Hiện tượng tâm lý Dejavu khá phổ biến trong cuộc sống của chúng ta. Tuy nhiên, có rất nhiều người vẫn chưa biết rõ về hiện tượng này và phần lớn mọi người cũng chưa nhận ra được là mình đã từng gặp phải hiện tượng này trong đời. Vậy Dejavu là hiện tượng tâm lý như thế nào và có đặc điểm ra sao?
1. Dejavu là gì?
Hiện tượng tâm lý Dejavu được mô tả là hiện tượng mà một người cảm thấy rằng mình đã sống qua hoàn cảnh đó trong quá khứ với đúng nghĩa đên là “đã thấy”. Có một số trường phái giải thích Dejavu là một hiện tượng huyền bí. Tuy nhiên theo khoa học chính thống đã bác bỏ cách giải thích Dejavu thuộc phạm trù “tiên tri”.
Khi hỏi những người đã trải qua cảm giác này thì họ mô tả lại rằng họ có một cảm giác vô cùng quen thuộc đối với một sự việc hoặc một tình huống nào đó xảy ra trong cuộc sống của mình. Mặc dù trên thực tế thì tình huống, sự việc ấy chưa từng xảy ra trong quá khứ, hoặc chưa hề xuất hiện kể cả trong những giấc mơ của họ.
Ví dụ khi bạn đang tham quan một danh lam thắng cảnh, và đột nhiên bạn cảm thấy như mình đã đến nơi này trước đây. Hoặc có thể gặp tình huống đang ăn tối với một nhóm bạn và thảo luận về câu chuyện nào đó. Và lúc này, bạn có một cảm giác rằng bạn đã trải qua sự việc này và cảm nhận nó rất là quen thuộc.
2. Phân loại hiện tượng tâm lý Dejavu
Hiện tượng tâm lý Dejavu được chia thành 2 loại chính như sau:
- Dejavu có liên quan đến bệnh lý động kinh. Hiện tượng xuất hiện trong thời gian dài hoặc xuất hiện thường xuyên một cách bất thường. Một số trường hợp có thể kết hợp với những biểu hiện khác như xuất hiện ảo giác, hoang tưởng, và thường là dấu hiệu của các bệnh rối loạn tâm thần.
- Hiện tượng Dejavu không bệnh lý. Thường gặp ở những người khỏe mạnh. Theo các thống kê thì những người hay đi du lịch hoặc xem phim nhiều sẽ gặp qua Dejavu nhiều hơn so với những người khác. Nhiều nghiên cứu chỉ ra là Dejavu giảm dần theo độ tuổi.
3. Dịch tễ học về hiện tượng Dejavu
Hiện tượng tâm lý Dejavu khá là phức tạ và có khá nhiều giả thuyết khác nhau về nguyên nhân. Một học giả người Thụy Sĩ tên là Arthur Funkhouser đã đưa ra giả thuyết về “trải nghiệm deja”. Ông khẳng định rằng để có thể nghiên cứu hiện tượng này tốt hơn, cần phải lưu ý các sắc thái giữa các trải nghiệm.
Có đến 70% dân số cho biết là họ đã từng trải qua một số hình thức tâm lý Dejavu. Tình trạng này xảy ra ở nhóm tuổi từ 15 đến 25 tuổi cao hơn bất kỳ nhóm tuổi nào khác. Dejavu có liên quan mật thiết với chứng động kinh thùy thái dương. Có nhiều nghiên cứu cho rằng, Dejavu có thể xảy ra ngay trước khi lên cơn co giật thùy thái dương.
Một số nhà phân tâm học cho biết Dejavu là sự tưởng tượng đơn giản hoặc sự hoàn thành ước nguyện. Trong khi một số nhà tâm thần học cho rằng nó là sự không khớp trong não khiến bộ não nhầm lẫn hiện tại với quá khứ. Nhiều nhà cận tâm lý học tin rằng nó có liên quan đến tiền kiếp. Rõ ràng là chúng ta cần phải thực hiện nhiều cuộc nghiên cứu hơn về hiện tượng tâm lý này.
4. Dejavu có thể là một hiện tượng trí nhớ
Trong phòng thí nghiệm, các nhà khoa học đã cố gắng tái tạo hiệu quả hiện tượng tâm lý Dejavu. Vào năm 2006, trong một nghiên cứu của Leeds Memory Group thì các nhà nghiên cứu sẽ tiến hành tạo ra một bộ nhớ cho những bệnh nhân bị thôi miên.
Ký ức đó thường là một điều gì đó đơn giản như chơi một trò chơi hoặc nhìn vào một từ được in ra bằng một màu nhất định. Sau đó, bệnh nhân ở nhiều nhóm khác nhau được làm cho quên hoặc nhớ ký ức. Điều này sau đó có thể kích hoạt cảm giác Dejavu khi họ gặp lại trò chơi hoặc từ.
Các nhà khoa học khác đã cố gắng thực hiện Dejavu bằng các phương pháp sử dụng thực tế ảo. Một nghiên cứu chỉ ra rằng những người tham gia nghiên cứu đã trải qua cảm giác Dejavu khi di chuyển qua trò chơi điện tử thực tế ảo.
Những thí nghiệm này đã làm cho các nhà khoa học dấy lên nghi ngờ rằng Dejavu là một hiện tượng trí nhớ. Chúng ta gặp phải một tình huống giống như một ký ức thực tế nhưng chúng ta không thể nhớ lại đầy đủ về ký ức đó.
Vì vậy, não bộ của chúng ta nhận ra những điểm tương đồng giữa những trải nghiệm hiện tại với những trải nghiệm trong quá khứ. Chúng ta sẽ trải qua một cảm giác quen thuộc nhưng không đầy đủ về kí ức đó.
5. Hiện tượng Dejavu là sự đánh lừa của các giác quan trong cơ thể
Có một giả thuyết cho rằng, Dejavu là một hiện tượng cơ bản trong não bộ. Theo đó, các giác quan ở trong cơ thể của chúng ta đã đánh lừa chính bản thân của chúng ta.
Thông thường, các giác quan đóng một vai trò quan trọng cốt yếu trong vấn đề nhận thức của con người về thế giới xung quanh ta. Theo đó, tín hiệu từ các giác quan sẽ truyền về não bộ. Não bộ cùng các giác quan sẽ đánh lừa chúng ta và khiến cho chúng ta nhận thấy rằng cảm giác đó rất quen thuộc.
Đây có lẽ là 1 giả thuyết dễ hiểu và đơn giản nhất giải thích về Dejavu. Cũng tương tự như phần lớn các giả thuyết khác về Dejavu, các giác quan trong cơ thể chúng ta đã thật sự đánh lừa cảm nhận của con người. Trong khi thực tế, chúng ta không có cách nào để kiểm tra được nó.
6. Dejavu có thể là do lỗi biên mục cơ bản
Một giả thuyết khác lại cho rằng: Trí nhớ dài hạn và ngắn hạn của não bộ có thể gặp sự cố. Tình trạng này làm cho bộ phận lưu trữ thông tin của não làm việc không đúng quy trình. Nó sẽ tạo nên một số lỗi biên mục cơ bản, tương tự như lỗi khi chúng ta biên tập một kịch bản nào đó.
Ví dụ bạn đang đi dự một bữa tiệc mừng tại một căn nhà mà bạn chưa từng đến đó bao giờ. Tuy nhiên, khi bạn mới bước vào, bạn lại cảm thấy dường như mình đã ở từng thấy khung cảnh, sự việc này trong quá khứ. Từ nội thất của căn nhà, hay cảnh mọi người trò chuyện, hay hương vị của các món ăn,... Bạn sẽ bị thuyết phục như thể mình đã từng trải nghiệm sự việc này trong quá khứ. Đó chính là do hiện tượng tâm lý Dejavu.
Nguyên nhân từ đâu mà ra? Đó chính là bộ não của bạn không thực hiện tốt được chức năng cơ bản của nó. Bộ não đáng ra sẽ lưu giữ các thông tin mới ngắn hạn khi mà bạn tham gia bữa tiệc thì nó lại đưa vào danh mục trí nhớ dài hạn, và điều này khiến cho bạn có cảm giác rằng sự việc ấy đã từng xảy ra. Chẳng hạn như trong một quá khứ xa xôi nào đó.
7. Hiện tượng tâm lý Dejavu có thể liên quan đến trí nhớ kém
Một giả thuyết giải thích về sự phát sinh hiện tượng tâm lý Dejavu là do các bộ phận của não bộ hoạt động chưa được đồng bộ với nhau. Vùng vỏ não Rhinal cortex đóng vai trò kích hoạt cảm nhận quen thuộc và đôi khi nó cũng gặp sự cố giống như máy móc điện tử. Vùng vỏ não bị kích hoạt nhưng lại không đánh thức các trung khu xử lý bộ nhớ khác hoạt động song song với nó.
Điều này có thể giải thích vì sao chúng ta đôi khi thật rất khó diễn đạt cảm giác khi gặp Dejavu. Nó thường là một cảm giác quen thuộc mơ hồ. Tuy nhiên, cảm giác quen thuộc ấy không hề tập trung vào cụ thể một đối tượng hay một sự việc cụ thể.
8. Hiện tượng Dejavu có thể là biểu hiện của bệnh động kinh
Có thể nhiều người chưa thực sự biết đến là người bị bệnh động kinh thường xuất hiện nhiều hơn hiện tượng tâm lý Dejavu so với người thường.
Theo một số nghiên cứu, có nhiều bệnh nhân động kinh cho biết rằng họ có cảm giác Dejavu trước khi bắt đầu xuất hiện cơn động kinh. Trên thực tế, mối liên quan giữa bệnh động kinh và Dejavu đã được đề cập từ năm thế kỷ 19 mặc dù ở thời điểm này, nền y học của chúng ta chưa thực sự phát triển.
Cụ thể, thùy thái dương là căn nguyên của hiện tượng Dejavu. Đây là một phần của bộ não mà có liên quan đến sự cảm nhận giác quan, hình thành ngôn ngữ và sự kết hợp về trí nhớ. Khi bị động kinh, các nơron thần kinh bị ức chế tạm thời và hậu quả là tạo ra những các thông điệp lộn xộn được lan truyền khắp cơ thể.
Hiện tượng Dejavu có thể là kết quả của tình trạng phóng điện nhất thời từ các dây thần kinh, và sự phóng điện này chính là thủ phạm gây ra cơn động kinh. Khi có sự chồng chéo các dây thần kinh cũng là nguyên nhân hình thành nên Dejavu.
9. Hiện tượng Dejavu có thể là hậu quả của tổn thương não
Dejavu mãn tính là tình trạng nghiêm trọng, đồng thời cũng là hậu quả chứng tỏ căn nguyên thần kinh là thủ phạm khiến cho Dejavu tái phát. Trong rất nhiều trường hợp, những người gặp chứng Dejavu mạn tính thường không thích đọc báo hoặc xem truyền hình. Bởi vì họ luôn có một cảm giác như đã đọc hoặc xem những thứ này trước đây. Ngay cả việc họ đi mua sắm, đi siêu thị đối với họ thật sự là nỗi ám ảnh, bởi vì họ không thể nào phân biệt được vật dụng nào họ đã từng mua và chưa từng mua. Trong những trường hợp như vậy, hiện tượng Dejavu xảy ra rất tình cờ và trở thành một căn bệnh thực thể.
Các nhà nghiên cứu đã khám phá ra rằng những người bị chứng Dejavu mạn tính thường có tổn thương ở não. Đặc biệt là ở vị trí thùy thái dương hoặc thùy trán. Nặng nề hơn, cuộc sống hàng ngày của họ cũng trở nên khó khăn hơn vì bị Dejavu ám ảnh.
10. Dejavu và những giấc mơ
Những giấc mơ cũng có thể được áp dụng để giải thích hiện tượng Dejavu, và chúng có liên quan đến ba khía cạnh khác nhau:
- Thứ nhất, một số trải nghiệm Dejavu trùng lặp với những tình huống trong mơ thay vì tình trạng thức giấc. Theo khảo sát của Brown (2004) thì có tới 20% số người được hỏi cho biết trải nghiệm Dejavu của họ là từ những giấc mơ. 40% số người được hỏi cho biết rằng họ gặp từ cả ngoài đời thực và cả trong giấc mơ.
- Thứ hai, mọi người có thể trải nghiệm Dejavu vì một số yếu tố trong giấc mơ được ghi nhớ của họ đã được hiển thị ra ngoài. Nghiên cứu được thực hiện bởi Zuger (1966) đã động thuận với ý tưởng này. Thông qua phương pháp điều tra mối quan hệ giữa những giấc mơ được nhớ và trải nghiệm Dejavu cho kết quả là có một mối tương quan mật thiết.
- Thứ ba, mọi người có thể trải nghiệm Dejavu trong trạng thái mơ, điều này đã phần nào thể hiện mối liên kết giữa Dejavu với tần suất xuất hiện giấc mơ.
Tóm lại, chúng ta vẫn cần phải có thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa để giải thích hiện tượng tâm lý Dejavu. Mặc dù đối với nhiều người thì đây là một hiện tượng khá thú vị. Tuy nhiên, khi gặp phải tình trạng Dejavu mãn tính, gây ám ảnh thì con người thì cần phải được điều trị. Chẳng hạn như điều trị bệnh động kinh hay là điều trị tổn thương thực thể ở não.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.