Khi nào nên chụp cộng hưởng từ tuyến vú?

Bài viết được thực hiện bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Tôn Nữ Trà My - Khoa Chẩn đoán Hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park

Cộng hưởng từ vú là kỹ thuật hình ảnh sử dụng từ trường, sóng vô tuyến và máy tính để tạo ra các hình ảnh chi tiết về tuyến vú. Đây là kỹ thuật giúp sàng lọc, chẩn đoán và theo dõi điều trị các bệnh lý tuyến vú.

1. Vai trò của kỹ thuật chụp cộng hưởng từ tuyến vú

Chụp cộng hưởng từ vú không sử dụng bức xạ ion và không xâm lấn. Trước khi chụp cộng hưởng từ, hãy nói với bác sĩ bất cứ các vấn đề về sức khỏe hiện: tiền sử phẫu thuật, dị ứng cũng như khả năng bạn đang mang thai. Từ trường không gây hại cho cơ thể, tuy nhiên nó có thể làm hỏng một số thiết bị y khoa đặt trong cơ thể bệnh nhân, đặc biệt là các thiết bị có chứa kim loại. Vì vậy, bệnh nhân cần thông báo với kỹ thuật viên hoặc bác sĩ nếu có bất cứ thiết bị hoặc vật liệu kim loại nào trong cơ thể.

Bác sĩ có thể trao đổi với bệnh nhân có nên ăn hoặc uống trước chụp cộng hưởng từ hay không, tùy vào từng trường hợp bác sĩ sẽ hướng dẫn cụ thể. Nếu bác sĩ không dặn dò gì về các vấn đề này kể cả uống thuốc thì bạn vẫn tiếp tục sử dụng thuốc như bình thường. Cần tránh đeo trang sức khi thực hiện chụp cộng hưởng từ. Trước khi chụp, bệnh nhân sẽ thay đồ và mặc quần áo bệnh viện. Trường hợp bệnh nhân sợ khoảng kín hoặc lo lắng hồi hộp thì cần nói với bác sĩ để có thể uống thuốc an thần trước chụp.

Chụp cộng hưởng từ tuyến vú sẽ giúp:

  • Tầm soát ung thư vú (Phần I) ở nhóm phụ nữ có nguy cơ cao.
  • Đánh giá lan rộng ung thư vú trước điều trị.
  • Đánh giá chi tiết hơn các bất thường chưa rõ trên nhũ ảnh và/hoặc siêu âm vú.
  • Theo dõi sau phẫu thuật u vú.
  • Đánh giá đáp ứng sau điều trị hóa/xạ trị u vú.
  • Là phương tiện hình ảnh tốt trong đánh giá biến chứng rách vỡ túi ngực.

Chụp cộng hưởng từ tuyến vú
Chụp cộng hưởng từ tuyến vú

2. Khi nào nên chụp cộng hưởng từ tuyến vú

Chụp cộng hưởng từ tuyến vú không thay thế được nhũ ảnh và siêu âm vú, nhưng là phương tiện bổ sung cho những thông tin quan trọng để chẩn đoán bệnh trong những trường hợp sau:

2.1 Tầm soát ung thư vú ở nhóm phụ nữ nguy cơ cao

Trong nhóm phụ nữ có nguy cơ cao mắc ung thư vú, đặc biệt có liên quan đến tiền sử gia đình thì cộng hưởng từ là phương tiện được lựa chọn. Tiền sử gia đình có chị, mẹ, cô, dì mắc ung thư vú trước 50 tuổi. Họ hàng có người mắc ung thư buồng trứng cũng làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú. Bác sĩ chẩn đoán hình ảnh hoặc bác sĩ khám ban đầu có thể hỏi về tiền sử gia đình để quyết định bệnh nhân có nên chụp cộng hưởng từ vú hay không. Tùy vào tiền sử gia đình mà tư vấn di truyền có thể được khuyến cáo.


Chụp cộng hưởng từ tuyến vú giúp chẩn đoán chính xác ung thư vú
Chụp cộng hưởng từ tuyến vú giúp chẩn đoán chính xác ung thư vú

2.2 Đánh giá mức độ lan rộng của ung thư vú trước điều trị

Sau khi chẩn đoán ung thư vú, chụp cộng hưởng từ vú nhằm xác định:

  • Mức độ lan rộng, xâm lấn của ung thư.
  • Tìm kiếm thêm các khối ung thư khác ở vú cùng bên hoặc ở vú đối bên.
  • Tìm kiếm hạch bất thường ở nách, trung thất, thượng đòn.

2.3 Đánh giá các bất thường khó xác định trên nhũ ảnh

Đôi lúc, một số bất thường vú không thể đánh giá đầy đủ bằng nhũ ảnh và siêu âm vú hoặc có sự mâu thuẫn kết quả giữa nhũ ảnh và siêu âm vú, cộng hưởng từ được lựa chọn trong trường hợp này.

2.4 Đánh giá theo dõi sau phẫu thuật u vú

Giúp phân biệt sẹo với ung thư tái phát.

2.5 Sau điều trị hóa chất ở bệnh nhân có hóa trị tân bổ trợ

Trong một số trường hợp, ung thư vú được điều trị hóa chất trước khi phẫu thuật. Điều trị này được gọi là hóa trị tân bổ trợ. Khi đó, cộng hưởng từ vú thường được sử dụng để đánh giá đáp ứng sau hóa trị và đánh giá lại kích thước u trước phẫu thuật.


Hình ảnh kết quả chụp cộng hưởng từ tuyến vú
Hình ảnh kết quả chụp cộng hưởng từ tuyến vú

2.6 Đánh giá túi ngực

Cộng hưởng từ vú là phương tiện tốt để xác định có rách vỡ túi ngực hay không.

Khám sàng lọc bệnh lý tuyến vú giúp bệnh nhân phát hiện sớm nguy cơ mắc ung thư vú, để từ đó tiến hành những biện pháp điều trị thích hợp giúp hạn chế tối đa sự phát triển của bệnh cũng như giảm thời gian điều trị và chi phí chữa bệnh.

Nguồn tham khảo: Radiologyinfo.org; Mayoclinic.org; uptodate.com

XEM THÊM:

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe