Bài viết được dịch và tổng hợp bởi Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hưng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ứng dụng và Y học tái tạo Vinmec (VIASRM) và tham vấn chuyên môn với Tiến sĩ, Bác sĩ Trần Thị Phương Thúy - Khoa Nội tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Bạn cần đi xét nghiệm khả năng nhiễm 2019-nCoV khi có các triệu chứng như: sốt, ho, viêm họng, khó thở.. .Hoặc tiếp xúc gần với người nghi nhiễm 2019-nCoV đang chờ kết quả kết nghiệm, người đã xác nhận nhiễm bệnh, người đến vùng dịch của Trung Quốc...trong vòng 14 ngày trước.
Để tìm hiểu đầy đủ thông tin về dịch virus corona 2019, Quý Khách có thể tham khảo các phần của tài liệu bao gồm:
- [Hỏi - Đáp về dịch virus Corona 2019] Phần 1: Nguồn gốc và hình thức lây nhiễm
- [Hỏi - Đáp về dịch virus Corona 2019] Phần 2: Làm thế nào để bảo vệ bản thân trước dịch bệnh?
- [Hỏi - Đáp về dịch virus Corona 2019] Phần 4: 2019-nCoV phát tán như nào? Có thể nhiễm từ động vật, thú cưng không?
1. Khi nào tôi cần phải xét nghiệm khả năng nhiễm 2019-nCoV?
- Có triệu chứng viêm hô hấp cấp (đột ngột bị sốt, ho, viêm họng, hoặc khó thở)
- Và đồng thời trong vòng 14 ngày trước khi có các triệu chứng trên bạn đã tới Trung Quốc, HOẶC có tiếp xúc gần với người nghi nhiễm 2019-nCoV đang chờ kết quả xét nghiệm hoặc người đã xác nhận bị nhiễm.
Video đề xuất:
Xét nghiệm chủng virus Corona mới (2019-nCoV): Chỉ 24h là có kết quả
2. Khi có các triệu chứng trên bạn cần làm gì?
- Tham vấn chuyên viên y tế ngay lập tức. Cần gọi điện thông báo trước khi bạn đến khám về chuyến đi gần đây và các triệu chứng của bạn.
- Tự cách ly, tránh tiếp xúc tối đa với người khác.
- Không đi du lịch trong khi bị bệnh.
- Che miệng và mũi bằng khăn giấy hoặc khuỷu tay (không phải bàn tay) khi ho hoặc hắt hơi.
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước trong ít nhất 20 giây hoặc nước khử trùng tay chứa cồn với nồng độ ít nhất 60%.
3. Xét nghiệm nào là chính xác? Ở đâu làm? Làm như thế nào? Người không triệu chứng có cần làm xét nghiệm không? Người ở vùng dịch về không triệu chứng có cần làm không?
Nếu bạn bị sốt và mắc triệu chứng của bệnh hô hấp, như ho hoặc khó thở, trong vòng 14 ngày sau khi đi du lịch từ Trung Quốc hoặc sau khi tiếp xúc gần với người nghi nhiễm đang chờ kết quả xét nghiệm hoặc người bị nhiễm, cần gọi cho chuyên viên y tế và thông báo về chuyến đi của bạn hoặc tình trạng bạn có thể đã tiếp xúc gần. Chuyên gia y tế sẽ là người chỉ định xem bạn có cần được xét nghiệm 2019-nCoV hay không.
Xét nghiệm nhiễm 2019-nCoV như thế nào?
Hiện tại việc xét nghiệm nhiễm 2019-nCoV chỉ có thể được tiến hành tại các cơ sở y tế có thẩm quyền. Bạn cần tham vấn chuyên gia y tế để được chỉ định việc xét nghiệm.
4. Khuyến cáo của CDC về khử khuẩn và vệ sinh, chăm sóc người nghi nhiễm tại nhà
4.1 Bất hoạt 2019-nCoV như thế nào?
Để bất hoạt 2019-nCoV, khuyến cáo hiện tại là:
Rửa bằng xà phòng và nước bất kỳ bề mặt da và quần áo nào nghi nhiễm các giọt bắn từ đường thở của người nghi nhiễm bệnh đang chờ kết quả xét nghiệm hoặc bị nhiễm bệnh. Cần làm sạch da và tay trong ít nhất 20 giây bằng nước và xà phòng hoặc nước rửa tay chứa cồn với nồng độ ít nhất 60%.
Hướng dẫn khử khuẩn theo khuyến cáo của CDC:
- Lau sạch tất cả các bề mặt hay sờ vào, như quầy tính tiền, mặt bàn, tay nắm cửa, đồ đạc trong phòng tắm, nhà vệ sinh, điện thoại, bàn phím, máy tính bảng và tủ đầu giường mỗi ngày. Ngoài ra, làm sạch bất kỳ bề mặt nào có thể có máu, dịch cơ thể và/hoặc dịch tiết hoặc bài tiết trên chúng.
- Đọc kỹ nhãn của sản phẩm tẩy rửa và làm theo các khuyến cáo trên nhãn sản phẩm. Nhãn ghi hướng dẫn về tính và hiệu quả của sản phẩm bao gồm các lưu ý khi sử dụng, ví dụ cần đeo găng tay hoặc tạp dề và đảm bảo thoáng khí tốt khi dùng.
4.2 CDC khuyến cáo cách giữ gìn vệ sinh và chăm sóc trong trường hợp có người nghi nhiễm tại nhà
Nếu bạn đang sống cùng hoặc đang chăm sóc tại nhà cho nghi nhiễm hoặc đã xác nhận bị nhiễm 2019-nCoV (sau đây gọi chung là người bệnh), bạn cần:
- Chắc chắn rằng mình hiểu và có thể giúp người bệnh tuân theo các hướng dẫn của nhân viên y tế. Bạn cần giúp đỡ người bệnh các nhu cầu cơ bản trong nhà và hỗ trợ nhận hàng tạp hóa, đơn thuốc cũng như các nhu cầu cá nhân khác.
- Chỉ những người thật sự cần thiết cho việc chăm sóc người bệnh nên ở trong nhà.
- Các thành viên khác trong gia đình nên ở nơi khác. Nếu điều này là không thể, họ cần ở trong một phòng khác, hoặc tách biệt với người bệnh càng nhiều càng tốt. Sử dụng một phòng tắm riêng, nếu có.
- Hạn chế những khách không thực sự cần thiết tới nhà.
- Giữ người già và người bị suy giảm miễn dịch hoặc mắc bệnh mãn tính cách xa người bệnh.
- Đảm bảo thông khí tốt cho các không gian chung trong nhà, ví dụ bằng máy điều hòa không khí hoặc mở cửa sổ khi điều kiện thời tiết cho phép.
- Rửa tay thường xuyên và kỹ lưỡng bằng xà phòng và nước trong ít nhất 20 giây. Nếu không có xà phòng và nước, bạn có thể sử dụng nước rửa tay chứa cồn với hàm lượng ít nhất 60%. Tránh dùng tay không rửa sạch để chạm vào mắt, mũi và miệng.
- Đeo khẩu trang, mặc áo choàng và đi găng tay dùng một lần khi bạn chạm hoặc tiếp xúc với một trong những nguyên liệu sau của người bệnh: máu, dịch cơ thể và/hoặc dịch tiết, như mồ hôi, nước bọt, đờm, nước mũi, nôn, nước tiểu hoặc phân.
- Vứt bỏ khẩu trang, áo choàng và găng tay dùng một lần sau khi sử dụng. Cám tái sử dụng.
- Rửa tay ngay sau khi tháo khẩu trang, áo choàng và găng tay.
- Tránh dùng chung đồ gia dụng. Bạn không được dùng chung bát đĩa, ly uống nước, cốc, dụng cụ ăn uống, khăn tắm, bộ đồ giường hoặc các vật dụng khác với người bệnh. Sau khi người bệnh sử dụng những vật dụng này, bạn phải rửa/giặt chúng thật kỹ.
Video đề xuất:
Sát khuẩn tay đúng cách - giảm nguy cơ nhiễm virus Corona 2019
- Lau sạch tất cả các bề mặt hay sờ vào, như quầy tính tiền, mặt bàn, tay nắm cửa, đồ đạc trong phòng tắm, nhà vệ sinh, điện thoại, bàn phím, máy tính bảng và tủ đầu giường mỗi ngày. Ngoài ra, làm sạch bất kỳ bề mặt nào có thể có máu, dịch cơ thể và/hoặc dịch tiết hoặc bài tiết trên chúng.
- Giặt đồ thật kỹ.
- Ngay lập tức thu và giặt quần áo hoặc khăn trải giường có máu, dịch thể và/hoặc dịch tiết hoặc bài tiết trên chúng.
- Đi găng tay dùng một lần trong khi xử lý đồ bẩn. Rửa tay ngay sau khi tháo găng tay.
- Đọc và làm theo hướng dẫn ghi trên nhãn của bột giặt và chất tẩy quần áo. Nói chung, giặt và sấy khô với nhiệt độ cao nhất ghi trên nhãn quần áo.
- Đặt tất cả găng tay dùng một lần, áo choàng, khẩu trang và các vật dụng bẩn khác vào thùng chứa lót nilon trước khi xử lý chúng với chất thải gia đình khác. Rửa tay ngay sau khi làm việc này.
- Theo dõi triệu chứng người bệnh. Nếu người bệnh chuyển biến xấu hơn, hãy gọi cho cơ sở ý tế để thông báo rằng người bệnh bị nhiễm hoặc nghi nhiễm 2019-nCoV. Điều này sẽ giúp cơ sở y tế chuẩn bị trước nhằm tránh lây nhiễm cho người khác.
- Những người chăm sóc và các thành viên trong gia đình không tuân thủ các biện pháp phòng ngừa khi tiếp xúc gần với nghi nhiễm hoặc bị nhiễm 2019-nCoV, được coi là “người tiếp xúc gần” và phải được theo dõi sức khỏe. Thực hiện theo các bước phòng ngừa cho người tiếp xúc gần dưới đây.
- Thảo luận về bất kỳ câu hỏi nào với cơ sở y tế có thẩm quyền
5. Tình hình dịch bệnh và khả năng điều trị
5.1. Tình hình nhiễm 2019-nCoV của Hà Nội, Việt Nam và thế giới.
Tính đến sáng ngày 07/02/2020, trên toàn thế giới có 639 người chết, và 1540 người Trung Quốc đã hồi phục sau khi nhiễm 2019-nCoV. Số người phục hồi đã vượt qua số người chết
Việt Nam chưa có người chết, có 12 bệnh nhân đã xác nhận nhiễm 2019-nCoV và 3 bệnh nhân đã phục hồi sau khi nhiễm.
5.2 Có thuốc điều trị đặc hiệu, vắc-xin phòng bệnh chưa?
Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như vaccine phòng 2019-nCoV. Tuy nhiên người nhiễm 2019-nCOV cần được chăm sóc thích hợp nhằm làm giảm và điều trị các triệu chứng, và những ca nặng cần được chăm sóc đặc biệt. Một số biện pháp điều trị đặc hiệu hiện đang được nghiên cứu và thử nghiệm lâm sàng. WHO đang trợ giúp và điều phối các nỗ lực phát triển thuốc điều trị nCoV với nhiều trung tâm nghiên cứu và hãng dược khác nhau.
Nếu muốn tự bảo vệ không bị nhiễm 2019-nCoV, cần duy trì vệ sinh tay và đường hô hấp, ăn uống và xử lý thực phẩm một cách an toàn và tránh tiếp xúc gần với bất kỳ ai có triệu chứng hô hấp như ho và sổ mũi.
Những biện pháp dưới đây KHÔNG được khuyến cáo để điều trị 2019-nCoV vì không có hiệu quả thiết thực và thậm chí có thể gây hại:
- Uống vitamin C
- Hút thuốc
- Uống các loại trà thảo dược
- Đeo nhiều lớp khẩu trang để tăng cường bảo vệ
- Tự uống thuốc như kháng sinh
Trong bất kỳ trường hợp nào, khi bị sốt, ho và khó thở, hãy nhanh chóng đi khám để giảm nguy cơ bệnh tiến triển nặng và nhất thiết cần nói với chuyên viên y tế nếu bạn từng tới Trung Quốc.
Nguồn: CDC, WHO, ECDC
XEM THÊM:
- [Hỏi - Đáp về dịch virus Corona 2019] Phần 1: Nguồn gốc và hình thức lây nhiễm
- [Hỏi - Đáp về dịch virus Corona 2019] Phần 2: Làm thế nào để bảo vệ bản thân trước dịch bệnh?
- [Hỏi - Đáp về dịch virus Corona 2019] Phần 4: 2019-nCoV phát tán như nào? Có thể nhiễm từ động vật, thú cưng không?
- Khuyến cáo và hotline của Vinmec tiếp nhận tư vấn khách hàng về dịch virus Corona 2019
- Quy định tạm thời của Vinmec về hạn chế khách thăm để phòng ngừa dịch virus Corona 2019