Hẹp van động mạch chủ ở trẻ em có thể làm cản trở dòng máu lưu thông, khiến tim phải làm việc nhiều hơn để có thể cung cấp máu giàu oxy cho các bộ phận khác trên cơ thể. Đây là một tình trạng cần phải được điều trị kịp thời để trẻ có thể tránh những biến chứng nguy hiểm về sau.
1. Tình trạng hẹp van động mạch chủ ở trẻ em
Hẹp van động mạch chủ là hiện tượng lỗ van bị thu hẹp, cản trở máu đi từ tâm thất trái qua động mạch chủ rồi lưu thông khắp cơ thể. Tình trạng này khiến tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu đến các bộ phận còn lại của cơ thể.
Để đẩy máu qua van động mạch chủ bị hẹp, tâm thất trái phải bơm mạnh hơn. Một số trường hợp, tim sẽ không cung cấp đủ máu giàu oxy cho cơ thể. Ở trẻ sơ sinh, tâm thất trái có thể bị căng đột ngột sau khi sinh và khả năng bơm máu không được tốt.
Khi tình trạng hẹp van động mạch chủ không quá nghiêm trọng, trẻ hầu như không có bất kỳ triệu chứng nào. Chỉ khi tình trạng hẹp van trở nên nặng lên, lúc này trẻ có thể dần xuất hiện các triệu chứng như mệt mỏi, đau ngực, khó thở hoặc ngất xỉu khi vận động. Trẻ sơ sinh bị hẹp van động mạch chủ mức độ nặng được xem là một khuyết tật tim bẩm sinh và cần phải được điều trị sớm.
2. Nguyên nhân gây bệnh
Hẹp van động mạch chủ ở trẻ em có thể xuất phát từ một số nguyên nhân khác nhau:
- Dị tật bẩm sinh: Đây là nguyên nhân phổ biến nhất. Trẻ có thể sinh ra với van động mạch chủ không phát triển đầy đủ hoặc có cấu trúc bất thường.
- Các bệnh lý di truyền: Một số bệnh di truyền như hội chứng Turner (ở nữ) hoặc bệnh bạch cầu có thể liên quan đến hẹp van động mạch chủ.
- Bệnh lý viêm nhiễm: Nhiễm trùng như viêm nội tâm mạc cũng có thể gây hẹp van do sùi hoặc dính lá van.
- Yếu tố môi trường hoặc thuốc: Tiếp xúc với một số yếu tố môi trường độc hại hoặc thuốc trong khi mang thai cũng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của van tim ở thai nhi.
3. Triệu chứng hẹp van động mạch chủ ở trẻ nhỏ
Trẻ sơ sinh bị hẹp van động mạch chủ nặng có khả năng trở nên cáu kỉnh, chán ăn, đổ mồ hôi nhiều, khó thở, da nhợt nhạt hoặc xám không tự nhiên, tay chân lạnh và nhịp tim nhanh.
Hầu hết tình trạng hẹp van động mạch chủ ở trẻ em mức độ nhẹ đều không có bất kỳ triệu chứng nào. Tuy nhiên, khi tình trạng hẹp trở nên nghiêm trọng hơn, trẻ có thể cảm thấy mệt mỏi, khó thở, đánh trống ngực (cảm giác tim đập nhanh), ngất xỉu hoặc đau ngực khi chơi thể thao hoặc các hoạt động thể chất cường độ cao.
Ở thanh thiếu niên, tình trạng hẹp van động mạch chủ nghiêm trọng có thể dẫn đến tử vong đột ngột, nhất là khi tập thể dục, nguyên nhân do nhịp tim thất thường khi lưu lượng máu qua động mạch vành đến tim kém.
4. Phương pháp chẩn đoán bệnh
Bác sĩ có thể phát hiện tình trạng hẹp van động mạch chủ sau khi nghe tiếng thổi của tim - âm thanh xuất hiện khi dòng máu đi qua van tim bị thu hẹp hoặc cấu trúc tim bất thường.
Mạch ở tay và chân của trẻ có thể yếu hơn bình thường. Trẻ sơ sinh có thể xuất hiện các dấu hiệu sau: mạch rất yếu hoặc không có, lượng máu đến cơ thể kém, tay chân lạnh, da xanh xám, khó thở và gan phình to.
Siêu âm tim là phương pháp được sử dụng trong chẩn đoán hẹp van động mạch chủ. Phương pháp này giúp cho bác sĩ xác định được mức độ hẹp của van, tâm thất trái có dày lên hoặc căng lên hay không, hoạt động của tim có bị yếu đi sau khi bơm máu qua van bị thu hẹp không.
5. Điều trị hẹp van động mạch chủ ở trẻ em
Gia đình và bệnh nhi phải tuân thủ tuyệt đối hướng dẫn của bác sĩ trong suốt quá trình điều trị. Một số phương pháp điều trị hẹp van động mạch chủ ở trẻ em gồm:
- Đặt ống thông tim và nong van bằng bóng
- Thuốc prostaglandin: Trẻ sơ sinh bị hẹp van động mạch chủ nặng có thể cần được tiêm loại thuốc này để giữ cho ống động mạch mở. Ống động mạch thường sẽ đóng lại sau khi sinh, nhưng nó có thể giúp cung cấp máu cho cơ thể khi van động mạch chủ bị hẹp. Sau đó, trẻ cần được phẫu thuật hoặc nong van bằng bóng để điều trị hẹp van động mạch chủ.
- Đối với trẻ bị hẹp hoặc có triệu chứng hẹp van động mạch chủ nặng thì phải phẫu thuật mở rộng hoặc thay van động mạch chủ. Việc mở rộng van có thể được thực hiện bằng cách nong van bằng bóng hoặc phẫu thuật. Đối với nong van bằng bóng, bác sĩ sẽ đưa một ống thông nhỏ, đầu ống có gắn một quả bóng vào đoạn van bị thu hẹp thông qua tĩnh mạch đùi. Quả bóng được bơm căng lên và dùng để kéo căng lỗ van bị thu hẹp.
- Phẫu thuật là phương pháp thường được áp dụng để điều trị tình trạng hẹp van động mạch chủ. Nếu van tim vẫn có thể sửa chữa, các bác sĩ sẽ không chỉ định thay thế van tim. Ngược lại, nếu van tim không thể sửa chữa được thì có thể thay thế bằng van nhân tạo cơ học, van sinh học hoặc ghép van tự thân - phẫu thuật Ross (từ van động mạch phổi của trẻ).
Trẻ em sử dụng van nhân tạo cơ học phải dùng thuốc chống đông máu, chẳng hạn như warfarin, để ngăn ngừa hình thành cục máu đông.
Trẻ em được thay van cần phải dùng thuốc kháng sinh trước khi đến gặp nha sĩ và trước một số ca phẫu thuật nhất định (chẳng hạn như phẫu thuật đường hô hấp). Những loại kháng sinh này được sử dụng để ngăn ngừa tình trạng viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.