Khám vận động: Những điều cần biết

Khi các dây thần kinh hay các dây thần kinh vận động chi phối sự cử động của các chi trên cơ thể người bị tổn thương, người bệnh sẽ gặp phải các vấn đề về rối loạn vận động. Trong trường hợp này bác sĩ sẽ tiến hành khám vận động cho người bệnh để đánh giá tình trạng rối loạn cũng như đưa ra pháp đồ điều trị hiệu quả nhất đối với người bệnh.

1. Khám vận động là gì?

Rối loạn vận động với nguyên nhân chủ yếu do dây thần kinh vận động bị tổn thương khiến người bệnh không thể kiểm soát một phần hay toàn bộ cơ thể và gây khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày.

Sau đây là một số rối loạn vận động thường gặp nhất:

Để đánh giá mức độ rối loạn vận động do nguyên nhân tổn thương các dây thần kinh vận động trên toàn bộ cơ thể hoặc một phần cơ thể người bệnh, bác sĩ chuyên khoa sẽ chỉ định người bệnh thực hiện khám vận động để đánh giá được sức chi trên và chi dưới của người bệnh từ đó đưa ra liệu trình điều trị thích hợp nhất đối với người bệnh.

Khám vận động được thực hiện thông qua việc quan sát tình trạng vận động của người bệnh đồng thời thông qua một vài động tác được chỉ định để đánh giá tình trạng trương cơ lực, sức cơ, dáng điệu và sự phối hợp vận động của người bệnh.


Bệnh Parkinson là một dạng rối loạn vận động thường gặp
Bệnh Parkinson là một dạng rối loạn vận động thường gặp

2. Khám vận động được tiến hành như thế nào?

2.1 Tiến hành quan sát tình trạng chi trên dưới của người bệnh

Bác sĩ sẽ quan sát và đánh giá các vấn đề như sau:

Quan sát cơ bắp của người bệnh, đánh giá tình trạng cơ bắp của người bệnh xem có ở trạng thái bình thường hay không, có bị teo cơ hay phì đại cơ hay không. Khi người bệnh ở trạng thái nghỉ ngơi, các bó cơ có thể bị rung giật nhỏ và nhẹ mà không làm dịch chuyển khớp với nhiều nguyên nhân khác nhau.

Các hoạt động trong lúc nghỉ ngơi của người bệnh có thể là tăng động do chứng nằm ngồi không yên hoặc chứng chân không yên hoặc giảm động thường gặp ở bệnh nhân trầm cảm, parkinson, người bệnh rối loạn chức năng hồi trán giữa. Ngoài ra còn có các vận động tự phát như run rẩy, múa giật, loạn trương cơ lực.

2.2 Khám cơ lực

Mục đích của việc tiến hành khám cơ lực là để đánh giá hoặc phát hiện tăng trương lực cơ hoặc giảm cơ lực cơ ở người bệnh.

Bệnh nhân được yêu cầu nằm thẳng và thư giãn thả lỏng chân tay, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra độ chắc nhão bằng cách bóp nhẹ các bắp cơ ở cẳng tay, cánh tay, đùi và cẳng chân. Ngoài ra để đánh giá được độ co doãi bằng cách di chuyển gập và duỗi chi tại các khớp khuỷu, cổ tay, đầu gối một cách thụ động. Đánh giá độ ve vẩy bằng cách lắc nhẹ cẳng tay và cẳng chân của bệnh nhân. Thông qua khám cơ lực, bác sĩ sẽ đánh giá được tình trạng của người bệnh, nếu bệnh nhân có các đặc điểm như cơ bắp chắc, khi bệnh nhân co doãi có sự phản kháng lại rất nhẹ đối với các vận động thụ động và bàn tay bàn chân ve vẩy nhẹ nhàng thì đây là những dấu hiệu của một người bình thường.


Khám cơ lực giúp đánh giá hoặc phát hiện tăng trương lực cơ hoặc giảm cơ lực cơ ở người bệnh.
Khám cơ lực giúp đánh giá hoặc phát hiện tăng trương lực cơ hoặc giảm cơ lực cơ ở người bệnh.

Đối với các trường hợp tăng trương lực cơ sẽ gây ra tình trạng cứng cơ do sự tăng đề kháng ở cả nhóm cơ gấp lẫn nhóm cơ duỗi tạo ra cứng cơ kiểu ống chì. Ngoài ra còn có trường hợp cứng cơ bánh xe răng cưa, cứng cơ kiểu tháp...

Các trường hợp giảm trương lực cơ do các rối loạn tiểu não, rối loạn dây thần kinh cơ. Đối với trẻ em sơ sinh, giảm trương lực cơ chủ yếu do rối loạn dây thần kinh cơ hoặc dây thần kinh trung ương.

2.3 Sức cơ

Bác sĩ thông báo cho bệnh nhân về việc khám sức cơ, lúc này bệnh nhân có thể ngồi hoặc nằm trên giường bệnh tùy vào yêu cầu của bác sĩ. Trong quá trình khám bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân thực hiện các động tác như sau:

  • Đối với sức cơ chi trên

Dạng và khép cánh tay, đưa cánh tay ra trước và ra sau với không và có lực cản của người khám. Gập và duỗi, sấp và ngửa cẳng tay với không và có lực cản của người khám.

Gập và duỗi bàn tay với không và có lực cản của người khám.

Xòe và khép, gập và duỗi các ngón tay với không và có lực cản của người khám


Khám sức cơ chi trên bằng cách gập, duỗi bàn tay
Khám sức cơ chi trên bằng cách gập, duỗi bàn tay

  • Đối với sức cơ chi dưới

Dạng, khép và nâng đùi với không và có lực cản của người khám.

Gập và duỗi cẳng chân với không và có lực cản của người khám.

Gập và duỗi bàn chân với không và có lực cản của người khám.

Duỗi và gấp các ngón chân với không và có lực cản của người khám.

Thang điểm đánh giá sức cơ trong khám vận động:

  • Độ 0/5: Liệt hoàn toàn.
  • Độ 1/5: Vận động cơ có thể thấy được, nhưng không cử động khớp.
  • Độ 2/5: Cử động được khớp, nhưng không thắng trọng lực.
  • Độ 3/5: Thắng được trọng lực, nhưng không thắng lực cản.
  • Độ 4/5: Chống được lực cản, nhưng chưa đạt đến sức cơ bình thường.
  • Độ 5/5: Sức cơ bình thường

2.4 Dáng điệu của người bệnh

Sự bất thường dáng điệu của người bệnh có thể là do khiếm khuyết một số dây thần kinh trung ương hoặc dây thần kinh vận động. Để khám vận động, bác sĩ sẽ thực hiện một số bài test như sau:

  • Romberg test: Yêu cầu bệnh nhân đứng thẳng, chụm hai chân sát vào nhau, mở mắt sau đó nhắm mắt. Bệnh nhân có thể đứng thẳng khi mở mắt, và loạng choạng (muốn té) khi nhắm mắt là do rối loạn hoặc là cảm giác sâu hoặc là chức năng tiền đình vì thị giác có thể bù trừ cho cả hai. Thị giác không thể bù trừ tốt cho thất điều tiểu não, do đó bệnh nhân này loạng choạng cả khi mở mắt. Bệnh nhân thất điều tiểu não cũng loạng choạng khi nhắm mắt, nhưng không được gọi là Romberg dương tính

Romberg test giúp xác định dáng điệu bất thường của người bệnh
Romberg test giúp xác định dáng điệu bất thường của người bệnh

  • Test kéo: Người khám đứng lưng sát tường để có thể dựa vào khi cần. Yêu cầu bệnh nhân đứng thẳng quay lưng về mặt người khám, cách 30-60cm, hai chân chụm vào nhau, mắt mở. Kéo vai bệnh nhân chắc và nhanh ngược về phía người khám. Kiểm tra sự mất phản xạ tư thế nếu tư thế có thể bị ảnh hưởng trong các rối loạn dây thần kinh cơ hoặc rối loạn hạch nền. Gặp trong hội chứng Parkinson, bệnh nhân tổn thương thì trán hoặc chất trắng hai bên.
  • Cho bệnh nhân đi thăng bằng, đi lại bình thường tự do hoặc đi nối gót trên một đường thẳng để đánh giá sự thăng bằng của người bệnh, độ dài và sự đều đặn của nhịp bước chân, khả năng xoay người và các cử động cánh tay kèm theo. Lưu ý nếu bệnh nhân không đi vững thì phải đảm bảo có người đi kèm để hỗ trợ bệnh nhân, tránh để bệnh nhân té ngã.

2.5 Phối hợp vận động

Bác sĩ chỉ định bệnh nhân thực hiện một số động tác như sau:

  • Ngón tay chỉ mũi: Yêu cầu bệnh nhân dùng ngón trỏ chạm vào mũi người khám rồi sau đó chạm vào mũi bệnh nhân. Lặp lại động tác trên nhiều lần cho đến khi thấy được rằng các động tác cử động mềm mại và chính xác.
  • Gót chân, đầu gối : Bệnh nhân ở tư thế nằm ngửa. Yêu cầu bệnh nhân nhấc một chân lên rồi đặt gót chân xuống đúng đầu gối chân kia và trượt gót chân đều đặn xuống dọc theo mào xương chày đến mu bàn chân. Các bệnh nhân với bệnh lý bán cầu tiểu não sẽ di chuyển (ngón tay hoặc gót chân) không đều đặn mà bị giật theo từng nấc, có thể sai mục tiêu (rối tầm).

Ngón tay chỉ mũi là một trong những bài kiểm tra vận động thường dùng
Ngón tay chỉ mũi là một trong những bài kiểm tra vận động thường dùng

  • Các vận động thay đổi nhanh: Yêu cầu bệnh nhân vỗ vào lòng một bàn tay luân phiên bằng lòng và mu bàn tay còn lại đều đặn liên tục, càng nhanh càng tốt. Có thể vỗ bằng lòng bàn tay 3 cái thì đổi sang vỗ bằng mu tay 1 cái, cứ thế lặp lại càng nhanh càng tốt. Các bệnh nhân thất điều sẽ không thể duy trì sự thay đổi nhịp nhàng biên độ và tốc độ vận động sẽ rối loạn không đều. Người bình thường sẽ dừng tay lại nhanh chóng và tay sẽ được đưa về vị trí cũ mà không có quá tầm.
  • Hiện tượng dội: Yêu cầu bệnh nhân đứng hoặc ngồi, duỗi thẳng cánh, cẳng và bàn tay ra trước, lòng bàn tay hướng xuống dưới, nhắm mắt lại. Dùng tay đánh dứt khoát vào cẳng tay để đẩy cánh tay đi xuống. Bệnh nhân mắc bệnh lý tiểu não sẽ không kiểm soát được vận động đi xuống một cách nhanh chóng, sau đó nâng trở lại quá tầm, do đó cánh tay sẽ “dội lên” cao hơn vị trí ban đầu.
  • Các vận động soi gương: Đưa ngón trỏ tay người khác trước mặt bệnh nhân, cách người bệnh 30-60cm. Yêu cầu bệnh nhân cũng đưa ngón trỏ gần nhưng không được chạm vào. Sau đó nhanh chóng di chuyển ngón tay người khám đến vị trí mới cách vị trí cũ 30cm. Lặp lại vài lần để đánh giá sự di chuyển của người bệnh. Bệnh nhân rối loạn chức năng tiểu não sẽ đi quá khỏi mục tiêu và mỗi lần di chuyển phải điều chỉnh một hoặc vài lần mới đến sát mục tiêu.

Rối loạn vận động nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ gây tổn thương lâu dài đến não, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng. Ngay khi xuất hiện các triệu chứng bất thường trong vận động, bạn nên đến ngay cơ sở y tế uy tín để khám vận động.


Khám vận động giúp phát hiện ra rối loạn vận động sớm tránh tổn thương lâu dài đến não
Khám vận động giúp phát hiện ra rối loạn vận động sớm tránh tổn thương lâu dài đến não

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe