Bài viết được viết bởi ThS.BS Tôn Nữ Trà My - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park
Chụp tử cung vòi trứng (Hysterosalpingography (HSG)) là phương pháp hình ảnh đánh giá hình dạng của tử cung và kiểm tra xem các ống dẫn trứng có thông hay không.
1. Mục đích của chụp X quang tử cung - vòi trứng (Hysterosalpingography (HSG)
- Đánh giá hình dạng của tử cung và kiểm tra các ống dẫn trứng (vòi trứng, vòi tử cung) có thông hay không.
- Phương pháp này cũng được sử dụng để đánh giá một số bệnh lý trong tử cung
2. Phương pháp này được chỉ định trong trường hợp nào?
Bác sĩ sẽ chỉ định chụp tử cung vòi trứng để xác định nguyên nhân tại sao bạn khó có thể mang thai. Cụ thể phương pháp này được sử dụng trong những trường hợp sau:
- Nghi ngờ tắc nghẽn của ống dẫn trứng do nhiễm trùng hoặc sẹo.
- Thắt ống dẫn trứng.
- Mở lại ống dẫn trứng sau khi triệt sản (thắt ống dẫn trứng) hoặc tắc nghẽn ống dẫn trứng do bệnh lý.
- Để tìm nguyên nhân trong trường hợp sảy thai liên tiếp.
- Đánh giá các dị dạng bẩm sinh hoặc mắc phải của tử cung như: u, polyp nội mạc tử cung, dính tử cung do viêm nhiễm hoặc do thuốc.
3. Chuẩn bị gì trước khi chụp tử cung vòi trứng?
Chụp tử cung vòi trứng được khuyến cáo nên thực hiện từ 7 đến 10 ngày sau ngày đầu tiên của kỳ kinh nguyệt.
Không thực hiện thủ thuật này nếu bạn bị nhiễm trùng vùng chậu đang hoạt động. Hãy cho bác sĩ và kỹ thuật viên biết nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu nào của nhiễm trùng vùng chậu, hoặc STD chưa được điều trị. Bạn nên thông báo cho bác sĩ về bất kỳ loại thuốc nào đang dùng và nếu có bất kỳ dị ứng nào, đặc biệt là với các chất cản quang có i-ốt. Đồng thời thông báo cho bác sĩ của bạn về các bệnh gần đây hoặc các tình trạng y tế khác.
Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh trước và / hoặc sau thủ thuật.
Bạn sẽ cần mặc áo choàng bệnh viện. Cởi bỏ bất kỳ vật kim loại vì kim loại có thể gây nhiễu kết quả đọc.
Bạn cần thông tin cho bác sĩ và/hoặc kỹ thuật viên về việc có đang mang thai hay không. Các bác sĩ sẽ không thực hiện phương pháp này nếu bạn đang mang thai.
4. Quy trình thực hiện chụp X quang tử cung vòi trứng như thế nào?
Quy trình này giống như khám phụ khoa. Bạn sẽ nằm ngửa trên bàn chụp với đầu gối co lại, hoặc bàn chân được giữ vòng kiềng. Bác sĩ sẽ đưa mỏ vịt vào âm đạo, làm sạch cổ tử cung và đưa ống thông nhỏ chuyên biệt cho chụp tử cung vòi trứng vào cổ tử cung, sau đó tháo mỏ vịt và cẩn thận đặt bạn bên dưới máy X quang.
Bác sĩ bơm thuốc cản quang vào khoang tử cung, vòi trứng thông qua ống thông, sau đó chụp các hình ảnh cần thiết. Bác sĩ có thể yêu cầu bạn thay đổi vị trí trong quá trình chụp.
Sau khi kiểm tra các hình ảnh thu được đã đầy đủ cho chẩn đoán bác sĩ sẽ rút ống thông ra và hướng dẫn bạn một số vấn đề sau chụp.
Phương pháp này thường kéo dài khoảng 30 phút.
5. Bạn sẽ trải qua những gì trong và sau khi làm thủ thuật?
- Thủ thuật này có thể làm bạn thấy hơi khó chịu hoặc đau nhẹ khi bác sĩ đặt ống thông và tiêm chất cản quang. Hầu hết phụ nữ sau chụp sẽ bị ra dịch âm đạo trong vài ngày, đây là điều hoàn toàn bình thường.
6. Những lợi ích của chụp tử cung vòi trứng?
Cung cấp các thông tin có giá trị về các tử cung vòi trứng, giúp xác định nguyên nhân vì sao bạn khó mang thai.
Trong một số trường hợp, những bán tắc nhỏ trong vòi trứng có thể được thông nhờ vào thuốc cản quang bơm vào và bạn có thể mang thai trong tương lai.
7. Những hạn chế của chụp tử cung - vòi trứng (hysterosalpingography) là gì?
Chụp tử cung vòi trứng là phương pháp chỉ nhìn thấy bên trong tử cung và vòi trứng. Bác sĩ của bạn có thể sử dụng MRI hoặc siêu âm để xem xét các vấn đề của buồng trứng, thành tử cung và các cấu trúc vùng chậu khác.
Phương pháp này không thể đánh giá các vấn đề vô sinh khác như số lượng tinh trùng thấp hoặc bất thường hoặc không có khả năng làm tổ của trứng đã thụ tinh trong tử cung.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Tài liệu tham khảo: Radiologyinfo.org; RTAnswers.org. Gynecology oncology