Hướng dẫn xử trí khi bị ngộ độc thủy ngân

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, bác sĩ Vũ Hữu Thắng - Bác sĩ hồi sức cấp cứu - Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long. Bác sĩ đã có gần 10 năm kinh nghiệm trong Hồi sức cấp cứu.

Ngộ độc thủy ngân không có cách thải độc tự nhiên hay thải độc tại nhà. Người bị nhiễm độc cần khám, xét nghiệm nhiễm độc thủy ngân sớm để được chẩn đoán chính xác, điều trị thải độc kịp thời nếu cần thiết.

1. Ngộ độc thủy ngân nguy hiểm như thế nào?

Thủy ngân là kim loại ở thể lỏng trong điều kiện thường, không tan trong nước và có thể bốc hơi tương đối dễ khi ở nhiệt độ phòng. Thủy ngân được sử dụng trong một số nhà máy, hóa chất hay kể cả trong nhiều vật dụng thiết yếu như nhiệt kế, huyết áp kế, bóng đèn...

Các hợp chất của nguyên tố thủy ngân dưới dạng hơi và muối rất độc hại, có thể gây tổn thương não, gan,... nếu như con người chẳng may hít thở, tiếp xúc hay ăn phải. Thủy ngân còn tấn công hệ thần kinh trung ương, ảnh hưởng tới miệng, các cơ quai hàm, răng thậm chí gây khuyết tật thai nhi.

Ngộ độc thủy ngân có thể do nhiều nguyên nhân, như hít phải hơi thủy ngân, nuốt phải thủy ngân, hay bị nhiễm độc mạn do ăn phải hải sản có hàm lượng thủy ngân hữu cơ cao,... Phơi nhiễm ở trẻ em thường gặp nhất là khi nhiệt kế thủy ngân bị vỡ mà chưa được xử lý đúng cách gây ngộ độc thủy ngân.

2. Cách xử lý ngộ độc thủy ngân

Hiện nay, ngộ độc thủy ngân không có cách thải độc tự nhiên hay thải độc tại nhà. Do đó, nếu có các dấu hiệu cảnh báo ngộ độc thủy ngân, người dân cần đến cơ sở y tế ngay để được chẩn đoán chính xác và điều trị thải độc kịp thời, tránh những biến chứng có thể xảy ra.

Bác sĩ sẽ dựa vào các triệu chứng lâm sàng, đánh giá tình trạng hô hấp, tuần hoàn, xét nghiệm nhiễm độc thủy ngân để kiểm tra mức thủy ngân trong máu nhằm đánh giá tình trạng nhiễm độc của bệnh nhân.

Ngộ độc thủy ngân do các nguyên nhân khác nhau, thì mức độ nguy hiểm cũng sẽ khác nhau. Do đó, trong trường hợp không may bị phơi nhiễm với thủy ngân, phải thật bình tĩnh để xử lý đúng cách thì sẽ giảm thiểu được nguy hiểm.

Xử trí ngộ độc thủy ngân trước khi đến bệnh viện bao gồm các bước cơ bản:

  • Với tình trạng người bệnh hít phải hơi thủy ngân thì nên nhanh chóng đưa ra khỏi khu vực có thủy ngân. Nếu là phòng nhỏ thì cần đóng kín cửa phòng để tránh thủy ngân phân tán ra ngoài môi trường.
  • Nếu trẻ vô tình nuốt phải thủy ngân lỏng: Trong lúc chờ đợi đến cơ sở y tế gần nhất, hãy cho trẻ uống thật nhiều nước .
  • Với tình trạng thủy ngân tiếp xúc qua da: Cần ngay lập tức thải loại chất độc ở ngoài da bằng cách:
    • Cần vệ sinh, rửa sạch tay bằng xà phòng và nước hoặc rửa mắt bằng nước muối sinh lý.
    • Nên thay toàn bộ quần áo đề phòng trường hợp thủy ngân dính vào người.
    • Để làm sạch quần áo dính thủy ngân, nên ngâm nước lạnh và nước xà phòng ở nhiệt độ 70 - 80 độ C, ngâm tiếp 20 phút ở nhiệt độ cao trong nước pha chất tẩy rồi mới xả bằng nước.
    • Vứt bỏ những dụng cụ thu dọn vừa sử dụng như chổi, sọt đựng rác hay găng tay vào túi ni lông buộc kín, có ghi chú bên ngoài để tránh trường hợp xấu cho người khác.

Cần vệ sinh, rửa sạch tay bằng xà phòng và nước hoặc rửa mắt bằng nước muối sinh lý nếu đã tiếp xúc với thủy ngân qua da
Cần vệ sinh, rửa sạch tay bằng xà phòng và nước hoặc rửa mắt bằng nước muối sinh lý nếu đã tiếp xúc với thủy ngân qua da

3. Xử lý ngộ độc thủy ngân trong một số trường hợp cụ thể

3.1. Nhiễm độc thủy ngân do hít phải hơi thủy ngân

Hít phải hơi thủy ngân là nguyên nhân nhiễm độc nguy hiểm bậc nhất, vì thủy ngân là kim loại bốc hơi, khi nóng tạo thành các hợp chất gây độc. Phơi nhiễm với nồng độ cao hơi thủy ngân nguyên tố cao gây ảnh hưởng cấp tính đối với sức khỏe.

Nhiễm độc thuỷ ngân cấp qua đường hô hấp thường gây các triệu chứng viêm phổi, bệnh nhân sẽ có biểu hiện rất sớm, rõ ràng ngay từ đầu. Các triệu chứng thường gặp điển hình là ho và khó thở, đau đầu. Không nhất thiết cứ hít phải hơi thủy ngân hay đi qua khu vực có hơi thủy ngân là phải nhập viện. Tuy nhiên, nếu có các dấu hiệu trên, tốt nhất người dân nên đến trung tâm y tế ngay để được kiểm tra và đánh giá tình trạng nhiễm độc của mình.

Điều quan trọng nhất trong trường hợp này là nhanh chóng ra khỏi nơi có nguồn hơi thủy ngân, đặc biệt là những nơi đang có nhiệt độ cao tạo điều kiện cho thủy ngân bốc hơi mạnh hơn.

3.2. Trường hợp bị vỡ nhiệt kế thủy ngân

Nuốt phải thủy ngân nguyên tố thường không gây độc toàn thân. Theo một số chuyên gia, thủy ngân nguyên tố khi nuốt vào bụng, chỉ hấp thu 0.01% qua ruột khoẻ mạnh. Vài ngày sau thủy ngân theo con đường tự nhiên ra ngoài mà không gây triệu chứng ngộ độc nào. Nó chỉ nguy hiểm, gây ngộ độc cấp tính khi đường ruột bị thủng và phúc mạc hấp thu chúng.

Do đó, nếu nhiệt kế thủy ngân không may bị vỡ, các bậc phụ huynh nên bình tĩnh xử lý tình huống, không cuống khiến trẻ em nuốt sâu hơn thủy ngân hoặc sặc thủy ngân.

Dưới đây là những tư vấn của bác sĩ về cách xử lý khi bị ngộ độc thủy ngân do vỡ cặp nhiệt độ.

Thu dọn thủy ngân

  • Việc đầu tiên, là phải đi găng tay hoặc bọc nilon để thu gom các hạt thủy ngân trên sàn đổ ra bằng một chiếc thẻ mỏng hoặc bằng một dải băng keo, tờ giấy mỏng, cũng có thể sử dụng chai nhựa rỗng để hút chúng lên. Sau đó, tiếp tục dùng giẻ ẩm lau sạch sàn rồi cho riêng thủy ngân, giẻ ẩm vào túi và dán kín.. Thủy ngân sau khi được thu gom xong phải để trong hộp kín, tránh đổ thủy ngân xuống cống vì có thể làm ô nhiễm nguồn nước.

Phải đi găng tay hoặc bọc nilon để thu gom các hạt thủy ngân
Phải đi găng tay hoặc bọc nilon để thu gom các hạt thủy ngân
  • Tuyệt đối không dùng máy hút thủy ngân: Thủy ngân kim loại sẽ độc khi nó bốc hơi và hít phải nó. Vì khi hút sẽ tạo nhiệt, thủy ngân bốc hơi, phát tán nhanh trong môi trường phòng kín tại gây nguy hiểm.

Một trong những biện pháp đề phòng tình trạng này đó là không nên cho trẻ ngậm nhiệt kế thủy ngân nhằm tránh tình trạng nhiệt kế bị vỡ. Hết sức cẩn trọng khi sử dụng thiết bị y tế có chứa thủy ngân, đặc biệt khi dùng cho trẻ nhỏ. Thay vào đó, cha mẹ có thể sử dụng các dụng cụ y tế bằng điện tử an toàn hơn. Hiện tại trên thị trường đang có nhiều loại nhiệt kế điện tử có khả năng cho kết quả với độ chính xác rất cao chỉ trong vòng 1 giây, đặc biệt có thế đo khi trẻ đang ngủ, tiện dụng, không phải lo nếu bé cựa quậy sẽ cho kết quả không chính xác hoặc nguy cơ vỡ như nhiệt kế thủy ngân.

3.3. Với các trường hợp ngộ độc thủy ngân mạn

Ngộ độc thủy ngân mạn thường do nguồn thức ăn hoặc môi trường xung quanh như đất, nguồn nước, không khí bị nhiễm độc thủy ngân. Trong trường hợp này, ngoài việc đến trung tâm y tế để đánh giá tình trạng nhiễm độc thủy ngân thì còn cần phải lưu ý loại bỏ nguồn phơi nhiễm.

Loại bỏ đồ ăn nhiễm độc, thay đổi nguồn nước hoặc thậm chí là tạm di chuyển khỏi khu vực đang sinh sống là các biện pháp có thể phải cân nhắc tùy thuộc vào mức độ nhiễm độc, điều kiện và khả năng của gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe