Khạc đờm ra máu là triệu chứng có thể xuất phát từ nhiều bệnh lý khác nhau. Tình trạng này có thể xuất hiện ở bất kỳ lứa tuổi nào và đôi khi là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý cực kỳ nguy hiểm, do đó bệnh nhân không được lơ là, chủ quan.
1. Khạc đờm ra máu là gì?
Khạc ra đờm phản xạ của cơ thể để tống các chất đờm ra ngoài. Bình thường chất đờm có thể trong suốt hoặc hơi đục, tuy nhiêu đôi khi chất đờm lại có màu đỏ tươi hoặc hồng. Một số dạng khạc đờm ra máu thường thấy bao gồm:
- Khạc đờm có lẫn máu tươi;
- Khạc đờm có lẫn máu đỏ tươi kèm theo bọt;
- Khạc đờm kèm theo cục máu đông, đồng thời bệnh nhân có thể đi kèm triệu chứng nóng ngực, khó thở;
- Khạc đờm có sợi máu nằm rải rác bên trong;
- Khạc đờm có mùi hôi, màu xanh hoặc vàng và có lẫn ít nhiều máu.
2. Khạc đờm ra máu là triệu chứng của bệnh gì?
Nhiều bệnh nhân thắc mắc khạc đờm và ho ra máu là triệu chứng của bệnh gì? Nhìn chung, hiện tượng đờm lẫn máu có thể xuất phát do nhiều nguyên nhân khác nhau. Nhìn chung các nguyên nhân thường gặp dẫn đến hiện tượng khạc đờm ra máu bao gồm:
2.1 Đường hô hấp bị tổn thương
Khi các bộ phận ở đường hô hấp bị tổn thương có thể gây ra tình trạng ho và khạc đờm ra máu. Tình trạng viêm nhiễm có thể dẫn đến lớp niêm mạc ở cổ họng bị sưng lên, ứ đọng máu bên trong. Thông thường khi ho quá nhiều hoặc người bệnh cố gắng ho để giảm bớt sự khó chịu trong cổ họng cũng sẽ vô tình tạo ra một sức ép lên vị trí sưng. Khi sức ép đó quá lớn sẽ khiến cho phần niêm mạc này bị vỡ dẫn đến hiện tượng ho ra máu ở người bệnh. Một số nguyên nhân có thể gây tổn thương đường hô hấp trên gồm viêm xoang, viêm mũi, viêm mũi xung huyết, viêm họng,...Ngoài ra, nhiễm trùng đường hô hấp do các tác nhân vi khuẩn, virus hoặc nấm kéo dài cũng có nguy cơ khiến người bệnh khạc ra đờm có chứa lẫn máu tươi bên trong.
2.2 Bệnh lý phế quản và phổi
Các triệu chứng của những bệnh lý này thường là ho, khó thở, khò khè, thường xuyên xuất hiện đau tức ngực. Nếu tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến các dấu hiệu nghiêm trọng hơn là ho ra máu. Nhìn chung, ho kèm khạc đờm lẫn máu có thể là triệu chứng của nhiều bệnh lý như viêm phế quản mạn, hang lao ở phổi,...Ngoài ra, khi mắc phải các bệnh lý như phù phổi, lupus ban đỏ,... thì bệnh nhân vẫn có thể xuất hiện tình trạng khạc, ho ra máu tươi.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, ho và khạc đờm ra máu có thể là triệu chứng của nhiều bệnh lý vô cùng nguy hiểm như ung thư vòm họng và ung thư phổi.
Đặc biệt, đối với những người trên 40 tuổi, có tiền sử hút thuốc thì càng cần phải cảnh giác với triệu chứng này. Đối với người bị ung thư phổi, khạc đờm ra máu thường là triệu chứng đầu tiên, đôi khi bệnh nhân còn có thể bị khó thở, đau ngực.
Còn đối với người mắc ung thư vòm họng, ở giai đoạn đầu, bệnh nhân thường có dấu hiệu khàn giọng và khó chịu trong cổ họng. Trong giai đoạn tiến triển, tình trạng đau họng sẽ trở nên trầm trọng hơn, đặc biệt là khi nuốt, kèm theo đó là triệu chứng ho, đờm có mủ, máu và mùi hôi.
2.3 Một số bệnh lý ở đường tiêu hóa
Một số bệnh lý về tiêu hóa cũng có thể dẫn tới hiện tượng khạc đờm ra máu. Khi axit dịch vị ở dạ dày trào ngược lên sẽ gây tác động đến niêm mạc họng, gây sung huyết và khiến người bệnh buồn nôn thậm chí là nôn, nếu cường độ quá mạnh có thể làm cho các mạch máu ở cổ họng bị tác động và gây chảy máu.
3. Khi bị khạc đờm ra máu cần làm gì?
Khi xuất hiện triệu chứng ho và khạc đờm ra máu, bệnh nhân không được chủ quan mà cần lập tức đến bệnh viện thăm khám. Sau khi thăm khám và tìm ra nguyên nhân khạc đờm ra máu, bác sĩ sẽ chỉ định phác đồ điều trị phù hợp. Nếu khạc đờm lẫn máu do bệnh viêm họng hay các bệnh viêm nhiễm khác, có thể điều trị bằng cách uống thuốc kháng sinh, giảm đau, hạ sốt và có thể kết hợp với thuốc long đờm để dễ khạc đờm hơn. Ngoài việc tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị, bệnh nhân cũng cần lưu ý một số điểm sau:
- Nên uống nhiều nước để hạn chế đờm tích trong cổ họng, giúp cổ họng không bị khô rát.
- Xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh để tăng cường sức đề kháng. Bổ sung những thực phẩm mềm, dễ nuốt để tránh gây tổn thương cổ họng như: cháo ngó sen, cháo huyết mạch,... và nên tránh xa những thực phẩm dễ gây kích ứng vòm họng như đồ ăn cay nóng, nhiều gia vị,...
- Hạn chế hoặc tốt nhất là ngưng sử dụng chất kích thích như bia rượu, thuốc lá,... vì chúng sẽ làm trầm trọng hơn hiện tượng khạc đờm ra máu.
Như vậy, hiện tượng khạc đờm ra máu có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý khác nhau, đặc biệt có những bệnh lý rất nguy hiểm như lao phổi, ung thư phổi, ung thư vòm họng, nếu không được điều trị kịp thời có thể gây nguy hiểm nghiêm trọng cho sức khỏe. Do đó, khi xuất hiện tình trạng này, bệnh nhân cần lập tức đến bệnh viện thăm khám và tìm hiểu nguyên nhân.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.