Nhiều người có thể đi ngủ vào ban đêm và ngủ cho đến sáng. Tuy nhiên, những người mắc hội chứng thức – ngủ không đều phải trải qua tình trạng lúc thức, lúc ngủ và ngủ không ngon giấc.
1. Giấc ngủ bình thường và nhịp sinh học
Nhịp sinh học là nhịp thể chất, tinh thần và hành vi kéo dài khoảng 24 giờ, là bản chất của mỗi cá thể và phản ứng với ánh sáng và bóng tối. Bên trong cơ thể có đồng hồ sinh học, có vai trò kiểm soát một số quy trình, trong đó có chu kỳ thức – ngủ.
Melatonin là 1 loại hormone do não sản xuất khiến cơ thể cảm thấy mệt mỏi. Hormone này được tiết ra với số lượng cao hơn vào ban đêm, khi trời tối và có vai trò rất quan trọng đối với việc điều chỉnh chu kỳ thức – ngủ.
2. Nguyên nhân của hội chứng thức – ngủ không đều là gì?
Trong hội chứng thức ngủ không đều, người bệnh có những giấc ngủ kéo dài ít hơn 4 giờ mỗi lần và trải qua một số lần ngủ trong 24 giờ. Người mắc hội chứng thức ngủ không đều không bị coi là thiếu ngủ. Tuy nhiên, giấc ngủ trải dài trong khoảng thời gian 24 giờ thay vì tập trung trong 7 hoặc 8 giờ. Tình trạng này khiến người bệnh ngủ không ngon giấc và buồn ngủ vào ban ngày.
Nguyên nhân sâu xa của tình trạng thức ngủ không đều là do gần như không có nhịp sinh học chịu trách nhiệm điều chỉnh thời gian thức và ngủ.
Tỉ lệ mắc hội chứng này tăng theo tuổi tác, tuy nhiên bản thân tuổi tác không phải là một yếu tố nguy cơ. Sự gia tăng liên quan đến tuổi tác trong các rối loạn y tế, thần kinh và tâm thần góp phần vào sự phát triển của tình trạng này.
Ngoài ra, những người bị rối loạn thoái hóa thần kinh như bệnh Alzheimer có nguy cơ cao mắc hội chứng thức ngủ không đều.
Bên cạnh đó, một số yếu tố không liên quan đến hội chứng thức ngủ không đều có thể tạm thời làm gián đoạn nhịp thức – ngủ và ngủ không ngon giấc, bao gồm: làm việc theo ca làm việc không thường xuyên (chuyển đổi giữa ca ngày và ca đêm), thường xuyên di chuyển giữa các múi giờ khác nhau.
3. Chẩn đoán hội chứng thức – ngủ không đều
Trước một người bệnh lúc thức lúc ngủ và ngủ không ngon giấc, bác sĩ sẽ tìm hiểu về thói quen đi ngủ gần đây, các vấn đề khác liên quan đến chứng mất ngủ hoặc buồn ngủ quá mức vào ban ngày.
Bác sĩ sẽ sử dụng nhật ký giấc ngủ để hỗ trợ cho việc chẩn đoán hội chứng này. Nhật ký giấc ngủ liên quan đến việc ghi lại thời gian thức và ngủ trong một giai đoạn nhất định. Ngoài ra, công cụ khác hỗ trợ cho việc chẩn đoán là actigraph, một thiết bị giống như một chiếc đồng hồ có chức năng theo dõi các kiểu thức – ngủ của người bệnh.
Những công cụ này có thể sẽ được sử dụng để theo dõi giấc ngủ trong ít nhất 7 ngày. Bác sĩ sẽ tìm nghiên cứu tối thiểu ba chu kỳ ngủ và thức trong khoảng thời gian 24 giờ để chẩn đoán.
4. Hội chứng thức – ngủ không đều có điều trị không?
Thức ngủ không đều và ngủ không ngon giấc trong thời gian ngắn có thể xảy ra do hoàn cảnh sống và không phải là trường hợp cấp cứu y tế. Khi chu kỳ giấc ngủ thay đổi về thời gian và số lượng, người bệnh có thể gặp khó khăn khi ngủ và buồn ngủ vào ban ngày. Hội chứng thức – ngủ không đều rất hiếm gặp hơn so với việc ngủ không đều đặn.
Tuy nhiên, người bệnh nên đi khám bác sĩ nếu thường xuyên có các dấu hiệu của hội chứng thức – ngủ bất thường và chưa được chẩn đoán mắc chứng rối loạn này, đặc biệt nếu nằm trong nhóm có yếu tố nguy cơ. Điều này đặc biệt quan trọng nếu không tìm ra bất kỳ yếu tố nào có thể gây ra sự xáo trộn giấc ngủ.
5. Kiểm soát hội chứng thức – ngủ không đều
Không có cách điều trị đặc hiệu cho hội chứng thức ngủ không đều. Tuy nhiên, một số biện pháp và thay đổi lối sống có thể hữu ích, bao gồm:
- Thay đổi thói quen tiếp xúc với ánh sáng: Người bệnh nên tiếp xúc với ánh sáng chói và ánh sáng xanh vào ban ngày. Đồng thời, tăng thời gian tiếp xúc lên. Hạn chế tiếp xúc với ánh sáng xanh từ màn hình tivi và máy tính vào ban đêm.
- Uống bổ sung melatonin.
- Thêm nhiều hoạt động hơn cho lịch trình ban ngày. Điều này có thể bao gồm lập kế hoạch tương tác xã hội, tập thể dục và các hoạt động khác.
- Làm cho môi trường ngủ hấp dẫn và thoải mái nhất có thể.
- Giảm thiểu tiếng ồn khi ngủ.
- Mục tiêu cuối cùng của điều trị là giúp người bệnh ngủ lâu hơn vào ban đêm và tỉnh táo tối đa vào ban ngày.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: healthline.com