Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) là một hội chứng bao gồm không chú ý, hiếu động thái quá và hấp tấp, bốc đồng. Ba dạng của rối loạn tăng động giảm chú ý ADHD chủ yếu là giảm chú ý, tăng động/bốc đồng, và kết hợp cả hai dạng trên. Chẩn đoán dựa vào các tiêu chuẩn lâm sàng. Điều trị thường bao gồm liệu pháp dùng thuốc với chất kích thích hoặc thuốc khác, liệu pháp hành vi và các biện pháp can thiệp mang tính giáo dục.
RỐI LOẠN TĂNG ĐỘNG GIẢM CHÚ Ý
Rối loạn tăng động/giảm chú ý (ADHD) là một loại rối loạn phát triển thần kinh. Rối loạn phát triển thần kinh là các tình trạng về thần kinh xuất hiện sớm khi còn nhỏ, thường là trước khi bắt đầu đi học và làm suy giảm sự phát triển của các chức năng cá nhân, xã hội, học tập và/hoặc nghề nghiệp. Chúng thường liên quan đến những khó khăn trong việc thu nhận, duy trì, hoặc áp dụng các kỹ năng hoặc thông tin cụ thể. Rối loạn phát triển thần kinh có thể liên quan đến rối loạn chức năng ở một hoặc nhiều điều sau đây: chú ý, trí nhớ, nhận thức, ngôn ngữ, giải quyết vấn đề hoặc tương tác xã hội. Các rối loạn phát triển thần kinh thường gặp khác bao gồm rối loạn phổ tự kỷ, rối loạn học tập (như chứng khó đọc) và chậm phát triển trí tuệ.
2. Con tôi có bị rối loạn tăng động giảm chú ý không?
Tăng động giảm chú ý (ADHD) rất khó chẩn đoán. Trong một số trường hợp, nhiều dấu hiệu có thể nghi ngờ là biểu hiện của rối loạn tăng động giảm chú ý nhưng thực sự có thể báo hiệu một vấn đề khác.
Để đánh giá rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ, đội ngũ chuyên gia sẽ thực hiện phỏng vấn trẻ, ba mẹ trẻ và giáo viên bằng việc thực hiện quan sát trực tiếp tại cơ sở y tế và sử dụng thang đánh giá tâm lý. Thông qua các đánh giá này, bác sĩ/ chuyên gia sẽ xác định xem các triệu chứng của rối loạn tăng động giảm chú ý có xuất hiệu không, liệu có các rối loạn khác đi kèm hay không hoặc liệu các rối loạn khác có thể là nguồn gốc gây ra các triệu chứng của con bạn hay không. Từ đó, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị toàn diện phù hợp với tình trạng của trẻ.
Phương pháp điều trị bao gồm:
- Tập trung và điểm mạnh của trẻ để phát huy các kĩ năng mà trẻ đã có
- Xây dựng chương trình điều trị kết hợp sự hợp tác giữa gia đình và nhà trường. Ba mẹ sẽ được hướng dẫn về cách quản lý trẻ ở cả môi trường gia đình và trường học cũng như cách trẻ tự xử lý bản thân.
Phương pháp tiếp cận chăm sóc hợp tác là sự kết hợp kiến thức của các chuyên gia chăm sóc sức khỏe nhi khoa bao gồm các nhà tâm lý học, bác sĩ tâm thần, bác sĩ nhi khoa và bác sĩ tâm thần trẻ em, nhân viên xã hội và điều dưỡng.
3. Con tôi có thể vượt qua được chứng rối loạn tăng động giảm chú ý ADHD khi lớn lên không?
Trẻ em không thể vượt qua được chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) khi lớn lên. Nếu không được điều trị, các vấn đề của trẻ có thể trở nên trầm trọng hơn theo thời gian. Các triệu chứng có thể làm suy yếu hành vi của trẻ trong các tình huống xã hội và học tập, cuối cùng sẽ ảnh hưởng đến lòng tự trọng của trẻ.
Phương pháp điều trị được thiết kế riêng để giải quyết mức độ nghiêm trọng của tình trạng bệnh có thể làm giảm các triệu chứng và giúp trẻ học cách đối phó với chứng rối loạn này.
4. Sử dụng thuốc có phải là giải pháp duy nhất không?
Thuốc có thể là một lựa chọn nhưng không phải là lựa chọn duy nhất.
Việc điều trị rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) phụ thuộc vào trẻ và mức độ nghiêm trọng của vấn đề. Trong mọi trường hợp, phương pháp điều trị kết hợp được thiết kế để giải quyết các nhu cầu riêng của trẻ. Phương pháp điều trị này có thể bao gồm các biện pháp can thiệp trong lớp học và tại nhà, liệu pháp cá nhân và gia đình, hướng dẫn phụ huynh, các kỹ thuật quản lý hành vi (như Chương trình điều trị mùa hè), các chiến lược dành cho giáo viên của trẻ và thuốc.
Nếu thuốc là một lựa chọn, các chuyên gia sẽ trao đổi với ba mẹ và bác sĩ nhi khoa để theo dõi phản ứng của trẻ và tìm ra liều lượng thuốc phù hợp bằng cách sử dụng phương pháp tiếp cận khoa học, có hệ thống để tinh chỉnh liều lượng nhằm đảm bảo cả tính an toàn và hiệu quả của phương pháp điều trị.
5. Ba mẹ có thể làm gì nếu trẻ bị rối loạn tăng động giảm chú ý?
Nếu ba mẹ nghi ngờ trẻ có thể mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý, ba mẹ hãy trao đổi với giáo viên, bác sĩ nhi khoa hoặc bác sĩ gia đình. Nếu vấn đề không kéo dài và chỉ phát triển trong sáu tháng qua, tình trạng này là do nguyên nhân khác ngoài chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD).
Tuy nhiên, nếu những hành vi cốt lõi này như thiếu chú ý, hay mất tập trung, bốc đồng, hoạt động quá mức thường kéo dài dai dẳng và xảy ra trong nhiều bối cảnh và tình huống khác nhau, hoặc nếu hành vi đó gây ra các vấn đề xã hội và/hoặc học tập đáng kể thì trẻ có thể mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý.
Rối loạn tăng động giảm chú ý không nhất thiết phải làm suy yếu cuộc sống xã hội và học tập của trẻ. Bằng cách xác định chính xác tình trạng bệnh, ba mẹ và trẻ có thể kiểm soát được tình trạng này.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn: Cleveland Clinic