Khả năng vận động tay của trẻ 1 tuổi

Bài viết của Thạc sĩ Trần Ngọc Ly – Chuyên viên Tâm lý, Phòng khám Y học tái tạo và tâm lý giáo dục - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Những kỹ năng liên quan đến sử dụng các cơ nhỏ điều khiển bàn tay, ngón tay giúp trẻ thực hiện được nhiều động tác khó gọi là vận động tinh. Vận động tay trẻ 1 tuổi đã khéo léo hơn, với đồ vật dễ dàng và cầm gọn gàng với nhiều thao tác với đồ vật hơn.

1. Những kỹ năng vận động tinh của tay trẻ 1 tuổi

Giai đoạn trẻ 1 tuổi, sức mạnh của đôi chân vô cùng tuyệt vời, cũng là cơ hội để trẻ được sử dụng đôi tay và học cách phối hợp các bộ phận cơ thể linh hoạt hơn. Khoảng 10 – 12 tháng, trẻ cần thực hiện được một số việc như sau:

  • Nhặt đồ bằng ngón cái (thay vì nhặt đồ bằng cả bàn tay)
  • Cầm được cùng lúc hai khối ở hai bên tay
  • Chuyền đồ từ tay này sang tay khác dễ dàng
  • Nhặt đồ và bỏ vào hộp, hoặc giở các trang sách
  • Ném một đồ vật hoặc quả bóng nhỏ...

Bàn tay trẻ đã khéo léo hơn, với đồ vật dễ dàng và cầm chúng gọn gàng hơn so với hồi bé, và cũng thực hiện được nhiều thao tác với đồ vật hơn. Đặc biệt, một khả năng cần thiết ở giai đoạn này là chỉ tay bằng ngón trỏ. Việc phân tách ngón trỏ với những ngón còn lại không chỉ thể hiện sự tinh vi của đôi bàn tay nhỏ nhắn, đồng thời mở đầu cho việc giao tiếp thông qua cử chỉ của trẻ - là một cách để trẻ thể hiện nhu cầu và sự quan tâm của mình cho người khác biết. Cha mẹ và người chăm sóc có thể tìm hiểu thêm một số nhu cầu của trẻ để giúp trẻ phát triển vận động tinh tốt hơn, qua các dẫn chứng bên dưới.

2. Trẻ 1 tuổi khám phá đồ vật bằng tất cả các giác quan

Nhu cầu của trẻ 1 tuổi là được khám phá thế giới bằng cách sử dụng tất cả các giác quan của mình. Với đôi bàn tay, trẻ cần được sử dụng chúng để tác động trực tiếp vào đồ vật. Do đó, nên tay trẻ 1 tuổi được chạm vào nhiều loại đồ vật khác nhau, gồm cả các loại đồ chơi của trẻ, các đồ dùng thực tế trong gia đình, các bề mặt trong phòng, hoặc những thứ khác như gió, chiếc lá đang rung rinh, chiếc rèm cửa đang dịch chuyển...

Bên cạnh đó, trẻ nên được chạm vào với nhiều chất liệu khác nhau, ví dụ như thức ăn mềm (bún, mì), thức ăn cứng (bánh quy), các đồ chơi bằng nhựa cứng, các đồ chơi bằng nhựa dẻo, đồ vật bằng xốp... Hoặc các chất liệu tự nhiên như lá cây, nước, cát sỏi, đất, gỗ... Đôi bàn tay của trẻ còn cần được hướng dẫn để thực hiện nhiều thao tác khác nhau với cùng một đồ vật thật linh hoạt. Ví dụ, với giấy, trẻ cần biết cách vò giấy, giật giấy, xé giấy, ném giấy... Với bóng, trẻ có thể biết cách lăn bóng qua lại với người khác, ném bóng, và đỡ bóng từ người khác...

Cụ thể, khi được tiếp xúc với giấy, người lớn có thể tạo điều kiện cho trẻ:

  • Khám phá giấy mềm (giấy vệ sinh hoặc giấy ăn) và giấy cứng (như giấy trắng hoặc một tờ giấy đã được vò nhàu nhĩ để đỡ đứt tay trẻ)
  • Làm mẫu một số cách thức với giấy: Giật tờ giấy bằng cả bàn tay, tập xé giấy bằng 2 ngón tay, vò nhàu tờ giấy, vo tròn tờ giấy, thổi những mảnh giấy nhỏ...
  • Cầm tay và hướng dẫn trẻ thực hiện các cách thức chơi như trên

Có một số hoạt động có thể hướng dẫn thêm cho trẻ tuổi này là: Cầm bút với các kích thước khác nhau và di màu, tạo ra những nét chấm; sử dụng đất nặn để lăn, để bóp; xếp hộp sữa thành chồng cao; bốc các loại đồ ăn và tự đút cho mình hoặc cho người khác ăn; tập dùng thìa...

Trẻ 1 tuổi thường khám phá thế giới bằng môi miệng, nên sẽ thường xuyên cho đồ vào miệng hoặc chọc tay vào các lỗ nhỏ gây nguy hiểm. Do đó, khi cho con tham gia các trải nghiệm, cần có sự giám sát và nói với trẻ những gì được cho và không được cho vào miệng. Quan trọng hơn, với các chất liệu khác nhau, bố mẹ nên cân nhắc đến sự an toàn, hoặc mở rộng việc khám phá phù hợp với đặc điểm của trẻ, chứ không phải nên bỏ mặc trẻ tự khám phá hoàn toàn.

3. Một số hoạt động tăng cường vận động tinh cho tay trẻ 1 tuổi

Bố mẹ có thể thực hiện một số hoạt động để tăng cường sự khéo léo của bàn tay trẻ 1 tuổi, cũng như phối hợp tay mắt và phối hợp toàn bộ cơ thể:

  • Vừa cầm đồ vừa di chuyển đến các vị trí khác nhau
  • Gõ trống: Dùng một đồ vật kín làm trống, và dùng tay/hoặc thìa/môi để vào gõ vào đồ vật đó tạo nên âm thanh. Bố mẹ có thể hướng dẫn trẻ gõ với độ mạnh khác nhau, hoặc theo giai điệu bài hát
  • Dùng thìa xúc: Có thể tập xúc đồ chơi nhỏ, đồ chơi lớn, đồ ăn cứng, đồ ăn mềm, nước... từ bát này sang bát khác, hoặc xúc cho chính mình ăn
  • Cầm nắm đồ vật bằng hai ngón tay: Tập lấy pompom (một dạng hạt vải nhỏ và mềm) và cho vào chai nhựa, nhặt hạt đỗ bị rơi vãi, nhặt miếng bánh nhỏ để ăn...
  • Lồng cốc: Lấy các cốc nhựa và chồng lên nhau, bỏ ra và lặp lại quy trình đó
  • Đập nước kêu ọp ọp: Mẹ đập nước trong chậu tắm, cầm tay trẻ hướng dẫn và chờ đợi để trẻ lặp lại việc đó
  • Tập cầm bút và vẽ vào bảng, giấy, cát
  • Xếp đồ thành chồng cao: Sử dụng những hộp sữa, hộp bánh... sau đó làm đổ chúng
  • Giơ bóng cao tay và ném theo hướng bất kỳ
  • Dùng tay để kéo sợi dây
  • Bỏ đồ nhỏ vào các cốc/ lỗ bé
  • Đóng/mở các đồ chơi có nắp
  • Ấn nút các đồ chơi với độ khó khác nhau. Ví dụ như bấm phím đàn hoặc các công tắc đèn, ấn nút trong bộ đồ chơi popup (một chiếc hộp bất ngờ, khi trẻ ấn nút thì sẽ xuất hiện những con vật đáng yêu)...

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe