Hội chứng chảy dịch mũi sau là một hội chứng khá phổ biến, hầu hết mọi người từng ít nhất một lần gặp phải tình trạng này trong đời. Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra hội chứng này, với mỗi nguyên nhân sẽ có biểu hiện và cách điều trị khác nhau. Nếu không sớm điều trị, tình trạng chảy dịch mũi sau kéo dài có thể dẫn đến nhiều biến chứng ở đường hô hấp và thậm chí là cả đường tiêu hóa. Bài viết này sẽ làm rõ nguyên nhân, triệu chứng và các phương pháp điều trị hội chứng chảy dịch mũi sau.
1. Hội chứng chảy dịch mũi sau là gì?
Hội chứng chảy dịch mũi sau có tên quốc tế là Post nasal drips, để chỉ tình trạng dịch chảy từ hệ thống xoang qua mũi sau xuống đến thành sau họng gây ra các triệu chứng như cảm giác vướng họng, đau họng, ho, ngứa họng.
Hội chứng chảy dịch mũi sau thường kéo dài mạn tính, với dịch chảy xuống thành họng có tính chất loãng, hay nhầy, cũng có khi đặc; dịch có thể bị nhiễm khuẩn có màu sẫm, cũng có khi dịch dính bám vào niêm mạc họng gây nuốt vướng, gây buồn nôn hay gây kích thích vùng họng.
Thông thường, các tuyến ở mũi và họng luôn tiết ra dịch nhầy để chống lại nhiễm trùng, làm ấm màng mũi và loại bỏ các dị vật. Chúng ta sẽ thường nuốt chất dịch này mà không biết, cho đến khi dịch nhầy được tiết ra nhiều hơn bình thường, khi đó bạn có thể thấy nó tích tụ ở phía sau cổ họng của bạn.
2. Nguyên nhân gây ra hội chứng chảy dịch mũi sau
Hội chứng chảy mũi sau thường do những thay đổi nhất định trong cơ thể hoặc môi trường gây ra. Những nguyên nhân chính gồm có:
- Dị ứng: nguyên nhân phổ biến nhất gây ra hội chứng chảy dịch mũi sau đó là dị ứng. Tình trạng dị ứng có thể xảy ra theo mùa do phấn hoa kích thích cơ thể sản xuất chất nhầy nhiều hơn để loại bỏ các bào tử phấn hoa.
- Thời tiết lạnh hoặc không khí khô: Việc hít thở không khí lạnh hoặc khô có thể gây ra tình trạng kích ứng mũi và cổ họng, khi đó cơ thể sẽ tạo ra chất nhầy để làm ẩm và ấm đường thở nhằm giảm bớt sự kích ứng đó.
- Nhiễm trùng: cơ thể chúng ta sẽ phản ứng với bất kỳ loại vi trùng nào xâm nhập vào cơ thể bằng cách tạo ra nhiều chất nhầy hơn bình thường để đẩy chúng ra ngoài.
Ngoài các nguyên nhân kể trên, còn có một số nguyên nhân khác cũng có thể gây ra hội chứng chảy dịch mũi sau đó là:
- Do thức ăn quá cay.
- Do mang thai.
- Do đồ vật bị mắc kẹt trong mũi.
- Do hóa chất gây kích ứng như nước hoa, sản phẩm tẩy rửa hoặc khói.
- Do hút thuốc lá.
- Do thuốc.
- Do tình trạng hô hấp mạn tính như COPD.
Ngoài ra tình trạng lệch vách ngăn mũi có thể khiến cho dịch nhầy không thể thoát ra ngoài một cách chính xác, gây chảy dịch mũi sau.
3. Biểu hiện của hội chứng chảy dịch mũi sau
Khi bị chảy dịch mũi sau, bạn có thể cảm thấy dịch nhầy chảy xuống phía sau cổ họng, kèm theo các triệu chứng khác như là:
- Bị đau hoặc ngứa họng.
- Có cảm giác buồn nôn do dịch nhầy chảy xuống dạ dày.
- Thường xuyên hắng giọng do dịch nhầy vướng ở cổ họng.
- Nhổ hoặc nuốt chất nhầy quá nhiều.
- Hơi thở có mùi hôi.
- Ho nhiều, đặc biệt là vào ban đêm.
4. Khi nào cần gặp bác sĩ?
Khi bạn có biểu hiện của hội chứng chảy dịch mũi sau kéo dài hơn 10 ngày, đã sử dụng các biện pháp điều trị ở nhà mà không đỡ, bạn cần đến gặp các bác sĩ chuyên khoa tai-mũi-họng để tìm ra nguyên nhân và có hướng điều trị thích hợp, kịp thời.
Hoặc nếu có các triệu chứng sau cần phải đi khám ngay:
- Dịch nhầy có mùi khó chịu.
- Sốt
- Thở khò khè.
Các triệu chứng này có thể là biểu hiện của tình trạng nhiễm trùng do vi khuẩn, khi đó bạn sẽ phải sử dụng kháng sinh.
5. Điều trị hội chứng chảy dịch mũi sau
Tùy theo nguyên nhân gây hội chứng chảy dịch mũi sau mà sẽ có biện pháp điều trị khác nhau.
Nếu nguyên nhân do dị ứng cần phải:
- Loại bỏ nguyên nhân gây dị ứng như phấn hoa, bụi nhà, sợi bông vải, thực phẩm, lông súc vật,...
- Sử dụng thuốc kháng histamin.
Nếu nguyên nhân do nhiễm khuẩn cần phải điều trị triệt để tình trạng nhiễm khuẩn hệ thống mũi xoang.
- Sử dụng thuốc kháng sinh để chống nhiễm khuẩn.
- Phối hợp thuốc kháng histamin.
- Thuốc làm loãng dịch nhầy.
- Tăng khả năng miễn dịch của cơ thể.
- Có thể cần tiến hành nội soi rửa hốc mũi xoang và khoang họng bằng nước muối sinh lý 0,9% và dung dịch thuốc kháng sinh.
Nếu nguyên nhân do dị hình cấu trúc vùng phức hợp các lỗ ngách gây cản trở dẫn lưu từ hệ thống xoang ra hốc mũi thì cần phẫu thuật cắt chọn lọc một một phần của cấu trúc này nhằm giải phóng đường dẫn lưu dịch tiết xuống mũi. Sau phẫu thuật cần điều trị hút rửa hốc mũi và hệ thống xoang trước, sau, khoang họng.Nếu nguyên nhân do không khí khô cần sử dụng máy tạo độ ẩm không khí. Khi thời tiết lạnh bạn cần giữ ấm cơ thể, đặc biệt là vùng mũi, tránh mũi hít thở không khí lạnh.
6. Các biện pháp giúp tự kiểm soát hội chứng chảy dịch mũi sau tại nhà
- Nằm đầu cao: nếu tình trạng dịch nhầy tích tụ nghiêm trọng hơn vào ban đêm, bạn nên nâng đầu cao hơn khi nằm ngủ để giúp dịch thoát ra, giảm lượng dịch nhầy trong cổ họng và đường thở.
- Uống nước: do khi chảy dịch như vậy, có thể sẽ bị mất nước. Uống nước cũng giúp làm loãng chất nhầy.
Nếu có nhu cầu tư vấn và thăm khám tại các Bệnh viện thuộc hệ thống Y tế trên toàn quốc, Quý khách vui lòng đặt lịch trên website để được phục vụ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.