tử cung
Các dấu hiệu của thai ngoài tử cung có thể giống với mang thai bình thường, như không có kinh nguyệt, căng cứng ngực, khó chịu dạ dày. Một số dấu hiệu khác như:
- Chảy máu bất thường.
- Đau thắt lưng.
- Đau nhẹ vùng bụng hoặc chậu.
- Đau nhẹ một bên vùng chậu.
Ở giai đoạn này, có thể khó phân biệt giữa mang thai hay thai ngoài tử cung. Do vậy, khách hàng chảy máu bất thường và đau vùng chậu nên đi khám để được tư vấn.
Tuy nhiên, khi thai ngoài tử cung phát triển, các dấu hiệu nghiêm trọng hơn có thể xuất hiện, đặc biệt khi ống dẫn trứng bị vỡ:
- Đau bụng hoặc vùng chậu đột ngột và dữ dội.
- Đau vai.
- Người mệt mỏi, chóng mặt, ngất.
Vỡ ống dẫn trứng có thể dẫn tới chảy máu trong, gây nguy hiểm đến tính mạng. Bởi vậy, khách hàng có đau dữ dội, đột ngột, đau vai, người yếu, mệt mỏi, nên đến khám cấp cứu.
4. Chẩn đoán mang thai ngoài tử cung
Khi khách hàng không xuất hiện triệu chứng, nhưng bác sĩ sản – phụ khoa có nghi ngờ khách hàng mang thai ngoài tử cung, bác sĩ có thể chỉ định:
- Khám vùng chậu.
- Siêu âm để kiểm tra vị trí phát triển của thai.
- Xét nghiệm máu đo nồng độ HCG.
5. Điều trị mang thai ngoài tử cung
Một thai ngoài tử cung không thể di chuyển hoặc được di chuyển đến tử cung, vì vậy thai ngoài tử cung chắc chắn không thể sinh được mà bắt buộc phải điều trị. Hai phương pháp điều trị là Điều trị nội khoa (dùng thuốc) và Phẫu thuật. Cần theo dõi sau điều trị trong khoảng thời gian vài tuần.
6. Điều trị nội khoa
6.1. Thuốc được sử dụng để điều trị thai ngoài tử cung
Loại thuốc được sử dụng nhiều nhất là methotrexate, có cơ chế ngăn chặn sự phân chia của các tế bào, khối thai sau đó sẽ được cơ thể hấp thu sau 4-6 tuần và ống dẫn trứng vẫn được bảo tồn.
6.2. Khi nào có thể điều trị nội khoa ở phụ nữ mang thai ngoài tử cung?
Có thể sử dụng methotrexate nếu ống dẫn trứng chưa vỡ. Ngoài ra, cần cân nhắc một vài yếu tố trước khi quyết định sử dụng methotrexate, một trong những yếu tố quan trọng nhất là sau khi điều trị methotrexate, người bệnh có đủ điều kiện sức khỏe để lấy máu, kiểm tra nồng độ hCG trong máu. Phụ nữ đang cho con bú hoặc có vấn đề về sức khỏe không được điều trị methotrexate.
6.3. Quy trình điều trị methotrexate
Người bệnh thường được điều trị bằng cách tiêm một liều methotrexate. Trước khi tiêm, bác sỹ sẽ chỉ định xét nghiệm máu để đo nồng độ hCG và chức năng các tạng. Nếu độ giảm nồng độ hCG sau mũi tiêm đầu tiên không đủ, có thể bệnh nhân sẽ được khuyến cáo tiêm thêm mũi thứ hai. Sau điều trị, bệnh nhân sẽ được theo dõi sát sao cho tới khi không còn phát hiện nồng độ hCG trong máu.
6.4. Những tác dụng phụ hoặc nguy cơ có thể xảy ra trong điều trị methotrexate
Tác dụng phụ hầu hết phụ nữ đều gặp phải khi điều trị methotrexate là đau bụng. Bên cạnh đó, một số người xuất hiện chảy máu hoặc ra ít máu âm đạo. Ngoài ra, còn một số tác dụng phụ như: Buồn nôn, Nôn, Tiêu chảy, Hoa mắt chóng mặt.
Việc theo dõi bệnh nhân cho tới khi hoàn toàn kết thúc điều trị methotrexate là rất quan trọng. Nguy cơ vỡ ống dẫn trứng sẽ vẫn còn cho đến khi hoàn toàn kết thúc điều trị. Khách hàng cần tới cơ sở y tế ngay lập tức nếu có những triệu chứng vỡ ống dẫn trứng như đau bụng đột ngột, đau vai, cảm giác cơ thể yếu.
6.5. Người bệnh phải kiêng gì trong thời gian điều trị methotrexate?
Cần kiêng:
- Vận động mạnh.
- Quan hệ tình dục.
- Alcohol Rượu bia.
- Các loại vitamin và đồ ăn chưa axit folic như ngũ cốc dinh dưỡng, bánh mỳ hay mỳ Ý, đậu phộng, rau lá sẫm màu, nước cam và các loại hạt đỗ.
- Các thuốc giảm đau và thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) như ibuprofen, do các loại thuốc này có thể tác động lên tác dụng của methotrexate.
- Thực phẩm giải phóng khí ga.
- Phơi nắng kéo dài, bởi methotrexate có thể dẫn tới nhạy cảm với ánh nắng mặt trời.
7. Phẫu thuật thai ngoài tử cung
7.1 Khi nào mang thai ngoài tử cung cần điều trị phẫu thuật?
Nếu ống dẫn trứng bị vỡ, cần phẫu thuật cấp cứu. Trong một số trường hợp, ngay cả khi ống dẫn trứng chưa vỡ, người bệnh vẫn cần được phẫu thuật. Có thể lấy thai ra khỏi ống dẫn trứng, hoặc phải cắt bỏ toàn bộ ống dẫn trứng cùng với thai.
7.2. Phẫu thuật được thực hiện như thế nào?
Thông thường, bệnh nhân sẽ được mổ nội soi. Bác sĩ sẽ đưa một dụng cụ đặc biệt, có hình dáng dài, mảnh vào trong ổ bụng thông qua một đường rạch nhỏ. Thiết bị này được gọi là ống nội soi. Có một camera được gắn vào ống và hình ảnh hiển thị lên một màn hình. Người bệnh được gây mê trong suốt quá trình phẫu thuật.
7.3. Những tác dụng phụ hoặc nguy cơ có thể xảy ra khi điều trị phẫu thuật
Trước phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được bác sĩ tư vấn kỹ về tác dụng phụ cũng như các nguy cơ có thể xảy ra, có thể bao gồm đau, mệt mỏi, chảy máu, hoặc nhiễm trùng.
7.4. Tình trạng người bệnh sau điều trị
Dù lựa chọn phương pháp nào, người bệnh cũng có thể sẽ cảm thấy mệt mỏi, đau hay khó chịu bụng trong khoảng thời gian vài tuần sau điều trị. Người bệnh cần đi khám nếu uống thuốc không đỡ.
Bên cạnh đó, sẽ mất một khoảng thời gian để nồng độ hCG quay trở về như bình thường, do vậy, có thể sau vài tháng kể từ khi điều trị, kinh nguyệt của chị em có thể chưa ổn định, một số người có thể cảm giác như mình vẫn đang mang thai.
8. Mang thai ngoài tử cung có ảnh hưởng đến những lần mang thai sau hay không?
Mang thai ngoài tử cung là yếu tố nguy cơ cao nhất dẫn đến thai ngoài tử cung trong những lần mang thai sau. Bởi vậy, phụ nữ gặp tình trạng này cần lưu ý, theo dõi và tư vấn với bác sĩ chuyên khoa kỹ càng. Nếu có triệu chứng bất thường, bạn nên được thăm khám và tư vấn với bác sĩ chuyên khoa.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: Acog.org