Vi khuẩn kháng nhiều loại kháng sinh khau gọi là đa kháng kháng sinh, tình trạng này đang là nguy cơ báo động trong tương lai một phần do sử dụng kháng sinh không đúng cách. Khi vi khuẩn đa kháng thuốc việc cần làm là tìm ra được loại kháng sinh mà vi khuẩn đó còn nhạy cảm, để làm được điều này thì cần phải làm kháng sinh đồ.
1. Vi khuẩn đa kháng kháng sinh là gì?
Vi khuẩn đa kháng thuốc là tình trạng mà vi khuẩn có thể sinh trưởng mà có sự xuất hiện của nhiều loại kháng sinh khác nhau mà thông thường kháng sinh này có thể tiêu diệt hoặc ức chế sự phát triển của vi khuẩn.
Kháng kháng sinh là một mối nguy cơ đe dọa tới sức khỏe cộng đồng, vi khuẩn đa kháng kháng sinh làm cho việc điều trị bệnh trở nên khó khăn thậm chí không điều trị được bệnh.
2. Kháng sinh đồ là gì?
Kháng sinh là chất có tác dụng tiêu diệt hoặc kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn, tuy nhiên một số loại vi khuẩn luôn đột biến để tạo ra khả năng đề kháng với kháng sinh. Một trong những yếu tố góp phần tạo lên những vi khuẩn có khả năng kháng thuốc là do sử dụng kháng sinh chưa đúng cách, không đủ liều lượng...Chính vì vậy nước ta đang là nước có tỉ lệ kháng thuốc kháng sinh rất cao, để tìm ra được loại kháng sinh phù hợp với vi khuẩn gây bệnh cần thực hiện kháng sinh đồ.
Kháng sinh đồ là một phương pháp được thực hiện nhằm xác định mức độ nhạy cảm của kháng sinh thử nghiệm đối với loại vi khuẩn gây bệnh. Từ đó giúp lựa chọn kháng sinh phù hợp để điều trị tình trạng nhiễm trùng của người bệnh, chọn được loại kháng sinh mà vi khuẩn còn nhạy cảm thì có thể hạn chế việc sử dụng những kháng sinh mạnh chưa cần thiết.
Mục đích chính của việc làm kháng sinh đồ bao gồm:
- Giúp bác sĩ lâm sàng chọn lựa kháng sinh, đưa ra phác đồ điều trị phù hợp cho từng bệnh nhân tránh dùng quá nhiều kháng sinh không nhạy cảm với vi khuẩn.
- Khi thực hiện kháng sinh đồ giúp cho bác sĩ không chỉ chọn được kháng sinh phù hợp mà còn chọn được liều lượng thấp nhất có tác dụng điều trị diệt vi khuẩn. Từ đó cũng hạn chế được những tác hại của vi khuẩn đối với cơ thể.
- Thu thập thông tin dịch tễ học về xu hướng đề kháng kháng sinh của các vi khuẩn trong cộng đồng. Từ đó xây dựng các hướng dẫn sử dụng kháng sinh trong điều trị cho cộng đồng khi chưa có kết quả kháng sinh đồ.
3. Các bước tiến hành kỹ thuật kháng sinh đồ
Chuẩn bị:
- Thiết bị và dụng cụ như tủ an toàn, máy đo độ đục, đèn cồn, que cấy, đĩa thủy tinh sạch...
- Hóa chất: Nước muối sinh lý đã được khử trùng, đĩa thạch và máu. Khoanh giấy kháng sinh.
Các bước tiến hành:
- Bước 1: Lấy mẫu bệnh phẩm từ cơ quan, mô, dịch tiết của cơ thể nơi chứa vi khuẩn. Sau đó nuôi cấy qua đêm hoặc tăng sinh và phân lập vi khuẩn gây bệnh.
- Bước 2: Chuẩn bị đĩa thạch theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
- Bước 3: Vi khuẩn sau khi được nuôi cấy trên môi trường không có chất ức chế, tạo ra khuẩn lạc. Dùng que lấy từ 5-10 khuẩn lạc, pha loãng để được một lượng vi khuẩn cần thiết trải đều trên đĩa thạch.
- Bước 4: Chuẩn bị khoanh giấy kháng sinh: Lấy ống khoanh giấy kháng sinh từ tủ lạnh để nhiệt độ phòng khoảng 30 phút cho thăng bằng nhiệt độ. Đặt các khoanh giấy đã chọn lựa với từng vi khuẩn đã được thử sao cho mặt của khoanh giấy áp sát vào mặt môi trường, mép ngoài của khoanh giấy cách thành trong của đĩa khoảng 15mm và khoanh nọ cách khoanh kia 20mm.
- Bước 5: Ủ ấm ở nhiệt độ từ 28-30 độ C
Nhận định kết quả: Đọc kết quả sau khoảng 24-48 giờ, trên bề mặt đĩa thạch xuất hiện các vòng tròn không có sự phát triển của vi khuẩn. Tiến hành đo đường kính vòng không có sự phát triển của vi khuẩn để đánh giá sự nhạy cảm của vi khuẩn với kháng sinh:
- Đường kính vòng vô khuẩn ≤ 11mm: Kháng
- Đường kính vòng vô khuẩn từ 12mm-15mm: Trung bình
- Đường kính vòng vô khuẩn ≥ 16mm: vi khuẩn nhạy cảm.
Sau khi đọc kết quả xong, người thực hiện kỹ thuật đưa ra loại kháng sinh mà vi khuẩn nhạy còn nhạy cảm, liều lượng phù hợp để sử dụng cho người bệnh.
4. Làm sao để hạn chế tình trạng vi khuẩn đa kháng kháng sinh
Kháng kháng sinh gia tăng chủ yếu do cách sử dụng kháng sinh chưa đúng, nên chúng ta cần phải thực hiện đúng cách.
Để hạn chế mối nguy cơ đe dọa sức khỏe cộng đồng trong tương lai cần thực hiện một số biện pháp sau nhằm hạn chế sự kháng kháng sinh:
- Kháng sinh chỉ có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn, không giúp điều trị các bệnh do virus nên nếu nguyên nhân gây bệnh là virus thì không được sử dụng kháng sinh để điều trị khi không cần thiết.
- Trong quá trình điều trị khi bệnh đã khỏi cũng không được dừng sử dụng thuốc cho đến khi hết thời gian sử dụng mà bác sĩ yêu cầu.
- Không được tự ý mua thuốc kháng sinh khi không có chỉ định.
- Mỗi loại kháng sinh chỉ có tác dụng trên một số loại vi khuẩn nhất định, nên cần phải sử dụng kháng sinh phù hợp với chủng vi khuẩn gây bệnh. Điều này cần được sự hướng dẫn của bác sĩ.
Kháng sinh đồ là một phương pháp sử dụng kháng sinh đúng nhất và hạn chế được nguy cơ kháng kháng sinh. Đặc biệt trong trường hợp vi khuẩn đa kháng kháng sinh thì nhất thiết cần sử dụng kháng sinh đồ để chọn được kháng sinh còn nhạy cảm với vi khuẩn.
Nếu có nhu cầu tư vấn và thăm khám tại các Bệnh viện Vinmec thuộc hệ thống Y tế trên toàn quốc, Quý khách vui lòng đặt lịch trên website để được phục vụ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.