Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Phạm Văn Hùng - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới là là hiện tượng cục máu đông nằm trong các tĩnh mạch sâu của cơ thể. Bệnh rất thường gặp ở người già, người có chấn thương nằm viện hay phụ nữ đang trong thời gian sinh nở.
1. Huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới
Huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới là dạng thường gặp nhất của bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu. Cục máu đông hình thành ở một hoặc nhiều tĩnh mạch, gây nên hiện tượng đau, phù nề ở vùng chi dưới, thường là ở phần bắp chân. Bệnh nhân thường có cảm giác nóng ở vùng chân bị sưng đau, thậm chí da ở những phần này có thể bị đỏ, cảm giác đau hơn khi cử động.
Huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới có thể xảy ra đối với những người đã từng có bệnh lý hoặc các hiện tượng liên quan đến đông máu. Đặc biệt, nhóm đối tượng người già, trên 70 tuổi, bệnh nhân bị chấn thương chi dưới phải nằm viện lâu ngày nên ít vận động, hay phụ nữ đang trong thời kỳ sinh đẻ cũng có nguy cơ mắc bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới cao hơn.
Bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới thường chỉ ảnh hưởng đến một chân. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể biến chứng tắc động mạch phổi với các dấu hiệu như: váng đầu, mệt mỏi, tim nhanh, khó thở, thở dốc, đau ngực, ho hoặc thậm chí là ho ra máu. Do vậy, khi có những biểu hiện của bệnh, cần đi khám để được chẩn đoán kịp thời, nhằm điều trị bệnh sớm cho hiệu quả và tránh biến chứng về sau.
2. Chẩn đoán huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới
Bệnh nhân nếu có nghi ngờ mắc bệnh cần được đến bệnh viện, bác sĩ sẽ thăm khám lâm sàng và dựa vào tình trạng của bệnh nhân để chỉ định làm các chẩn đoán hoặc xét nghiệm phù hợp.
2.1. Nếu xác suất bị bệnh thấp: Làm xét nghiệm D - dimer độ nhạy cao ELISA
Xét nghiệm máu D – dimer độ nhạy cao ELISA nhằm phát hiện các cục máu đông vỡ ra và di chuyển trong lòng mạch. Những mảnh vỡ này được phát hiện thì nguy cơ có huyết khối càng cao. Xét nghiệm này được khuyến cáo cho những bệnh nhân có xác suất lâm sàng bị huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới thấp.
- Nếu kết quả xét nghiệm là âm tính: Loại trừ khả năng bị huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới mà không cần làm thêm xét nghiệm nào khác.
Nếu kết quả xét nghiệm dương tính: Cần cho bệnh nhân siêu âm tĩnh mạch
2.2. Nếu xác suất bị bệnh ở mức trung bình/cao: Thực hiện Siêu âm Doppler tĩnh mạch
Doppler tĩnh mạch
Thường sử dụng phương pháp siêu âm Doppler, nhằm đo tốc độ lưu thông của máu trong lòng mạch. Nếu dòng máu lưu thông chậm hoặc bị tắc, rất có thể bệnh nhân đã bị huyết khối.
- Nếu kết quả siêu âm tĩnh mạch là âm tính: Cần thực hiện thêm xét nghiệm D-dimer mới có thể đưa ra kết luận. Nếu xét nghiệm D-dimer cũng âm tính, thì bệnh nhân có thể yên tâm là không bị mắc bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới. Tuy nhiên, nếu kết quả của xét nghiệm Dimer lại là dương tính, thì bệnh nhân phải thực hiện siêu âm tĩnh mạch lại sau từ 3-7 ngày.
- Nếu kết quả siêu âm tĩnh mạch là dương tính: Chẩn đoán bệnh nhân bị bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới.
2.3. Bệnh nhân có nguy cơ bị bệnh trên lâm sàng cao nhưng kết quả xét nghiệm trên trái ngược nhau
- Chụp X-quang tĩnh mạch
Bác sĩ cũng có thể cho bệnh nhân chụp X quang tĩnh mạch. Chụp hệ tĩnh mạch cản quang được cân nhắc chỉ định với những bệnh nhân có nguy cơ cao bị bệnh trên lâm sàng, nhưng các kết quả xét nghiệm trên cho kết quả trái ngược nhau, hoặc không thực hiện được.
Trong kĩ thuật này, bệnh nhân sẽ được tiêm một loại thuốc cản quang vào tĩnh mạch chân. Chất cản quang sẽ di chuyển trong lòng mạch và được chụp lại bởi tia X-quang. Nếu có huyết khối thì nó sẽ được thể hiện rõ ràng trên hình ảnh chụp được.
- Chụp CT hoặc MRI
Hai phương pháp chụp này sẽ cho hình ảnh hệ thống mạch máu rất rõ ràng, từ đó có thể chỉ ra vị trí huyết khối trong tĩnh mạch.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.