Khi nào nên bổ sung DHA cho trẻ?

DHA là chất dinh dưỡng đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phát triển trí não và trí thông minh của bé. Tuy nhiên, tác dụng của DHA cho trẻ và khi nào nên bổ sung DHA cho trẻ vẫn là những câu hỏi được khá nhiều các bậc phụ huynh quan tâm.

1. DHA là gì?

DHA có tên đầy đủ là Docosahexaenoic Acid, một axit béo thuộc nhóm Omega-3. Đây là một acid béo thiết yếu cho sự phát triển trí não, thị giác, tăng khả năng miễn dịch của trẻ nhưng không tự tổng hợp được. Chúng còn được gọi là axit béo không bão hòa (PUFA) và những PUFA phải được lấy từ các loại thực phẩm hoặc chất bổ sung.

PUFA có 2 loại là Omega-6 và Omega-3. Axit béo Omega-3 còn được gọi là axit béo không bão hòa đa chuỗi dài (LC PUFA). Trong đó, một trong những axit béo Omega-3 quan trọng nhất là DHA, nó được hình thành từ Acid Alpha – linolenic.

Thành phần cấu trúc của tất cả các mô là tất cả các loại axit béo thiết yếu. Các axit béo này đóng vai trò là tiền chất của Eicosanoids giúp điều chỉnh nhiều chức năng của tế bào và cơ quan, nên đây là thành phần không thể thiếu để thực hiện quá trình tổng hợp màng tế bào.

Ở giai đoạn đầu đời, khả năng trao đổi chất của trẻ còn hạn chế để chuyển Acid Alpha-linolenic thành DHA. Do đó, cần bổ sung DHA cho trẻ em từ các nguồn thực phẩm để trẻ có thể duy trì được sức khỏe tối ưu.

2. Tác dụng của DHA cho trẻ

  • DHA giúp phát triển não bộ

DHA là một chất cần thiết cho sự phát triển của não bộ vì DHA chiếm tỉ lệ rất cao trong chất xám của trẻ giúp trẻ thông minh và tạo ra độ nhạy của các nơron thần kinh, giúp việc dẫn truyền thông tin nhanh chóng và chính xác.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trẻ em nếu được cung cấp lượng DHA tốt trong suốt thời kỳ phát triển não bộ sẽ có chỉ số thông minh cao hơn. Trẻ độ tuổi từ 8 - 9 tuổi sẽ có chỉ số IQ cao hơn 8,3 điểm nếu được bổ sung đầy đủ DHA. Ngoài ra, khi được cung cấp đủ DHA, tỷ lệ mắc bệnh chậm phát triển thần kinh ở trẻ cũng thấp hơn.

  • DHA giúp phát triển mắt

DHA cần thiết cho sự phát triển hoàn thiện chức năng nhìn của mắt vì DHA là thành phần cấu tạo đến 50 - 60% võng mạc. DHA đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của mắt, giúp trẻ có một đôi mắt khỏe mạnh.

  • Tác dụng của DHA cho trẻ sơ sinh

DHA có sự liên hệ chặt chẽ tới sự phát triển vòng đầu, cân nặng và chiều dài của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Ở trong tử cung, thai nhi đòi hỏi lượng DHA được tăng lên tương ứng với lượng DHA của não tăng lên trong thời kỳ mang thai và trong các tháng sau khi sinh. Điều này được chứng minh ngay khi sinh, trọng lượng não của em bé bằng khoảng 70% trọng lượng não của người trưởng thành.

Cung cấp đầy đủ DHA cho mẹ trong quá trình mang thai có thể giúp làm giảm tỷ lệ trẻ sinh non và tỷ lệ suy nhược sau khi sinh.

  • Tác dụng của DHA đối với nhiễm trùng đường hô hấp

Đã có báo cáo về tác dụng của DHA trong việc giảm tỷ lệ nhiễm trùng đường hô hấp ở trẻ em 3 tuổi. Trẻ được bổ sung DHA với ARA có tỷ lệ mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp thấp hơn đáng kể. Ngoài ra, còn giảm các triệu chứng thở khò khè, hen suyễn hoặc bất kỳ dị ứng nào ở trẻ.

DHA là một acid béo thiết yếu cho các chức năng của não và võng mạc. Ở trẻ sơ sinh và trẻ em được bổ sung tốt DHA, việc phát triển não bộ, thị lực và hành vi được phát triển tốt hơn. Bên cạnh đó, DHA còn có thể giúp trẻ ngăn ngừa một số bệnh lý khác như thoái hóa võng mạc, tăng lipid máu,... Do đó việc thiết lập chế độ dinh dưỡng, bổ sung DHA đầy đủ cho trẻ là vô cùng cần thiết.

3. Khi nào nên bổ sung DHA cho trẻ?

DHA giúp đảm bảo thị lực phát triển tốt, trí óc nhanh nhạy, tăng chỉ số trí tuệ, ngăn ngừa suy giảm trí nhớ trong khi học tập. Bởi vậy, ngay từ khi trẻ còn trong giai đoạn bào thai và những năm đầu đời, cần được bổ sung đủ lượng DHA cho trẻ để trí não, thị giác được phát triển và giúp trẻ có sức khỏe tốt.

Tổ chức Y tế thế giới WHO khuyến nghị, phụ nữ đang trong thời kỳ mang thai và cho con bú cần đảm bảo nạp tối thiểu 200mg DHA mỗi ngày. Lượng DHA được nạp vào người mẹ sẽ được cung cấp cho thai nhi qua rau rốn hoặc cho trẻ sơ sinh qua nguồn sữa mẹ.

Có thể tham khảo các thời điểm nên bổ sung DHA cho trẻ em như sau:

  • Trẻ sơ sinh đến 6 tháng tuổi: Trẻ sinh non và sơ sinh bình thường đều đòi hỏi phải cung cấp đầy đủ lượng DHA, sữa mẹ có thể cung cấp đủ DHA cần thiết cho trẻ, vì vậy việc cho trẻ bú hoàn toàn bằng sữa mẹ là rất quan trọng. Nếu sữa mẹ không đáp ứng đủ có thể sử dụng thêm các loại sữa và chế phẩm chứa DHA khác.
  • Trẻ từ 6 tháng tuổi - 1 tuổi: Đây là lúc cơ thể của trẻ cần bổ sung đủ DHA để tạo ra một lượng lớn Hormone cho sự phát triển của não bộ. Bổ sung DHA lúc này là rất cần thiết để giúp não bộ của trẻ được phát triển toàn diện, chức năng mắt và khả năng vận động của trẻ cũng tốt hơn. Các mẹ nên bổ sung DHA cho trẻ qua các thực phẩm giàu DHA bao gồm cá hồi, ngũ cốc, sữa, các loại rau...
  • Trẻ từ 1 tuổi đến 6 tuổi: Ở giai đoạn này, bé đã bắt đầu tiếp thu thông tin, kiến thức từ môi trường xung quanh vì vậy cần bổ sung DHA cho trẻ, giúp trẻ nâng cao khả năng xử lý thông tin của não bộ, tăng cường trí nhớ và phát triển tốt thị giác. Theo lời khuyên của các chuyên gia, mẹ nên bổ sung cho trẻ khoảng 75 mg DHA/ngày.
  • Trẻ từ 6 tuổi: Lúc này, trẻ đã bắt đầu bước vào giai đoạn học tập, não bộ cần hoạt động nhiều. Sự phát triển tốt của não bộ và học tập giai đoạn này sẽ là cơ sở tốt để phát triển trí thông minh của trẻ sau này. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên cha mẹ cần bổ sung DHA cho trẻ em đủ trong thời điểm này.

4. Các nguồn DHA bổ sung cho trẻ

  • Sữa mẹ

Sữa mẹ rất giàu DHA, lượng DHA trong sữa mẹ phụ thuộc rất lớn vào lượng DHA cơ thể người mẹ nạp vào mỗi ngày. Theo WHO khuyến cáo mẹ nên cung cấp cho trẻ khoảng 200mg DHA mỗi ngày để trẻ phát triển toàn diện nhất.

Nếu ở giai đoạn này người mẹ ít hoặc không có sữa để cung cấp đủ DHA cho bé thì có thể tham khảo các sản phẩm sữa công thức ngoài thị trường để bổ sung đủ lượng DHA cần thiết cho sự phát triển của bé.

  • Sữa công thức

Các loại sữa công thức cho trẻ nhỏ được nghiên cứu bổ sung lượng cần thiết của nhiều chất dinh dưỡng, trong đó có DHA. Đây cũng là cách bổ sung DHA được nhiều cha mẹ lựa chọn.

  • Các loại hạt

Acid Alpha Linolenic chứa hàm lượng rất lớn trong các loại hạt hồ đào, hạnh nhân, hạt mè, hạt lạc,... Khi trẻ ăn các loại hạt này, cơ thể có thể chuyển hóa thành DHA và sử dụng cho sự phát triển toàn diện của trẻ.

  • Các loại cá

Trong cá có chứa rất nhiều omega 3, trong đó hàm lượng DHA rất cao, đặc biệt là các loại cá như: cá thu, cá sòng, cá kiếm, cá hố, cá hồi, cá ngừ,... Mỡ mắt cá là nơi chứa hàm lượng DHA cao nhất, sau đó đến dầu cá. Trung bình nếu ăn 100g cá thì cơ thể trẻ sẽ nhận được lượng DHA lên tới 1000mg.

  • Thực phẩm bổ sung

Ngoài bổ sung DHA từ thực phẩm tự nhiên như các loại hạt và sữa, cha mẹ có thể cho trẻ uống DHA từ các chế phẩm dinh dưỡng. Song cần đảm bảo cung cấp cân đối DHA cho trẻ mỗi ngày, và cần sử dụng đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ và trên nhãn mác.

Bài viết trên là những thông tin giải đáp thắc mắc: Khi nào nên bổ sung DHA cho trẻ. Hy vọng bài viết này sẽ hữu ích đối với bạn đọc, nhất là những chị em chưa có nhiều kinh nghiệm về mang thai, sinh con và nuôi con nhỏ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe