Xét nghiệm viêm gan B âm tính là mục tiêu cao nhất trong quá trình điều trị bệnh. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy số lượng virus không còn nhiều. Tuy nhiên, sau quá trình điều trị, người bệnh nên thực hiện chế độ sống lành mạnh kèm theo tập thể dục thường xuyên để cải thiện tình trạng sức khỏe và tránh tái phát.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Nhật - Bác sĩ Chuyên khoa truyền nhiễm - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
1. Xét nghiệm viêm gan B âm tính mang những ý nghĩa gì?
1.1 HbsAg (-) âm tính
Xét nghiệm HbsAg dùng để chẩn đoán viêm gan B. Nếu kết quả xét nghiệm dương tính, điều này chỉ ra rằng người thực hiện xét nghiệm đã nhiễm viêm gan B. Ngược lại, nếu kết quả xét nghiệm viêm gan B âm tính thì mọi người không bị viêm gan B.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân như lỗi kỹ thuật hoặc sử dụng các xét nghiệm có độ nhạy thấp nên vẫn có nhiều trường hợp dẫn đến kết quả âm tính giả, khiến cho việc phát hiện những người có nồng độ viêm gan B thấp trở nên không khả thi.
1.2 HBV-DNA (-) âm tính
Phương pháp được thực hiện để tầm soát virus ở ngưỡng nhất định. Nếu kết quả xét nghiệm HBV-DNA là âm tính, điều này có nghĩa là không thể phát hiện virus viêm gan B trong cơ thể. Trong trường hợp viêm gan B cấp tính thì đây là tín hiệu tích cực nhưng với người bệnh mãn tính, kết quả này chỉ cho thấy rằng số lượng virus không nhiều.
Kết quả âm tính với HBV-DNA cho thấy quá trình điều trị đang có xu hướng tích cực vì chỉ số này cho biết khả năng lây nhiễm của virus đã giảm. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là virus đã bị tiêu diệt hoàn toàn mà chỉ giảm xuống dưới mức phát hiện tối thiểu.
Do đó, không chỉ chỉ số định lượng HBV-DNA mà cả chỉ số HbsAg đều quan trọng trong mục tiêu điều trị bệnh. Người bệnh cần theo dõi sức khỏe liên tục hoặc ngừng điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ vì nếu virus tái phát, quá trình điều trị sẽ trở nên rất phức tạp.
Xét nghiệm HbeAg được sử dụng để theo dõi hoạt động của virus đang sinh sôi hoặc đã ngừng hoạt động. Khi xét nghiệm cho kết quả âm tính ở người mắc viêm gan B cấp tính, điều này cho thấy virus đã hoàn toàn biến mất khỏi cơ thể nên khả năng lây nhiễm cho người khác không còn nữa.
Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, virus chỉ đang ở giai đoạn nằm yên và chưa tấn công các tế bào gan. Tuy nhiên, để phòng ngừa bệnh lây lan, những người xung quanh cần chích ngừa phòng viêm gan B. Hơn nữa, khi xét nghiệm viêm gan B âm tính, điều này có thể cho thấy một số khả năng sau: virus đã hoàn toàn bị loại bỏ khỏi cơ thể, virus đã ngừng hoạt động hoặc có sự đột biến xảy ra.
Mục tiêu tối ưu trong điều trị bệnh là xét nghiệm HbsAg (-) về âm tính vì điều này cho thấy người bệnh đã hồi phục sức khỏe và có thể ngừng thuốc điều trị. Tuy nhiên, ngay cả khi đã chữa viêm gan B về âm tính nhưng do cơ thể người bệnh chưa sản sinh kháng thể nên virus vẫn chưa bị loại bỏ hoàn toàn và có khả năng tái hoạt động bất kỳ lúc nào.
Do đó, người mắc viêm gan B, dù có xét nghiệm viêm gan B âm tính sau điều trị, vẫn cần tái khám định kỳ theo khuyến cáo của bác sĩ. Đồng thời, người bệnh cũng cần xây dựng lối sống lành mạnh, ăn uống và nghỉ ngơi hợp lý cũng như loại bỏ các yếu tố có hại để không làm tổn thương và suy yếu gan nhằm phòng tránh nguy cơ virus B tái phát.
Trắc nghiệm: Làm thế nào để bảo vệ lá gan khỏe mạnh?
Làm test trắc nghiệm kiểm tra hiểu biết về gan có thể giúp bạn nhận thức rõ vai trò quan trọng của gan, từ đó có các biện pháp bảo vệ gan để phòng ngừa bệnh tật.2. Không chủ quan với bệnh viêm gan B "thể ngủ"
Phần lớn những người bị viêm gan virus B ở thể ngủ thường tỏ ra chủ quan. Nếu người bệnh vẫn tiếp tục thói quen ăn uống không tốt chẳng hạn như ăn nhiều dầu mỡ, uống bia rượu và không kiểm tra sức khỏe thường xuyên thì có nguy cơ virus sẽ tái hoạt động mạnh mẽ, làm tổn thương gan.
Viêm gan virus B là bệnh lý có sự biến đổi phức tạp theo thời gian, không có triệu chứng rõ ràng và khi gan bị tổn thương có nguy cơ dẫn đến xơ gan hoặc ung thư gan. Vì thế, ngay cả những người lành mang virus hoặc viêm gan virus mạn tính thể không hoạt động, vẫn cần áp dụng các biện pháp để phòng ngừa virus hoạt động trở lại.
Đối với người lành mang HBV, virus ở trạng thái không hoạt động, không ảnh hưởng đến chức năng gan và không cần dùng thuốc điều trị. Thuốc tây y hiện nay chỉ giúp kiểm soát sự bùng phát của HBV trong trường hợp viêm gan B cấp và mạn.
Vì vậy, để ngăn chặn sự bùng phát của virus viêm gan B, người mang virus cần đặc biệt chú ý duy trì sức khỏe tốt và không nên lơ là. Trước tiên, người bệnh cần bảo vệ sức khỏe và nâng cao hệ miễn dịch để không tạo điều kiện cho virus phát triển. Bia rượu và các thức uống có cồn cần tránh hoàn toàn; ngoài ra bệnh nhân cần bỏ thuốc lá và hạn chế tiêu thụ mỡ động vật. Người bệnh cũng nên tham gia các hoạt động thể dục như: aerobic, đi bộ, bơi lội hoặc chơi cầu lông.
Hơn nữa, người nhiễm virus cần dùng bao cao su khi quan hệ tình dục, không hiến máu và tránh dùng chung các vật dụng như dao cạo râu, bơm kim tiêm,... để ngăn ngừa lây nhiễm cho người thân và cộng đồng.
Để theo dõi HBV chặt chẽ và phòng tránh virus tái hoạt động, người bệnh nên thực hiện kiểm tra sức khỏe cùng các xét nghiệm định kỳ mỗi sáu tháng. Các xét nghiệm này bao gồm HBsAg, HBeAg, HBV-DNA và xét nghiệm men gan. Ngoài điều trị theo phương pháp tây y, người bệnh cũng có thể sử dụng các phương pháp từ thảo dược để hỗ trợ điều trị viêm gan B.
Đồng thời, những người bị viêm gan B thể hoạt động nên thăm khám định kỳ mỗi 3-6 tháng tùy thuộc vào tình trạng hoặc theo chỉ định của bác sĩ. Việc điều trị sớm và kiểm soát tốt viêm gan B mạn tính sẽ giúp hạn chế tổn thương gan và ngăn ngừa nguy cơ xơ gan, ung thư gan.
Đường lây nhiễm của viêm gan B bao gồm máu, quan hệ tình dục và từ mẹ sang con. Hiện tại, vaccine đã được phát triển để phòng ngừa hiệu quả căn bệnh này. Vì vậy, việc tiêm phòng là bước đầu tiên và quan trọng nhất để giảm thiểu ảnh hưởng của viêm gan B.
Bên cạnh đó, những người sống xung quanh người bệnh cần tiêm phòng kịp thời và đầy đủ. Nếu công tác tiêm chủng được thực hiện tốt, căn bệnh này sẽ không gia tăng về số ca mắc.
Thạc sĩ. Bác sĩ. Nguyễn Thị Nhật đã có hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thận nhân tạo, và trong lĩnh vực truyền nhiễm, khám và quản lý các bệnh nhân mắc bệnh thận và các bệnh truyền nhiễm. Hiện đang là Bác sĩ Chuyên khoa truyền nhiễm Khoa Nội tổng hợp Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.