Hiến máu có ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt hay không vẫn là điều nhiều người thắc mắc. Mặc dù, hiến máu là một hành động cao đẹp, nhưng việc mất máu trong ngày có kinh liệu có gây ra những bất thường nào hay không? Hãy tìm hiểu kỹ hơn về mối liên hệ giữa hiến máu và chu kỳ kinh nguyệt, cũng như những điều cần lưu ý trong thời gian này.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc Trung tâm Sức khoẻ phụ nữ và Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Hiến máu có ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt không?
Theo quy định, lượng máu hiến tặng mỗi lần không được vượt quá 9ml/kg cân nặng của từng người. Dựa trên thể trạng cụ thể, bác sĩ sẽ quyết định người hiến có thể hiến bao nhiêu máu trong một lần, đồng thời đảm bảo ít nhất một đơn vị máu có thể được hiến mà không ảnh hưởng đến sức khỏe của người hiến. Đối với phụ nữ đang có kinh, việc hiến máu có ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt không là vấn đề cần được quan tâm.
Việc hiến máu không ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ. Cơ thể con người có khả năng thay thế lượng máu đã hiến trong vòng 48 giờ và các tế bào hồng cầu sẽ được tái tạo hoàn toàn trong vòng 4-8 tuần. Hơn nữa, chu kỳ kinh nguyệt được điều chỉnh bởi sự cân bằng nội tiết tố, trong khi lượng máu hiến chỉ chiếm một phần nhỏ so với tổng lượng máu trong cơ thể nên không gây ra sự thay đổi đáng kể đối với cân bằng nội tiết.
Tuy nhiên, đối với một số phụ nữ sẽ xuất hiện những thay đổi nhỏ như:
- Chu kỳ kinh nguyệt không đều, có thể đến sớm hoặc muộn hơn vài ngày.
- Lượng máu kinh có thể ít hơn hoặc nhiều hơn bình thường.
- Cảm giác đau bụng kinh nhẹ.
Dù vậy, những thay đổi này thường chỉ là tạm thời và sẽ tự điều chỉnh sau 1-2 chu kỳ kinh nguyệt tiếp theo.
2. Phụ nữ đến kỳ kinh có hiến máu được không?
Hiện nay, chưa có quy định nào cấm nữ giới hiến máu trong kỳ kinh nguyệt. Vì thế, phụ nữ trong kỳ kinh nguyệt vẫn có thể hiến máu nếu đáp ứng đủ các tiêu chuẩn về tuổi, sức khỏe và các điều kiện khác quy định của Nhà nước.
Tuy nhiên, các chuyên gia y tế khuyến cáo phụ nữ không nên hiến máu vào thời gian này vì một số lý do. Trong kỳ kinh, cơ thể đã mất một lượng máu đáng kể, việc hiến thêm máu có thể dẫn đến suy nhược, chóng mặt hoặc ngất xỉu.
Hơn nữa, vào thời điểm này, cơ thể dễ rơi vào trạng thái mệt mỏi, thiếu máu, hạ huyết áp và nhiều người còn gặp các triệu chứng như đau lưng, đau ngực, đau bụng kinh hoặc rong kinh, khiến việc hiến máu không phù hợp. Ngoài ra, nhiều tế bào bong tróc có thể lẫn trong máu trong chu kỳ kinh nguyệtsẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng máu hiến tặng.
3. Lưu ý sau khi hiến máu
Ngoài tìm hiểu vấn đề hiến máu có ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt không, chị em phụ nữ cũng nên lưu ý một số vấn đề sau khi hiến máu để hạn chế tình trạng rối loạn kinh nguyệt xảy ra.
- Nghỉ ngơi hợp lý: Sau khi hiến máu chị em nên dành 1 đến 2 ngày để nghỉ ngơi, ngủ đủ 8 tiếng.
- Tránh vận động quá sức: Chị em nên tránh lao động, làm việc căng thẳng và tập thể thao đòi hỏi tốn nhiều thể lực.
- Tránh uống trà đậm đặc: Trong vòng 1 tháng sau khi hiến máu chị em không nên uống trà đậm đặc vì trong trà có chứa acid tannic làm ảnh hưởng đến quá trình tái tạo máu mới.
- Đảm bảo chế độ dinh dưỡng cân bằng: Phụ nữ sau khi hiến máu có thể bổ sung trái cây, rau củ, sữa, thịt… Lưu ý, không cần tiêu thụ thức ăn quá mức.
- Bổ sung chất dinh dưỡng tốt cho máu: Bổ sung thêm sữa, thịt nạc, trứng, nấm mèo đen, chế phẩm từ đậu, sứa, tôm, mè, rong biển, thịt bò, cật heo, gan heo,... Vì những loại thực phẩm này giàu sắt, protein, vitamin B12 và acid folic, hỗ trợ quá trình tái tạo máu tốt hơn.
4. Thời điểm phù hợp để phụ nữ hiến máu
Mặc dù hiến máu là một hành động cao đẹp nhưng chị em phụ nữ vẫn nên lựa chọn thời điểm thích hợp để hiến máu. Điều này không chỉ liên quan đến sức khỏe bản thân mà còn đảm bảo chất lượng máu hiến tặng.
Dưới đây là những thời điểm thích hợp chị em có thể thực hiện hiến máu:
- Sau khi kết thúc kỳ kinh 5 đến 7 ngày.
- Hiến máu khi tình trạng sức khỏe tốt và không dùng bất kỳ loại thuốc điều trị bệnh lý nào.
- Ăn uống đầy đủ trước khi hiến máu.
- Khi tình trạng tinh thần thoải mái.
Tóm lại, việc hiến máu không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ, bởi chu kỳ này chủ yếu do sự cân bằng nội tiết tố điều chỉnh. Tuy nhiên, một số phụ nữ có thể gặp những thay đổi tạm thời sau khi hiến máu nhưng các triệu chứng này thường biến mất trong vòng một đến hai chu kỳ tiếp theo.
Để đảm bảo sức khỏe tốt nhất, chị em nên lắng nghe cơ thể và tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi quyết định hiến máu, đặc biệt là trong những ngày có kinh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.