Khi con gái bạn 15 tuổi: Những điều bạn và bé cần biết

Con gái 15 tuổi là tuổi vị thành niên - không còn là trẻ con, cũng chưa phải người lớn. Bên cạnh rất nhiều thay đổi về thể chất, đây cũng là thời điểm phát triển lớn về trí tuệ, xã hội và tình cảm. Mặc dù mỗi cô gái là khác nhau, nhưng cũng có những mốc quan trọng chung.

1. Thể chất

Đến năm 15 tuổi, hầu hết các bé gái đã phát triển ngực và có lông mu, đạt đến chiều cao trưởng thành. Đặc biệt là bé gái 15 tuổi có kinh nguyệt đầu tiên. Con gái của bạn có thể lo lắng về hình dạng cơ thể, cũng như chiều cao và cân nặng của chúng. Theo khảo sát, gần 50% số nữ sinh trung học ăn kiêng. Đôi khi mối bận tâm này có thể dẫn đến rối loạn ăn uống. Nếu bạn nghĩ con gái mình cũng đang gặp phải tình trạng này, hãy nói chuyện với bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn.

2. Trí tuệ

Khi còn nhỏ, bọn trẻ chỉ nghĩ về những gì đang diễn ra hiện tại. Nhưng đến năm 15 tuổi, một cô gái có thể suy nghĩ theo những cách phức tạp hơn về tương lai và cách thế giới vận hành. Cụ thể, bé gái 15 tuổi của bạn có thể:

  • Bắt đầu đặt mục tiêu cho tương lai;
  • Lập kế hoạch cho các tình huống có khả năng xảy ra;
  • Tự quyết định nhiều hơn;
  • Hiểu tác động của các hành vi mình làm.

Con gái 15 tuổi sẽ bắt đầu hình thành cảm giác đúng sai và sử dụng để đưa ra quyết định. Nhưng đôi khi trẻ vẫn hành động mà không cần suy nghĩ nhiều. Con gái của bạn sẽ sắp xếp cuộc sống tốt hơn, linh hoạt hoàn thành các nhiệm vụ ở trường học, hoạt động xã hội và việc nhà.


Đến năm 15 tuổi, một cô gái có thể suy nghĩ theo những cách phức tạp hơn về tương lai và cách thế giới vận hành
Đến năm 15 tuổi, một cô gái có thể suy nghĩ theo những cách phức tạp hơn về tương lai và cách thế giới vận hành

3. Tình cảm và xã hội

Bé gái 15 tuổi bắt đầu muốn khẳng định bản thân. Khi xác định được mình là ai, các con sẽ muốn giành quyền kiểm soát và độc lập hơn. Các cô gái 15 tuổi sẽ:

  • Coi bạn bè quan trọng như gia đình;
  • Dành ít thời gian hơn cho cha mẹ và dành nhiều thời gian hơn cho bạn bè hoặc ở một mình;
  • Bắt đầu hẹn hò;
  • Có xu hướng tranh luận;
  • Bắt đầu quan tâm tới tình dục;
  • Nhận thức rõ hơn về xu hướng tình dục của bản thân;
  • Cảm nhận mọi thứ một cách sâu sắc hơn;
  • Cố gắng hiểu cảm xúc của chính bản thân;
  • Cảm thấy buồn hoặc chán nản: Nếu thấy con buồn bã kéo dài hơn vài tuần, hãy tìm sự giúp đỡ từ chuyên gia;
  • Thử dùng rượu, thuốc lá và các loại ma túy khác.

Nhìn chung bé gái 15 tuổi thường có tính khí “sớm nắng chiều mưa”, hầu như đang sử dụng điện thoại 24/7. Mặc dù cô con gái 15 tuổi của bạn có thể nghĩ rằng mình đã trưởng thành, nhưng vẫn cần rất nhiều sự hướng dẫn của bố mẹ. Càng biết nhiều về những thay đổi của bé gái 15 tuổi, bạn càng có thể giúp đỡ con nhiều hơn.

4. Giữ con luôn an toàn

Thanh thiếu niên từ 15 - 19 tuổi có tỷ lệ tử vong cao hơn trẻ nhỏ. Nguyên nhân hàng đầu là do tai nạn giao, giết chóc và tự tử. Khi con gái bạn bắt đầu có trách nhiệm đối với sự an toàn của chính mình, những quy tắc sau sẽ giúp giữ các con an toàn:

  • Luôn thắt dây an toàn (đội mũ bảo hiểm) và không bao giờ sử dụng điện thoại di động khi lái xe;
  • Mang đầy đủ đồ bảo hộ khi đi xe đạp, trượt patin hoặc ván trượt;
  • Cẩn thận khi online và sử dụng mạng xã hội;
  • Tuân thủ các quy tắc của gia đình, nhà trường và luật pháp, đặc biệt là quy định về sử dụng rượu và ma túy;
  • Hiểu những gì có thể xảy ra nếu quan hệ tình dục (nói chuyện với bé gái 15 tuổi của bạn về việc mang thai, các loại bệnh lây qua đường tình dục và những vấn đề khác liên quan đến việc quan hệ tình dục).

Hiểu những gì có thể xảy ra nếu quan hệ tình dục (nói chuyện với bé gái 15 tuổi của bạn về việc mang thai
Hiểu những gì có thể xảy ra nếu quan hệ tình dục (nói chuyện với bé gái 15 tuổi của bạn về việc mang thai

5. Cách giúp bé gái 15 tuổi

Mặc dù không phải lúc nào con bạn cũng muốn hoặc mở lời yêu cầu, nhưng bé vẫn cần bố mẹ hỗ trợ. Con gái 15 tuổi có thể rời xa bạn theo thời gian, nhưng đừng lo lắng bởi điều này là bình thường. Hãy sẵn sàng khi con muốn nói chuyện với bạn, đặt điện thoại xuống, dừng việc bạn đang làm và yên lặng lắng nghe. Cố gắng hiểu quan điểm của con trước, sau đó mới nói lên những gì bạn nghĩ. Đừng cười nhạo hoặc chê bai những gì con nói, thay vào đó là đưa ra những lời khuyên bổ ích, đề xuất hỗ trợ hoặc khuyến khích con. Dành thời gian làm như vậy thường xuyên nhất có thể.

Sau đây là một số cách khác mà bạn có thể hỗ trợ cho con gái 15 tuổi của mình:

  • Giúp con gái bạn bắt đầu lập kế hoạch cho tương lai;
  • Khuyến khích con tham gia vào quá trình ra quyết định của gia đình;
  • Thể hiện sự quan tâm đến bạn bè, trường học và các hoạt động của con;
  • Đặt giới hạn cho việc sử dụng điện thoại, thiết bị điện tử và mạng xã hội. Nói rõ hình phạt hoặc hậu quả nếu con không tuân thủ đúng;
  • Dạy con gái của bạn cách nói không. Đảm bảo rằng con biết phải làm gì nếu bị ép buộc dùng ma túy hoặc quan hệ tình dục. Hãy nói con gọi điện hoặc nhắn tin cho bố mẹ ngay nếu muốn rời khỏi một bữa tiệc hoặc cuộc tụ tập bạn bè nào đó mà con cảm thấy không thoải mái.
  • Khuyến khích con tham gia các hoạt động tình nguyện và quan tâm đến người khác.
  • Tôn trọng quyền riêng tư của con.

Ngoài ra, để giúp con gái của bạn luôn khỏe mạnh, bố mẹ có thể áp dụng quy tắc 5, 4, 3, 2, 1. Mỗi ngày các bé gái 15 tuổi nên:

  • Ăn 5 phần trái cây / rau;
  • Uống 4 chai nước 500ml;
  • Tiêu thụ 3 phần sữa;
  • Sử dụng thiết bị điện tử 2 giờ;
  • 1 giờ hoạt động thể chất.

Chú ý đến các dấu hiệu cảnh báo nguy cơ tự tử của con gái bạn, chẳng hạn như:

  • Nói về tự tử hoặc cái chết;
  • Nói về việc không tồn tại trong tương lai;
  • Cho đi những thứ con rất yêu thích;
  • Đã từng cố gắng tự tử trước đây.

Nếu bạn nghĩ rằng con mình đang tìm cách tự tử, đừng để con gái bạn một mình, mà hãy nhận sự trợ giúp ngay lập tức. Tuổi 15 thật đẹp và cũng nhiều thử thách. Hãy gần gũi và giúp con vượt qua thời điểm quan trọng này trong cuộc đời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe