Bài viết được viết bởi Tiến sĩ Hoàng Quốc Chính - Viện nghiên cứu Tế bào gốc và Công nghệ gen Vinmec.
Lynch syndrome (hội chứng Lynch) được đặt tên vào năm 1984 để miêu tả hội chứng ung thư gia đình (cancer family syndrome) do giáo sư Herry T. Lynch, trung tâm y học, đại học Creighton mô tả vào năm 1966. Năm 1985, GS. Lynch gọi hội chứng Lynch là ung thư đại trực tràng không polys di truyền (heritable non-polysposis colorectal cancer). Từ đó trở đi hai thuật ngữ này được dùng thay đổi nhau để cùng ám chỉ một hội chứng. Những người mang hội chứng Lynch có nguy cơ bị ung thư đại trực tràng, nội mạc tử cung, buồng trứng, dạ dày, ruột non, tuyến gan mật, tuyến bài tiết, não, và da cao hơn so với quần thể (Hình 1).
1. Tại sao lại bị hội chứng Lynch?
Hội chứng Lynch là hội chứng rối loạn di truyền trội gây ra bởi đột biến gây bệnh di truyền trên một trong 5 gen, bao gồm MLH1, MSH2, MSH6, PMS2, và EPCAM. Gen MLH1, MSH2, MSH6, và PMS2 đóng vai trò quan trọng trong quá trình sửa chữa DNA do bắt cặp nhầm gây ra. Trong quá trình nhân đôi hê gen của tế bào, DNA được sao chép thành hai bản sao, mỗi bản sẽ chia vào một tế bào con.
Trong quá trình sao chép này, DNA thường xuyên bị ghép nhầm cặp do đó tế bào cần có một hệ thống sửa chửa. Hệ thống sửa chữa sự bắt nhầm cặp này sẽ kiểm tra những sợi DNA mới được tổng hợp và khi phát hiện sự bắt nhầm cặp chúng sẽ sửa chữa, do đó cho phép toàn bộ hệ gen được sao chép chính xác. Gen EPCAM không tham gia vào quá trình sửa chữa DNA, nhưng một số đột biến trên gen EPCAM ảnh hưởng đến chức năng của gen MSH2, do đó cản trở đến quá trình sửa chữa DNA.
Gene sửa chữa DNA được xem như những gen ức chế sự phát triển của ung thư vì chức năng của chúng là ngăn chặn sự hình thành và tích lũy đột biến trong tế bào, do đó ngăn chặn sự hình thành tế bào ung thư. Tuy nhiên, trong những điều kiệm nhất định các gen này có thể bị mất hoặc giảm chức năng do đột biến gây ra. Sự bất hoạt hoặc giảm chức năng của những gen này sẽ làm gia tăng sự tích lũy của các đột biến trong hệ gen, do đó gia tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư (bảng 1). Do đó việc xác định đột biến trên gen sửa chữa DNA sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện sớm ung thư và tăng cường tính hiệu quả của các biện pháp phòng ngừa và điều trị.
Bảng 1: Nguy cơ mắc bệnh ung thư của người mang đột biến gen gây ra hội chứng Lynch. (-) không có dữ liệu. Số liệu từ Ring KL, Garcia C, Thomas MH, Modesitt SC (November 2017). "Current and future role of genetic screening in gynecologic malignancies". American Journal of Obstetrics and Gynecology. 217 (5): 512–521.
2. Chẩn đoán hội chứng Lynch
Hội chứng Lynch được xác định thông qua xét nghiệm di truyền của gen MLH1, MSH2, MSH6, PMS2, và EPCAM. Theo khuyến cáo thì tất cả bệnh nhân ung thư đại trực tràng, nội mạc tử cung, và buồng trứng nên thực hiện xét nghiệm gen để chẩn đoán hội chứng Lynch. Người có tiền sử gia đình đối với các bệnh ung thư liên quan đến hội chứng Lynch cũng nên thực hiện xét nghiệm gen. Việc chẩn đoán hội chứng Lynch sẽ giúp kiểm soát bệnh ung thư tốt hơn, và điều trị hiệu quả hơn đối với bệnh nhân ung thư. Xét nghiệm gen cũng sẽ giúp người chưa bị bệnh lên kế hoach theo dõi phát hiện sớm, và thực hiện các biện pháp làm giảm nguy cơ.
Trong những năm gần đây, khai niệm về sàng lọc quần thể để phát hiện hội chứng Lynch đã dành được nhiều sự chú ý của các nhà nghiên cứu và các bác sỹ. Việc xác định được những người có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư di truyền sẽ cho phép việc lên kế hoạch theo dõi phát hiện sớm ung thư, và đưa ra các giải pháp làm giảm nguy cơ hoặc ngăn chặn. Vì tỷ lệ người mang hội chứng Lynch là tương đối cao (xấp xỉ 3% bệnh nhân ung thư đại trực tràng) và lợi ích của việc sàng lọc này đã được chỉ ra trong rất nhiều nghiên cứu, nên sàng lọc hội chứng Lynch ở mức độ quần thể có thể sẽ giảm tỷ lệ chết do các bệnh ung thư liên quan đến hội chứng Lynch gây ra.
Khách hàng có thể trực tiếp đến hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc để thăm khám hoặc liên hệ hotline tại đây để được hỗ trợ.