Khi nhắc đến tăng huyết áp mọi người thường quan tâm đến khái niệm huyết áp nói chung nhưng ít khi để ý đến từng chỉ số huyết áp cụ thể. Huyết áp tâm trương cao cũng có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm cho sức khoẻ mà mọi người không nên chủ quan.
1. Huyết áp tâm trương cao
Huyết áp được xác định bằng hai chỉ số, thường được viết dưới dạng một tỷ số. Chỉ số thứ nhất (hay chỉ số trên) là huyết áp tâm thu, chỉ số thứ hai (hay chỉ số dưới) là huyết áp tâm trương. Huyết áp tâm trương là lực tác động của máu lên thành động mạch ở thì tâm trương (khi cơ tim được thả lỏng), đây là mức huyết áp thấp nhất trong mạch máu.
Có 3 loại tăng huyết áp: tăng huyết áp tâm thu, tăng huyết áp tâm trương và tăng huyết áp hỗn hợp. Tăng huyết áp tâm trương xảy ra khi số dưới cao, tăng huyết áp tâm trương được định nghĩa là áp suất tâm trương từ 90mmHg trở lên. Tăng huyết áp tâm trương đơn độc chủ yếu được gặp ở những người trẻ tuổi.
Ở hầu hết những người có tăng huyết áp tâm trương đơn độc, không có nguyên nhân cụ thể nào được xác định, còn được gọi là tăng huyết áp nguyên phát. Một số trường hợp, tăng huyết áp tâm trương đơn độc là thứ phát của một rối loạn khác như bệnh lý tuyến giáp, bệnh thận hoặc hội chứng ngưng thở khi ngủ.
Khi huyết áp tâm trương cao, mạch máu sẽ trở nên ít đàn hồi, cứng lại và xơ vữa. Huyết áp tâm trương bình thường thường dao động từ 60 - 80mmHg. Nếu huyết áp tâm trương của là 80 - 89 mmHg, cần chú ý đặc biệt vì bạn đã có tiền tăng huyết áp. Áp suất tâm trương thường thay đổi trong suốt cả ngày. Người bệnh nên kiểm tra huyết áp vài lần một ngày để có được con số trung bình. Các yếu tố gây ra sự dao động áp lực tâm trương bao gồm: sử dụng nicotine; mức độ căng thẳng và tập thể dục; tư thế...
Trắc nghiệm: Bạn có hiểu đúng về huyết áp cao không?
Huyết áp cao còn được gọi là kẻ giết người thầm lặng vì bệnh thường không có triệu chứng. Thiếu hụt kiến thức về huyết áp cao có thể làm cho tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn. Dưới đây là những câu hỏi trắc nghiệm vui giúp bạn hiểu đúng về bệnh cao huyết áp.2. Huyết áp tâm trương cao vì sao?
Những nguyên nhân làm cho huyết áp tâm trương cao:
- Tuổi và giới tính: Yếu tố nguy cơ hàng đầu là lớn tuổi cho cả nam giới và phụ nữ, chi phối đến 90% người bị tăng huyết áp. Nam trên 45 tuổi và phụ nữ trên 55 tuổi có nguy cơ mắc bệnh tăng tăng huyết áp cao hơn. Tuy nhiên, tăng huyết áp đang ngày càng trở nên phổ biến hơn ở thanh thiếu niên. Nam giới thường có nguy cơ cao hơn nữ giới.
- Tiền sử gia đình: Nếu có bố mẹ mắc bệnh tăng huyết áp, bạn cũng có thể có nguy cơ cao mắc bệnh này.
- Béo phì: 1/3 bệnh nhân tăng huyết áp có thừa cân. Người lớn thừa cân có nguy cơ cao bị tăng huyết áp tâm trương cao gấp đôi so với những người có trọng lượng bình thường. Trẻ em và thanh thiếu niên bị béo phì có nguy cơ bị tăng huyết áp khi chúng lớn lên.
- Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn: Đây là một tình trạng mà theo đó nhịp thở dừng lại nhiều lần trong khi ngủ. Hầu hết bệnh nhân tăng huyết áp đều có chứng ngưng thở khi ngủ.
- Lối sống: Hút thuốc, sử dụng nhiều rượu bia có nguy cơ tăng huyết áp tâm trương. Chế độ ăn kali thấp và ăn nhiều muối có thể làm tăng huyết áp tâm trương. Lối sống ít vận động có thể làm cho bạn trở nên thừa cân, dẫn đến bệnh tăng huyết áp. Sự căng thẳng, cả tinh thần lẫn thể xác, có thể làm tăng huyết áp tạm thời.
- Các rối loạn sức khỏe: Nhiều tình trạng sức khỏe liên quan đến tăng huyết áp và làm khó kiểm soát tăng huyết áp hơn. Bao gồm bệnh thận, đái tháo đường và các vấn đề nội tiết.
- Thuốc men: Nhiều loại thuốc có thể gây ra sự gia tăng huyết áp tạm thời hoặc làm cho tình trạng bệnh trở nên tồi tệ hơn. Các thuốc bao gồm: thuốc chống viêm không steroid như: naproxen, aspirin và ibuprofen; corticosteroid tiêm tĩnh mạch hoặc dùng đường uống; thuốc ngừa thai; thuốc giảm đau có chứa pseudoephedrine.
3. Triệu chứng của huyết áp tâm trương cao
Tăng huyết áp được biết đến với cái tên “Kẻ giết người thầm lặng” bởi những triệu chứng của bệnh thường thầm lặng và khó nhận biết.
Dưới đây là một số dấu hiệu cảnh báo bạn đang có huyết áp tâm trương cao:
- Chóng mặt
- Đau đầu
- Đổ mồ hôi đêm
- Khó ngủ
- Chảy máu mũi
- Đánh trống ngực
- Buồn nôn
- Nhìn mờ
Huyết áp tâm trương cao khác biệt với huyết áp tâm thu cao hoặc tăng huyết áp cả tâm thu lẫn tâm trương. Nó thường có thể được kiểm soát tốt với những thay đổi cá nhân và lối sống, mặc dù bác sĩ cũng có thể khuyên dùng thuốc.
4. Biến chứng của huyết áp tâm trương cao
Tăng huyết áp tâm trương đơn độc tự nó làm tăng khả năng biến chứng tim mạch nghiêm trọng. Một nghiên cứu đăng trên tạp chí chuyên ngành tăng huyết áp Journal of Hypertension lưu ý rằng, những người lớn có tăng huyết áp tâm trương đơn độc có nguy cơ biến chứng tim mạch cao gấp đôi, bao gồm nhồi máu cơ tim, đột quỵ hoặc hoặc tử vong do tim so với những người lớn có huyết áp bình thường.
5. Phòng ngừa tăng huyết áp tâm trương
- Kiểm tra huyết áp thường xuyên là biện pháp quan trọng nhất để phát hiện sớm bệnh tăng huyết áp tâm trương. Mọi người cần thường xuyên kiểm tra huyết áp thông qua khám sức khỏe định kỳ hoặc qua các lần đi khám tại các cơ sở y tế... Các máy đo huyết áp điện tử cá nhân là một công cụ hiệu quả giúp người đã mắc tăng huyết áp và người có nguy cơ mắc bệnh để thường xuyên kiểm tra tình trạng huyết áp của mình và của các thành viên trong gia đình.
- Chế độ ăn hợp lý: Giảm ăn mặn (dưới 5g muối/ngày); tăng cường ăn rau xanh, hoa quả tươi; hạn chế thức ăn có nhiều cholesterol và axit béo no; đảm bảo đủ kali và các yếu tố vi lượng.
- Duy trì cân nặng lý tưởng với chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 18,5 đến 22,9; cố gắng duy trì vòng bụng dưới 90cm ở nam và dưới 80cm ở nữ. Tích cực giảm cân (nếu quá cân).
- Hạn chế uống rượu, bia; ngừng hoàn toàn việc hút thuốc lá hoặc thuốc lào.
- Tăng cường hoạt động thể lực ở mức thích hợp: tập thể dục, đi bộ, đi xe đạp hoặc vận động ở mức độ vừa phải, đều đặn khoảng 30-60 phút mỗi ngày.
- Tránh lo âu, căng thẳng thần kinh; cần chú ý đến việc thư giãn, nghỉ ngơi hợp lý; tránh bị lạnh đột ngột.
Người bị bệnh tăng huyết áp hỗn hợp hay tăng huyết áp tâm trương đơn độc đều cần được khám sàng lọc, phát hiện sớm. Bên cạnh áp dụng các biện pháp tích cực thay đổi lối sống như trên, bệnh nhân cần được theo dõi, quản lý bệnh lâu dài và điều trị theo hướng dẫn của thầy thuốc để giảm bớt các nguy cơ xảy ra biến chứng và để duy trì mức huyết áp hợp lý.
Gói khám huyết áp tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec giúp khách hàng chủ động theo dõi, kiểm tra huyết áp, đồng thời, bác sĩ sẽ dựa vào các chỉ số thăm khám để đưa ra nhận xét nguyên nhân gây thay đổi huyết áp và điều đó sẽ có nguy cơ tiềm ẩn của bệnh lý nào để có biện pháp phòng tránh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.