Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ. BSCK II Phan Thị Minh Hương - Bác sĩ Nội tiêu hóa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Hẹp môn vị, còn được biết là tắc nghẽn môn vị, bệnh này xảy ra đa phần ở trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi, đặc biệt với bé nam. Triệu chứng thường gặp ở người bệnh là: nôn ói, cơn đau do co thắt dạ dày, mất nước, sụt cân.
1. Hẹp môn vị là gì?
Môn vị nằm ở cuối dạ dày chỗ tiếp nối với hành tá tràng. Môn vị là bộ phận như một van cơ bắp giữ thức ăn trong dạ dày cho đến khi thức ăn sẵn sàng để được chuyển xuống ruột non và tiếp tục quá trình tiêu hóa
Hẹp môn vị là hội chứng với biểu hiện chung là tình trạng lưu thông thức ăn, dịch dạ dày xuống tá tràng bị cản trở hoặc đình trệ hoàn toàn. Cụ thể, hiện tượng thức ăn bị ứ đọng lại trong dạ dày không xuống ruột được hoặc xuống rất hạn chế.
Hậu quả của hẹp môn vị sẽ dẫn đến dạ dày bị giãn to, dịch và thức ăn ứ đọng ở dạ dày sau 6 giờ vẫn chưa lưu thông hết.
2. Nguyên nhân hẹp môn vị
Có rất nhiều nguyên nhân gây bệnh, vì vậy các bậc cha mẹ không được chủ quan trước các biểu hiện của bệnh. Bởi, có những nguyên nhân lành tính nhưng cũng có những ác tính, có thể gây nguy hiểm cho người bệnh. Nếu không được điều trị kịp thời sẽ nhanh chóng dẫn đến rối loạn chuyển hóa nước, điện giải, toàn thân suy kiệt do lưu thông dạ dày - ruột bị đì.
Có thể thấy, trong cơ thể con người, da dày bao gồm tâm vị, phình vị, thân vị, hạng vị, môn vị. Vì thế, môn vị và dạ dày có mối quan hệ mật thiết với nhau và ảnh hưởng lẫn nhau. Khi một bộ phận nào đó của dạ dày bị tổn thương (viêm, loét, ung thư) đều có ảnh hưởng đến môn vị, và ngược lại, khi môn vị không bình thường đều có ảnh hưởng đến các bộ phận khác của dạ dày và hành tá tràng.
Có một số nguyên nhân khách quan dẫn đến hẹp môn vị ở trẻ em là do yếu tố di truyền. Tức là, nếu trẻ nhỏ có người thân là bố mẹ, ông bà mắc bệnh hẹp môn vị thì em nhỏ này sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn các em nhỏ khác.
Đa phần, tắc nghẽn môn vị đến từ bệnh dạ dày - tá tràng. Hẹp môn vị có thể do dạ dày hoặc tá tràng bị viêm cấp. Nhưng qua đợt cấp của viêm dạ dày - tá tràng thì môn vị trở về trạng thái ban đầu, ví dụ như viêm dạ dày cấp do rượu, do ngộ độc thực phẩm.
Trước đây, loét tá tràng là nguyên nhân hay gặp (5 - 15%), do ổ loét to, xơ chai gây biến dạng và chít hẹp. Hiện nay, do những hiểu biết mới về cơ chế bệnh sinh và quan điểm điều trị bệnh loét nên hẹp môn vị do loét giảm đáng kể (2 - 5%).
Một số trường hợp do viêm, loét tá tràng, đặc biệt là loét dạ dày - tá tràng, hoặc loét bờ cong nhỏ gần môn vị đã lâu ngày làm cho tổ chức của tá tràng bị xơ hoá, co kéo gây chít hẹp môn vị (loét hành tá tràng xơ chai).
Có những trường hợp hẹp môn vị ác tính gây nguy hiểm rất lớn đến với trẻ nhỏ là ung thư hang - môn vị dạ dày. Tỷ lệ ung thư vùng hang - môn vị hay gặp trong ung thư dạ dày, từ 20 - 60%. Chính các khối u này làm chít hẹp lòng của môn vị kèm theo sự viêm nhiễm làm cho lòng của môn vị bị hẹp lại thức ăn và dịch vị rất khó đi qua hoặc không thể đi qua để xuống ruột.
Ngoài ra, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tắc nghẽn môn vị ở trong dạ dày và ngoài dạ dày:
- Ở trong dạ dày: U lành tính vùng môn vị, thường là polyp môn vị, hang vị tụt xuống gây bịt môn vị; sa tụt niêm mạc dạ dày qua lỗ môn vị; seo cơ hang vị; hẹp phì đại môn vị; hạch trong bệnh Hodgkin; sẹo bỏng dạ dày do uống phải acid, kiềm.
- Ở ngoài dạ dày như: tổ chức tụy vòng lạc chỗ vùng môn vị; u tụy xâm lấn môn vị, tá tràng; viêm dính quanh tá tràng do viêm túi mật, sau phẫu thuật cắt túi mật...
3. Hẹp môn vị có nguy hiểm không?
Hẹp môn vị có thể không gây nguy hiểm với trẻ nhỏ nếu được phát hiện và điều trị kịp thời. Biểu hiện của giai đoạn đầu của hẹp môn vị là đầy hơi, trướng bụng, đau thượng vị nhất là sau khi ăn và nôn ra thức ăn vừa mới ăn
Nếu để bệnh tiến triển nặng hơn sẽ rất nguy hiểm, gây đau đớn cho trẻ do ứ đọng thức ăn và dịch vị dạ dày, đau nhiều khi nằm, ngồi dậy thì đỡ hơn. Người bệnh khi nằm và thay đổi tư thế có thể nghe tiếng róc rách trong bụng, nếu người bệnh nằm ngửa sẽ thấy bụng lép kẹp (bụng lõm lòng thuyền). Người thường gầy, xanh xao, mệt mỏi, thèm ăn nhưng không dám ăn vì ăn vào đau nhiều hơn.
Không ít trường hợp, khi bị hẹp môn vị, người bệnh sẽ nôn ra thức ăn của ngày hôm trước, kèm theo dịch vị có mùi nồng nặc. Nôn nhiều vậy sẽ đi kèm với hiện tượng mất nước và chất điện giải càng làm cho người bệnh mệt mỏi, khó chịu, người gầy, da xanh, mắt trũng, da khô ráp và hay cáu gắt.
Bác sĩ Hương có kinh nghiệm trên 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Nội Tiêu hóa trong đó với với gần 20 năm giữ chức vụ Phó khoa, trưởng khoa Bệnh viện Trung ương Huế. Hiện tại, là Bác sĩ Nội tiêu hóa - Nội soi tiêu hóa - Khoa Nội tổng hợp Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.