Khi nào cần tìm bác sĩ cho các triệu chứng Hội chứng ruột kích thích thể táo bón nghiêm trọng?

Mục lục

Hội chứng ruột kích thích thể táo bón có thể gây ra những cơn đau bụng, co thắt và khó chịu. Tuy nhiên, khi các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hoặc kéo dài, người bệnh cần tìm đến bác sĩ để được tư vấn và điều trị hội chứng ruột kích thích kịp thời. Việc nhận diện đúng những dấu hiệu bất thường sẽ giúp bảo vệ sức khỏe và tránh biến chứng nghiêm trọng.

Bài viết của Thạc sĩ, Bác sĩ Mai Viễn Phương - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park

1. Hội chứng ruột kích thích là gì?  

Hội chứng ruột kích thích (IBS) là một bệnh lý đường ruột phổ biến, ảnh hưởng từ 5-20% dân số. Tuy không đe dọa tính mạng nhưng hội chứng này gây tác động lớn đến chất lượng sống của người bệnh.

Trong đó, các cơn đau bụng tái phát là triệu chứng hội chứng ruột kích thích điển hình thường liên quan đến quá trình đi tiêu, thay đổi thói quen đi tiêu cũng như tính chất của phân.  

Ngoài ra, các dấu hiệu hội chứng ruột kích thích khác bao gồm:  

  • Chướng bụng, đầy hơi.
  • Đau mỏi cơ.
  • Rối loạn giấc ngủ.
  • Cảm giác đi tiêu không hết phân.
  • Chuột rút.
  • Mệt mỏi.
  • Trung tiện nhiều.

2. Hội chứng ruột kích thích thể táo bón khi nào cần tìm bác sĩ

Người bệnh cần chủ động trong việc hỏi rõ những trường hợp và triệu chứng nào cần sự trợ giúp y tế ngay trong buổi khám đầu tiên với bác sĩ. Việc làm này sẽ giúp người bệnh có câu trả lời chính xác cho những thắc mắc như: "Tình trạng này có bình thường không?" hoặc "Người bệnh có nên gọi cho bác sĩ không?".

2.1 Các triệu chứng liên quan đến hội chứng ruột kích thích cần liên hệ với bác sĩ chuyên khoa.

Hội chứng ruột kích thích vẫn chưa được các bác sĩ xác định nguyên nhân cụ thể nhưng có nhiều yếu tố tiềm ẩn góp phần vào sự phát triển của bệnh.

Trong đó, đường tiêu hóa nhạy cảm hơn với đầy hơi, khí hoặc tác động của vi khuẩn là một yếu tố đáng lưu ý. Ngoài ra, căng thẳng, lo lắng, rối loạn nội tiết tố và việc tiêu thụ một số thực phẩm cũng có thể làm trầm trọng thêm triệu chứng. Sự kết hợp của tất cả yếu tố này có thể gây ra hội chứng ruột kích thích.

Người bệnh có thể không gặp bất kỳ triệu chứng nào liên quan đến hội chứng ruột kích thích trong một thời gian dài. Tuy nhiên, sau đó, các triệu chứng nghiêm trọng lại xuất hiện. Nếu gặp bất kỳ triệu chứng nào sau đây, người bệnh đừng ngần ngại liên hệ với bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa hoặc nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc chính trong việc điều trị hội chứng ruột kích thích:

  • Đau bụng: Dù đôi khi sẽ xuất hiện cơn đau bụng nhẹ nhưng nếu cơn đau trở nên dữ dội thì đó là dấu hiệu cảnh báo người bệnh cần liên hệ ngay với bác sĩ. Cơn đau dữ dội được xác định khi người bệnh cảm nhận mức độ đau từ 7 trở lên trên thang điểm 1 đến 10, trong đó 10 là mức đau nghiêm trọng nhất.
  • Co thắt ở bụng: Người bệnh không nên bỏ qua tình trạng co thắt bụng nghiêm trọng gây khó khăn trong việc hoàn thành công việc hàng ngày vì đây là dấu hiệu cho thấy ruột đang di chuyển quá nhanh
  • Trung tiện nặng mùi: Trung tiện có mùi hôi nặng hoặc không giống như bình thường là dấu hiệu của một vấn đề cần chú ý. Đôi khi, khí này còn gây đau và khiến người bệnh gặp khó khăn khi đi làm hoặc đi học.
  • Chất nhầy trong phân: Thỉnh thoảng, khi đường tiêu hóa bị kích thích, ruột kết sẽ bắt đầu tiết ra chất nhầy.
  • Tiêu chảy nghiêm trọng và/hoặc táo bón: Mặc dù tiêu chảy và táo bón thường là dấu hiệu của tình trạng bệnh lý nhưng khi có những triệu chứng khác lạ, đặc biệt là thời gian của một trong hai triệu chứng kéo dài thì đều chỉ ra một nguyên nhân nghiêm trọng.

Theo nguyên tắc chung, khi các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn mức bình thường hoặc xuất hiện những triệu chứng mới tác động đến cuộc sống hàng ngày thì người bệnh nên liên hệ với bác sĩ.

Khi bắt đầu sử dụng thuốc mới để điều trị hội chứng ruột kích thích gần đây, người bệnh nên gọi cho bác sĩ để hỏi về những triệu chứng mới có thể xuất hiện do thuốc. Một số thuốc ngăn co thắt có khả năng gây táo bón hoặc khó đi tiểu. Tuy nhiên, người bệnh không nên tự ý ngưng thuốc điều trị hội chứng ruột kích thích trừ khi được bác sĩ khuyến nghị. 

Hãy trao đổi với bác sĩ về hội chứng ruột kích thích thể táo bón.
Hãy trao đổi với bác sĩ về hội chứng ruột kích thích thể táo bón.

3. Các triệu chứng cần được chăm sóc y tế ngay lập tức

Các triệu chứng ở bụng đôi khi khiến người bệnh nghĩ đến hội chứng ruột kích thích nhưng thực tế lại là biểu hiện của một tình trạng khác. Nếu thấy máu trong phân, người bệnh nên đi khám ngay lập tức.  

Máu trong phân hoặc phân có màu đen, hắc ín cho thấy tình trạng chảy máu đường tiêu hóa khi một vùng ruột hoặc dạ dày bị chảy máu. Thông thường, hội chứng ruột kích thích không đi kèm với máu trong phân, chỉ có lẫn chất nhầy nhưng không có máu.

Hội chứng ruột kích thích thường không liên quan đến các triệu chứng khác như:

  • Chóng mặt
  • Khó chịu ở khớp, da hoặc mắt
  • Đau ngày càng nghiêm trọng hơn.
  • Chán ăn.
  • Giảm cân đột ngột
  • Các triệu chứng chỉ xảy ra vào ban đêm khiến người bệnh thường xuyên thức giấc

Người bệnh hãy tham khảo ý kiến bác sĩ nếu có tiền sử gia đình mắc các vấn đề về tiêu hóa nghiêm trọng và đang gặp phải các triệu chứng đã liệt kê. Các bệnh có thể kể đến như bệnh viêm ruột, celiac hay ung thư.

4. Kiểm tra các thay đổi triệu chứng

Bác sĩ sẽ tiến hành các xét nghiệm để tìm hiểu nguyên nhân khi người bệnh nhận thấy triệu chứng thay đổi. Trước hết, bác sĩ sẽ hỏi người bệnh về những triệu chứng đó bằng một số câu hỏi như:  

  • Lần đầu tiên người bệnh nhận thấy các triệu chứng xuất hiện là khi nào?
  • Các triệu chứng diễn ra trong khoảng thời gian bao lâu?
  • Người bệnh có thấy điều gì khiến các triệu chứng xấu đi hay cải thiện không?
  • Người bệnh có sử dụng thuốc điều trị hội chứng ruột kích thích mới hoặc thay đổi chế độ ăn gần đây không?                  

Câu trả lời của người bệnh cho những câu hỏi này sẽ được bác sĩ sử dụng làm cơ sở ban đầu để xác định nguyên nhân tiềm ẩn. Tùy theo triệu chứng của người bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm máu để kiểm tra xem nồng độ trong máu có đạt mức mong đợi hay không.  

Người bệnh nên đi khám bác sĩ khi xuất hiện các triệu chứng hội chứng ruột kích thích thể táo bón.
Người bệnh nên đi khám bác sĩ khi xuất hiện các triệu chứng hội chứng ruột kích thích thể táo bón.

Nếu nghi ngờ có viêm hoặc chảy máu trong đường ruột, bác sĩ sẽ đề xuất thực hiện nội soi để kiểm tra xem có bất thường nào ở màng trong của ruột kết không.

Trên đây là tất cả thông tin về hội chứng ruột kích thích thể táo bón. Nhìn chung, khi triệu chứng bệnh thay đổi, người bệnh nên đến bác sĩ để kiểm tra và điều trị hội chứng ruột kích thích càng sớm càng tốt. Điều này sẽ giúp bác sĩ đánh giá sự thay đổi đó có cần điều trị bổ sung hay là dấu hiệu của vấn đề sức khỏe khác. Ngoài ra, người bệnh cũng cần nhớ rằng mọi lo lắng đều cần được thông báo cho bác sĩ để có thể chuẩn bị cho những trường hợp nguy hiểm tiềm ẩn với sức khỏe hệ tiêu hóa.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