Khắc phục tình trạng chán ăn ở người bệnh ung thư

Bài viết được viết bởi TS.BS Phan Nguyễn Thanh Bình - Trưởng khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park

Chán ăn là biểu hiện thường gặp nhất ở hầu hết người bệnh ung thư, xuất phát từ các rối loạn tiêu hoá, tâm lý lo lắng, trầm cảm hoặc tác dụng phụ của các phương pháp trị liệu. Chán ăn làm người bệnh ung thư không được cung cấp đủ dinh dưỡng trong quá trình điều trị, làm giảm đáp ứng với điều trị và dễ bị tác dụng phụ của hoá, xạ trị.

Nếu không có biện pháp can thiệp hiệu quả, tình trạng chán ăn có thể tiến triển nặng hơn, người bệnh suy kiệt phải ngừng trị liệu sớm ảnh hưởng đến tiên lượng và khả năng sống còn.

1. Biểu hiện chán ăn

  • Không có cảm giác đói
  • Ăn mau no, ăn ít
  • Từ chối ăn những món ăn yêu thích
  • Hoàn toàn không muốn ăn

2. Hậu quả chán ăn

  • Sút cân, teo cơ, mỡ
  • Thiếu hụt dinh dưỡng, suy dinh dưỡng
  • Mệt mỏi, giảm sức vận động do mất cơ bắp (teo cơ, cơ không có lực để hoạt động)

Chán ăn khiến người bệnh bị sút cân và mệt mỏi
Chán ăn khiến người bệnh bị sút cân và mệt mỏi

  • Mất nước, rối loạn điện giải
  • Suy giảm miễn dịch, dễ mắc bệnh nhiễm trùng
  • Suy kiệt
  • Giảm đáp ứng với điều trị
  • Dễ bị tác dụng phụ của hóa trị, xạ trị
  • Giảm thời gian điều trị cũng như khả năng sống còn

3. Nguyên nhân gây ra tình trạng chán ăn

  • Thay đổi trong quá trình trao đổi chất, chuyển hóa ở một ung thư đang tiến triển.
  • Khối u của các cơ quan thuộc hệ tiêu hóa hoặc gây chèn ép đường tiêu hoá
  • Khối u của các tổ chức trong vùng bụng gây kích ứng, sưng, đau...
  • Báng bụng - tình trạng tích tụ chất lỏng trong ổ bụng tạo ra cảm giác no nhanh
  • Tác dụng phụ không mong muốn của các loại thuốc dùng trong hóa trị liệu, liệu pháp miễn dịch, các loại thuốc khác... có thể ảnh hưởng đến cảm giác ngon miệng như: loét miệng, buồn nôn, nôn, nhiễm trùng vùng miệng, khô miệng, khó nuốt, thay đổi vị giác, táo bón, tiêu chảy, đau, mệt mỏi, căng thẳng lo lắng...
  • Xạ trị, phẫu thuật tại các cơ quan tiêu hóa như dạ dày, ruột..

4. Các biện pháp khắc phục chán ăn

Xác định nguyên nhân gây ra tình trạng chán ăn và giải quyết nguyên nhân. Điều trị tốt các vấn đề như buồn nôn, nôn, lở miệng, khó nuốt, khô miệng hay tình trạng trầm cảm... để giúp cải thiện sự thèm ăn.


Cần xác định nguyên nhân để tìm ra biện pháp khắc phục tình trạng chán ăn
Cần xác định nguyên nhân để tìm ra biện pháp khắc phục tình trạng chán ăn

5. Xây dựng chế độ ăn khoa học

Không cần ăn theo bữa, và không cần giới hạn số bữa ăn: có thể ăn nhiều lần trong ngày, ăn bất cứ khi nào thèm và có cảm giác đói.

Xác định thời điểm nào trong ngày thường đói và ăn vào những thời điểm đó, có thể đặt đồng hồ báo nhắc đến giờ ăn.

Giữ thực phẩm, đồ ăn vặt yêu thích có sẵn xung quanh (như trên bàn ăn, bàn làm việc và thậm chí trong phòng ngủ) để có thể ăn bất cứ lúc nào.

Ăn đồ ăn nhẹ bổ dưỡng có nhiều calo và protein. Có thể lựa chọn trái cây khô, các loại hạt dinh dưỡng, sữa chua, phomai, trứng, sữa, kem, ngũ cốc, bánh pudding...

Ăn bất cứ thứ gì yêu thích mà không cần quá quan tâm đến hàm lượng cholesterol, muối...vì khi đã ăn quá ít thì dù hàm lượng các chất này trong thực phẩm có cao cũng không vượt quá tổng lượng ăn cho phép trong một ngày.

Không nên uống nước/ nước ép/ súp ngay trước và trong khi ăn để lượng ăn được nhiều hơn.

Nên vận động nhẹ 30 phút trước ăn để kích thích khẩu vị và tăng cảm giác đói.

Lựa chọn không gian tạo cảm giác thích thú, thoải mái khi ăn, nên ăn với gia đình hoặc bạn bè, ...

6. Loại thức ăn

  • Ăn đa dạng đủ 4 nhóm, thịt cá đậu đỗ, rau củ, trái cây, các loại sữa và chế phẩm từ sữa,...
  • Tăng đậm độ năng lượng thức ăn/ thức uống bằng cách bổ sung thêm chất béo (MCT, Coffeemate, các loại dầu giàu EPA, DHA) và/ hoặc đường phức Maltodextrin, phối hợp sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng cao năng lượng (1-2kcal/1ml).
  • Chọn lựa thực phẩm tăng cường miễn dịch, có tác dụng chống oxy hóa như:
    • Thực phẩm giàu vitamin C: cam, quýt, bưởi, dâu, sơ ri, berries, bông cải xanh...
    • Thực phẩm giàu beta carotene: rau lá xanh như rau ngót, bó xôi, và các lọai trái cây hoặc củ màu vàng cam như đu đủ, cà rốt, bí đỏ, khoai lang bí...
    • Thực phẩm giàu vitamin E: các loại hạt như hạt hướng dương hay dầu hướng dương, đậu phộng, hạt điều, hạt lúa mạch...

Bệnh nhân ung thư cần bổ sung thực phẩm đa dạng và giàu dinh dưỡng
Bệnh nhân ung thư cần bổ sung thực phẩm đa dạng và giàu dinh dưỡng

7. Can thiệp hỗ trợ dinh dưỡng

7.1 Thuốc hay thực phẩm bổ sung

  • Omega 3: một số nghiên cứu đã chứng minh rằng với liều mỗi ngày 1500mg DHA và EPA trong dầu cá, bằng dược phẩm hay ở dạng thực phẩm bổ sung như các loại sữa dành cho người bệnh ung thư, trong 4-6 tháng giúp cải thiện tình trạng chán ăn và phòng ngừa được tình trạng suy mòn.
  • Glutamine: nhiều bằng chứng cho thấy 7-10g glutamine mỗi ngày giúp ngăn ngừa cũng như cải thiện tình trạng viêm loét khô môi miệng, tiêu chảy cũng như tăng khả năng hấp thu đường tiêu hóa ở bệnh nhân hóa và xạ trị.

7.2 Điều trị bằng thuốc

Nếu tình trạng chán ăn không cải thiện và người bệnh biểu hiện sụt cân, bác sĩ điều trị có thể cân nhắc chỉ định sử dụng một số thuốc để cải thiện tình trạng chán ăn như Megestrol acetate, Medroxyprogesterone (những dạng của hormone progesterone, steroid (giảm đau), Metoclopramide (tăng nhu động ruột giúp đẩy thức ăn ra khỏi dạ dày và có thể ngăn ngừa cảm giác no trước khi ăn đủ thức ăn), Dronabinol (điều trị buồn nôn, nôn do hóa trị ung thư). Thuốc chỉ được dùng ngắn ngày do nguy cơ có tác dụng phụ.

7.3 Can thiệp dinh dưỡng tích cực

Khi người bệnh có tình trạng:

  • Sụt cân > 5% trong một tháng
  • Hầu như không ăn được gì hơn 7 ngày
  • Ăn dưới phân nửa mức ăn hằng ngày trong hơn 10 ngày

Người bệnh cần được đưa tới bệnh viện để được cân nhắc các biện pháp nuôi dưỡng hỗ trợ (nuôi ăn qua sonde dạ dày hoặc dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch).

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe