Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS Đỗ Thị Hoàng Hà - Bác sĩ Hóa sinh, Khoa Xét nghiệm - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng. Bác sĩ đã có 11 năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực hóa sinh lâm sàng.
Nước tiểu là chất dịch bài tiết quan trọng nhất, chứa phần lớn các chất cặn bã của cơ thể, do đó các chỉ số xét nghiệm trong nước tiểu được dùng để theo dõi chức năng một số cơ quan trong cơ thể, chẩn đoán và theo dõi điều trị nhiều bệnh lí như: đái nhạt, đái tháo đường, nhiễm ceton, bệnh viêm đường tiết niệu, bệnh gan, thận, mật, đái máu, phát hiện sớm ngộ độc thai nghén,...
1. Xét nghiệm nước tiểu thường đo các chỉ số nào?
Tổng phân tích nước tiểu sẽ đưa ra các chỉ số đặc trưng như:
- pH
- Tỷ trọng nước tiểu
- Glucose niệu
- Bilirubine
- Nitrit
- Protein
- Bạch cầu
- Urobilinogen
- Hồng cầu
- Thể ceton
- Ascorbic Acid
Trong đó, tỉ trọng và pH nước tiểu là có giá trị cụ thể, còn các chỉ số khác như bạch cầu, Nitrit, Protein,... có nồng độ rất thấp hoặc gần như không xuất hiện trong nước tiểu. Nếu kết quả âm tính, nghĩa là không có sự hiện diện bất thường của chất đó trong nước tiểu và ngược lại, nếu kết quả dương tính, nó chỉ ra nguy cơ cao của người bệnh đối với các bệnh lý liên quan.
2. Hướng dẫn đọc kết quả xét nghiệm nước tiểu bình thường
2.1 Chỉ số bạch cầu (LEUKOCYTES - LEU)
Chỉ số bạch cầu dựa trên sự có mặt của enzyme esterase của bạch cầu hạt xuất hiện trong nước tiểu, xảy ra phản ứng thủy phân ester cũng như indoxyl hóa tạo ra sản phẩm làm thay đổi màu sắc trên que thử nước tiểu (sang màu tím).
Chỉ số cho phép: Không xuất hiện bạch cầu hoặc số lượng bạch cầu 10-25 Leu/UL. Độ nhạy của xét nghiệm giảm dần theo thời gian do sự ly giải của bạch cầu.
Kết quả âm tính khi < 25 RWB/uL cho thấy không có sự xuất hiện bất thường của bạch cầu trong nước tiểu. Xét nghiệm này rất nhạy, nên tỷ lệ âm tính giả rất ít gặp (thường gặp khi glucose niệu, acid ascorbic và protein niệu rất cao), nhưng nếu biểu hiện lâm sàng thấy rõ, cần kết hợp kết quả xét nghiệm Protein, nitrit để đánh giá.
Bạch cầu xuất hiện bất thường trong nước tiểu phản ánh có sự xuất hiện của vi khuẩn trong nước tiểu ( nhiễm trùng bàng quang, nhiễm trùng thận tiết niệu). Cần theo dõi, thực hiện thêm thử nghiệm khác để đánh giá nếu cần ( nuôi cấy nước tiểu). Xét nghiệm dương tính giả khi có formaldehyt trong mẫu thử, mẫu thử bị nhiễm khuẩn.
2.2 Chỉ số Nitrit (NIT)
Bình thường, Nitrit không có trong nước tiểu, chỉ xuất hiện khi có sự hiện diện của vi khuẩn Gram âm trong nước tiểu và xảy ra phản ứng chuyển hóa nitrat thành nitrit. Lấy mẫu xét nghiệm nước tiểu đo Nitrit phải đúng quy cách, lấy khi nước tiểu đã ở trong bàng quang ≥ 3.5 giờ (để Nitrat chuyển hóa thành Nitrit).
Xét nghiệm chỉ số Nitrit dựa trên xét nghiệm Griess đặc hiệu với Nitrit, phản ánh sự có mặt của vi khuẩn tạo nên Nitrit.
Chỉ số Nitrit dương tính : ≥ 0.06 mg/dL.
Kết quả âm tính khi <0.06 mg/dL chỉ ra không có sự hiện diện của vi khuẩn gram âm trong nước tiểu. Một số trường hợp âm tính giả do sự hiện hiện của vi trùng gram dương, nước tiểu lấy chưa đủ thời gian trong bàng quang, thức ăn không đủ nitrat (do ăn thiếu rau xanh) , nồng độ acid ascorbic trong nước tiểu cao, người bệnh sử dụng kháng sinh. Do đó, cần xem xét trong bệnh cảnh lâm sàng, kết hợp với chỉ số bạch cầu, xét nghiệm cấy nước tiểu và xét nghiệm nhiều lần để cho kết quả chính xác.
Kết quả dương tính cho thấy sự nhiễm trùng đường tiểu (thường do vi khuẩn Gram âm). Mẫu thử để quá lâu chưa xét nghiệm và bị nhiễm bẩn cũng có thể gây nên tình trạng dương tính giả.
2.3 Protein (PRO)
Ở người có chức năng thận bình thường, không xuất hiện protein hoặc chỉ xuất hiện một lượng nhỏ protein trong nước tiểu (dưới dạng albumin và globulin) chủ yếu là albumin của huyết tương do màng lọc cầu thận không cho các phân tử protein có trọng lượng phân tử lớn đi qua, nên không đủ có phản ứng dương tính. Xét nghiệm Protein nước tiểu thực hiện trên mẫu nước tiểu cô đặc, dựa trên sự thay đổi nồng độ Protein với chất chỉ thị pH.
Chỉ số cho phép: trace (vết); ≤ 10 mg/dL hoặc ≤ 0.1 g/L.
Kết quả âm tính (Negative khi 0.0 - 4.0 mg/dL) cho thấy không có sự hiện diện của albumin (do que nhúng nhạy với albumin hơn), không loại trừ có sự xuất hiện của hemoglobin, globulin, mucoprotein, thể Bence Jones Protein trong nước tiểu.
Kết quả dương tính nhiều lần có thể do nhiễm trùng đường tiểu, bệnh thận, tiền sản giật, cao huyết áp, suy tim sung huyết,... Cần cân nhắc đến các xét nghiệm kèm theo (định lượng Protein niệu trên mẫu nước tiểu 24h). Kết quả dương tính giả nếu bệnh nhân có tiểu máu, nước tiểu bị cô đặc quá mức, tiêm polyvinylpyrolidon, lọ đựng nước tiểu chứa chlorhexidine, các chất tẩy có amoni bậc 4.
2.4 Glucose (GLU)
Bình thường, Glucose không có trong nước tiểu do được tái hấp thu hoàn toàn ở các ống lượn gần, và thận có một “ngưỡng thận” (renal threshold) đối với glucose. Chỉ khi đường huyết vượt quá ngưỡng thận, hoặc sự hấp thụ đường của thận bị giảm sẽ xuất hiện glucose trong nước tiểu. Xét nghiệm Glucose trong nước tiểu dựa trên phản ứng đặc hiệu glucose oxidase/peroxidase.
Chỉ số cho phép: 0-100 mg/dL hoặc 2.5-5 mmol/L (thường gặp đối với phụ nữ mang thai).
Kết quả âm tính (Negative) cho thấy không có sự xuất hiện bất thường của Glucose trong nước tiểu. Với bệnh nhân tiểu đường, cần xét nghiệm đường huyết lúc đói bổ sung để đánh giá.
Kết quả dương tính cho thấy nguy cơ tiểu đường do thận, đái tháo đường, bệnh lí ống thận, viêm tụy, chế độ ăn uống quá nhiều đường, nhiễm trùng, bệnh lý đa u tủy xương, u tủy thượng thận .
Xét nghiệm có thể dương tính giả khi người bệnh sử dụng thuốc kháng sinh, corticoid, các loại đường không phải glucose. Hiện tượng âm tính giả xuất hiện khi người bệnh có nồng độ acid ascorbic và cetone niệu cao.
2.5 Cetonic (KET)
Cetonic thông thường có rất ít trong nước tiểu, đối với người bệnh tiểu đường không kiểm soát sẽ xảy ra tình trạng thiếu insulin do đó tế bào cơ thể không sử dụng được glucose làm nguồn năng lượng mà phải sử dụng các nguồn năng lượng khác để thay thế - thường là các acid béo. Sản phẩm chuyển hóa của các acid béo này chính là các thể ceton gồm 3 loại chính, trong đó xét nghiệm cetonic trong nước tiểu sẽ nhạy hơn với acetoacetat. Do đó cetonic sẽ xuất hiện trong nước tiểu giúp hỗ trợ chẩn đoán bệnh lý đái tháo đường cũng như giúp đánh giá các tình trạng gây ra nhiễm toan-ceton (như nhịn ăn quá mức hoặc bị bỏ đói)
Xét nghiệm dựa trên nguyên tắc của Legal, Chỉ số Ceton cho phép: 2.5-5 mg/dL hoặc 0.25-0.5 mmol/L.
Kết quả âm tính là bình thường, không phải làm thêm xét nghiệm kiểm tra.
Kết quả dương tính cho thấy nguy cơ tiểu đường cao, người nghiện rượu, người bệnh sốt hoặc tiêu chảy, hoặc sau khi dùng thuốc gây mê (postanesthesi). Trường hợp dương tính giả xảy ra khi người bệnh có sử dụng bromo-sulfophtalein, phenolphtalein và chất chuyển hóa của L-dopa.
Kết quả xét nghiệm Cetonic cần kết hợp kết quả glucose, tránh trường hợp bỏ sót khi kết quả không đồng nhất.
2.6 Urobilinogen (URO)
Bình thường, Urobilinogen là sản phẩm chuyển hóa của bilirubin liên hợp (bilirubin trực tiếp) nhờ các vi khuẩn ruột trong tá tràng, được bài tiết chủ yếu qua phân và xuất hiện trong nước tiểu với nồng độ thấp, tăng trong trường hợp nhiễm trùng nặng, bệnh lý thiếu men G6PD, thiếu máu tán huyết, rối loạn chức năng gan, hồng cầu vỡ quá nhiều. Kết quả xét nghiệm Urobilinogen cần kết hợp kết quả bilirubin để chẩn đoán phân biệt.
Xét nghiệm dựa trên phản ứng Ehrlich (kết hợp với muối diazonium), Chỉ số cho phép: 0.2-1.0 mg/dL hoặc 3.5-17 mmol/L.
Kết quả âm tính (giới hạn bình thường 0.1-1 EU/dL) không cho thấy bất thường, không cần làm thêm xét nghiệm gì. Âm tính giả có thể xuất hiện nếu nước tiểu xét nghiệm để quá lâu hoặc người bệnh có sử dụng kháng sinh.
Kết quả dương tính cần làm thêm xét nghiệm đánh giá chức năng gan mật cũng như tình trạng thiếu máu do tan máu. Có thể xuất hiện dương tính giả do màu sắc không điển hình, do para-aminosalicylic acid hoặc người bệnh mắc hội chứng porphyrin niệu.
2.7 Bilirubin (BIL)
Bilirubin là kết quả của sự thoái giáng Hemoglobin, tuy bilirubin trực tiếp có thể đi qua màng lọc cầu thận tuy nhiên trong điều kiện bình thường sẽ không phát hiện được bilirubin trong nước tiểu do đã được chuyển hóa thành urobilinogen tại ruột. Sự hiện diện bất thường trong nước tiểu của bilirubin cho thấy nguy cơ bệnh gan, hoặc bệnh do hệ dẫn mật (dẫn đến bilirubin không xuống được ruột, đi vào máu, được lọc qua thận và đào thải vào nước tiểu).
Chỉ số cho phép: ≤ 0.2 - 0.4 mg/dL hoặc ≤ 3.4 - 6.8 mmol/L.
Kết quả âm tính là bình thường, không cần xét nghiệm kiểm tra khác. Âm tính giả xuất hiện nếu xét nghiệm trên nước tiểu để lâu dưới ánh sáng, nồng độ acid ascorbic trong nước tiểu cao.
Kết quả dương tính cần kết hợp xét nghiệm urobilinogen để chẩn đoán phân biệt. Phenothiazid và chlorpromazid, salicylat có thể gây ra kết quả dương tính giả.
2.8 Hồng cầu (BLOOD - ERYTH)
Bình thường trong nước tiểu không có sự xuất hiện của máu (hồng cầu, hemoglobin, myoglobin). Sự có mặt của hồng cầu trong nước tiểu cho thấy nguy cơ bệnh nhân bị nhiễm trùng đường tiểu hoặc bệnh thận.
Chỉ số cho phép: 0,015-0,062 mg/dL hoặc 5-10 Ery/UL.
Kết quả âm tính là bình thường, nếu bệnh nhân nguy cơ cao cần xét nghiệm nước tiểu lặp lại để kiểm tra. Hiện tượng âm tính giả xảy ra khi có sự hiện diện của formaldehyt trong nước tiểu.
Kết quả dương tính cần kết hợp kết quả xét nghiệm khác để chẩn đoán. Kết quả dương tính kéo dài ở người trên 40 tuổi có thể do ung thư đường niệu.(ung thư bàng quang, ung thư biểu mô tế bào thận). Xét nghiệm dương tính giả nếu phụ nữ đang trong kỳ kinh, tình trạng luyện tập nặng, nồng độ acid ascorbic trong nước tiểu cao, dụng cụ chứa bị nhiễm thuốc sát trùng, nước tiểu để quá lâu hoặc do rửa vùng quanh hậu môn bằng povidon.
2.9 Acid ascorbic (ASC)
Khi kết quả từ 20 mg/dL Acid ascorbic trong nước tiểu là dương tính, ngược lại là âm tính. Acid ascorbic nồng độ cao trong nước tiểu có thể gây âm tính giả đối với các chỉ số glucose, blood, leukocytes, nitrite và bilirrubin (các xét nghiệm dựa vào phản ứng oxy hóa do Acid ascorbic (vitamin C) là một chất chống oxy hóa (antioxidant)). Kết quả Acid ascorbic trong nước tiểu giúp giảm nguy cơ đánh giá sai lệch kết quả xét nghiệm trong một số bệnh lý. Xét nghiệm có thể dương tính giả khi người bệnh sử dụng nhiều vitamin C trong khẩu phần ăn.
Chỉ số cho phép từ 5-10 mg/dL hoặc 0,28-0,56 mmol/L.
2.10. Tỷ trọng nước tiểu
Tỷ trọng nước tiểu giúp đánh giá khả năng cô đặc và pha loãng của thận. Bình thường tỷ trọng nước tiểu là khoảng 1.005 – 1.030.
Tỷ trọng nước tiểu tăng liên quan đến sự thiếu nước (hội chứng tiết hormon chống bài niệu không thích hợp), nôn nhiều, đái tháo đường, tiêu chảy cấp, nôn nhiều, sốt ..
Tỷ trọng nước tiểu giảm liên quan đến sự thừa nước (suy chức năng thận, hội chứng aldosterol),.
2.11. pH nước tiểu
pH nước tiểu cung cấp các thông tin liên quan đến tình trạng toan – kiềm của bệnh nhân. pH bình thường nằm trong khoảng 5.0 – 7.0
Tình trạng nước tiểu kiềm (pH >7.0) có thể xảy ra khi người bệnh ăn nhiều rau, các tình trạng nhiễm khuẩn đường niệu, nhiễm trùng thận, nhiễm trùng bàng quang.
Tình trạng nước tiểu toan (pH <5.0) có thể xảy ra khi người bệnh ăn nhiều thịt, vận động cơ bắp nhiều, người bệnh tiêu chảy cấp, suy dinh dưỡng hoặc rối loạn chuyển hóa trong bệnh lý đái tháo đường ..
Như vậy, kết quả mỗi chỉ số trong xét nghiệm nước tiểu đều có ý nghĩa riêng. Kết quả xét nghiệm có thể cần kết hợp với các xét nghiệm khác để chẩn đoán bệnh lí liên quan.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.