Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Đoàn Ngọc Quỳnh Trâm - Bác sĩ Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
Tất cả trẻ sinh ra đều có khả năng miễn dịch đối với bệnh tật. Mặc dù vậy, cần có thời gian để hệ thống miễn dịch của trẻ hoàn thiện. Điều này khiến trẻ sơ sinh dễ bị nhiễm virus gây cảm lạnh. hầu hết các loại cảm lạnh mà bé mắc phải đều giúp tăng khả năng miễn dịch. Mặc dù vậy, lần cảm lạnh đầu tiên của bé có thể khiến cha mẹ lo lắng.
1. Trẻ sơ sinh có dễ bị cảm lạnh không?
Tất cả trẻ sinh ra đều có khả năng miễn dịch đối với bệnh tật. Mặc dù vậy, cần có thời gian để hệ thống miễn dịch hoàn toàn mới của trẻ có thể hoàn thiện. Điều này khiến trẻ sơ sinh dễ bị nhiễm virus gây cảm lạnh.
Hiện nay, chúng ta đã biết có hơn 200 loại virus có thể gây cảm lạnh. Điều may mắn là hầu hết các loại cảm lạnh mà bé mắc phải đều giúp làm tăng khả năng miễn dịch của bé. Mặc dù vậy, cơn cảm lạnh đầu tiên của bé vẫn có thể khiến cha mẹ lo lắng.
Trẻ có thể bị cảm lạnh ở mọi lứa tuổi và thời điểm trong năm. Trên thực tế, trẻ có bị cảm lạnh nhiều nhất là 8 -10 lần/năm trong 2 năm đầu tiên. Nếu trẻ sơ sinh ở gần những đứa trẻ lớn hơn, khả năng chúng bị cảm lạnh có thể tăng lên.
Cảm lạnh thông thường ở trẻ sơ sinh không nguy hiểm, nhưng chúng có thể nhanh chóng chuyển sang các bệnh nặng hơn như viêm phế quản, viêm phổi. Bất kỳ bệnh nào ở trẻ dưới 2 hoặc 3 tháng tuổi đều là lý do để đưa trẻ đến gặp bác sĩ nhi khoa, đặc biệt là nếu trẻ đang bị sốt.
2. Các triệu chứng cảm lạnh ở trẻ sơ sinh
Chảy nước mũi có thể là dấu hiệu đầu tiên cho thấy trẻ sơ sinh đã bị cảm lạnh. Lúc đầu nước mũi của trẻ có thể loãng và trong, nhưng sau đó sẽ trở nên đặc hơn và có màu vàng xanh trong vài ngày. Điều này là bình thường và không có nghĩa là tình trạng cảm lạnh của bé ngày càng trầm trọng hơn.
Các triệu chứng cảm lạnh ở trẻ sơ sinh khác bao gồm:
- Trẻ khó chịu
- Trẻ có thể sốt
- Trẻ bị ho, đặc biệt là vào ban đêm
- Trẻ hắt xì
- Trẻ giảm cảm giác thèm ăn
- Trẻ bị ngạt mũi nên khó để cho trẻ bú mẹ hoặc bú bình.
- Trẻ khó ngủ.
Cảm lạnh ở trẻ sơ sinh có một số triệu chứng giống như các bệnh khác, chẳng hạn như cúm, viêm họng và viêm phổi. Điều này có thể làm cho việc chẩn đoán ở nhà trở nên khó khăn hơn đối với cha mẹ.
2.1. Phân biệt cúm và cảm lạnh ở trẻ sơ sinh
Nếu trẻ sơ sinh bị cúm, trẻ có thể bị ớn lạnh, nôn mửa và tiêu chảy ngoài các triệu chứng cảm lạnh thông thường. Trẻ cũng có thể có các triệu chứng mà bạn không thể nhìn thấy và trẻ không thể nói cho bạn biết, bao gồm đau đầu, đau cơ hoặc đau họng .
2.2. Phân biệt viêm phổi và cảm lạnh ở trẻ sơ sinh
Cảm lạnh có thể nhanh chóng dẫn đến viêm phổi. Các triệu chứng của viêm phổi ở trẻ sơ sinh bao gồm:
- Trẻ ớn lạnh
- Da trẻ ửng đỏ
- Trẻ đổ mồ hôi
- Trẻ có thể sốt cao
- Trẻ có thể bị đau bụng hoặc tiêu chảy
- Trẻ ho nặng hơn
- Trẻ thở nhanh hoặc khó thở
Môi hoặc đầu ngón tay của bé có thể hơi tím. Điều này có nghĩa là bé không được cung cấp đủ oxy và cần được đưa đến bệnh viện ngay lập tức.
2.3. Phân biệt viêm thanh khí phế quản và cảm lạnh ở trẻ sơ sinh
Trẻ bị viêm thanh khí phế quản (Croup) có thể bị khó thở, khàn giọng và ho. Trẻ cũng có thể tạo ra âm thanh thở rít giống như thở khò khè.
2.4. Phân biệt viêm tiểu phế quản và cảm lạnh ở trẻ sơ sinh
Virus hợp bào hô hấp (RSV) là một nguyên nhân gây nhiễm trùng đường hô hấp nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến mọi người ở mọi lứa tuổi. Nhưng nó đặc biệt nghiêm trọng đối với trẻ sơ sinh, vì đường thở của trẻ chưa phát triển hoàn thiện.
Các em bé thường xuyên phải nhập viện vì viêm tiểu phế quản, một tình trạng viêm đường hô hấp ảnh hưởng đến các đường dẫn khí nhỏ nhất trong phổi (tiểu phế quản). Đây là nguyên nhân phổ biến nhất khiến trẻ sơ sinh phải nhập viện. Viêm tiểu phế quản do thường do virus hợp bào hô hấp gây ra.
3. Nguyên nhân gây cảm lạnh ở trẻ sơ sinh
Cảm lạnh thông thường là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên do virus gây ra. Chúng không phải là tình trạng nhiễm trùng do vi khuẩn và không đáp ứng với thuốc kháng sinh.
Bác sĩ nhi khoa có thể tiến hành xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, hoặc xét nghiệm dịch tiết đường hô hấp để xác định xem bệnh của bé là do vi rút hay vi khuẩn. Nhiễm trùng do virus có thể dẫn đến biến chứng nhiễm vi khuẩn. Chúng cũng có thể gây ra các bệnh như:
- Viêm phổi
- Viêm họng
- Nhiễm trùng tai
Cảm lạnh ở trẻ sơ sinh không phải là bất thường. Các vi rút gây bệnh có thể sống trong không khí và trên các bề mặt cứng trong thời gian ngắn. Điều đó làm cho việc lây truyền có thể xảy ra khi có hoặc không tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh.
Những đứa trẻ sơ sinh ở gần những đứa trẻ lớn hơn có thể dễ bị cảm lạnh hơn. Nhưng ngay cả một chuyến đi đến phòng khám bác sĩ nhi khoa, ôm ấp một người lớn, hoặc đi dạo đến cửa hàng cũng có thể khiến trẻ tiếp xúc với vi trùng.
Những đứa trẻ bú sữa mẹ có nhiều khả năng miễn dịch hơn so với trẻ bú sữa công thức hoàn toàn. Điều này là do việc cho con bú cung cấp kháng thể, tế bào bạch cầu và enzym cho trẻ. Những thứ này bảo vệ trẻ khỏi bị nhiễm trùng.
Trẻ sơ sinh bú sữa mẹ có tất cả hoặc một phần khả năng miễn dịch của mẹ đối với các bệnh mà mẹ đã miễn dịch hoặc đã từng bị. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn miễn nhiễm với cảm lạnh.
4. Trẻ sơ sinh bị cảm lạnh khi nào gặp bác sĩ
Em bé dưới 2 hoặc 3 tháng tuổi nên được bác sĩ khám nếu bị cảm lạnh. Điều này sẽ giúp bảo vệ trẻ khỏi tình trạng nghiêm trọng hơn và cũng giúp bạn khỏi lo lắng.
Sốt là một cách cơ thể bé hoạt động để chống lại cảm lạnh. Mặc dù vậy, trẻ sơ sinh dưới 2 hoặc 3 tháng tuổi bị sốt từ 38° C trở lên vẫn cần được đưa đến gặp bác sĩ. Bạn cũng nên gọi cho bác sĩ nếu trẻ từ 3 đến 6 tháng, bị sốt từ 39 ° C trở lên.
Bất kể trẻ ở độ tuổi nào, cơn sốt kéo dài hơn 5 ngày đều cần được bác sĩ thăm khám. Bạn cần theo dõi tất cả các triệu chứng của bé. Bạn cần đưa trẻ đi khám nếu trẻ có bất kỳ triệu chứng nào sau đây:
- Phát ban
- Nôn mửa
- Tiêu chảy
- Ho dai dẳng hoặc ho có đờm
- Phát ra tiếng kêu kỳ quặc, bất thường
- Khó thở
- Co rút lại: khi các khu vực bên dưới và giữa các xương sườn và ở cổ chìm vào trong mỗi khi trẻ hít vào
- Chất nhầy màu xanh đặc hoặc chất nhầy có máu từ mũi hoặc miệng
- Sốt hơn 5 đến 7 ngày
- Dụi tai hoặc dấu hiệu khác của sự khó chịu hoặc đau đớn về thể chất ở bất cứ đâu trên cơ thể họ
- Dấu hiệu mất nước, chẳng hạn như trẻ không đi tiểu nhiều như mọi khi
- Trẻ bỏ bú
- Môi hoặc đầu ngón tay của trẻ có màu tím
5. Điều trị cảm lạnh cho trẻ sơ sinh tại nhà
Những điều nên làm và không nên khi điều trị cảm lạnh tại nhà cho trẻ sơ sinh để giúp chúng cảm thấy thoải mái.
Những việc cần làm:
- Cho trẻ uống nhiều chất lỏng, kể cả sữa mẹ hoặc sữa công thức. Nếu bé trên 6 tháng tuổi, bạn có thể cho bé uống một ít nước .
- Hút chất nhầy trong mũi bằng cách sử dụng nước muối sinh lý nhỏ vào mũi và sử dụng bầu hút.
- Làm ẩm không khí bằng máy tạo ẩm. Hãy hỏi bác sĩ của bạn nếu họ đề nghị một loại máy phun sương ấm hoặc mát. Máy tạo độ ẩm ấm có thể gây bỏng rát cho trẻ lớn hơn, khi trẻ tò mò.
Những việc không được làm:
- Thuốc kháng sinh không có tác dụng tiêu diệt vi-rút và không nên dùng để điều trị cảm lạnh.
- Thuốc hạ sốt không kê đơn (OTC), bao gồm Tylenol cho trẻ sơ sinh, không được khuyến cáo cho trẻ sơ sinh dưới 3 tháng trừ khi có chỉ định của bác sĩ. Kiểm tra với bác sĩ nhi khoa trước khi cho trẻ dưới 1 tuổi dùng bất kỳ loại thuốc không kê đơn nào.
- Không dùng Aspirin để hạ sốt hoặc giảm đau cho trẻ nhỏ.
- Thuốc ho và cảm lạnh không được khuyến cáo cho trẻ em dưới 2 tuổi.
- Đừng để trẻ nằm sấp khi ngủ, đặc biệt khi trẻ bị nghẹt mũi.
6. Trẻ sơ sinh bị cảm bao lâu thì khỏi?
Trẻ sơ sinh bị cảm lạnh có thể kéo dài tới 9 hoặc 10 ngày. Bao gồm khoảng thời gian trẻ không biểu hiện nhiều triệu chứng nhưng dễ truyền bệnh cho những đứa trẻ khác, cũng như khoảng thời gian trẻ bắt đầu hoạt động bình thường nhưng vẫn có chảy dịch mũi.
7. Cách phòng ngừa cảm lạnh cho trẻ sơ sinh
Cho trẻ bú sữa mẹ có thể giúp tăng cường khả năng miễn dịch của trẻ. Ngay cả một lượng nhỏ sữa mẹ được bổ sung cùng với sữa công thức cũng có thể hữu ích. Điều này đặc biệt đúng với sữa non giàu kháng thể, nguồn sữa mẹ đầu tiên bạn sản xuất khi em bé chào đời.
Bạn không thể giữ trẻ trong một căn phòng hoặc trong nhà mãi được. Nhưng bạn có thể giúp bé tránh tiếp xúc với một số vi trùng:
- Thường xuyên rửa tay và yêu cầu khách đến thăm cũng làm như vậy.
- Tránh tiếp xúc với những người bị bệnh.
- Lau sạch các bề mặt mà những người đang ho hoặc hắt hơi đã chạm vào.
- Đề nghị những người tiếp xúc với bé ho hoặc hắt hơi vào khuỷu tay thay vì vào tay.
- Nếu có thể, hãy hạn chế cho bé tiếp xúc với những đứa trẻ lớn hơn.
- Đảm bảo rằng người lớn và trẻ em xung quanh trẻ sơ sinh đã được tiêm phòng vắc-xin ho gà (ho gà) và vắc-xin cúm.
Cảm lạnh do vi rút gây ra và thường gặp ở trẻ sơ sinh. Ngay cả trẻ sơ sinh bú sữa mẹ cũng bị cảm lạnh, mặc dù những đứa trẻ này có khả năng miễn dịch lớn hơn trẻ không được bú sữa mẹ. Cảm lạnh không phải là bệnh nghiêm trọng, nhưng chúng có thể chuyển thành các bệnh nghiêm trọng hơn. Chính vì vậy cần đưa trẻ đi khám nếu trẻ dưới 2 hoặc 3 tháng tuổi, đặc biệt nếu trẻ đang sốt cao hoặc có các triệu chứng khác. Bạn cũng cần chuẩn bị đồ dùng trước khi trẻ bị cảm lạnh đầu tiên như thuốc nhỏ nước muối, ống hút bầu cao su, thuốc hạ sốt, nhiệt kế và máy tạo độ ẩm là hữu ích.
Khoa nhi tại hệ thống Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là địa chỉ tiếp nhận và thăm khám các bệnh lý mà trẻ sơ sinh cũng như trẻ nhỏ dễ mắc phải: Sốt virus, sốt vi khuẩn, viêm tai giữa, viêm phổi ở trẻ,....Với trang thiết bị hiện đại, không gian vô trùng, giảm thiểu tối đa tác động cũng như nguy cơ lây lan bệnh. Cùng với đó là sự tận tâm từ các bác sĩ giàu kinh nghiệm chuyên môn với các bệnh nhi, giúp việc thăm khám không còn là nỗi trăn trở của các bậc cha mẹ.
Nếu có nhu cầu tư vấn và thăm khám tại các Bệnh viện Vinmec thuộc hệ thống Y tế trên toàn quốc, Quý khách vui lòng đặt lịch trên website để được phục vụ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: babycenter.com, healthychildren.org