Nhiễm nấm là một tình trạng bệnh lý phổ biến ở mọi độ tuổi, trong đó nấm Candida là chủng nấm có tần suất gây bệnh trên da và niêm mạc nhiều nhất. Các bệnh lý do nhiễm nấm thường được xác định dựa trên hình ảnh vi nấm soi tươi. Vậy nấm Candia là gì và những hình ảnh nấm Candida soi tươi sẽ như thế nào?
1. Thông tin chung về nấm Candida
Candida là một loại nấm men và là nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh nấm cơ hội trên toàn thế giới. Nó cũng là nguyên nhân gây hại phổ biến trên da và niêm mạc của con người. Nấm Candida được tìm thấy trong nhiều môi trường khác nhau, đặc biệt là trên lá, hoa, nước và đất. Nấm
Candida bao gồm khoảng 154 loài, trong số này 6 loại thường gây các bệnh nhiễm trùng ở người nhiều nhất là Candida albicans, sau đó đến các loài như Candida Tropicalis, Candida glabrata, Candida parapsilosis, Candida krusei và Candida lusitaniae.
Candida thường sống ở trên da và bên trong cơ thể con người, chẳng hạn như miệng, móng, cổ họng, âm đạo và ruột mà không gây ra vấn đề gì cho vật chủ. Nấm Candida có thể khởi phát các triệu chứng nếu phát triển ngoài tầm kiểm soát hoặc xâm nhập sâu vào cơ thể. Nghiêm trọng hơn, nó có thể gây nhiễm trùng trong máu và các cơ quan khác trong cơ thể như như thận, tim hoặc não.
2. Hình ảnh nấm Candida soi tươi
Vi nấm soi tươi là một xét nghiệm giúp bác sĩ xác định chính xác bệnh nhân đang nhiễm loại nấm nào. Bệnh nhân sẽ được lấy bệnh phẩm là da, niêm mạc, khí hư âm đạo... những nơi có dấu hiệu của nhiễm nấm, sau đó soi trên kính hiển vi.
Dựa vào kích thước, màu sắc, hình dạng, tính chất mà bác sĩ sẽ xác định chính xác loại nấm gì gây bệnh cho bệnh nhân, từ đó đưa ra những phương pháp điều trị hợp lý. Dưới đây là một số hình ảnh nấm Candida phổ biến có thể nhìn thấy qua soi tươi.
Nấm Candida albicans
Nấm Candida albicans thuộc dạng vi nấm kích thước rất nhỏ, mỗi cá thể thường trong suốt, kích thước bé nhất chỉ khoảng 5/1000mm.
Nấm Candida albicans có rất nhiều kiểu hình khác nhau tùy theo chu kỳ sống và ảnh hưởng của môi trường. Ít nhất có đến 7 kiểu hình khác nhau được phát hiện, trong đó nó từ dạng như hình trứng (tế bào hạt mẹ) có thể chuyển đổi thành dạng sợi nấm có màu trắng đục. Nếu gặp bất lợi, nấm Candida albicans hoá thành dạng bào tử gọi là Chlamydospores, giúp nó tồn tại rất lâu dài. Ngược lại, nếu môi trường sống thuận lợi thì nấm có thể phát triển khá to hơn.
Candida Tropicalis
Candida Tropicalis là một dạng nấm men được biết là có khả năng gây bệnh trên vật chủ giảm bạch cầu trung tính và lan truyền qua đường máu đến các cơ quan ngoại vi. Nó có liên quan chặt chẽ với Candida albicans về khả năng gây bệnh và các đặc điểm lâm sàng. Đây là một loại nấm toàn thân phổ biến, ảnh hưởng đến những người có hệ miễn dịch bị suy giảm và bị ức chế miễn dịch.
Candida Tropicalis thường có màu kem với các sợi nấm và tế bào nấm. Candida Tropicalis có thể tạo ra một lớp màng mỏng bề mặt và bong bóng. Dưới hình ảnh hiển vi, Candida Tropicalis tạo ra các bào tử phôi hình bầu dục nằm dọc theo các giả sợi dài. Các phôi bào tử có thể xuất hiện đơn lẻ hoặc thành cụm, các nhánh giả nhiều. Candida Tropicalis cũng có thể tạo ra sợi nấm thật
Candida glabrata
Candida glabrata trước đây được gọi là Torulopsis glabrata, là một trong những loài Candida phổ biến nhất, sống hòa đồng trong vật chủ là người. Nó không gây bệnh cho người khỏe mạnh. Tuy nhiên, nó đã được phát hiện là cũng gây ra bệnh nấm Candida ở những người có cơ địa với chức năng miễn dịch bị ức chế bao gồm bệnh nhân HIV/ AIDS, bệnh nhân tiểu đường, bệnh nhân hóa trị, bệnh nhân cấy ghép nội tạng, bệnh nhân phẫu thuật nội trú. Do đó, nó là một loài nấm Candida gây bệnh được biết đến là nguyên nhân gây ra nhiễm trùng Candida ở những vật chủ có hệ miễn dịch suy yếu.
Không giống như các loài nấm Candida khác có bản chất là lưỡng hình, Candida glabrata ở dạng không biến hình, tồn tại là phôi bào nhỏ. Candida glabrata có kích thước rất nhỏ, 1 đến 4 μm nhỏ hơn đáng kể so với Candida albicans. Candida glabrata có hình giống các khuẩn lạc tương đối tròn, tụm trung thành cụm nhiều tế bào nấm, lấp lánh, mịn, màu kem.
Candida parapsilosis
Candida parapsilosis là một loại nấm men được biết là có thể gây nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng vết thương và nhiễm trùng mô ở những bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch, đặc biệt là trẻ sơ sinh và bệnh nhân trong phòng chăm sóc đặc biệt. Độc lực của Candida parapsilosis có liên quan đến việc tiết ra các enzym thủy phân, sự hiện diện của chất kết dính và sự hình thành màng sinh học.
Tế bào nấm Candida parapsilosis có hình bầu dục, hình tròn hoặc hình trụ. Những tế bào này tồn tại ở nhiều dạng di truyền hình thái. Candida parapsilosis không hình thành sợi nấm thực sự và tồn tại ở giai đoạn nấm men hoặc dạng giả sợi nấm.
Candida krusei
Candida krusei là một loại nấm gây bệnh bệnh viện mới được phát hiện và chủ yếu được tìm thấy ở những người bị suy giảm miễn dịch và những người có khối u ác tính về huyết học. Ngoài ra, Candida krusei còn tham gia vào quá trình sản xuất Chocolate.
Dưới hình ảnh soi tươi, Candida krusei có các sợi nấm giả phong phú được hình thành với số nhánh nhỏ, có kích thước ngắn.
Candida lusitaniae
Candida lusitaniae là là một loại nấm men đơn bội cơ hội và là nguyên nhân gây nhiễm trùng ở người, thường gặp nhất ở những bệnh nhân suy giảm miễn dịch thường mắc các bệnh đi kèm.
Candida lusitaniae là một sinh vật lưỡng hình tạo ra các tế bào nấm men hình trứng, hình elip hoặc hình thon dài có kích thước 2–6 × 2–10 μm, có màu sắc và hình dạng như kem, mềm, mịn. Candida lusitaniae không có khả năng phát triển sợi nấm thật.
3. Dấu hiệu nhiễm nấm Candida
Nấm Candida có thể hình thành ở mọi khu vực da, niêm mạc trên cơ thể như ở niêm mạc miệng, âm đạo, tay chân, móng...
- Nấm Candida miệng thường có những dấu hiệu như các mảng trắng trên má trong, lưỡi, vòm miệng và cổ họng, đỏ hoặc đau nhức, cảm giác như bông trong miệng, mất vị giác, đau khi ăn hoặc nuốt, nứt và đỏ ở khóe miệng...
- Nấm Candida âm đạo là một tình trạng phổ biến ở phụ nữ, ước tính có khoảng 90% phụ nữ bị nấm Candida âm đạo ít nhất 1 lần trong đời và khoảng 50% trong số đó bị tái phát hoặc kéo dài dai dẳng. Các triệu chứng nhiễm Candida âm đạo bao gồm ra khí hư đóng thành cục, hoặc thành mảng trắng như váng sữa, âm hộ và âm đạo viêm đỏ, phù nề, có thể gây tiểu tiện đau buốt.
- Nhiễm nấm ở vùng kẽ như cổ, chân, tay, bẹn, kẽ mông, nếp dưới vú... thường có triệu chứng ban thành đám đỏ, trợt, láng bóng hoặc nứt da, đóng vảy, bong tróc da, một số trường hợp có ranh giới rõ kèm tổn thương vệ tinh, ngứa nhiều, bỏng rát...
- Nhiễm nấm ở móng và quanh móng tay móng chân thường do tiếp xúc với nước bẩn hoặc các vật dụng bẩn. Triệu chứng thường là vùng da quanh móng viêm đỏ, da tách khỏi bản móng, nặn ra mủ ở kẻ móng, tổn thương từ chân móng lan dần ra, trở nên đục, xù xì, bong tróc, biến đổi màu, thường chỉ bị một hoặc vài móng, hiếm khi gặp ở tất cả các móng.
Nấm Candida có rất nhiều loại và mỗi loại thường có đặc điểm khác nhau. Đây cũng là một tác nhân gây bệnh cho da và niêm mạc phổ biến ở mọi lứa tuổi. Hiện nay, có rất nhiều phương tiện giúp chẩn đoán tình trạng này, trong đó thông dụng nhất vẫn là vi nấm soi tươi. Các hình ảnh nấm candida soi tươi sẽ giúp cho bác sĩ biết chính xác bệnh nhân đang nhiễm loại nào, từ đó đưa ra được chẩn đoán cùng với phương pháp điều trị phù hợp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.