Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Thị Tuyết Mai - Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Đi du lịch khi mang thai được xem là một hình thức giúp bà bầu có khoảng thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn, kết hợp vận động thể lực phù hợp. Tuy nhiên, thai phụ cần trang bị đầy đủ những kiến thức cần thiết để đảm bảo việc đi du lịch trong thai kỳ là an toàn cho cả sản phụ và thai nhi.
1. Có nên đi du lịch xa khi mang thai không?
Đối với hầu hết phụ nữ, đi du lịch khi mang thai là an toàn, miễn là sức khỏe của bà bầu và thai nhi ở trong trạng thái khỏe mạnh. Bà bầu có thể đi du lịch an toàn cho đến tuần thai thứ 36.
2. Thời điểm tốt nhất để đi du lịch trong thai kỳ
Khoảng thời gian tốt nhất để đi du lịch trong thời kỳ mang thai của thai phụ là giữa tuần 14 và tuần 28, tức là vào tam cá nguyệt thứ hai. Bởi vì, hầu hết các vấn đề mang thai phổ biến xảy ra trong tam cá nguyệt thứ nhất và thứ ba. Trong khi đó, vào giai đoạn giữa của thai kỳ, sức khỏe của sản phụ sẽ ổn định trở lại, tình trạng ốm nghén thường không còn nữa và bà bầu dễ dàng đi lại hơn. Chú ý đến tình trạng sức khỏe của bản thân để chủ động quyết định có nên đi du lịch xa khi mang thai không.
3. Trường hợp nào không được khuyến khích đi du lịch trong thai kỳ?
Đi chơi xa không được khuyến khích trong các trường hợp khi thai phụ có một số biến chứng khi mang thai, bao gồm tiền sản giật, vỡ ối sớm và chuyển dạ sinh non. Đi du lịch cũng không phải là một ý hay nếu thai phụ đang mang đa thai.
4. Bà bầu khi đi du lịch nên tránh khu vực nào?
Đi du lịch khi mang thai không được khuyến khích đối với phụ nữ ở những khu vực đang bùng phát dịch Zika. Zika là một căn bệnh do muỗi truyền bệnh, có thể gây dị tật bẩm sinh nghiêm trọng. Bà bầu cũng không được khuyến cáo đi đến các khu vực đang có dịch sốt rét, một bệnh do muỗi gây ra, dẫn đến nguy hiểm cho phụ nữ mang thai.
5. Bà bầu nên làm gì trước khi đi du lịch?
Có vài điều thai phụ nên thực hiện để đảm bảo có một chuyến đi du lịch an toàn và thoải mái:
- Lên lịch thăm khám với bác sĩ sản phụ khoa trước khi lên đường.
- Biết trước ngày dự sinh. Nếu chẳng may sản phụ gặp vấn đề trong khi đi du lịch, phải đảm bảo những người chăm sóc biết được địa điểm sản phụ đang ở.
- Mang theo bất kỳ loại thuốc nào có thể cần, bao gồm cả các thuốc mà bác sĩ đề nghị, chẳng hạn như thuốc giảm đau, thuốc bôi trĩ hậu môn, bộ dụng cụ sơ cứu và các loại vitamin cần thiết.
- Kiểm tra xem bạn đã tiêm phòng vắc xin đầy đủ chưa.
- Tính trước khoảng thời gian khi khởi hành đến một địa điểm nào đó. Con đường nhanh nhất thường là tốt nhất.
- Kế hoạch đi du lịch khi mang thai nên linh hoạt để dễ thay đổi. Cân nhắc việc mua bảo hiểm du lịch trước khi đi.
6. Huyết khối tĩnh mạch sâu ở du khách mang thai
Huyết khối tĩnh mạch sâu là tình trạng cục máu đông hình thành trong các tĩnh mạch ở chân hoặc một số khu vực khác của cơ thể. Hậu quả có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, khi cục máu đông di chuyển đến phổi. Ngồi hoặc không di chuyển trong thời gian dài, chẳng hạn như trong chuyến đi du lịch xa khi mang thai, có thể làm tăng nguy cơ mắc huyết khối tĩnh mạch sâu. Bản thân tình trạng mang thai đã là yếu tố làm tăng thêm nguy cơ mắc bệnh. Nếu đang lên kế hoạch cho một chuyến đi dài, hãy thực hiện các bước sau để giảm nguy cơ bị huyết khối tĩnh mạch:
- Uống nhiều nước.
- Mặc quần áo rộng.
- Kết hợp đi bộ và duỗi chân đều đặn. Ví dụ, khi đi du lịch bằng ô tô, hãy thường xuyên dừng lại để đi ra ngoài và thực hiện duỗi chân.
7. Một số lời khuyên về phương tiện đi du lịch cho bà bầu
7.1. Thai phụ đi du lịch xa bằng ô tô
Trong một chuyến đi bằng ô tô, hãy dành thời gian lái xe mỗi ngày càng ngắn càng tốt. Luôn thắt dây an toàn mỗi khi trên xe. Đặt dây ở phía dưới xương hông, dưới phần bụng. Phần dây đai ở vai nên đưa ra phía bên bụng và chéo qua giữa ngực. Lên kế hoạch cho xe nghỉ tại các điểm dừng thường xuyên, để bạn có thể di chuyển và duỗi chân, nhằm tránh việc hình thành cục máu đông.
7.2. Bà bầu đi du lịch bằng máy bay
Nên hoàn thành chuyến bay trước khi thai nhi được 36 tuần tuổi. Mặt khác, có một số hãng hàng không hoàn toàn không cho phép thai phụ đi máy bay hoặc yêu cầu phải có giấy chứng nhận y tế trong tháng cuối của thai kỳ. Đối với một số chuyến bay quốc tế, họ chỉ chấp nhận thai phụ mang thai dưới 28 tuần được đi máy bay. Do vậy, khi lập kế hoạch đi chơi xa, nhớ kiểm tra chính sách của hãng hàng không nơi bạn đặt vé.
Ưu tiên chọn ghế ngồi sát lối đi để bạn có thể đứng dậy và duỗi chân. Nên làm điều này trong mỗi 2 giờ. Tránh sử dụng các loại thực phẩm và đồ uống có ga trước chuyến bay. Sự thay đổi áp suất không khí trong khoang máy bay có thể gây khó chịu. Luôn luôn thắt dây an toàn khi ngồi trong máy bay.
7.3. Phụ nữ mang thai đi du lịch bằng tàu thủy
Hãy chắc chắn rằng có một bác sĩ hoặc y tá luôn thường trực ở trên tàu. Ngoài ra, các điểm dừng theo lịch trình của tàu nên là nơi có sẵn cơ sở y tế hiện đại. Trước khi khởi hành, thai phụ nên hỏi ý kiến bác sĩ để chọn cho mình một loại thuốc chống say sóng phù hợp.
Một trong những mối lo ngại lớn nhất đối với hành khách du lịch bằng tàu thủy là nguy cơ nhiễm norovirus. Norovirus là một nhóm vi-rút gây ra bệnh tiêu chảy, nôn mửa và đau bụng trong 1 - 2 ngày. Con người dễ dàng bị nhiễm bệnh này do ăn thực phẩm, uống nước hoặc chạm vào bề mặt các vật dụng có chứa vi-rút gây bệnh. Do đó, nên rửa tay thường xuyên khi ở trên tàu để hạn chế nguy cơ bị nhiễm norovirus. Nếu bạn bị tiêu chảy và nôn ói cùng một lúc, hãy tìm đến bác sĩ ngay lập tức.
8. Lời khuyên khi đi du lịch nước ngoài trong thời kỳ mang thai
Kiểm tra chính sách bảo hiểm y tế về các điều khoản hỗ trợ quốc tế. Nếu không có, thai phụ có thể mua bảo hiểm chăm sóc sức khỏe đặc biệt dành cho khách du lịch quốc tế.
Du lịch đến các nước đang phát triển đi kèm với nguy cơ sử dụng thực phẩm và nước uống bị ô nhiễm. Khách du lịch có thể bị bệnh nếu họ ăn phải thực phẩm sống, nấu chưa chín hoặc uống nguồn nước chưa được xử lý. Các vấn đề cấp tính ngắn hạn có khả năng sẽ xảy ra, được gọi là bệnh “tiêu chảy du lịch”.
Tình trạng tiêu chảy có thể là một vấn đề nhỏ đối với người không mang thai, nhưng nó thật sự là mối lo ngại lớn đối với bà bầu. Các bệnh nghiêm trọng, chẳng hạn như viêm gan A và nhiễm khuẩn listeriosis, cũng có thể lây lan qua thực phẩm và nước bị ô nhiễm. Những bệnh này có nguy cơ gây ra các biến chứng nghiêm trọng cho cả phụ nữ mang thai và thai nhi.
Nếu bị tiêu chảy, thai phụ hãy uống nhiều nước để chống mất nước. Trước khi điều trị tiêu chảy, hãy tìm cách liên hệ và trao đổi với bác sĩ để đảm bảo an toàn. Cách tốt nhất để phòng bệnh là tránh các loại thức ăn và nước uống không an toàn.
9. Trường hợp nào cần gọi cấp cứu trong lúc đi du lịch khi mang thai
Thai phụ cần được đưa đến bệnh viện hoặc gọi dịch vụ y tế khẩn cấp ngay lập tức nếu phát hiện bất kỳ dấu hiệu nào sau đây:
- Chảy máu âm đạo
- Đau vùng chậu, đau bụng hoặc xuất hiện các cơn co thắt
- Vỡ ối (túi nước ối bị vỡ)
- Các dấu hiệu và triệu chứng của tiền sản giật (đau đầu liên tục không thuyên giảm, xuất hiện các đốm mờ trong tầm nhìn và một số thay đổi về thị lực, sưng phù ở mặt hoặc tay)
- Nôn ói hoặc tiêu chảy nặng
- Dấu hiệu của huyết khối tĩnh mạch sâu.
Ngay cả khi tình hình sức khỏe của sản phụ hoàn toàn bình thường thì vẫn không thể biết được liệu có vấn đề nguy kịch nào có thể sẽ xảy ra trong chuyến đi du lịch của mình. Do đó, trong quá trình lên kế hoạch cho chuyến đi, hãy tìm sẵn các bệnh viện hoặc phòng khám y tế gần nhất ở nơi sẽ đến.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo nguồn Acog.org