Hướng dẫn chăm sóc sản phụ trong tuần đầu tiên sau sinh mổ

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Trịnh Thị Thanh Huyền - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Những ngày đầu sau sinh mổ, cơ thể sản phụ còn rất yếu, vết mổ đau do đó cần có chế độ chăm sóc phù hợp để phục hồi vết mổ và sức khỏe nhanh chóng.

Dưới đây là những lưu ý khi chăm sóc sản phụ trong tuần đầu tiên sau sinh mổ:

1. Chăm sóc sản phụ sau mổ đẻ ngày đầu tiên

Ngày đầu tiên sau mổ, sản phụ còn rất yếu, vết mổ đau nên cần nghỉ ngơi trên giường, có thể co duỗi chân tay hoặc ngồi dậy, thay đổi tư thế nhẹ nhàng.

Trong 6 tiếng sau mổ, sản phụ chưa ăn được nhiều do đường ruột ứ nhiều khí, dạ dày của sản phụ hoạt động yếu, khó tiêu hóa thức ăn. Khi sản phụ đã xì hơi hoặc đi đại tiện được thì có thể ăn cháo loãng và hoa quả mềm.

Trắc nghiệm: Những điều cần biết về kiêng cữ sau sinh

Sau sinh, cơ thể sản phụ sẽ có rất nhiều sự thay đổi, việc thực hiện tốt các kiêng cữ sau sinh và bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cho cơ thể sẽ giúp ích rất nhiều trong quá trình hồi phục sức khỏe. Bài trắc nghiệm dưới đây sẽ giúp mọi người có cái nhìn tổng quan về kiêng cữ sau sinh và thực hiện sao cho phù hợp nhất.

Nội dung trắc nghiệm được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ y khoa, Tạ Quốc Bản , chuyên khoa Sản phụ khoa , Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc

Tạ Quốc Bản
Tạ Quốc Bản
Thạc sĩ, Bác sĩ y khoa,
Sản phụ khoa
Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc

2. Chăm sóc sản phụ sau mổ đẻ ngày thứ hai

Mặc dù vết mổ gây đau đớn rất nhiều nhưng sản phụ không nên nằm một chỗ quá lâu. Nếu không vận động sau sinh mổ có thể dẫn đến táo bón, tăng nguy cơ hình thành các cục máu đông ở chân tay, phổi bị ứ đọng hoặc các biến chứng như dính ruột, viêm tắc tĩnh mạch...

Người nhà nên dìu sản phụ ngồi dậy và đi lại nhẹ nhàng trong phòng. Chú ý theo dõi sản phụ sát sao vì lúc này sức khỏe sản phụ vẫn chưa hồi phục, mất máu quá nhiều trong cuộc phẫu thuật có thể khiến sản phụ bị choáng, chóng mặt, dễ tụt huyết áp dẫn đến té, vấp ngã, ngất.

Cho sản phụ ăn cháo đặc, uống nhiều nước lọc ấm, nước trái cây, ăn nhiều hoa quả để tránh bị táo bón.

3. Chăm sóc sản phụ sau mổ đẻ ngày thứ ba

Ngày thứ ba sau mổ, sản phụ nên tập đi lại trong phòng và ngoài hành lang, tăng thời gian tập và quãng đường đi lại.

Lúc này, có thể cho sản phụ ăn cơm, vẫn nên uống từ 2 - 2,5 lít nước trong ngày.

4. Chăm sóc sản phụ sau mổ đẻ từ ngày thứ 4 trở đi

Từ ngày thứ 4 trở đi, sức khỏe sản phụ đã dần hồi phục, có thể cho sản phụ ăn uống bình thường, chú ý bổ sung đa dạng các loại thực phẩm để bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng. Hạn chế các thực phẩm có thể gây tiêu chảy, lồi sẹo như: thịt bò, thịt gà, rau muống...

5. Chăm sóc sản phụ sau mổ đẻ khi xuất viện

5.1. Chăm sóc vết mổ

Tuần đầu tiên sau mổ, vết mổ chưa khô nên việc vệ sinh, kiểm tra vết mổ sẽ được thực hiện bởi các bác sĩ, y tá tại bệnh viện. Sau khi xuất viện, sản phụ cần giữ cho vết mổ sạch sẽ, khô ráo. Sau khi tắm xong nên lấy khăn bông lau sạch, không băng kín vết mổ. Có thể vệ sinh vết mổ bằng dung dịch betadin hoặc povidine 10%, không tự ý bôi đắp lên vết mổ.

Nếu vết mổ bị nhiễm trùng hoặc thấy đau bất thường tại vết mổ cần đến bệnh viện kiểm tra càng sớm càng tốt.

5.2. Dinh dưỡng và vận động

Mỗi ngày sản phụ nên ăn khoảng 200 gram thức ăn có chứa protein như thịt, cá, trứng... Nên bổ sung nhiều thực phẩm có chứa vitamin A, B, C, vitamin K, sắt, canxi...để tránh bị viêm nhiễm, hỗ trợ cầm máu, tạo máu và giúp vết mổ nhanh lành. Chú ý uống đủ nước để không bị táo bón, tăng khả năng tiêu hóa thức ăn.


Dinh dưỡng sau sinh mổ cần cân bằng các nhóm chất
Dinh dưỡng sau sinh mổ cần cân bằng các nhóm chất

  • Sản phụ sau mổ nên nghỉ ngơi nhiều và ngủ đủ giấc, tránh lo lắng, suy nghĩ, ảnh hưởng đến tâm lý và sức khỏe.
  • Sản phụ sau mổ nên vệ sinh thân thể sạch sẽ, rửa và lau khô bộ phận sinh dục hàng ngày, nhất là sau mỗi lần đi tiểu.
  • Chú ý, theo dõi sức khỏe sản phụ hàng ngày. Nếu có dấu hiệu bất thường như đau bụng, chướng bụng, sốt cao hoặc ra huyết âm đạo nhiều, ra huyết kéo dài quá lâu... cần đưa sản phụ đến bệnh viện để thăm khám.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe