Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Lưu Hồng Hải - Trưởng Khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Hoại tử chỏm xương đùi hay còn gọi là hoại tử vô mạch làm cho chỏm xương đùi bị hoại tử do thiếu máu nuôi. Quá trình này tiến triển tăng dần và có khuynh hướng ảnh hưởng đến xương dưới sụn như tiêu xương dưới sụn dẫn đến bẹp chỏm xương đùi có thể dẫn tới tàn phế nếu không được điều trị triệt để. Việc nhận biết sớm chứng hoại tử chỏm xương đùi để điều trị kịp thời là vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ đôi chân.
1. Hoại tử chỏm xương đùi là gì?
Hoại tử chỏm xương đùi là tình trạng chết của xương do thiếu máu nuôi. Vùng hoại tử lúc đầu chỉ thấy là vùng thưa xương, các ổ khuyết xương, dần dần sẽ dẫn đến gãy xương dưới sụn và giai đoạn cuối cùng là gây xẹp chỏm xương đùi, không còn chức năng bình thường của khớp háng và tàn phế.
Đây là căn bệnh diễn biến âm thầm, từ từ. Khi chúng ta bắt đầu cảm nhận được cảm giác đau ở khớp háng bị tổn thương thì bệnh đã tiến triển đến giai đoạn trung bình trở lên. Một số trường hợp người bệnh không có triệu chứng đầu tiên đau tại khớp háng, trong giai đoạn sớm người bệnh có cảm giác đau khớp gối cùng bên khớp háng bị tổn thương. Chính vì thế, một số trường hợp dễ bị chẩn đoán là thoái hóa khớp gối hay bệnh lý tại khớp gối mà bị bỏ qua chẩn đoán hoại tử chỏm xương đùi giai đoạn sớm.
2. Nguyên nhân gây hoại tử chỏm xương đùi
Nguyên nhân có thể là do chấn thương hoặc không do chấn thương
Do chấn thương: Trật khớp hoặc gãy cổ xương đùi, loại chấn thương này có thể ảnh hưởng đến việc cung cấp máu cho xương, dẫn đến hoại tử vô mạch liên quan đến chấn thương. Thông thường hoại tử xuất hiện sau chấn thương khoảng 2 năm và không ảnh hưởng nhiều đến tuổi và giới.
Không do chấn thương: Khoảng 2/3 nguyên nhân không do chấn thương là do lạm dụng rượu và corticosteroid.
- Sử dụng corticosteroid mãn tính. Việc sử dụng lâu dài các thuốc chống viêm này, bằng đường uống hoặc tiêm tĩnh mạch. Mặc dù chưa lý giải được rõ ràng nhưng các bác sĩ có nghi ngờ những loại thuốc này có thể cản trở khả năng phân hủy các chất béo của cơ thể. Những chất này thu thập trong các mạch máu - làm cho chúng hẹp hơn - và làm giảm lượng máu đến xương.
- Sử dụng rượu quá mức. Giống như corticosteroid, lạm dụng rượu có thể khiến các chất béo tích tụ trong mạch máu và làm giảm lượng máu cung cấp cho xương.
- Cục máu đông, viêm và tổn thương động mạch: Tất cả những điều này có thể chặn lưu lượng máu đến xương.
Ngoài ra còn một số nguyên nhân hiếm gặp dẫn đến hoại tử chỏm xương đùi như: Bệnh khí ép (thợ lặn, công nhân hầm mỏ), bệnh hồng cầu hình liềm, bệnh collagen như lupus ban đỏ, ghép cơ quan, viêm ruột ...)
3. Những dấu hiệu nhận biết sớm chứng hoại tử chỏm xương đùi
Hoại tử vô mạch chỏm xương đùi thường không có triệu chứng ở giai đoạn sớm. Nhưng khi tiến triển dần, các cơn đau trở nên rõ rệt hơn, xuất hiện khi có áp lực đặt lên xương, bao gồm đi bộ xung quanh.
Cơn đau xuất phát từ bẹn lan xuống mặt trong đùi hoặc đôi khi cảm giác đau sau mông, làm hạn chế các vận động của khớp háng. Khi bác sĩ khám, thấy động tác xoay ngoài và xoay trong háng bị giảm trước.
Đôi khi bệnh nhân có cảm giác đau ở vùng gối và khiến cho nhiều bác sĩ chẩn đoán lầm. Do đó, các bác sĩ sẽ phải ghi lại bệnh sử, tiền sử chi tiết và kiểm tra kỹ lưỡng để xác định xem hoại tử vô mạch có phải là nguyên nhân gây đau hay không.
Một khi các nguyên nhân khác được loại trừ và hoại tử vô mạch chỏm xương đùi được ưu tiên nghi ngờ. Việc chẩn đoán thường dựa trên lâm sàng và X - quang. Tuy nhiên, ở giai đoạn sớm X - quang thường quy không phát hiện được mà phải chụp MRI. Vì vậy MRI đã được sử dụng như một công cụ chẩn đoán sớm và cũng là phương tiện để theo dõi quá trình chữa bệnh.
4. Điều gì sẽ xảy ra nếu hoại tử chỏm xương đùi không được điều trị?
Hoại tử chỏm xương đùi là một biến chứng nặng đối với các bệnh lý về xương đùi bao gồm cả chấn thương và không do chấn thương. Vì vậy dù được phát hiện sớm và điều trị nội khoa hay vật lý trị liệu cũng không tác động được nhiều do các tế bào xương và sụn ở xương đùi đã bị hoại tử hoàn toàn vì không được cung cấp máu. Hậu quả cuối cùng của hoại tử chỏm xương đùi là viêm khớp mạn tính không đáp ứng với thuốc, sụp đầu xương đùi và cuối cùng là tàn phế (không còn khả năng vận động của khớp). Việc phát hiện bệnh sớm và được điều trị ngoại khoa (thay khớp háng...) sẽ mang lại hiệu quả.
Tóm lại, có những dấu hiệu nghi ngờ hoại tử chỏm xương đùi, bạn cần nhanh chóng tìm các bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán và nếu đã có chẩn đoán thì nên phẫu thuật hay không, loại phẫu thuật nào thì sẽ do bác sĩ chuyên khoa giải thích và chọn lựa. Người bệnh cần chấm dứt lạm dụng rượu và thuốc lá để hạn chế tối đa xảy ra chứng bệnh này.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số 02257309888 hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.