Tiểu đường là căn bệnh nghiêm trọng, ảnh hưởng tới nhiều bệnh lý khác. Bởi vậy, mỗi người đều tìm các giải pháp nhằm làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Trong đó, khá nhiều người băn khoăn: Ăn hoa quả ngọt có bị tiểu đường không? Bệnh nhân tiểu đường nên ăn và nên hạn chế hoa quả gì?
1. Giải đáp: Thường xuyên ăn hoa quả ngọt có bị tiểu đường không?
Thực tế, trong các loại thực phẩm được chế biến từ sữa, hoa quả, rau củ,... đều chứa một lượng đường tự nhiên. Bên cạnh đó, đường còn có trong siro, sinh tố, mật ong, nước ép hoa quả, nước ngọt có gas, nước tăng lực, các loại bánh kẹo,...
Phần lớn mọi người đều cho rằng: Khi cơ thể dung nạp quá nhiều thực phẩm nhiều đường sẽ gây ra bệnh tiểu đường. Vậy thói quen ăn đồ ngọt nhiều có bị tiểu đường không? Thường xuyên ăn trái cây ngọt có bị tiểu đường không? Câu trả lời sẽ phụ thuộc vào từng dạng bệnh tiểu đường. Cụ thể:
- Bệnh tiểu đường tuýp 1: Thói quen ăn nhiều đồ ngọt không thể gây ra bệnh tiểu đường tuýp 1. Lý do là vì dạng bệnh này chỉ xuất hiện khi hệ thống miễn dịch của cơ thể tác động, phá hủy các tế bào tuyến tụy đảm nhận nhiệm vụ sản sinh insulin. Nhìn chung, thói quen ăn uống, sinh hoạt hằng ngày không gây ảnh hưởng tới bệnh tiểu đường tuýp 1;
- Bệnh tiểu đường tuýp 2: Nguyên nhân chính gây tiểu đường tuýp 2 là do tình trạng suy tuyến tụy và hiện tượng cơ thể kháng lại hormone insulin. Với dạng bệnh này, thực phẩm giàu đường không phải là yếu tố gây bệnh trực tiếp. Tuy nhiên, việc ăn quá nhiều đồ ngọt sẽ dễ khiến cơ thể bị thừa cân, béo phì và gia tăng nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 2 (gián tiếp).
Vậy thường xuyên ăn hoa quả ngọt có bị tiểu đường không? Nhìn chung, các loại đồ ngọt, trái cây ngọt không phải là nguyên nhân chính gây bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, mỗi người cần chú ý ăn các loại thực phẩm một cách khoa học vì nếu ăn quá nhiều đồ ngọt, nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, tim mạch và răng miệng sẽ gia tăng.
2. Người bị tiểu đường nên ăn trái cây gì, ăn như thế nào?
Ngoài câu hỏi ăn hoa quả ngọt có bị tiểu đường không, nhiều người cũng quan tâm tới chế độ ăn trái cây cho bệnh nhân đái tháo đường. Theo đó, trái cây là nguồn chất xơ rất tốt cho cơ thể và cung cấp nhiều vitamin A, C, nhóm B cùng các loại khoáng tố vi lượng như natri, kali, canxi, sắt,... Hơn nữa, trái cây còn có hương vị thơm ngon, dễ ăn nên có thể ăn được nhiều, phù hợp với mọi độ tuổi. Và người bệnh tiểu đường cũng nên ăn trái cây để tăng cường sức khỏe và hệ thống miễn dịch.
2.1 Không cần quá kiêng khem với trái cây ngọt
Hầu hết người bệnh tiểu đường thường ngại ăn những loại trái cây quá ngọt như xoài, nho, hồng xiêm,... Họ thường ăn các loại hoa quả ít ngọt hơn như táo, đu đủ, thanh long, dưa hấu,... để kiểm soát đường huyết. Tuy nhiên, điều quan trọng đối với bệnh nhân là không phải ăn loại trái cây nào mà là ăn với lượng bao nhiêu để không còn lo lắng về nguy cơ tăng đường huyết.
Tiểu đường ăn khế ngọt được không? Thực tế, khi ăn, bệnh nhân vẫn có thể chọn những loại quả ngọt với số lượng vừa phải (khoảng 150 - 200g/ngày) để cơ thể không bị thiếu hụt các nhóm chất mà vẫn không thể bị thừa đường. Ví dụ, 1 quả xoài nặng 300g thì người bệnh có thể ăn khoảng 50g. Nếu vẫn muốn ăn nữa thì có thể ăn tiếp 50g xoài sau 2 giờ tiếp theo để giúp cơ thể dễ dàng hấp thu và chuyển hóa đường.
Ngoài ra, người bệnh tiểu đường nên ăn toàn bộ quả, không nên dùng ở dạng nước ép. Nguyên nhân vì nước ép mất rất nhiều chất xơ, vitamin và khoáng chất. Bên cạnh đó, việc ăn cả quả sẽ tạo cảm giác nhanh no hơn so với uống 1 ly nước ép cùng lượng.
Xem ngay: Những người mắc bệnh tiểu đường có thể ăn xoài?
2.2 Một số loại trái cây phù hợp với người bệnh tiểu đường
Một số loại trái cây ít ngọt tốt mà người bệnh tiểu đường có thể ăn với lượng nhiều hơn:
- Bưởi đỏ: Là lựa chọn lành mạnh cho bệnh nhân tiểu đường. Người bệnh có thể ăn 1/2 trái bưởi đỏ mỗi ngày;
- Quả mâm xôi, quả việt quất: Là các loại quả chứa nhiều chất chống oxy hóa, hàm lượng carbs hấp, nhiều chất xơ và vitamin, rất tốt cho bệnh nhân tiểu đường;
- Đào: Là loại hoa quả giàu vitamin A và C, kali và chất xơ cùng chỉ số đường huyết thấp, tốt cho bệnh nhân tiểu đường;
- Dưa hấu: Giàu vitamin B, C và beta-carotene cùng kali, tốt cho người bệnh tiểu đường. Bệnh nhân có thể ăn 1 miếng dưa hấu/ngày để cung cấp các chất cần thiết cho cơ thể;
- Táo: Chứa nhiều chất oxy hóa, giúp làm giảm lượng cholesterol, làm sạch hệ tiêu hóa và tăng cường hệ miễn dịch. Ngoài ra, táo còn chứa nhiều dưỡng chất giúp tiêu hóa các chất béo trong cơ thể;
- Kiwi: Là loại quả chứa nhiều kali, chất xơ, vitamin C và có hàm lượng carbs thấp, giúp điều chỉnh mức đường huyết cho bệnh nhân tiểu đường;
- Roi: Là loại quả giúp khống chế lượng đường trong máu cho người bệnh tiểu đường;
- Cam: Có hàm lượng vitamin C và kali cao, lượng carb thấp. Đây là loại hoa quả an toàn cho người bệnh tiểu đường.
2.3 Một số lưu ý khác
Trong chế độ ăn uống, bệnh nhân tiểu đường nên lưu ý:
- Ăn trái cây tươi, không nên ăn hoa quả đóng hộp và các loại đã qua chế biến vì những thực phẩm này có nhiều đường cô đặc;
- Nếu ăn hoa quả khô, nên kiểm tra kỹ bảng thành phần. Vì nhà sản xuất có thể sử dụng thêm một số loại đường vào sản phẩm như: Đường mía, đường nghịch đảo, chất làm ngọt,...;
- Hạn chế sử dụng sinh tố, nước ép trái cây bởi 1/3 - 1/2 ly nước ép đã chứa tới 15g carbs. Đặc biệt, vì ở dạng lỏng nên cơ thể sẽ hấp thu đường nhanh hơn, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường;
- Hạn chế ăn vặt hoặc nên ăn vặt lành mạnh: Bạn nên hạn chế các loại thực phẩm như bánh kẹo, socola, nước ngọt (vì có hàm lượng đường khá cao). Thay vào đó, bạn nên chọn thực phẩm ăn vặt tốt cho sức khỏe như các loại hạt không tẩm muối, sữa chua, trái cây ít ngọt,...
Hi vọng bài viết đã giúp người đọc giải đáp được những câu hỏi: Ăn hoa quả ngọt có bị tiểu đường không, bệnh nhân tiểu đường nên ăn trái cây gì với lượng bao nhiêu,... Thực tế, chế độ dinh dưỡng đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc phòng ngừa và điều trị bệnh tiểu đường nên mỗi người cần cân nhắc kỹ tới việc lựa chọn trái cây trong khẩu phần ăn của mình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.