Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Mai Anh - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City. Bác sĩ Nguyễn Thị Mai Anh đã có gần 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Chẩn đoán hình ảnh đặc biệt trong chẩn đoán hình ảnh ung thư vú, giáp.
Bệnh màng trong là một bệnh lý rất thường gặp ở trẻ sinh non, xuất hiện trong khoảng vài giờ đến vài ngày sau khi sinh, có khả năng dẫn đến suy hô hấp và rất nguy hiểm cho sức khỏe của trẻ sơ sinh. Bên cạnh những dấu hiệu lâm sàng thì hình ảnh X – quang phổi bệnh màng trong ở trẻ sinh non cũng đóng vai trò rất quan trọng trong chẩn đoán bệnh lý này.
1. Bệnh màng trong là gì?
Đối với những trẻ em sinh non tháng thì bệnh màng trong là một trong những bệnh lý phổ biến nhất. Bệnh diễn ra trong khoảng vài phút, vài giờ đến vài ngày sau sinh với những biểu hiện của suy hô hấp nặng không do những nguyên nhân như nhiễm khuẩn, nghẹt nước ối, hít phải phân su...
Để chẩn đoán bệnh màng trong ở trẻ sơ sinh thì cần kết hợp những đặc điểm bệnh lý trên lâm sàng và hình ảnh X – quang phổi bệnh màng trong để chẩn đoán được chính xác nhất.
Bệnh màng trong còn có tên gọi khác là hội chứng suy hô hấp sơ sinh thường xảy ra với trẻ sơ sinh với tỷ lệ là 1%, và với những trẻ sơ sinh đẻ non tháng thì tỷ lệ này cao hơn với 10%. Theo một số nghiên cứu, bệnh xảy ra nhiều hơn với trẻ nam và ít hơn với trẻ nữ.
2. Yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh màng trong
Một số yếu tố nguy cơ bao gồm: Sinh non, nhẹ cân khi sinh, mẹ mắc phải bệnh đái tháo đường hoặc tình trạng ngạt khi sinh.
Với sự tiến bộ của y học trong thời gian qua thì bệnh có xu hướng giảm dần theo thời gian, tuy nhiên mức độ nguy hiểm và đe dọa đến tính mạng của bệnh nhi sơ sinh vẫn còn là một vấn đề lớn cần được quan tâm.
Trong hệ thống hô hấp của trẻ thì chất Surfactant đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc điều hòa sức căng bề mặt tại những phế nang bên trong phổi để ngăn chặn tình trạng xẹp phổi ở bệnh nhân. Đối với những trẻ sinh non thì những enzym xúc tác cho quá trình sản xuất Surfactant trong cơ thể chưa phát triển hoàn chỉnh cho đến khi thai được khoảng 34 – 35 tuần tuổi, vì vậy với những trẻ đẻ non thì nguy cơ thiếu hụt Surfactant là rất cao, khiến cho hệ thống phế nang gặp phải những vấn đề bệnh lý nhất định gây ra bệnh màng trong ở trẻ sơ sinh.
3. Tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh màng trong
Một số tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh màng trong cần có để khẳng định một bệnh nhi có mắc phải bệnh màng trong hay không bao gồm:
- Trẻ sinh non
- Những dấu hiệu của tình trạng suy hô hấp sau khi sinh
- Những dấu hiệu của X – quang bệnh phổi màng trong.
Trong đó, một số dấu hiệu lâm sàng cần lưu ý để phát hiện sớm và chẩn đoán chính xác bệnh đó là:
- Tần số thở trên 60 lần/phút
- Dấu hiệu cánh mũi phập phồng
- Dấu hiệu rút lõm hõm ức hay rút lõm những khoang liên sườn.
- Trẻ có dấu hiệu thở rên đối với thì thở ra
- Khám thực thể thấy có dấu hiệu phổi 2 bên thông khí giảm rõ rệt
- Màu sắc da của trẻ thay đổi, xanh xao và tái nhạt hơn, có thể có tình trạng tím đầu chi hoặc tím niêm mạc miệng.
Khi bệnh nhân có những dấu hiệu suy hô hấp trên thì sẽ đánh giá mức độ suy hô hấp thông qua thang điểm Silverman để có thể có những chỉ định điều trị phù hợp trong từng trường hợp, bao gồm 3 mức độ: Không suy hô hấp, suy hô hấp vừa và nặng.
4. Hình ảnh X – quang phổi bệnh màng trong
X – quang phổi bệnh màng trong được xem là một trong những chỉ định cận lâm sàng có giá trị rất cao trong chẩn đoán và điều trị bệnh màng trong ở trẻ sơ sinh.
Một số đặc điểm của hình ảnh X – quang phổi bệnh màng trong ở trẻ sinh non là thể tích phổi giảm đi so với bình thường, hình ảnh lưới hạt dạng lan tỏa cũng như hình ảnh ứ khí ở các nhánh phế quản trong phổi.
Ngoài ra, một số dấu hiệu khác của X – quang phổi bệnh màng trong giúp việc phân chia giai đoạn bệnh được rõ ràng và cụ thể hơn, để có thể áp dụng những biện pháp điều trị phù hợp như sau:
- Giai đoạn 1: Hình ảnh nhu mô phổi xuất hiện những hạt mịn gợi ý đến tình trạng xẹp phổi mức độ vi thể.
- Giai đoạn 2: Những dấu hiệu như giai đoạn một kèm theo hình ảnh ứ khí ở những cây phế quản. Bên cạnh đó, bở của tim cũng có những giới hạn rõ rệt để phân biệt với tổ chức nhu mô phổi.
- Giai đoạn 3: Hình ảnh bóng tim trở nên mờ dần, không thể phân biệt một cách rõ ràng so với những cấu trúc xung quanh, bờ của tim có thể bị xóa đi một phần.
- Giai đoạn 4: Ở giai đoạn này, hình ảnh X – quang phổi bệnh màng trong được đặc trưng bởi tình trạng một màu trắng xóa trên phim, không phân biệt được giữa phổi và tim.
Những dấu hiệu phân chia giai đoạn trên dựa vào kỹ thuật chụp X – quang thường có giá trị sau giờ thứ 6 sau sinh, còn với những giờ đầu sau sinh thì có thể có những dấu hiệu gây nhầm lẫn khi chẩn đoán bệnh màng trong, có thể chẩn đoán nhầm với một số bệnh lý khác như tình trạng dịch vẫn còn thừa trong phổi của trẻ do chưa hấp thụ hoàn toàn.
Do vậy, nếu chụp X – quang không đúng thời điểm thì không thể nhìn thấy rõ được những dấu hiệu của bệnh màng trong. Đặc biệt, với những trẻ có chỉ định chụp X – quang có thở máy với áp lực cao và dùng Surfactant thì hình ảnh X – quang phổi bệnh màng trong sẽ rõ ràng hơn, giúp chẩn đoán được chính xác hơn.
5. Kết luận
X – quang phổi bệnh màng trong là một trong những cận lâm sàng đầu tay để góp phần chẩn đoán bệnh lý màng trong ở trẻ sơ sinh, đặc biệt là những trẻ sinh thiếu tháng. Tuy nhiên, để mang lại hiệu quả cao nhất thì bệnh nhi cần có những chỉ định cụ thể về chụp X – quang như thời gian chụp, tư thể chụp... để những hình ảnh X – quang phổi bệnh màng trong được rõ ràng nhất có thể, giúp cho việc chẩn đoán được thuận lợi hơn.
Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh màng trong
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.