Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Quốc Việt - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Bác sĩ đã có hơn 20 kinh nghiệm trong khám và điều trị các bệnh lý tim mạch và Can thiệp Tim mạch (Bao gồm chụp, nong, đặt stent động mạch vành, động mạch thận...), đặt máy tạo nhịp tạm thời, vĩnh viễn...
Bệnh thấp tim là một loại bệnh về tim nguy hiểm gây ra nhiều biến chứng hoặc nặng hơn có thể dẫn đến tử vong cho bệnh nhân. Tuy nhiên nếu bệnh được phát hiện và điều trị sớm, đúng cách thì có thể tránh được hoặc được chữa khỏi.
1. Bệnh thấp tim là gì?
Bệnh thấp tim là bệnh lý viêm tự miễn, xuất hiện sau khi nhiễm khuẩn vùng hầu họng. Vi khuẩn gây bệnh là liên cầu gây tan huyết nhóm A. Trong vòng 2 đến 3 tuần sau nhiễm liên cầu vùng hầu họng, nếu không được điều trị đầy đủ, bệnh có thể tiến triển thành thấp tim. Bệnh thấp tim phổ biến nhất ở lứa tuổi từ 5-15 tuổi, dù bệnh có thể xuất hiện ở trẻ nhỏ hơn và cả người lớn. Tỉ lệ mắc bệnh ở trẻ nam và nữ là như nhau.
Bệnh thấp tim sẽ trở nên nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. Thấp tim có thể gây các biến chứng nặng nề ở não, tim, khớp, da. Ở tim, thấp tim để lại những hậu quả kéo dài như viêm tim, dày dính van tim. Lâu dần sẽ dẫn tới tổn thương van tim, suy tim, rối loạn nhịp tim, đột quỵ, thậm chí tử vong.
2. Triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng bệnh thấp tim
Lâm sàng
- Viêm họng: Hay gặp trước đó 1-2 tuần. Toàn thân: Người bệnh có sốt nhẹ hoặc sốt cao; toàn thân mệt mỏi, ăn uống kém; có thể ho, đau ngực...
- Viêm van tim: Hay gặp mới xuất hiện thổi tâm thu ở mỏm do hở van hai lá; thổi tâm trương ở giữa mỏm (thổi carey coomb), có thể do tăng cường độ tiếng T3; thổi tâm trương ở đáy tim do hở van động mạch chủ.
- Viêm cơ tim: Nhịp tim thường nhanh, tương ứng với tăng 1 độ C – nhịp tim tăng 30 đến 35 ck/ph
- Viêm màng ngoài tim: Xuất hiện tiếng tim mờ, có thể nghe thấy tiếng cọ màng tim
- Viêm khớp: Thường hay gặp ở các khớp nhỡ hoặc khớp lớn như: Đầu gối, cổ chân, khuỷu tay, cổ tay... khớp đau di chuyển, hạn chế vận động, sưng- nóng – đỏ. Đặc điểm của viêm khớp: Đáp ứng rất nhanh với salicylat, khi khỏi không để lại di chứng, không điều trị cũng tự khỏi sau 4 tuần.
- Múa giật (Sydenham): Do tổn thương thần kinh trung ương. Người bệnh có những động tác ở một hoặc hai chi với đặc điểm: Biên độ rộng, đột ngột, không có ý thức, tăng lên khi thức và giảm hoặc hết động tác nếu tập trung vào một việc nào đó hoặc khi ngủ. Thường hết múa giật sau 4-6 tuần.
- Ban vòng (ban Besnier): Vòng ban hồng, xếp thành quầng có đường kính của viền 1-2 mm, hay gặp ở thân, mạn sườn, gốc chi, không có ở mặt. Ban mất đi sau vài ngày.
- Hạt Meynet: Là những hạt nổi dưới da có đường kính khoảng 5-10 mm, dính trên nền xương (khuỷu, gối...) ấn không đau, xuất hiện cùng viêm khớp và viêm tim, mất đi sau vài tuần.
- Suy tim (trong trường hợp thấp tim nặng): Người bệnh khó thở, ho khan, phù, gan to, tĩnh mạch cổ nổi, phổi có ran ẩm...
Cận lâm sàng
- Xét nghiệm máu: Bạch cầu tăng, máu lắng tăng; sợi huyết tăng; Protein C tăng; Antistreptolysin O (ASLO): Tăng cao > 200 đơn vị Todd. Tăng nhiều sau nhiễm liên cầu beta tan huyết nhóm A sau 2 tuần, kéo dài 3-5 tuần rồi giảm dần.
- Điện tâm đồ: Bloc nhĩ – thất cấp I hay gặp. Nhịp nhanh xoang. Ngoại tâm thu nhĩ, ngoại tâm thu thất...
- Chụp tim phổi: Có thể thấy tim to, rốn phổi đậm...
- Siêu âm tim: Kết quả hình ảnh hẹp hở van hai lá, hở van động mạch chủ.., có thể có dịch màng tim...
3. Nguyên tắc điều trị bệnh thấp tim
Hiện nay, các pháp đồ điều trị bệnh thấp tim dựa trên nguyên nhân của bệnh, kết hợp nghỉ ngơi, kháng sinh, chống viêm, điều trị triệu chứng.
- Nghỉ ngơi
Bảng 1: Nghỉ ngơi theo mức độ viêm
- Kháng sinh điều trị bệnh Thấp tim
Cần điều trị ngay, đủ liều và đủ thời gian để diệt được liên cầu.
Hiện nay, penicilin vẫn là thuốc thường dùng vì có hiệu quả nhất, chưa thấy có sự kháng penicilin của liên cầu, đồng thời thuốc có giá thành thấp và sẵn có trên thị trường thuốc.
Bảng 2: Một số thuốc kháng sinh phổ biến điều trị bệnh thấp tim
Chống viêm: Tùy theo mức độ của bệnh
- Viêm đa khớp: Chỉ định Aspirin 100 mg/kg/ngày x 6 ngày. Aspirin 75 mg/kg/ngày x 2 tuần.
- Viêm tim: Chỉ định Prednisolon 1-2 mg/kg/ngày x 2-3 tuần, nếu máu lắng giảm thì bắt đầu giảm liều 1-2 mg/tuần.
Điều trị triệu chứng:
Điều trị suy tim:
- Trợ tim: Digoxin 0,25mg/ngày;
- Lợi tiểu: Chỉ định Furosemid 40 mg x 1-2 viên/ngày (chú ý: bù Kali).
Giãn mạch : Perindopril 4 mg x 1viên/ngày hoặc enalapril 5 mg x 1 viên/ngày hoặc captopril 25 mg x 1 viên/ngày.
4. Phòng bệnh thấp tim như thế nào?
Tuy có nhiều biến chứng nguy hiểm nhưng về cơ bản bệnh thấp tim có thể phòng ngừa được qua một số biện pháp sau:
- Luôn giữ môi trường sống, vệ sinh cơ thể nhất là vùng mũi họng thường xuyên, sạch sẽ. Thực hiện giữ ấm cổ, ngực, mũi họng về mùa đông và ăn uống đủ chất dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng.
- Nếu trẻ bị viêm họng, viêm amidan hoặc viêm xoang cần phải đưa trẻ đến cơ sở y tế có chuyên khoa tai mũi họng để điều trị triệt để.
- Khi thấy trẻ ở lứa tuổi từ 5-15 bị viêm họng nhiều lần có đau mỏi, sưng, nóng đỏ ở các khớp, mệt mỏi, tức ngực, khó thở hoặc hồi hộp, đau vùng tim, hoặc có những biểu hiện bất thường về tâm thần vận động, tay múa vờn không tự chủ, cần phải cho trẻ đi khám ngay để phát hiện và điều trị kịp thời, phòng bệnh thấp tim. Khi trẻ có chỉ định tiêm phòng thì cần tuân thủ để phòng tái phát thấp tim theo sự hướng dẫn của thầy thuốc. Nếu không tiêm phòng, bệnh sẽ dễ dàng tái phát nhiều lần và để lại di chứng ngày càng nặng dẫn đến suy tim không hồi phục, rất nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.