Do hệ miễn dịch của trẻ sơ sinh còn non nớt, dễ bị các virus tấn công nên trẻ bị cảm lạnh là tình trạng dễ gặp phải. Hầu hết các trường hợp trẻ bị cảm lạnh ở mức độ nhẹ và thường tự khỏi trong khoảng 2 tuần. Tuy nhiên, trong một số ít trường hợp, trẻ vẫn có nguy cơ gặp các biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm đường hô hấp cấp,...
1.Các triệu chứng trẻ bị cảm lạnh
Triệu chứng trẻ bị cảm lạnh thường gặp nhất là nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi. Nước mũi ban đầu có thể trong suốt, sau đó có thể đặc hơn, chuyển sang màu xám hoặc vàng xanh. Ngoài ra, trẻ sẽ có ho nhẹ, sốt, quấy khóc, bú ít hoặc không chịu bú do nghẹt mũi,...
Để phân biệt bệnh cảm lạnh của trẻ với một số bệnh khác như cúm, viêm phổi, cha mẹ hãy quan sát hành vi của trẻ. Nếu trẻ bị sổ mũi, ho và sốt nhẹ nhưng vẫn chơi và bú bình thường thì có thể trẻ bị cảm lạnh. Nếu trẻ bị cúm, ngoài các triệu chứng như cảm lạnh thông thường, trẻ có thể bị ớn lạnh, nôn ói và tiêu chảy. Nếu trẻ bị viêm phổi, các triệu chứng bao gồm run, ớn lạnh, da ửng đỏ, sốt cao, khó thở, khàn giọng, ho nhiều,...
2.Cảm lạnh ở trẻ sơ sinh kéo dài bao lâu?
Khi trẻ bị cảm lạnh, các triệu chứng bệnh thường sẽ đạt đỉnh điểm vào ngày thứ hai hoặc thứ ba kể từ khi trẻ có triệu chứng đầu tiên, sau đó các triệu chứng sẽ cải thiện dần và khỏi hẳn trong 10 ngày đến hai tuần.
Nếu các triệu chứng cảm lạnh của trẻ kéo dài một vài tuần hoặc các triệu chứng của trẻ ngày càng tệ hơn thay vì được cải thiện, cha mẹ hãy đưa trẻ đi khám bác sĩ.
3.Các biện pháp giúp làm giảm bớt các triệu chứng cảm lạnh ở trẻ?
Nguyên nhân gây cảm lạnh ở trẻ 1 tháng và trẻ sơ sinh thường do virus gây ra, do đó cảm lạnh thông thường còn có tên gọi khác là nhiễm siêu vi đường hô hấp trên. Bệnh không phải do vi khuẩn gây ra nên không đáp ứng với điều trị kháng sinh.
Không có loại thuốc nào làm cho virus biến mất nhanh hơn. Các phương pháp điều trị nhằm mục đích giúp trẻ sơ sinh cảm thấy thoải mái, dễ chịu hơn, đồng thời ngăn ngừa bội nhiễm vi khuẩn có thể xảy ra. Các biện pháp có thể thực hiện là:
- Cho trẻ nghỉ ngơi nhiều và cung cấp nhiều chất lỏng cho trẻ. Đối với trẻ sơ sinh, cho trẻ bú nhiều sữa mẹ hoặc sữa công thức nếu trẻ không bú sữa mẹ.
- Nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý để giúp trẻ dễ thở hơn. Nếu dịch nhầy ở mũi quá nhiều, mẹ có thể dùng dụng cụ hút mũi cho trẻ.
- Dùng máy tạo độ ẩm để giữ âm trong không khí.
Một lưu ý quan trọng là mặc dù mật ong thường được sử dụng để giúp giảm ho nhưng cha mẹ tuyệt đối không được sử dụng cho trẻ dưới 1 tuổi. Trong mật ong có nhiều bào tử botulinum có thể gây ngộ độc cho trẻ.
4.Sử dụng các thuốc ho và thuốc điều trị cảm lạnh không kê đơn (OTC) có an toàn cho trẻ?
Theo khuyến cáo của Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (American Academy of Pediatrics), không nên cho trẻ dưới 4 tuổi sử dụng thuốc ho và các thuốc điều trị các triệu chứng khác của bệnh cảm lạnh. Vì các loại thuốc này không chứng minh được tính hiệu quả và an toàn đối với trẻ. Mặt khác, thuốc có thể gây ra các tác dụng phụ nguy hiểm.
Nếu trẻ có sốt và khó chịu, quấy khóc, cha mẹ hãy hỏi ý kiến bác sĩ về việc cho trẻ uống Paracetamol (nếu trẻ ít nhất 3 tháng tuổi) hoặc Ibuprofen (nếu trẻ ít nhất 6 tháng tuổi). Cha mẹ tuyệt đối không được cho trẻ uống Aspirin vì có thể gây nguy cơ trẻ mắc hội chứng Reye, đây là một biến chứng hiếm gặp nhưng vô cùng nghiêm trọng, có thể gây đe dọa tính mạng.
5.Cảm lạnh ở trẻ sơ sinh có nguy hiểm? Khi nào nên đưa trẻ đi khám bác sĩ?
Trẻ bị cảm lạnh là tình trạng thường gặp, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi. Trẻ sơ sinh bị thường bị cảm lạnh do hệ miễn dịch của trẻ còn non nớt, dễ bị các loại virus gây bệnh tấn công. Bên cạnh đó, trong quá trình phát triển và khám phá thế giới xung quanh, tay của trẻ rất dễ tiếp xúc với virus, các động tác đưa ngón tay nhiễm virus vào miệng, mũi, dụi mắt tạo điều kiện thuận lợi cho virus gây bệnh xâm nhập. Cảm lạnh ở trẻ 1 tháng và trẻ sơ sinh nói chung thường xuất hiện vào những tháng mùa thu và mùa đông vì đây là những thời điểm virus cảm lạnh phát triển mạnh.
Cảm lạnh ở trẻ sơ sinh có nguy hiểm? Thực tế, hầu hết các trường hợp cảm lạnh ở trẻ em thường nhẹ và sẽ tự khỏi nhưng vẫn có số ít các trường hợp gặp các biến chứng như viêm tai cấp tính, lên cơn hen suyễn, viêm họng, viêm xoang, viêm phổi,... Cha mẹ nên đi khám bác sĩ khi trẻ có các dấu hiệu sau đây:
Đối với cảm lạnh ở trẻ 1 tháng và trẻ dưới 3 tháng, hãy cho trẻ đi khám ngay khi có các dấu hiệu đầu tiên của bệnh, đặc biệt là khi nhiệt độ trực tràng của trẻ từ 38 độ C trở lên.
Đối với trẻ từ 3 tháng trở lên, cha mẹ hãy đưa trẻ đi khám nếu trẻ có các triệu chứng cảm lạnh và các dấu hiệu sau đây:
- Trẻ từ 3-6 tháng có nhiệt độ trực tràng của trẻ từ 38.5 độ C trở lên.
- Trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên, nhiệt độ trực tràng trên 39.5 độ C.
- Các triệu chứng cảm lạnh ngày càng trở nên nặng hơn hoặc các triệu chứng không cải thiện sau một tuần.
- Trẻ ho dữ dội
- Tiêu chảy, nôn mửa
- Quấy khóc, chán ăn
Cha mẹ cũng cần đưa trẻ đi khám nếu trẻ bị cảm lạnh kèm theo các biểu hiện như: Trẻ có dấu hiệu mất nước như tã trẻ không ướt trong hơn 6 giờ; Dấu hiệu nhiễm trùng tai như trẻ thường xuyên ngoáy tai hoặc có dịch chảy ra từ tai; Có triệu chứng viêm kết mạc, đỏ mắt, mắt đổ ghèn,...
6.Khi nào cần đưa trẻ bị cảm lạnh đi cấp cứu?
Nếu trẻ sơ sinh bị cảm lạnh có các dấu hiệu suy hô hấp cấp sau đây thì cha mẹ hãy nhanh chóng đưa trẻ đến khoa cấp cứu của cơ sở y tế gần nhất để được can thiệp kịp thời:
- Da trẻ trở nên tái nhanh;
- Trẻ thở nhanh hơn 60 nhịp trong một phút, lỗ mũi trẻ phập phồng khi thở;
- Trẻ thở rít, ho hoặc thở khò khè
- Thóp trũng (thóp là điểm mềm trên đầu của trẻ)
- Trẻ không thức dậy, không tiếp xúc hoặc có dấu hiệu mất nước nghiêm trọng.
7.Các biện pháp làm giảm nguy cơ trẻ bị cảm lạnh
Để giảm thiểu nguy cơ trẻ bị cảm lạnh, hãy tăng cường thực hiện các thói quen tốt sau đây:
- Rửa tay bằng xà phòng: rửa tay là biện pháp vô cùng hiệu quả để phòng ngừa các bệnh do virus, vi khuẩn gây ra, trong đó có bệnh cảm lạnh. Các thành viên trong gia đình hãy rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng trước khi chăm sóc trẻ. Đồng thời, đừng quên rửa tay sau khi thay tã và trước khi chuẩn bị thức ăn cho trẻ.
- Giữ trẻ tránh xa những người bị bệnh, đặc biệt là người mắc bệnh lý đường hô hấp.
- Hướng dẫn các thành viên trong gia đình che miệng khi ho hoặc hắt hơi, không ho hoặc hắt hơi khi ở gần trẻ..
- Cho trẻ bú mẹ hoặc bú bình thường xuyên, không để trẻ bị thiếu nước.
- Giữ sạch sẽ nơi ngủ, nơi chơi và đồ chơi của trẻ.
- Cho trẻ tránh xa những người hút thuốc lá. Các nghiên cứu đã chỉ ra, trẻ em sống chung với người hút thuốc lá bị cảm lạnh nhiều hơn và thời gian cảm lạnh kéo dài hơn so với trẻ em không tiếp xúc với khói thuốc.
- Cho trẻ bú mẹ càng lâu càng tốt. Trẻ bú sữa mẹ sẽ ít bị ốm hơn trẻ bú sữa công thức vì các kháng thể trong sữa mẹ giúp bảo vệ trẻ chống lại nhiều loại vi trùng.
Ngoài ra, cha mẹ cần cho trẻ tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin theo lịch. Tiêm vắc-xin có thể sẽ không bảo vệ trẻ khỏi bị cảm lạnh nhưng có thể giúp ngăn ngừa nguy cơ bội nhiễm các vi khuẩn gây các bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: babycenter.com