Hoạt động của gan kém phải làm sao?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Võ Thị Thùy Trang - Bác sĩ Nội soi tiêu hóa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Có rất nhiều nguyên nhân và yếu tố tác động gây hại cho gan như rượu, bia, virut... những tác nhân này ảnh hưởng tới hoạt động của gan gây ra suy giảm chức năng gan mật. Khi gan kém, suy yếu thì chế độ ăn uống và theo dõi định kỳ là rất cần thiết.

1. Những dấu hiệu nhận biết gan kém

Một số dấu hiệu gan kém để chúng ta nhận biết được đó là:

  • Uống quá nhiều đồ uống có cồn như rượu, bia: Rượu, bia là một chất có hại cho gan, vì gan cần phải giải những độc tố tại gan. Nếu dung nạp một lượng lớn thức uống có cồn sẽ gây ra những tác động tiêu cực đến chức năng gan. Các bệnh lý gan do rượu thường không có biểu hiện rõ ở giai đoạn sớm. Cho nên nếu như bạn uống nhiều rượu, bia thì có thể gan của bạn đang hoạt động kém hơn so với bình thường.
  • Nhiễm virus viêm gan: Có 5 loại virus chính gây ra bệnh viêm gan gồm các loại virus A, B, C, D và E. Trong đó có 3 loại quan trọng nhất gây bệnh là viêm gan A, B và C. Khi bạn bị nhiễm một trong 3 loại virus viêm gan trên có nguy cơ tổn thương tế bào gan. Viêm gan B và C có thể ẩn trong cơ thể hay bùng phát khi cơ thể suy yếu, đây chính là tác nhân hay dẫn đến bệnh lý của gan như viêm gan cấp, xơ ganung thư gan.
  • Buồn nôn và chán ăn: Có rất nhiều nguyên nhân từ đường tiêu hoá có thể gây ra biểu hiện buồn nôn hay chán ăn. Nhưng cũng có thể nguyên nhân do hoạt động của gan kém, giảm việc sản xuất mật. Dịch mật giúp tiêu hoá chất béo khi chúng ta nạp vào đường tiêu hóa, nếu lượng dịch mật không đủ thì sẽ làm cho chất béo khống được tiêu hoá hết gây buồn nôn và chán ăn. Cho nên khi bạn thường xuyên buồn nôn và cảm thấy chán ăn thì đây là một dấu hiệu cảnh báo.
  • Chế độ ăn nhiều thức ăn gây hại cho gan: Một chế độ ăn uống không lành mạnh như ăn nhiều đồ ăn nhanh, đồ ăn nấm mốc, nhiều muối, thức ăn dầu mỡ... thức ăn này làm cho gan tăng áp lực hoạt động, dễ bị tổn thương. Nếu thường xuyên có chế độ ăn uống như vậy thì gan của bạn chắc chắn sẽ suy giảm chức năng. Cho nên gan yếu nên ăn gì hay không ăn gì là điều rất quan trọng để cải thiện chức năng gan.
  • Đau tức hạ sườn bên phải: Vùng hạ sườn phải tương ứng với vị trí của gan, khi gan gặp phải vấn đề có thể thay đổi kích thước hay biểu hiện viêm, do đó sẽ xuất hiện triệu chứng đau tức.
  • Ngủ gà hay lú lẫn: Gan có chức năng giải độc giúp cơ thể chuyển hóa các sản phẩm có hại trong cơ thể để chúng chuyển thành những chất không gây hại cho cơ thể. Khi gan tổn thương chức năng giải độc sẽ kém dẫn tới các chất độc bị tích tụ gây tổn thương não, làm cho cơ thể lúc nào cũng không tỉnh táo, thậm chí lú lẫn.
  • Mệt mỏi: Mệt mỏi cũng thường được cho là dấu hiệu liên quan đến các vấn đề về gan. Mệt mỏi do bệnh ở gan bởi vì sự tích tụ các chất độc chuyển hóa không được gan giải quyết và do gan giảm khả năng dự trữ glucose nên cơ thể dễ rơi vào tình trạng đường huyết hạ.
  • Nước tiểu đậm màu hơn: Nước tiểu sẫm màu hơn có thể là do nhiều nguyên nhân như chế độ ăn, dùng thuốc hoặc uống ít nước. Nhưng khi loại trừ các nguyên nhân trên mà màu nước tiểu vẫn đậm hơn nhiều so với bình thường và kèm theo triệu chứng phân trắng thì là biểu hiện gan có vấn đề. Bệnh lý ở gan làm tăng lượng Bilirubin trong máu nên gây ra tình trạng nước tiểu sẫm màu, do đó người bệnh nên thăm khám bác sĩ sớm.

Vàng da: Một dấu hiệu cảnh báo gan kém là tình trạng vàng da, vàng lòng trắng mắt. Vàng da, vàng mắt là những dấu hiệu gan không chuyển hóa và thải được sắc tố mật có tên là Bilirubin.


Vàng da vàng mắt là 1 trong những dấu hiệu cảnh báo gan kém
Vàng da vàng mắt là 1 trong những dấu hiệu cảnh báo gan kém

2. Khi gặp tình trạng gan kém phải làm sao?

Khi phát hiện hay có những thói quen khiến gan tổn thương, người bệnh cần làm một số việc sau:

  • Thay đổi lối sống: Để cải thiện tốt chức năng gan thì chúng ta cần phải hạn chế hoặc ngừng sử dụng bia rượu, sử dụng những thuốc giải độc gan... nếu bị bệnh về gan thì phải tuân thủ điều trị.
  • Chế độ ăn uống lành mạnh: Hạn chế những thức ăn khiến gan kém, yếu như đồ ăn nhanh, đồ ăn nhiều dầu mỡ, đồ ngọt, muối, dưa chua... và tăng cường các loại thức ăn có lợi cho hoạt động của gan như rau củ quả, ngũ cốc, chất xơ...
  • Uống đủ nước: Nước là một chất cần thiết cho hoạt động của cơ thể, giúp loại bỏ các chất có hại.
  • Không nên thức quá khuya, nên sắp xếp lịch làm việc và nghỉ ngơi hợp lý giúp gan có thời gian nghỉ ngơi và phục hồi tổn thương. Nên ngủ trước 23h và ngủ đủ từ 7 đến 8 tiếng mỗi ngày.
  • Tránh lạm dụng thuốc khi không cần thiết, sử dụng thuốc theo hướng dẫn điều trị từ bác sĩ.
  • Khám định kỳ chức năng gan để phát hiện các bệnh lý và điều trị tránh những biến chứng nguy hiểm.

Thay đổi lối sống để cải thiện tốt chức năng gan kém
Thay đổi lối sống để cải thiện tốt chức năng gan kém

Thông qua bài viết bạn đã biết khi gan kém phải làm sao. Điều quan trọng nhất là bạn phải thay đổi lối sống và có chế độ ăn uống phù hợp, thăm khám định kỳ để có phương pháp điều chỉnh phù hợp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe