Hội chứng kích thích ruột có nguy hiểm không?

Hội chứng kích thích đường ruột (viết tắt là IBS) là tình trạng rối loạn chức năng đại tràng phổ biến, gây ra các triệu chứng tiêu hóa khó chịu như đầy hơi, chướng bụng, táo bón và tiêu chảy. Những triệu chứng này thường xuyên xuất hiện và kéo dài, khiến người bệnh lo lắng về mức độ nguy hiểm của bệnh.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Tiêu hoá - Gan Mật - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.

1. Hội chứng kích thích đường ruột là gì?

Hội chứng ruột kích thích (Irritable Bowel Syndrome - IBS), còn được gọi là viêm đại tràng co thắt, liên quan đến tình trạng rối loạn chức năng của đại tràng. Đây là bệnh lý rất phổ biến, ảnh hưởng đến khoảng 5% đến 20% dân số. 


Hội chứng ruột kích thích (Irritable Bowel Syndrome - IBS), còn được gọi là viêm đại tràng co thắt, là tình trạng rối loạn chức năng của đại tràng.
Hội chứng ruột kích thích (Irritable Bowel Syndrome - IBS), còn được gọi là viêm đại tràng co thắt, là tình trạng rối loạn chức năng của đại tràng.

Thực tế, hầu hết các triệu chứng của rối loạn chức năng đường ruột đều liên quan đến đại tràng. Nhiều người bệnh hoang mang khi được chẩn đoán mắc hội chứng ruột kích thích bởi các kết quả nội soi và xét nghiệm cận lâm sàng đều bình thường. Điều này dẫn đến những câu hỏi như nguyên nhân hội chứng kích thích đường ruột là gì và liệu IBS có nguy hiểm hay không.  

Việc phân loại IBS thành 4 nhóm chính dựa trên đặc điểm của các triệu chứng bệnh, giúp ích cho việc lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp hiệu quả:

  • IBS thể táo bón.
  • IBS thể tiêu chảy.
  • IBS thể hỗn hợp.
  • IBS không xác định.

2. Nguyên nhân gây bệnh

Mặc dù nguyên nhân chính xác của hội chứng ruột kích thích (IBS) vẫn chưa được xác định rõ ràng, các nhà khoa học đã chỉ ra nhiều yếu tố có thể góp phần gây ra tình trạng này, bao gồm:

  • Phản ứng với thức ăn: Hội chứng kích thích đường ruột có thể xuất phát từ phản ứng của cơ thể với thức ăn. Việc tiêu thụ thực phẩm hư hỏng hoặc quá hạn sử dụng cũng góp phần gia tăng nguy cơ mắc bệnh lý này.
  • Tâm lý: Các nghiên cứu y học đã chứng minh rằng những trạng thái căng thẳng như stress có thể khiến cơ thể dễ mắc các triệu chứng bất thường, bao gồm cả hội chứng ruột kích thích.
  • Sự phối hợp kém hiệu quả giữa ruột và não: Hệ thần kinh thuộc cơ quan tiêu hóa có thể gặp trục trặc, dẫn đến tình trạng tín hiệu giữa ruột và não bộ không phối hợp hiệu quả. Hệ quả là cơ thể phản ứng thái quá với những biến đổi thông thường trong hệ tiêu hóa.
  • Nội tiết tố: Phụ nữ có nguy cơ mắc hội chứng kích thích đường ruột cao gấp đôi so với nam giới. Nhiều phụ nữ nhận thấy các triệu chứng IBS trở nên tồi tệ hơn trước, trong và sau giai đoạn kinh nguyệt.

3. Triệu chứng ở người mắc hội chứng ruột kích thích

Việc nắm bắt các triệu chứng đặc trưng của bệnh đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện và điều trị kịp thời.

Hội chứng ruột kích thích (IBS) làm rối loạn chức năng đại tràng mà không tổn thương niêm mạc. Triệu chứng của bệnh có thể thay đổi theo thời gian, bao gồm lúc thuyên giảm, lúc hoàn toàn biến mất, lúc trở nên nghiêm trọng hơn. Những biến đổi này ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống. Khi bệnh kéo dài, người bệnh thường xuyên phải đối mặt với căng thẳng, mất ngủ và lo lắng về nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm khác.

Triệu chứng thường gặp của hội chứng kích thích đường ruột:

  • Đau bụng: Là triệu chứng phổ biến nhất, thường xuất hiện ở khu vực hố chậu trái hoặc vùng bụng dưới ngay sau khi ăn. Cơn đau có thể không rõ ràng, xuất hiện ngắt quãng, đau quặn, đau từng cơn hoặc âm ỉ do rối loạn chức năng ruột và tăng nhu động ruột, thường chỉ thuyên giảm sau khi đi đại tiện hoặc trung tiện.  
  • Đầy hơi, chướng bụng: Thường xuyên xuất hiện vào ban ngày, đặc biệt là sau bữa trưa, và giảm dần khi đi ngủ vào ban đêm.
  • Các đợt táo bón hoặc tiêu chảy diễn ra xen kẽ nhau. Phân không bao giờ có lẫn máu. Nếu người bệnh phát hiện thấy máu trong phân, đây có thể là dấu hiệu của một bệnh lý đường ruột nghiêm trọng và cần được chẩn đoán bởi bác sĩ.

