Nhiễm khuẩn huyết ở trẻ em là một trong những bệnh lý nguy hiểm, là hậu quả của hệ miễn dịch suy yếu khi đáp ứng của cơ thể đối với sự xâm nhập các loại vi khuẩn, virus. Nếu trẻ không được điều trị và chăm sóc đúng cách sẽ làm tình trạng bệnh trở nặng và nguy hiểm tới tính mạng. Vậy chăm sóc trẻ bị nhiễm trùng máu như thế nào?
1. Nhiễm khuẩn huyết ở trẻ là gì?
Nhiễm khuẩn huyết là một rối loạn cực kỳ phức tạp liên quan tới sự hoạt hoá của nhiều cơ chế khác nhau. Nhiễm khuẩn huyết ở trẻ em là một trong những bệnh lý nguy hiểm khi sự đáp ứng của cơ thể đối với sự xâm nhập của virus, vi khuẩn suy giảm. Đặc biệt nhiễm trùng máu trẻ sơ sinh, trẻ mắc bệnh mãn tính, trẻ đặt các dụng cụ hỗ trợ xâm nhập sẽ tăng lên. Các định nghĩa về nhiễm khuẩn huyết và những hội chứng liên quan tới trẻ em đều dựa trên các tiêu chí có thay đổi theo lứa tuổi như:
- Nhiễm trùng huyết: hội chứng đáp ứng viêm hệ thống do nhiễm trùng
- Nhiễm trùng huyết nặng: nhiễm trùng huyết có biểu hiện rối loạn chức năng cơ quan, hạ huyết áp, giảm tưới máu. Thậm chí có thể bao gồm nhưng không chỉ giới hạn tới nhiễm toan lactic, biến đổi tình trạng tâm thần cấp tính, thiểu niệu.
- Shock nhiễm trùng: nhiễm khuẩn huyết có hạ huyết áp không đáp ứng với liệu trình bù dịch và có kèm theo những bất thường tưới máu như thiểu niệu, nhiễm toan lactic hay một số biến đổi tình trạng tâm thần kinh cấp tính.
- Hội chứng rối loạn chức năng đa cơ quan: với những biểu hiện của thay đổi chức năng cơ quan ở một số người bệnh mắc bệnh cấp tính và cân bằng nội môi, không thể được duy trì nếu như không có sự can thiệp kịp thời.
2. Chăm sóc trẻ nhiễm khuẩn huyết
Trẻ sơ sinh bị nhiễm trùng máu có sao không? Tỷ lệ tử vong do nhiễm khuẩn huyết rất cao, đặc biệt là trẻ sơ sinh, suy dinh dưỡng, đang điều trị corticoid, suy giảm miễn dịch, bệnh tim bẩm sinh,... Điều trị nhiễm khuẩn huyết thành công còn phụ thuộc vào chẩn đoán sớm cũng như điều trị kịp thời khi có dấu hiệu nghi ngờ.
2.1 Kiểm soát nhiễm trùng
Loại bỏ sớm các tác nhân gây bệnh ra khỏi cơ thể là ưu tiên đầu tiên trong việc xử trí nhiễm khuẩn huyết. Cần bắt đầu điều trị kháng sinh tĩnh mạch ngay trong những giờ đầu tiên sau khi có nghi ngờ chẩn đoán bệnh và sau khi làm xét nghiệm cấy máu. Can thiệp thủ thuật nhằm loại bỏ tiêu điểm nhiễm trùng, bỏ những nguồn gốc nhiễm trùng bao gồm dẫn lưu ổ mủ, cắt lọc các loại tổ chức hoại tử đối với từng người bệnh cụ thể. Ngay sau khi có được thông tin chính xác về vi khuẩn gây bệnh, bác sĩ sẽ điều chỉnh phác đồ điều trị phù hợp.
2.2 Điều trị hồi sức tích cực
Tăng cường chức năng tim mạch, tuần hoàn trong giai đoạn sớm của tình trạng nhiễm khuẩn sẽ làm giảm tỷ lệ tử vong đáng kể. Sử dụng thông khí nhân tạo sớm nếu như người bệnh có hội chứng suy hô hấp cấp và chú ý tới tình trạng dinh dưỡng, phòng ngừa thuyên tắc tĩnh mạch sâu,...
2.3 Phương pháp điều trị bổ sung
Sử dụng những loại thuốc chống viêm, chảy máu, chống đông máu, tăng huyết áp,... Bên cạnh đó, cần chú ý tới giai đoạn sau của bệnh, xử trí một cách thích hợp đòi hỏi phải nâng đỡ các cơ quan và phòng ngừa nhiễm trùng bệnh viện.
3. Phòng và điều trị bệnh nhiễm khuẩn huyết ở trẻ
Nhiễm khuẩn huyết là một tình trạng bệnh lý rất nặng, đặc biệt là ở bệnh nhi thì cần phải đặt trong tình trạng điều trị tích cực. Do vậy, phác đồ điều trị thường kết hợp những khác sinh đặc hiệu với thuốc vận mạch để nhanh chóng khôi phục thể tích tuần hoàn cho bệnh nhân nhi có shock. Nhiễm khuẩn huyết thường bắt đầu từ một ổ viêm nhiễm trên cơ thể người bệnh. Do đó, để phòng ngừa nhiễm khuẩn huyết thì cần phải điều trị dứt điểm những ổ nhiễm khuẩn này.
Đối với những trẻ đang bị viêm phổi, tiêu chảy do nhiễm khuẩn đường tiêu hoá thì cần phải đặc biệt theo dõi sát những diễn biến của bệnh, cho trẻ ăn các loại thức ăn mềm và đầy đủ chất dinh dưỡng. Đặc biệt, cách tốt nhất để phòng ngừa nhiễm khuẩn là cho trẻ đi tiêm chủng đầy đủ các bệnh đã có vaccine phòng ngừa nhằm nâng cao hệ miễn dịch ở trẻ.
Tóm lại, em bé bị nhiễm trùng máu là tình trạng bệnh rất nặng. Do vậy chăm sóc trẻ bị nhiễm trùng máu đúng cách là rất quan trọng để giúp trẻ phục hồi nhanh chóng. Tuy nhiên, khi thấy trẻ xuất hiện những dấu hiệu bất thường thì cần đưa trẻ tới ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.