Sau 6 tháng, khi trẻ bắt đầu tập ăn dặm với thức ăn đặc hơn sữa, thức ăn của trẻ cần đảm bảo đủ 4 nhóm dưỡng chất quan trọng. Do vậy, cha mẹ có thể sử dụng dầu omega 3 cho bé ăn dặm từ độ tuổi này trở đi.
1. Khi nào nên sử dụng dầu omega 3 cho bé ăn dặm?
Omega 3 là tiền chất của DHA, chất đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển của não bộ, thị lực và hệ miễn dịch của trẻ. Việc bổ sung Omega 3 vào khẩu phần ăn cho bé có thể mang lại những lợi ích như:
- Tăng nồng độ Cholesterol tốt, giảm chất béo và triglyceride trong máu;
- Cải thiện thị lực, bảo vệ mắt cho trẻ;
- Tăng cường trí nhớ, phát triển não bộ, tăng khả năng tập trung giúp trẻ học tập hiệu quả hơn;
- Giảm bớt các triệu chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) ở một số trẻ.
Nhìn chung Omega 3 là chất béo rất tốt cho cơ thể nên cha mẹ hãy cho trẻ ăn nhiều thực phẩm giàu axit béo này để bé phát triển khỏe mạnh hơn.
Vậy khi nào nên dùng dầu Omega 3 cho bé ăn dặm? Trên thực tế, trong 6 tháng đầu thức ăn chủ yếu của trẻ sơ sinh là sữa mẹ vì trong sữa mẹ đã có rất nhiều chất béo nên cha mẹ không cần cho trẻ dùng dầu ăn dinh dưỡng trong giai đoạn này (ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt).
Sau 6 tháng, khi trẻ bắt đầu tập ăn dặm với thức ăn đặc hơn sữa (bột, súp, cháo, cơm...). Lúc này thức ăn của trẻ cần đảm bảo đủ 4 nhóm dưỡng chất quan trọng (chất bột đường, chất béo, chất đạm, chất xơ - vitamin). Do vậy, dầu ăn bắt đầu được sử dụng thường xuyên từ độ tuổi này trở đi.
Khi nấu ăn cho trẻ, chén cháo, bột của trẻ không nên thiếu dầu. Dầu cá và những loại dầu từ hạt (dầu cải, dầu nành, dầu mè, dầu hướng dương).... đều rất giàu Omega 3. Trong khi các loại dầu chiết xuất từ quả như dầu cọ, dầu oliu, dầu bắp... rất giàu Omega 6 (tiền chất của ARA, giúp tăng phản ứng viêm bảo vệ cơ thể). Dầu gấc giàu beta carotene, tiền chất của vitamin A giúp cải thiện thị lực của trẻ. Như vậy, cha mẹ hoàn toàn có thể dùng xen kẽ các loại dầu ăn để bổ sung dưỡng chất đa dạng cho bé.
2. Dùng dầu omega 3 cho trẻ ăn dặm bao nhiêu là đủ?
Dùng dầu omega 3 cho bé ăn dặm là điều cần thiết, tuy nhiên không phải cha mẹ nào cũng biết liều lượng sử dụng sao cho đúng? Nhìn chung, khi cho trẻ nhỏ dùng bất cứ loại dầu dinh dưỡng nào cũng nên dùng từ ít đến tăng dần để xem có phù hợp hay không, trẻ có muốn ăn hay không và tình trạng sức khỏe của trẻ như thế nào? Ví dụ, nếu trẻ bị tiêu chảy thì nên giảm bớt lượng dầu mỡ trong khẩu phần ăn của trẻ.
Trẻ dưới 2 tuổi là giai đoạn cần nhiều chất dinh dưỡng, năng lượng để phát triển và hoàn thiện các cơ quan trong cơ thể. Đây cũng là giai đoạn trẻ có tốc độ phát triển thể chất cao, lớn nhanh từng ngày nên cha mẹ cần bổ sung lượng chất béo nhiều trong khẩu phần ăn. Tùy theo độ tuổi, sở thích, tình trạng sức khỏe của trẻ có thể lên đến 30% khẩu phần hoặc nhiều hơn.
Thức ăn của trẻ trong giai đoạn này chủ yếu là các món ăn lỏng (chưa có các món xào, rán). Do vậy trong 1 bát bột hoặc súp, cháo của trẻ cần khoảng 10ml dầu ăn.
Sau 2 tuổi, tốc độ phát triển của trẻ chậm dần. Phần lớn trẻ đã mọc đủ răng để nhai được thức ăn đặc. Lúc này thức ăn của trẻ đã đa dạng và có nhiều sự lựa chọn hơn, trẻ cũng đã có thể dùng chung thức ăn với người lớn (nhưng cần được làm mềm và xé nhỏ). Do vậy, lượng dầu Omega 3 trong khẩu phần ăn sẽ tăng giảm linh hoạt tùy vào cách chế biến món ăn, sở thích ăn uống và thể trạng của trẻ chứ không cố định như trước 2 tuổi. Ví dụ nếu cha mẹ quan sát thấy trẻ thường xuyên ủ rũ, hay quên, mất tập trung, nhìn mờ... thì có thể cân nhắc tăng lượng dầu omega 3 cho trẻ ăn hàng ngày.
Tham khảo lượng dầu mỡ sử dụng cho trẻ trong 1 ngày:
- Trẻ mới tập ăn dặm (dưới 6 tháng tuổi): Mỗi bữa thêm từ 1/2 thìa đến 1 thìa dầu ăn (khoảng 2,5 - 5ml) cho vào bột, súp, cháo;
- Trẻ từ 1 đến 2 tuổi: Mỗi bữa thêm từ 1,5 - 2 thìa (khoảng 7 - 10ml) cho vào bột, súp, cháo;
- Trẻ trên 2 tuổi mỗi bữa ăn 2 thìa dầu (10ml) cho vào khẩu phần ăn hoặc sử dụng để chế biến.
3. Lưu ý khi sử dụng dầu Omega-3 cho bé
Khi muốn sử dụng dầu dinh dưỡng để cung cấp chất béo cho bé, cha mẹ nên chú ý loại dầu sử dụng có đa dạng và giúp ích cho quá trình phát triển của bé hay không. Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại dầu dinh dưỡng, dầu trẻ em khác nhau, mỗi loại đều có ưu điểm riêng nên cần sử dụng xen kẽ, đa dạng để tăng tối đa lợi ích. Không nên cho trẻ ăn mãi một loại dầu trong thời gian dài vì có thể dẫn đến hiện tượng vừa thừa vừa thiếu chất.
Ngoài ra, việc bảo quản dầu ăn cũng cần được lưu ý. Dầu ăn thường nhạy cảm với nhiệt độ, ánh sáng và oxy, do vậy, nên bảo quản dầu ăn của trẻ ở nơi thoáng, mát, khô ráo. Chỉ nên mang chai dầu ra khỏi nơi bảo quản trong thời gian ngắn khi cần sử dụng, chế biến. Riêng dầu thực vật như dầu dừa, dầu cọ... có chứa nhiều axit béo bão hòa có thể để ở nhiệt độ phòng.
Ngoài việc lựa chọn thời điểm cho trẻ ăn dầu ăn, cha mẹ cũng nên bổ sung thêm các vi chất cần thiết như: Kẽm, selen, Crom, Vitamin B1 và B6, Gừng, chiết xuất quả sơ ri (vitamin C),... để giúp con cải thiện vị giác, ăn ngon, đạt chiều cao và cân nặng đúng chuẩn, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt và ít gặp các vấn đề tiêu hóa.