Huyết áp và nhịp tim của người cao tuổi

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Phạm Văn Hùng - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Sự lão hóa là những biến đổi theo diễn tiến không thể ngăn chặn lại được, làm thay đổi cấu trúc và hoạt động của các hệ cơ quan, trong đó nổi bật là hệ tim mạch. Những kiến thức cần thiết về huyết áp và nhịp tim của người cao tuổi cũng như các biện pháp nâng đỡ sẽ giúp bảo vệ được sức khỏe dài lâu, phòng tránh các biến cố nguy hiểm.

1. Huyết áp ở người cao tuổi thay đổi như thế nào?

Huyết áp được định nghĩa là áp lực của máu chảy trong lòng động mạch. Huyết áp được chi phối bởi lực co bóp của cơ tim và sức cản trở trên thành mạch.

Có rất nhiều cơ chế khác nhau giúp giữ huyết áp cân bằng; trong đó, vai trò của các xoang cảnh và tiểu thể cảnh tại động mạch cảnh là nổi bật nhất. Tuy nhiên, hai thụ quan này lại trở nên ít nhạy cảm hơn khi cơ thể dần dần lão hóa. Điều này dùng để giải thích tại sao những người già hay bị hạ huyết áp tư thế đứng, tức là huyết áp giảm đột ngột khi thay đổi tư thế từ nằm hoặc ngồi sang đứng dậy. Hệ quả là người bệnh sẽ thấy chóng mặt, hoa mắt, choáng váng vì lưu lượng máu đến não bị suy giảm tức thời. Tuy nhiên, nếu lượng máu đến não không hồi phục được nhanh chóng sẽ gây hậu quả nặng nề.

Bên cạnh đó, khi lớn tuổi, động mạch sẽ trở nên dày hơn, cứng hơn và kém linh hoạt do những thay đổi trong mô liên kết của thành mạch máu. Yếu tố này sẽ làm cho huyết áp ở người lớn tuổi sẽ cao hơn và cũng khiến cho tim phải hoạt động mạnh hơn, dẫn đến sự dày lên của các sợi cơ tim, từ đó dễ gây thiếu máu cục bộ cơ tim, nhồi máu cơ tim. Không chỉ như vậy, các thành mao mạch cũng dày lên, làm cản trở tốc độ trao đổi chất dinh dưỡng với các tế bào.

Như vậy, ở người khỏe mạnh nhưng khi tuổi cao thì huyết áp động mạch thường có tăng theo nhưng không vượt quá giới hạn cho phép. Huyết áp bình thường của người già tâm thu tăng thêm 29 mmHg và tâm trương tăng thêm 8,6 mmHg so với lúc còn trẻ. Tuy nhiên, khi chỉ số huyết áp tâm thu tăng trên 160 mmHg và huyết áp tâm trương trên 95 mmHg thì tình trạng tăng huyết áp không còn là hiện tượng bình thường nữa mà cần được can thiệp sớm.


Huyết áp được định nghĩa là áp lực của máu chảy trong lòng động mạch
Huyết áp được định nghĩa là áp lực của máu chảy trong lòng động mạch

2. Nhịp tim ở người cao tuổi thay đổi như thế nào?

Nhịp tim được điều khiển bởi nút xoang. Theo đó, nút xoang có nhiệm vụ làm chủ nhịp và xung động sẽ lan khắp cơ tim qua hệ thống dẫn truyền, giúp cho bốn buồng hoạt động nhịp nhàng, phối hợp cùng nhau như một thể thống nhất.

Tuy nhiên, khi lớn tuổi, sự lão hóa sẽ khiến nút xoang và hệ thống dẫn truyền bị xơ hóa; ngoài ra, cấu trúc của tim cũng bị biến đổi làm con đường dẫn truyền không còn được nguyên vẹn, hệ quả là xảy ra các rối loạn nhịp tim.

Mặt khác, hệ tuần hoàn nuôi tim lâu ngày bị xơ vữa, chai cứng cũng làm ảnh hưởng đến sự dinh dưỡng của nút xoang và hệ dẫn truyền. Kết quả của sự suy yếu này làm tần số tim bị chậm hơn, tim đập không đều hay xảy ra những tắc nghẽn trên đường dẫn truyền. Hơn thế nữa, các ổ phát nhịp khác được bộc lộ ra, lấn át vai trò chủ nhịp của nút xoang, khiến nhịp tim đập quá nhanh mà không kiểm soát được, dễ dẫn đến đột tử.

Trắc nghiệm: Huyết áp của bạn có đang thực sự tốt?

Huyết áp cao hay thấp đều ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe con người. Để biết tình trạng huyết áp của bạn có thực sự tốt không, hãy làm bài trắc nghiệm sau đây để đánh giá.

3. Những bệnh lý trên huyết áp và nhịp tim của người cao tuổi

Do những biến đổi sinh lý như trên, hiện tượng huyết áp tăng dần ở người lớn tuổi là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, khác biệt với người trẻ, việc kiểm soát huyết áp cần thận trọng vì người già lại có thêm nguy cơ tụt huyết áp tư thế.

Huyết áp tăng khiến cơ tim phải tăng sức co bóp, đi kèm với tình trạng xơ vữa động mạch sẽ khiến người bệnh đau thắt ngực, khó thở khi gắng sức. Ban đầu, các triệu chứng này sẽ thoáng qua hay bớt dần sau khi ngồi nghỉ; về lâu dài, các cơn đau sẽ kéo dài hơn, xảy ra liên tục hơn và ngay cả khi chỉ vận động nhẹ. Mặt khác, nếu trong lòng động mạch vành bị tắc nghẽn do mảng xơ vữa, hiện tượng nhồi máu cơ tim sẽ xảy ra, bệnh nhân đau ngực rất dữ dội và khả năng co bóp cơ tim sẽ giảm dần sau đó. Nếu vùng nhồi máu có kích thước lớn, vùng cơ tim bị hoại tử rộng, nguy cơ suy tim hay ngưng tim xảy ra rất cao.

Đối với các bất thường nhịp tim ở người cao tuổi, thường gặp nhất là hội chứng suy nút xoang. Nhịp tim đập chậm hơn hay thậm chí ngưng một khoảng thời gian đáng kể rồi mới khởi kích lại. Trong lúc đó, người bệnh sẽ thấy choáng váng, hoa mắt, chóng mặt, nặng hơn có thể là lơ mơ, ngất xỉu và mất ý thức, dễ té ngã gây tai nạn.

Bên cạnh đó, hiện tượng rung nhĩ cũng thường thấy khi độ tuổi tăng dần. Biểu hiện của rối loạn này là tim đập không đều, hệ quả là làm tăng sự hình thành huyết khối trong buồng tim. Nếu một nhát bóp tim nào đó bơm máu có huyết khối lên não sẽ làm tắc nghẽn mạch máu tưới não, gây ra đột quỵ làm méo miệng, yếu liệt tay chân.

Ngoài ra, khi các ổ loạn nhịp bị bộc lộ do cấu trúc tim dần thoái hóa sẽ làm xuất hiện các cơn nhịp nhanh. Bệnh nhân sẽ cảm thấy đánh trống ngực, tụt huyết áp và cũng có xây xẩm, chóng mặt do giảm tưới máu lên não. Trong đó, đáng sợ nhất là rung thất, một loại rối loạn nhịp tim gây chết người nếu không được cấp cứu kịp thời.

4. Cách đề phòng biến cố tim mạch ở người cao tuổi


Thường xuyên kiểm tra huyết áp
Thường xuyên kiểm tra huyết áp

Huyết áp và nhịp tim ở người cao tuổi đều bị ảnh hưởng ít nhiều bởi tuổi tác. Đây là yếu tố tự nhiên mà hoàn toàn không thể thay đổi được. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều yếu tố khác đi kèm vẫn có khả năng điều chỉnh được. Chính vì vậy, tầm soát, điều trị và phòng ngừa sẽ phần nào giúp duy trì sức khỏe ổn định theo năm tháng.

Cụ thể nhất là việc thường xuyên kiểm tra huyết áp; nếu huyết áp cao, cần uống thuốc hạ áp; hạn chế đứng hay ngồi dậy đột ngột khi đang nằm để tránh chứng hạ huyết áp tư thế. Bên cạnh đó, cần đi khám định kì mỗi 6 tháng đến một năm và tầm soát tiểu đường, rối loạn mỡ máu cũng như các bệnh lý tim mạch khác nói chung. Trong trường hợp bệnh nhân có các triệu chứng bất thường nêu trên mà đo không thấy huyết áp cao, đo điện tim không ghi nhận bất thường thì nên chỉ định theo dõi huyết áp cũng như điện tim liên tục 24 giờ. Từ đó, khả năng phát hiện bệnh lý sẽ tăng cao hơn và lập được kế hoạch điều trị sớm.

Ngoài ra, chế độ ăn uống đóng vai trò vô cùng quan trọng. Khuyến khích ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ như gạo lứt, rau xanh, quả chín. Nên ăn các loại thực phẩm nhiều acid béo omega 3 như cá hồi, cá thu... Không nên ăn mỡ, nội tạng động vật, các loại sản phẩm chế biến sẵn và chứa nhiều muối như cá hộp, thịt muối, dưa cà muối, các món kho, rim, muối, các loại nước sốt, nước chấm mặn. Bỏ thuốc lá, hạn chế các loại đồ uống có cồn như bia, rượu.

Song song đó, người cao tuổi vẫn cần động viên tập thể dục thường xuyên giúp giữ cho động mạch đàn hồi tốt. Ngoài ra, một giấc ngủ ngon, tránh lo âu, căng thẳng cũng góp phần hạ được huyết áp, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và tử vong nói chung.

Tóm lại, cao tuổi không phải là bệnh nhưng lại là điều kiện để các bệnh lý phát sinh ra nhiều hơn. Với những tiến bộ y khoa như ngày nay, các biến cố tim mạch và huyết áp ở người cao tuổi từng bước được kiểm soát và đề phòng, giúp tuổi thọ kéo dài hơn. Hiểu biết những vấn đề trên, tuân thủ và theo dõi định kì sẽ giúp người cao tuổi tận hưởng thêm nhiều năm vui sống.

Là một trong những chuyên khoa trọng điểm của bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, chuyên khoa Tim mạch bao gồm những Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Chuyên khoa 2, Thạc sĩ giàu kinh nghiệm, có uy tín lớn trong lĩnh vực điều trị nội khoa, ngoại khoa, thông tim can thiệp và ứng dụng các kỹ thuật cao cấp trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh lý tim mạch.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe