Cường chức năng tuyến giáp là hội chứng bệnh lý gây ra do tăng nồng độ hormon tuyến giáp (T3, T4) trong máu dẫn đến những thay đổi ở các cơ quan và tổ chức.
1. Hội chứng cường chức năng tuyến giáp là gì?
Cường giáp (hội chứng chức năng tuyến giáp) gây ra do tuyến giáp hoạt động quá mức cần thiết. Tuyến giáp là một trong những tuyến nội tiết quan trọng nằm ở cổ, tiết ra hormone tuyến giáp kiểm soát rất nhiều hoạt động của cơ thể. Khi có quá nhiều hormone này được chỉ định tiết ra sẽ dẫn đến các triệu chứng của bệnh cường giáp.
Cường chức năng tuyến giáp là một hội chứng phổ biến và ảnh hưởng đến nữ giới nhiều hơn nam giới. Bệnh có thể xuất hiện ở bất kỳ lứa tuổi nào nhưng bệnh sẽ ít thể hiện thành triệu chứng hơn ở người cao tuổi.
2. Nguyên nhân gây hội chứng cường chức năng tuyến giáp
Nguyên nhân gây hội chứng cường chức năng tuyến giáp phổ biến nhất là do bệnh Basedow (hay còn gọi là bệnh Graves). Bệnh Basedow là một loại bệnh tự miễn. Khi mắc bệnh này tuyến giáp sẽ bị tấn công dẫn đến mắc bệnh cường giáp. Theo ước tính có khoảng 80-90% người bị cường giáp bị mắc bệnh Basedow.
Các nguyên nhân khác ít phổ biến hơn bao gồm: Bệnh bướu tuyến giáp thể đa nhân, u tuyến độc, viêm tuyến giáp, khẩu phần ăn quá nhiều iốt hay sử dụng vượt mức hormone tuyến giáp tổng hợp. Một nguyên nhân ít gặp hơn là u tuyến yên.
Thông thường nếu nghi ngờ bệnh nhân mắc bệnh cường giáp, các bác sĩ sẽ chẩn đoán dựa trên một số dấu hiệu và triệu chứng và sau đó được xác định bằng phương pháp thử máu.
3. Dấu hiệu hội chứng cường chức năng tuyến giáp
● Hồi hộp đánh trống ngực: Cảm giác tim đập nhanh, mạnh trong lồng ngực, có thể cảm thấy đau ngực, khó thở.
● Sợ nóng: Do mức chuyển hóa cơ bản cao, thân nhiệt của người bệnh cường giáp thường cao hơn bình thường, do vậy người bệnh thường không chịu được những nơi có nhiệt độ cao hay thời tiết nóng nực.
● Tiêu chảy: Tình trạng tiêu chảy kéo dài có thể là dấu hiệu bệnh cường giáp, nguyên nhân do nhu động ruột tăng thường xuyên.
● Run tay, sụt cân.
● Bướu cổ: Vùng cổ, nơi chứa tuyến giáp phình to, nguyên nhân do tuyến giáp bị phì đại.
● Ra mồ hôi nhiều: Người bệnh cường giáp thường xuyên ra mồ hôi, ngay cả khi không vận động và ngồi nguyên một chỗ.
● Rối loạn giấc ngủ: Người bệnh cường giáp hay bị khó ngủ, giấc ngủ không yên, giấc ngủ ngắn hơn bình thường.
4. Điều trị cường chức năng tuyến giáp
Thông thường, bác sĩ điều trị bệnh cường giáp bằng cách giảm lượng hormone tuyến giáp trong cơ thể. Lượng hormone này được giảm bằng việc sử dụng các loại thuốc, tia phóng xạ hoặc phẫu thuật.
4.1 Điều trị bằng iod phóng xạ, I131
Cơ chế: Mục đích điều trị bệnh Basedow và bướu nhân độc tuyến giáp bằng 131I làm cho bướu tuyến giáp nhỏ lại, đưa chức năng tuyến giáp từ cường năng về bình thường (bình giáp).
Chỉ định:
- Bệnh nhân có chẩn đoán xác định là Basedow chưa điều trị gì, có thể đã qua điều trị nội khoa; có rối loạn nhịp tim, đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh van tim.
- Bệnh nhân phải có độ tập trung I131 tại tuyến giáp đủ cao: Độ tập trung I131 sau 24 giờ: T24 > 50%: điều trị tốt; T24 từ 30 đến 50%: có thể điều trị được; T24 < 30%: phải cho liều cao, hiệu quả kém nên chưa điều trị.
- Bướu tuyến giáp không quá to, nếu bướu quá to gây nuốt nghẹn, sặc, khó thở thì nên chỉ định điều trị phẫu thuật để giải phóng trước.
Chống chỉ định:
- Phụ nữ có thai: Vì I131 qua rau thai sẽ tập trung vào tuyến giáp thai nhi gây tổn thương.
- Phụ nữ đang cho con bú: Vì I131 có thể được tiết qua tuyến sữa và không tốt cho trẻ nên nếu mẹ được chỉ định điều trị bắt buộc với I131 thì nên cai sữa cho bé.
- Nếu bệnh nhân có tình trạng nhiễm độc nặng phải điều trị chuẩn bị nội khoa trước đến khi ổn định tránh nguy cơ xảy ra cơn bão giáp (thyroid storm).
- Bệnh nhân phải ngừng thuốc kháng giáp trạng tổng hợp trước 1 – 2 tuần, các chế phẩm có Iod thì phải ngừng tối thiểu 1 tháng để độ tập trung Iod tuyến giáp tăng cao, điều trị mới hiệu quả.
Hiệu quả điều trị:
- Trên lâm sàng hiệu quả điều trị thường bắt đầu thể hiện từ 2 đến 4 tuần sau khi bệnh nhân nhận liều điều trị.
- Hiệu quả đạt tối đa sau 8 đến 10 tuần, bởi vậy nên đánh giá kết quả điều trị sau 3 tháng.
- Hiệu quả điều trị được đánh giá dựa trên các chỉ tiêu về triệu chứng cơ năng, thực thể, tình trạng bướu tuyến giáp và các xét nghiệm siêu âm, xạ hình để đánh giá kích thước, cấu trúc, trọng lượng tuyến giáp và các xét nghiệm định lượng hormon T3, T4 và TSH để đánh giá tình trạng chức năng tuyến giáp sau điều trị
- Đối với bệnh nhân Basedow có biến chứng tim mạch, sau điều trị I131 5 ngày cần cho kháng giáp trạng dạng tổng hợp, điều trị suy tim và loạn nhịp tim bằng thuốc giãn mạch, khám lại sau 1 tháng điều trị I131.
4.2 Thực hiện phẫu thuật
Phẫu thuật dành cho những bệnh nhân có tuyến giáp lớn, vì chúng chặn hoặc can thiệp vào các cấu trúc khác ở vùng cổ. Bệnh nhân không muốn sử dụng phương pháp phóng xạ i-ốt có thể phẫu thuật. Phụ nữ mang thai cũng có thể cần đến phẫu thuật.
5. Những lưu ý trong sinh hoạt hằng ngày
Bạn có biết lối sống hằng ngày hỗ trợ hạn chế diễn tiến của hội chứng cường chức năng tuyến giáp?
- Đặc biệt chú ý bảo vệ mắt của bạn, sử dụng kính chống mắt và nước mắt nhân tạo và đeo dụng cụ bảo vệ mắt vào ban đêm tránh những biến chứng của bệnh.
- Nhận biết rằng việc điều trị hiệu quả nghĩa là bạn cần phải chăm sóc lâu dài. Bác sĩ phải kiểm tra sự mạnh lên của tình trạng nhược giáp (giảm năng tuyến giáp) sau điều trị và nguy cơ tái phát của bệnh cường giáp;
- Đi khám bác sĩ nếu bạn có nhịp tim đập nhanh, sụt cân nghiêm trọng, tiêu chảy hoặc tay chân run;
- Không tập thể dục cho đến khi bệnh của bạn đã được kiểm soát;
- Không hút thuốc;
- Bệnh cường giáp có thể tái phát sau phẫu thuật ở 10% đến 15% bệnh nhân.
Mọi thắc mắc cần được bác sĩ chuyên khoa giải đáp cũng như quý khách hàng có nhu cầu khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc hoặc đăng ký trực tuyến TẠI ĐÂY.
Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán Basedow