Hướng dẫn cách khám cảm giác nông sâu

Rối loạn cảm giác nông và rối loạn cảm giác sâu là 2 loại rối loạn cảm giác thường gặp nhất. Khám cảm giác nông và sâu cần được thực hiện sớm và đúng quy trình để chẩn đoán chính xác tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, từ đó đưa ra lựa chọn điều trị thích hợp.

1. Rối loạn cảm giác nông và sâu là gì?

Bệnh rối loạn cảm giác gồm các triệu chứng như tăng, giảm hoặc mất cảm giác do các bệnh lý ở thần kinh. Thông thường, trên lâm sàng người ta chia rối loạn cảm giác thành 3 loại là:

  • Rối loạn cảm giác nông: Bao gồm cảm giác đau, cảm giác nhiệt độ và cảm giác xúc giác;
  • Rối loạn cảm giác sâu: Bao gồm cảm giác rung, cảm giác áp lực, cảm giác cơ khớp và cảm giác nhận biết trọng lượng của các vật;
  • Rối loạn cảm giác phức tạp: Bao gồm cảm giác không gian 2 chiều, cảm giác nhận thức vật.

Cảm giác đau thần kinh là triệu chứng của rối loạn cảm giác nông
Cảm giác đau thần kinh là triệu chứng của rối loạn cảm giác nông

2. Cách khám cảm giác nông và sâu

Chức năng cảm giác của con người chịu ảnh hưởng rất lớn bởi yếu tố chủ quan và tâm lý. Do vậy, khám cảm giác cần thực hiện tỉ mỉ, thận trọng, đòi hỏi nhiều kinh nghiệm của bác sĩ. Triệu chứng rối loạn cảm giác cũng có ý nghĩa rất lớn trong khám lâm sàng, đóng vai trò quan trọng trong chẩn đoán định khu các tổn thương thần kinh.

2.1 Nguyên tắc khám cảm giác

Sự phân bố cảm giác trên bề mặt cơ thể rất phức tạp, nhận thức cảm giác chịu nhiều ảnh hưởng của yếu tố chủ quan nên khi khám cảm giác cần lưu ý tới những nguyên tắc sau:

  • Bệnh nhân cần giữ tinh thần tỉnh táo, phối hợp tốt với hướng dẫn của bác sĩ;
  • Để bệnh nhân nhắm mắt;
  • Không khám khi bệnh nhân mệt mỏi, có thể chia khám thành nhiều đợt nếu cần thiết;
  • Khám cảm giác theo 2 chiều: Dọc cơ thể hoặc chi thể, khám theo chu vi các chi;
  • Khi khám cần tránh đưa ra các câu hỏi ám thị câu trả lời cho bệnh nhân (không hỏi có đau không, có nóng không,...) mà nên hỏi cảm giác như thế nào để người bệnh diễn đạt chính xác cảm nhận của mình;
  • Đánh dấu vùng da có rối loạn cảm giác, nhận định mức độ rối loạn cảm giác;
  • Khám đối xứng để so sánh cảm giác giữa 2 bên cơ thể.

Khi bệnh nhân có dấu hiệu mệt mỏi thì không nên tiến hành khám
Khi bệnh nhân có dấu hiệu mệt mỏi thì không nên tiến hành khám

2.2 Khám cảm giác nông

Khám xúc giác:

  • Dụng cụ: Chổi lông, tăm bông, kim đầu tù và một mảnh giấy;
  • Cách khám: Bác sĩ dùng tăm bông, kim đầu tù hoặc chổi lông, mảnh giấy chạm nhẹ vuông góc với mặt da ở các vị trí đối xứng của 2 bên cơ thể. Sau đó, hỏi bệnh nhân có nhận biết được kích thích không, có phân biệt được kích thích nhọn và tù không, khả năng nhận biết kích thích 2 bên cơ thể có tương đương nhau không;
  • Kết quả thu được: Bệnh nhân có thể tăng, giảm hoặc mất nhận biết xúc giác.

Khám cảm giác nhiệt độ:

  • Dụng cụ: Sử dụng 2 ống nghiệm, một ống đựng nước lạnh 20°C và một ống đựng nước ấm 40°C. Thông thường, da có thể nhận biết được nhiệt độ của một vật nếu nó chênh lệch với nhiệt độ cơ thể là 5°C;
  • Cách khám: Lần lượt đặt các ống nghiệm đựng nước nóng và nước lạnh lên các vùng da cần khám. Sau đó, so sánh về khả năng nhận biết cảm giác nóng - lạnh giữa 2 bên cơ thể, giữa các vùng da khác nhau ở 1 bên cơ thể;
  • Kết quả thu được: Có thể phát hiện bệnh nhân bị giảm hoặc mất cảm giác nhiệt độ, phát hiện chứng bệnh không phân biệt được nóng - lạnh.

Khám cảm giác đau:

  • Dụng cụ: Kim đầu tù;
  • Cách khám: Bác sĩ thực hiện châm kim nhẹ nhàng hoặc vạch mũi kim lên các vùng da đối xứng của 2 bên cơ thể, sau đó hỏi bệnh nhân về cảm giác giữa 2 bên cơ thể có như nhau không. Bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân đếm số trong khi châm kim trên các vùng da khác nhau giữa 2 bên cơ thể theo cường độ giảm dần;
  • Kết quả thu được: Có thể phát hiện bệnh nhân bị tăng, giảm, mất cảm giác đau ở một vùng da nào đó hoặc bị rối loạn cảm giác đau.

Khám cảm giác định khu:

  • Dụng cụ: Kim đầu tù;
  • Cách khám: Thực hiện như khi khám cảm giác đau, hỏi bệnh nhân bị đau ở đâu;
  • Kết quả thu được: Bệnh nhân có kết quả bình thường nếu chỉ ra đúng vị trí chịu kích thích trên cơ thể. Trong trường hợp mắc bệnh, người bệnh sẽ không nhận biết được vị trí bị châm kim trên cơ thể. Ngoài ra, có bệnh nhân gặp chứng đối cảm (tình trạng kích thích ở bên này nhưng bệnh nhân lại nhận thức là kích thích bên cơ thể đối diện).

Khám cảm giác phân biệt 2 điểm khác nhau trên da:

  • Dụng cụ: Compa có 2 đầu nhọn kèm thước đo độ mở;
  • Cách khám: Bác sĩ mở rộng 2 đầu compa, ấn nhẹ lên các vùng da khác nhau rồi hỏi bệnh nhân cảm thấy có mấy điểm nhọn. Tiếp theo, bác sĩ thu hẹp dần độ mở của 2 đầu compa, tiếp tục khám nhằm phát hiện khoảng cách nhỏ nhất mà bệnh nhân có thể phân biệt được 2 điểm chịu tác động bởi đầu compa. Sau đó, đo khoảng cách giữa 2 điểm;
  • Kết quả thu được: Với kết quả bình thường, khả năng phân biệt 2 điểm của các phần khác nhau trên cơ thể sẽ có sự khác nhau, trong đó đầu ngón tay là nhạy nhất (3 - 8mm), sau đó tới gan bàn tay, mu bàn tay, ngực, cẳng tay, chân, lưng cánh tay và đùi (75mm). Ở các trường hợp bệnh lý, khoảng cách mà bệnh nhân nhận biết được 2 điểm sẽ cao hơn.

Khám cảm giác hình vẽ trên da (cảm giác 2 chiều không gian):

  • Dụng cụ: Kim đầu tù;
  • Cách khám: Bác sĩ viết các chữ, chữ số hoặc vẽ hình lên da bệnh nhân, hỏi bệnh nhân xem đó là chữ gì, số mấy, hình vẽ gì,... Ban đầu bác sĩ viết, vẽ chữ nhỏ, sau đó tăng lên nếu bệnh nhân không nhận biết được;
  • Kết quả thu được: Bình thường, người khỏe mạnh có thể nhận biết các chữ hoặc số có độ lớn là 0.5 - 25mm (tùy theo vùng da). Ở người mắc các bệnh lý về cảm giác nông, chiều cao các chữ hoặc số cần lớn hơn thì mới nhận biết được.

Hình ảnh khám cảm giác nông
Hình ảnh khám cảm giác nông

2.3 Khám cảm giác sâu

Khám cảm giác áp lực:

Khi khám, bác sĩ sẽ bóp mạnh vào cơ bắp của bệnh nhân và hỏi người bệnh về sự nhận biết cảm giác giữa 2 bên cơ thể và giữa các cơ bắp khác nhau. Bên cạnh đó, bác sĩ có thể kiểm tra cảm giác đau của tinh hoàn, thanh quản và nhãn cầu.

Khám cảm giác tư thế:

Trước tiên, bác sĩ đặt bệnh nhân ở tư thế nằm hoặc ngồi thoải mái, sau đó nhắm mắt. Thao tác khám như sau:

  • Nghiệm pháp xác định tư thế trong không gian:
    • Bác sĩ cầm một phần chi thể của bệnh nhân như ngón tay, bàn tay, ngón chân, bàn chân,... một cách nhẹ nhàng. Sau đó, bác sĩ vận động thụ động các phần chi thể này về các hướng khác nhau, đồng thời hỏi bệnh nhân về hướng chuyển động của các chi. Bác sĩ cần tìm góc tối thiểu mà người bệnh có thể nhận biết được sự di chuyển của chi thể.
    • Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể khám bằng cách đặt phần chi thể của bệnh nhân ở một tư thế nhất định, sa đó yêu cầu người bệnh thực hiện thao tác tương tự ở chi thể của bên đối xứng;
  • Nghiệm pháp Romberg:
    • Romberg đơn giản: Để bệnh nhân đứng, 2 bàn chân chụm lại với nhau, 2 tay giơ ra trước và các ngón tay xòe rộng. Thì 1 cho bệnh nhân mở mắt để làm quen với tư thế xuất phát; thì 2 cho bệnh nhân nhắm mắt;
    • Romberg phức tạp: Để bệnh nhân ở tư thế đứng, 2 bàn chân đặt nối tiếp nhau trên đường thẳng, giơ 2 tay ra trước, các ngón tay xòe. Thì 1 cho bệnh nhân đứng mở mắt để làm quen với tư thế, thì 2 cho bệnh nhân nhắm mắt;
    • Kết quả thu được: Thông thường, bệnh nhân đứng vững cả khi mở mắt hoặc nhắm mắt. Bệnh nhân mắc bệnh rối loạn cảm giác nếu không đứng được ở tư thế xuất phát hoặc khi ngắm mắt bị lảo đảo, ngã. Trường hợp có rối loạn tư thế ở 1 khớp thì chi đó sẽ không giữ được tư thế ban đầu, thay đổi tư thế chậm chạp theo kiểu múa vờn;
  • Nghiệm pháp ngón tay trỏ - gót chân: Bệnh nhân ở tư thế nằm ngửa, mắt nhắm, dùng ngón tay trỏ chỉ vào gót chân, giữ nguyên tư thế. Người khỏe mạnh bình thường có thể duy trì được tư thế này nhưng với người mắc bệnh rối loạn cảm giác thì ngón tay trỏ thường chỉ lệch ra khỏi gót chân.

Khám cảm giác rung:

  • Dụng cụ: Bác sĩ sử dụng âm thoa có tần số 128 hoặc 256 chu kỳ/gy. Sau đó, bác sĩ giải thích cho bệnh nhân về cách khám để người bệnh phối hợp tốt, người bệnh có thể ngồi hoặc nằm;
  • Cách khám: Bác sĩ gõ nhẹ nhánh âm thoa vào lòng bàn tay để âm thoa rung, sau đó đặt gốc âm thoa vào các đầu xương, đặt lần lượt từ ngọn chi tới gốc chi. Tiếp theo, bác sĩ quan sát đầu 2 nhánh âm thoa có chia vạch, xác định khi tới vạch thứ mấy nhìn rõ thì bệnh nhân không nhận biết được cảm giác rung nữa. Cần so sánh nhận biết cảm giác rung giữa 2 bên cơ thể hoặc so sánh với người bình thường;
  • Kết quả thu được: Người khỏe mạnh bình thường khi nhìn rõ vạch số 8 trên âm thoa mới không nhận biết được cảm giác rung. Còn bệnh nhân bị giảm cảm giác rung thì sẽ thấy âm thoa không còn rung trong khi chưa nhìn thấy được hết tất cả các chữ số trên đầu âm thoa.

Khám cảm giác phức tạp (cảm giác nhận thức vật):

  • Dụng cụ: Đồ vật quen thuộc với bệnh nhân nhưng không có mùi và không phát ra âm thanh như bút, tờ giấy, chìa khóa,...;
  • Cách khám: Cho bệnh nhân nhắm mắt, bác sĩ lần lượt đưa từng đồ vật vào tay bệnh nhân, hỏi người bệnh đó là đồ vật gì;
  • Kết quả thu được: Người không mắc bệnh có thể xác định được các vật dụng quen thuộc với mình. Còn người mắc bệnh thì không phân biệt được các vật dụng này.

Sau khi khám, bác sĩ có thể xác định bệnh nhân khỏe mạnh hay mắc các rối loạn cảm giác như: mất cảm giác, giảm cảm giác, tăng cảm giác, phân ly cảm giác, loạn cảm đau hoặc dị cảm đau.


Người bệnh có thể tới Bệnh viện Vimec để khám cảm giác nông - sâu
Người bệnh có thể tới Bệnh viện Vimec để khám cảm giác nông - sâu

Khám cảm giác nông - sâu là hoạt động thăm khám cần được thực hiện khi nghi ngờ người bệnh bị rối loạn cảm giác. Bệnh nhân khi được chỉ định phương thức khám này cần tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn của bác sĩ để xác định bệnh chính xác, từ đó điều trị kịp thời và hiệu quả.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe