Bài viết bởi Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Tiến Ngọc - Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park
Huyết khối tĩnh mạch não (cerebral venous thrombosis) là thuật ngữ chung mô tả bệnh lý huyết khối của hệ thống tĩnh mạch não, bao gồm: Huyết khối xoang màng cứng (dural sinus thrombosis), hệ thống tĩnh mạch sâu (deep venous thrombosis) và tĩnh mạch vùng vỏ não (cortical venous thrombosis).
1. Yếu tố dịch tễ
Không giống như những bệnh lý động mạch não, huyết khối tĩnh mạch não thường xảy ra ở trẻ em và thiếu niên. Theo thống kê, có khoảng 7 ca/ 1 triệu trẻ em và sơ sinh mắc huyết khối tĩnh mạch não, người lớn có tỷ lệ 3-4 ca/1 triệu người.
2. Nguyên nhân gây huyết khối tĩnh mạch não
Nguyên nhân gây huyết khối tĩnh mạch não có thể do nhiễm khuẩn và không nhiễm khuẩn:
- Nhiễm khuẩn: Nhiễm trùng vùng đầu, mặt, cổ, hố mắt, viêm tai giữa, viêm màng não và nhiễm khuẩn huyết,...
- Không nhiễm khuẩn: Phổ biến nhất là ung thư, chấn thương sọ não, thông động mạch cảnh xoang hang, uống thuốc tránh thai, rối loạn đông máu, bệnh collagen, đa hồng cầu, sau sinh, hội chứng thận hư,...
Khoảng 20-35% bệnh huyết khối tĩnh mạch não chưa rõ nguyên nhân
3. Cơ chế bệnh sinh của huyết khối tĩnh mạch não
Huyết khối tĩnh mạch não là do tắc hoàn toàn hoặc 1 phần của 1 hay nhiều xoang hoặc các tĩnh mạch vỏ não, dẫn đến ứ trệ mạch máu và tổn thương thần kinh khu trú/ lan tỏa. Biểu hiện tổn thương thần kinh phụ thuộc vào vị trí tắc nghẽn. Nếu 1 xoang lớn tắc sẽ dẫn đến tăng áp lực nội sọ, tắc tĩnh mạch não sâu có thể gây ra phù nề cục bộ, nhồi máu và những ổ chảy máu nhỏ, sau này có thể hợp nhất trở thành chảy máu lớn.
Đa số các trường hợp tĩnh mạch não sâu bị tắc nghẽn có liên quan đến xoang tĩnh mạch ở màng cứng. Sự hình thành huyết khối ở trong hệ thống tĩnh mạch dẫn lưu não chính là hậu quả của các yếu tố nguy cơ đã được đề cập trong giả thuyết tam chứng Virchow (theo giả thuyết Rudolf Virchow, có 3 yếu tố cơ bản để hình thành huyết khối tĩnh mạch: Đó là tình trạng ứ đọng tĩnh mạch, tăng đông và tổn thương thành mạch. Phần lớn yếu tố chính gây ra huyết khối là do tình trạng ứ đọng và tình trạng tăng đông).
4. Triệu chứng huyết khối tĩnh mạch não
Triệu chứng huyết khối tĩnh mạch não rất đa dạng, tùy thuộc vị trí bị tắc. Khởi phát thường bán cấp (từ 2-30 ngày) nhưng cũng có khi diễn ra đột ngột cấp tính (dưới 2 ngày). Biểu hiện giống như đột quỵ não (20-30% trường hợp) hoặc u não.
Các triệu chứng lâm sàng của huyết khối tĩnh mạch não là nhức đầu, phù gai thị, co giật, tổn thương thần kinh khu trú như liệt vận động, rối loạn cảm giác, rối loạn ý thức và rối loạn ngôn ngữ.
Các triệu chứng huyết khối tĩnh mạch não có thể độc lập hoặc kết hợp với nhau như: Tăng áp lực nội sọ với biểu hiện nhức đầu và phù gai thị; Nhức đầu kết hợp với thần kinh khu trú và co giật; Liệt dây thần kinh sọ với đau đầu; Tổn thương não bán cấp không điển hình; Hội chứng xoang hang với phù nề kết mạc; Lồi nhãn cầu và đau vùng mắt.
- Nhức đầu có nhiều nguyên nhân, trong huyết khối tĩnh mạch não thì nhức đầu là triệu chứng thường xuyên và sớm nhất. Đây cũng là lý do chính để bệnh nhân huyết khối tĩnh mạch não phải vào viện.
- Phù nề gai thị huyết khối tĩnh mạch não dao động từ 45%-86%. Tuy nhiên, dấu hiệu này ít thấy ở những trường hợp diễn tiến cấp tính. Bệnh nhân huyết khối tĩnh mạch não có thể bị ảnh hưởng bởi thị lực hoặc thị trường, có thể do tổn thương vùng vỏ não thị giác, tia thị hoặc do tăng áp lực nội sọ dẫn đến phù gai thị.
- Co giật có thể là triệu chứng huyết khối tĩnh mạch não khởi đầu, với tỷ lệ dao động từ 10% -60% các trường hợp. Co giật thường xuất hiện ở trẻ em 58% và sơ sinh 78%.
- Bất thường vận động thường là yếu chi ngày càng tăng dần với ưu thế là yếu 2 chân. Nếu khởi phát đột ngột, huyết khối tĩnh mạch não dễ nhầm với đột quỵ do tổn thương động mạch. Trường hợp khởi phát mạn giống với u não trong khi bán cấp lại giống với áp xe não.
- Rối loạn ý thức: Thường gặp trong huyết khối tĩnh mạch não, thay đổi nhiều mức độ khác nhau, nặng nhất là dẫn đến hôn mê. Tình trạng rối loạn ý thức đơn thuần dễ chẩn đoán nhầm với viêm não, xơ cứng nội mạch lan tỏa, rối loạn chuyển hóa và viêm mạch não.
- Liệt dây thần kinh sọ chiếm tỷ lệ 12% trường hợp huyết khối tĩnh mạch não. Các dây thần kinh sọ thường thấy tổn thương như dây III,IV, V, VI, VII, VIII, IX, X và XI. Các dây thần kinh sọ này có thể tổn thương đơn độc hoặc kết hợp nhiều dây sọ.
- Rối loạn thị giác: Bệnh nhân bị huyết khối vùng xoang bên, nhìn đôi sẽ xuất hiện do dây thần kinh VI bị tổn thương và dây V bị kích thích với biểu hiện đau vùng thái dương và sau hốc mắt. Đây là triệu chứng thường gặp trong hội chứng Gradenigo, điều này cũng gợi ý tới tổn thương những dây thần kinh vùng đỉnh xương đá.
5. Đặc điểm lâm sàng một số vị trí huyết khối tĩnh mạch thường gặp
Đặc điểm lâm sàng của một số vị trí huyết khối tĩnh mạch não thường gặp bao gồm:
- Huyết khối tĩnh mạch dọc trên: Hay gặp nhất, bệnh nhân có cơn co giật cục bộ hay toàn thể hóa, liệt 1 chân rồi lan sang chân kia, ý thức suy giảm, có thể có hội chứng màng não, hội chứng tăng áp lực nội sọ, phù nề gai thị, teo gai thị và hội chứng nhiễm khuẩn.
- Huyết khối tĩnh mạch xoang bên: Bệnh nhân nhức đầu chủ yếu bên đau tai, chóng mặt, nôn, buồn nôn, đau vùng mặt, phù gai thị, hội chứng nhiễm khuẩn, hội chứng màng não, tĩnh mạch cổ bên tổn thương nổi căng.
- Huyết khối tĩnh mạch xoang hang: Đau nhức hốc mắt, phù nề gai thị, lồi mắt, lồi kết mạc, xuất huyết quanh hố mắt, liệt các dây vận nhãn chung gây sụp mí, lác, nhìn đôi, hội chứng nhiễm khuẩn, có thể bị một mắt hay cả 2 mắt.
- Huyết khối tĩnh mạch vỏ não: Thường có cơn động kinh cục bộ, rối loạn ý thức, hội chứng tăng áp lực nội sọ, hội chứng liệt nửa người và rối loạn ngôn ngữ.
- Huyết khối xoang ngang: Đau nhức tai, chảy dịch tai, đau sưng hạch bạch huyết vùng cổ gáy cùng bên, cứng gáy. Nguyên nhân thường do viêm tai giữa, viêm tai xương chũm.
Tóm lại, huyết khối tĩnh mạch não là bệnh lý nguy hiểm, có thể ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh nếu không được điều trị kịp thời. Do vậy, để bảo vệ sức khỏe và ngăn ngừa biến chứng huyết khối tĩnh mạch não thì người bệnh cần phải đến bệnh viện để được bác sĩ chuyên khoa Thần kinh thăm khám ngay khi có biểu hiện.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.