Nhóm triệu chứng này thường xuyên tái phát, có xu hướng lặp đi lặp lại. Do đó, nếu một người gặp các biểu hiện như sút cân nhanh, sốt, đi ngoài ra phân đen hoặc ra máu tươi, sờ thấy khối bất thường ở bụng, hoặc có dấu hiệu thiếu máu như hoa mắt chóng mặt, da niêm mạc nhợt nhạt,... hãy đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám kịp thời.

4. Đối tượng mắc bệnh

Do hội chứng kích thích đường ruột là bệnh lý phổ biến, ảnh hưởng đến nhiều người, nên các thắc mắc về độ tuổi và đối tượng có khả năng mắc bệnh luôn được quan tâm.

Theo nghiên cứu khoa học, IBS có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, không phân biệt giới tính. Tuy nhiên, một số nhóm người có nguy cơ cao mắc bệnh hơn, bao gồm:

  • Nhóm tuổi dưới 45.
  • Nguy cơ mắc IBS ở phụ nữ cao hơn nam giới.  
  • Cá nhân có người thân trong gia đình bị viêm đại tràng co thắt sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh hơn so với người bình thường.
  • Các vấn đề như trầm cảm, lo âu, stress có thể làm tăng nguy cơ mắc IBS.

5. Hội chứng kích thích đường ruột có nguy hiểm không?

Hội chứng ruột kích thích (IBS) tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng có thể gây ra những khó chịu đáng kể trong sinh hoạt hằng ngày. Hầu hết các trường hợp IBS đều ở mức độ nhẹ, với các triệu chứng điển hình như đau bụng tái phát và rối loạn đại tiện. Tuy nhiên, rất hiếm khi IBS dẫn đến những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất.

Hậu quả của hội chứng ruột kích thích kéo dài:

  • Ứ đọng phân trong đại tràng: Táo bón dai dẳng do hội chứng kích thích đường ruột có thể dẫn đến tình trạng ứ đọng phân trong đại tràng. Điều này không chỉ gây tổn thương ruột kết mà còn dẫn đến buồn nôn và nôn, đau đầu.
  • Không dung nạp một số loại thực phẩm: Một số loại thực phẩm có thể làm các triệu chứng trở nên trầm trọng thêm, bao gồm chất béo, các loại đậu, sô cô la, bông cải trắng, bông cải xanh, sữa, rượu bia, thức uống có ga và cải bắp. Do đó, người bệnh không thể hấp thu và cần hạn chế những thực phẩm này khỏi chế độ ăn uống. Điều này có thể dẫn đến thiếu hụt dinh dưỡng, người bệnh có nguy cơ cao bị suy dinh dưỡng.
  • Nguy cơ bị trĩ tăng: Bệnh trĩ là biến chứng phổ biến của hội chứng ruột kích thích. Thống kê cho thấy, 18-23% bệnh nhân IBS gặp phải vấn đề về trĩ. Các triệu chứng của bệnh có thể làm cho bệnh trĩ trở nên tồi tệ hơn.
  • Ảnh hưởng trong thai kỳ: Sự thay đổi nồng độ nội tiết tố trong thai kỳ cùng áp lực từ thai nhi lên thành bụng có thể khiến các triệu chứng hội chứng ruột kích thích (IBS) trở nên trầm trọng hơn. Do lo ngại ảnh hưởng đến thai nhi, nhiều mẹ bầu buộc phải ngưng sử dụng thuốc điều trị IBS, dẫn đến tình trạng khó tiêu, ợ chua.

Chất lượng sống suy giảm và sức khỏe tinh thần bị ảnh hưởng: Bệnh gây ra các triệu chứng khó chịu như táo bón và tiêu chảy liên tục, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống. Khi bệnh kéo dài, người bệnh thường xuyên lo lắng, căng thẳng, mất ngủ và thậm chí còn hoang mang, sợ hãi rằng bản thân mắc các bệnh nguy hiểm khác. 


Hậu quả của hội chứng ruột kích thích kéo dài là ảnh hưởng đến thai kỳ.
Hậu quả của hội chứng ruột kích thích kéo dài là ảnh hưởng đến thai kỳ.

6. Phương pháp chẩn đoán

Hội chứng kích thích đường ruột được chẩn đoán dựa trên các triệu chứng mà bệnh nhân mô tả và loại trừ các bệnh đường tiêu hoá khác. Bác sĩ sẽ hỏi về tiền sử bệnh lý của bệnh nhân và gia đình, đồng thời chỉ định thực hiện các xét nghiệm phù hợp:

  • Nội soi tiêu hóa đóng vai trò quan trọng trong việc chẩn đoán các bệnh lý đường tiêu hóa. Bác sĩ sẽ lựa chọn giữa nội soi thực quản – dạ dày – tá tràng hoặc nội soi đại trực tràng dựa trên triệu chứng và bệnh sử của bệnh nhân.  
  • Nếu phát hiện tổn thương nghi ngờ hoặc xác định thông qua nội soi, bác sĩ sẽ tiến hành sinh thiết để làm xét nghiệm thêm.
  • Để tìm hiểu nguyên nhân gây ra hội chứng ruột kích thích (IBS), bác sĩ có thể chỉ định một số xét nghiệm cận lâm sàng. Các xét nghiệm này bao gồm: Xét nghiệm máu, xét nghiệm phân, xét nghiệm không dung nạp lactose.

7. Điều trị và phòng ngừa hội chứng ruột kích thích

Điều trị hội chứng kích thích đường ruột chủ yếu tập trung vào việc giảm thiểu triệu chứng để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Với bệnh ở mức độ nhẹ, thay đổi lối sống bao gồm chế độ ăn uống hợp lý, sinh hoạt khoa học và kiểm soát cảm xúc có thể giúp kiểm soát tình trạng bệnh hiệu quả. Tuy nhiên, đối với các trường hợp bệnh nặng hơn, bác sĩ có thể kê đơn thuốc. Một số loại thuốc thường dùng trong điều trị IBS bao gồm:

  • Thuốc điều trị táo bón: Chỉ định đối với bệnh nhân bị táo bón, bao gồm: thuốc nhuận tràng thẩm thấu, thuốc nhuận tràng kích thích và thực phẩm chức năng bổ sung chất xơ.
  • Thuốc điều trị tiêu chảy: Kiểm soát tiêu chảy bằng cách sử dụng các loại thuốc không kê đơn như Cholestyramine, Loperamide.
  • Thuốc giảm đau chống co thắt, thuốc kháng acetylcholin: Giảm co thắt và giảm đau ở ruột. Ngoài ra, thuốc còn được sử dụng để điều trị chứng táo bón xen kẽ tiêu chảy. 
Điều trị hội chứng kích thích đường ruột mức độ nặng bằng thuốc.
Điều trị hội chứng kích thích đường ruột mức độ nặng bằng thuốc.

Để phòng ngừa hội chứng ruột kích thích hiệu quả, mọi người cần thực hiện những thay đổi sau đây trong lối sống và chế độ ăn uống:

  • Thiết lập thói quen sinh hoạt đều đặn: Mọi người cần thiết lập chế độ ăn uống, nghỉ ngơi và làm việc khoa học. Điều này bao gồm việc ăn uống đúng giờ, đảm bảo thời gian nghỉ ngơi hợp lý và sắp xếp lịch trình làm việc tối ưu.
  • Chế độ ăn FODMAP thấp được các chuyên gia khuyên dùng cho bệnh nhân mắc hội chứng ruột kích thích (IBS) nhằm mục đích ổn định hoạt động ruột già và cải thiện sức khỏe hệ tiêu hóa. Chế độ này tập trung vào việc hạn chế các loại thực phẩm chứa nhiều carbohydrate chuỗi ngắn (FODMAP) như: táo, dưa hấu, trái cây đóng hộp, sữa tươi có lactose, phô mai, sữa chua, fructose, mật ong, các loại đậu, củ dền, bông cải xanh, lúa mì…
  • Hạn chế thực phẩm nhiều chất béo: Chế độ ăn nhiều chất béo có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bệnh về đường ruột. Một số ví dụ điển hình về thực phẩm giàu chất béo bao gồm đồ chiên rán, bơ và nước sốt kem.
  • Uống đủ nước: Uống từ 1,5 đến 2 lít nước mỗi ngày.
  • Hạn chế đồ uống có hại: Tránh xa rượu bia, đồ uống có chứa caffeine, nước có ga vì chúng có thể gây tiêu chảy, đầy hơi và làm tình trạng bệnh trở nên tồi tệ hơn.
  • Sử dụng thuốc hợp lý: Việc sử dụng thuốc tiêu chảy và nhuận tràng kéo dài hoặc lạm dụng thuốc sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng cho hệ tiêu hóa.
  • Tập thể dục thường xuyên: Dành ít nhất 30 phút mỗi ngày để tập thể dục thể thao.

Tóm lại, hội chứng kích thích đường ruột là tình trạng rối loạn chức năng đại tràng, các triệu chứng thường có xu hướng tái phát. Do đó, nếu người bệnh xuất hiện các dấu hiệu bất thường như sút cân nhanh, sốt, đi ngoài ra phân đen hoặc lẫn máu tươi, sờ thấy khối bất thường ở bụng, bệnh nhân cần đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng. 

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe