Khám đau đầu cho trẻ ở đâu?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Lê Thu Phương - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Nguyên nhân gây đau đầu ở trẻ nhỏ rất đa dạng và khó xác định. Do đó, để hỗ trợ bác sĩ chẩn đoán trẻ đau đầu do đâu, các bậc cha mẹ cần giữ cho mình cuốn nhật ký ghi lại thời gian, triệu chứng, yếu tố kích thích trước cơn đau.

1. Nguyên nhân gây đau đầu ở trẻ em?

Đau đầu ở trẻ em là hậu quả từ các bệnh thông thường như cảm lạnh, đau răng, viêm xoang, mắt, tai hoặc cổ họng. Ngoài ra, trẻ còn có thể trải qua đau đầu do căng thẳng, mệt mỏi, va vào đầu, thậm chí là khối u não, viêm màng não. Dưới đây là các dạng đau đầu và triệu chứng phân biệt đau đầu ở trẻ em:

  • Đau đầu do căng thẳng: Cơn đau đầu thường mang tính chất âm ỉ ở một hoặc cả hai bên đầu, thỉnh thoảng đau như thắt garo quanh đầu. Đau đầu gây ra bởi căng thẳng, lo lắng hoặc trầm cảm. Nó có thể bùng phát ở trường hoặc ở nhà khi căng thẳng và biến mất khi trẻ chơi hoặc thư giãn.
  • Chứng đau nửa đầu: Đau nửa đầu có xu hướng di truyền và thường xuất hiện lần đầu ở trẻ 5 đến 8 tuổi. Cơn đau thường xảy ra một bên, đau nhói và trở nên tồi tệ khi gắng sức. Ngoài ra, trẻ còn có thể xuất hiện thêm các triệu chứng như thay đổi tâm trạng, da xanh xao, mệt mỏi, chóng mặt, mờ mắt, thèm ăn, chán ăn, buồn nôn và nôn, tiêu chảy hoặc sốt. Một số trẻ có thể nhìn thấy quầng sáng trước khi cơn đau ập đến, hoặc nhạy cảm với ánh sáng chói, tiếng ồn.
  • Viêm màng não: Cơn đau đầu xảy ra khi tình trạng viêm gây tăng áp lực nội sọ, làm giảm lưu thông dịch não tủy. Viêm màng não có thể gây sốt cao, nôn nhiều, chán ăn, lú lẫn, buồn ngủ, nhạy cảm với ánh sáng, phát ban và cứng gáy (ít gặp ở trẻ em, thậm chí ở trẻ sơ sinh, sẽ xuất hiện tình trạng cổ mềm). Cúi đầu làm tăng mức độ đau. Nếu cơn đau xuất hiện với tính chất tương tự, hãy gọi cấp cứu ngay lập tức.

Khối u não: Đau đầu do u não rất hiếm ở trẻ. Tuy nhiên, nếu trẻ bị đau đầu với tính chất nặng dần, đánh thức trẻ khỏi giấc ngủ hoặc xuất hiện vào buổi sáng thì hãy đến bệnh viện khám bệnh.


Viêm màng não có thể gây đau đầu ở trẻ
Viêm màng não có thể gây đau đầu ở trẻ

2. Dấu hiệu của cơn đau đầu nghiêm trọng ở trẻ?

Nếu trẻ thỉnh thoảng đau đầu với tính chất nhẹ, không tiến triển thì không có vấn đề gì nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu trẻ đau đầu nhiều vào buổi sáng, trong giấc ngủ với tính chất nặng dần và xuất hiện với tần suất cao thì có thể là dấu hiệu của cơn đau đầu nghiêm trọng.

Khi đến gặp bác sĩ, bạn nên liệt kê các triệu chứng trên hoặc liệt kê các biểu hiện bất thường khác nếu có như thay đổi thị lực, suy nhược hoặc co giật, cơn đau khiến trẻ không thể thực hiện bất cứ hoạt động nào.

3. Khám đau đầu cho trẻ ở đâu?

Trẻ bị đau đầu nên được khám ở các cơ sở y tế uy tín, nơi có các bác sĩ có trình độ cao, có nhiều kinh nghiệm trong chẩn đoán đau đầu ở trẻ nhỏ. Khi đến thăm khám, bạn sẽ được đặt câu hỏi về triệu chứng xuất hiện ở trẻ. Trẻ có thể được kiểm tra sức khỏe tổng quát, đo huyết áp, xét nghiệm máu để đánh giá chung về sức khỏe. Trong trường hợp loại trừ nguy cơ tiềm ẩn, MRI và CT sẽ được chỉ định.


Chụp CT giúp chẩn đoán đau đầu ở trẻ
Chụp CT giúp chẩn đoán đau đầu ở trẻ

4. Giảm đau đầu cho trẻ bằng cách nào?

Để giảm và ngăn ngừa đau đầu cho trẻ nhỏ, các bậc cha mẹ cần thực hiện những điều sau:

  • Khuyến khích trẻ ngủ đủ giấc nhằm giảm căng thẳng.
  • Uống nhiều nước và các đồ uống không chứa caffein để tránh mất nước nhẹ.
  • Tránh các yếu tố gây đau đầu như thực phẩm bảo quản nitrit như xúc xích và thịt nguội, đèn sáng hoặc bóng nháy, tiếng ồn, TV, tập thể dục quá nặng và quá nhiều ánh nắng mặt trời.
  • Sử dụng nhật ký ghi lại các thông tin: Triệu chứng, ngày giờ, sự kiện xuất hiện trước cơn đau để xác định tác nhân gây ra cơn đau đầu của trẻ.
  • Tìm hiểu nguyên nhân gây căng thẳng và cố gắng xoa dịu tâm trí trẻ (nếu có).
  • Xây dựng thói quen ăn uống, ngủ nghỉ đúng giờ giấc cho trẻ.
  • Thử các kỹ thuật thư giãn cho trẻ như bài tập thở sâu, nghe băng đĩa CD có âm thanh dịu nhẹ, đọc sách, ...
  • Thử xoa bóp vai gáy hoặc đặt túi nước đá lên chỗ đau để giảm đau.
  • Đến gặp bác sĩ nếu các biện pháp trên không hiệu quả.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: babycenter.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe