Bệnh hẹp mạch vành là một bệnh lý nguy hiểm có tỉ lệ tử vong cao. Để tránh nguy cơ tử vong do hẹp động mạch cần được can thiệp mạch vành sớm. Đặt stent mạch vành là một phương pháp can thiệp mạch giúp cải thiện tình trạng hẹp động mạch vành.
Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ Nội tim mạch - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
1. Bệnh hẹp mạch vành là gì?
Động mạch vành là một hệ thống các động mạch đảm nhận nhiệm vụ cung cấp máu cho cơ tim. Hẹp động mạch vành xuất phát từ hiện tượng tích tụ cholesterol trên thành động mạch, tạo nên mảng xơ vữa và làm giảm lượng máu nuôi dưỡng cho cơ tim.
Bệnh hẹp mạch vành, còn được gọi là bệnh mạch vành, là tình trạng xuất hiện mảng xơ vữa bám bên trong thành động mạch, gây cản trở dòng máu đến tim, đặc biệt là trong một hoặc nhiều nhánh động mạch vành nuôi cơ tim. Bệnh này còn được biết đến với nhiều tên gọi khác như thiếu máu cơ tim, suy vành. Mức độ hẹp mạch vành từ 50% thiết diện lòng mạch trở lên mới được phân loại bệnh động mạch vành do xơ vữa.
Bệnh mạch vành có thể phát triển từ thời kỳ rất trẻ, bắt đầu từ những tổn thương bên trong của mạch máu. Đây là nơi tổn thương tạo điều kiện cho sự tích tụ của cholesterol, canxi, và các chất thải khác trong máu, tạo thành mảng xơ vữa. Theo thời gian, mảng xơ vữa này phát triển dày lên, làm hẹp mạch vành và làm giảm lượng máu đến tim, gây ra những triệu chứng như cơn đau thắt ngực.
2. Nguyên nhân gây bệnh hẹp mạch vành
a. Nguyên nhân chính:
- Do tình trạng tăng cholesterol máu, cholesterol máu tăng sẽ lắng đọng vào thành động mạch vành, cơ thể sẽ có những phản ứng để dọn dẹp các phân tử cholesterol đó trong đó đại thực bào sẽ đến để cô lập các phân tử Cholesterol lắng đọng ở thành động mạch vành. Ngay sau kh thực bào xong phân tử cholesterol lắng đọng, đại thực vào sẽ bị chết và tích tụ dần ở thành động mạch vành. Theo thời gian, sự tích tụ này sẽ dần hình thành các mảng xơ vữa và làm hẹp dần lòng động mạch vành.
b. Các yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc bệnh động mach vành
- Tuổi: Tuổi càng cao nguy cơ mắc bệnh hẹp mạch vành tăng lên.
- Tiền sử gia đình có người bị những tai biến tim mạch khi tuổi còn trẻ (nam < 55 tuổi, nữ <65 tuổi).
- Lối sống ít vận động
- Hút quá nhiều thuốc lá, uống nhiều rượu, bia.
- Bệnh lý toàn thân: Tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì...
3. Triệu chứng của bệnh hẹp mạch vành
Một số tác nhân ảnh hưởng trực tiếp đến hẹp mạch vành là lao động gắng sức, thay đổi thời tiết... bệnh nhân xuất hiện đau ngực sau xương ức, có thể lan lên vai và ngón tay, thời gian nếu là cơn đau thắt ngực ổn định diễn ra trong vài phút, còn cơn đau thắt ngực không ổn định có thể kéo dài trên 30 phút.
Nhồi máu cơ tim xảy ra khi hẹp gần như toàn bộ mạch vành, người bệnh đau ngực dữ dội nếu không được phát hiện và cấp cứu kịp gây nguy cơ tử vong rất cao.
Đau thắt ngực là triệu chứng điển hình nhất của bệnh hẹp mạch vành. Chúng ta có thể lưu ý những đặc điểm sau của một cơn đau thắt ngực điển hình do hẹp mạch vành:
- Tính chất cơn đau: Cảm giác nặng nề, khó chịu, như một trọng lượng đè nặng lên ngực hoặc như bàn tay đang bóp chặt lấy trái tim. Đôi khi có thể xuất hiện cảm giác đau nhói hoặc cảm giác bỏng rát cũng có thể xuất hiện. Cơn đau thường lan rộng ra cổ, hàm, vai và dọc theo cánh tay trái đến ngón út.
- Vị trí đau: Thường tập trung ở trung tâm ngực, phía sau xương ức hoặc có thể hơi nghiêng về bên trái.
- Thời gian đau: Cơn đau có thể kéo dài vài phút, thường xuất hiện sau các hoạt động thể chất, tinh thần hoặc sau bữa ăn quá no (đau thắt ngực ổn định). Hoặc nó có thể xuất hiện đột ngột vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày và kéo dài hàng chục phút (đau thắt ngực không ổn định).
- Các triệu chứng kèm theo: Mệt mỏi, cảm giác chân tay rã rời, khó thở, hụt hơi, đánh trống ngực, vã mồ hôi lạnh, buồn nôn, nôn mửa, choáng váng và chóng mặt có thể xuất hiện kèm theo đau thắt ngực, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh hẹp mạch vành.
4. Vì sao hẹp mạch vành cần can thiệp sớm?
Bệnh hẹp mạch vành thường xuất hiện ở người cao tuổi và là một bệnh rất nguy hiểm có nguy cơ tử vong cao. Do mảng xơ vữa gây hẹp lòng mạch không đủ cung cấp máu cho cơ tim, dẫn đến hoại tử cơ tim và tử vong cho người bệnh
5. Phương pháp điều trị
5.1 Thay đổi lối sống
Một lối sống khoa học có thể ngăn chặn sự tiến triển của bệnh hẹp mạch vành bằng cách thay đổi những thói quen hàng ngày. Dưới đây là những biện pháp chúng ta có thể thực hiện:
- Ngừng hút thuốc lá và tránh xa môi trường có khói thuốc: Hút thuốc lá là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu gây ra bệnh mạch vành. Việc ngừng hút thuốc và tránh môi trường có khói thuốc là quan trọng để bảo vệ sức khỏe tim của bạn.
- Hạn chế uống rượu: Nên giữ cho việc tiêu thụ rượu ở mức vừa phải, không nên vượt quá 1 ly/ngày đối với phụ nữ và 2 ly/ngày đối với nam giới.
- Ăn uống lành mạnh: Giảm thiểu thực phẩm chứa nhiều cholesterol như thịt đỏ, mỡ, và nội tạng động vật. Hạn chế muối và đường trong chế độ ăn hàng ngày và tăng cường ăn rau xanh, trái cây tươi, và các loại hạt ngũ cốc nguyên cám như gạo lứt, đậu chưa tách vỏ, yến mạch.
- Tập thể dục đều đặn: Dành ít nhất 30 phút mỗi ngày cho hoạt động vận động. Bắt đầu với bài tập có cường độ thấp và dần dần tăng cường theo khả năng cá nhân, tránh gắng sức quá mức.
- Điều trị các bệnh kèm theo: Quản lý tốt các bệnh liên quan như tăng huyết áp, mỡ máu cao, và đái tháo đường, vì chúng đều là yếu tố nguy cơ tim mạch cần được kiểm soát.
- Giữ tâm lý thoải mái: Tránh căng thẳng và lo lắng kéo dài. Các hoạt động như yoga, thiền, hít thở sâu, nghe nhạc nhẹ, hoặc xem phim hài có thể giúp bạn thư giãn tâm lý và giữ tâm trạng tích cực.
5.2 Điều trị nội khoa
Các nhóm thuốc quan trọng trong quá trình điều trị bệnh hẹp mạch vành tim bao gồm:
- Thuốc giãn mạch nhóm chẹn beta: Giúp giảm áp lực trong động mạch và làm giảm tốc độ nhịp tim, từ đó giảm đau thắt ngực và hạ áp huyết.
- Thuốc giãn mạch nhóm chẹn kênh canxi: Ảnh hưởng đến lượng canxi đi vào cơ trơn trong động mạch, làm giảm sự co bóp của cơ trơn và mở rộng động mạch, giảm đau thắt ngực và áp huyết.
- Thuốc chống đông máu: Phòng ngừa cục máu đông giúp ngăn chặn nguy cơ nhồi máu cơ tim và tai biến mạch máu não.
- Thuốc hạ mỡ máu: Nhóm statin: Được sử dụng phổ biến để giảm mức cholesterol trong máu, giúp kiểm soát nguy cơ xơ vữa mạch vành tiến triển và giảm khả năng hình thành mảng nhầy.
Các loại thuốc này thường được kết hợp và điều chỉnh theo từng trường hợp cụ thể, nhằm đảm bảo hiệu quả tối ưu trong việc kiểm soát và điều trị bệnh hẹp mạch vành. Quá trình điều trị thường đòi hỏi sự theo dõi chặt chẽ từ bác sĩ để đảm bảo rằng mức độ và loại thuốc đang được sử dụng đáp ứng tốt và an toàn cho tình trạng sức khỏe cụ thể của bệnh nhân.
5.3 Can thiệp phẫu thuật
Đặt stent mạch vành, nong bóng phủ thuốc là những kỹ thuật can thiệp mạch vành qua da thực hiện nhanh chóng, thời gian phục hồi nhanh và giúp cải thiện tình trạng thiếu máu nuôi dưỡng cơ tim.
Trong những trường hợp mắc bệnh hẹp mạch vành trên 70% cần phải can thiệp đặt stent mạch vành sớm tránh nguy cơ nhồi máu cơ tim. Ngoài ra, những trường hợp đau thắt ngực ổn định không khống chế được dù đã điều trị phương pháp nội khoa tối ưu, đau thắt ngực không ổn định... cũng có thể được chỉ định can thiệp mạch
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.